Truyền thông Hồng Kông công bố thông tin cho biết, tỷ lệ người dân ủng hộ Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tiếp tục chạm thêm một mức thấp kỷ lục trong lịch sử, khi tỷ lệ phản đối lên đến 80%.

Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Carrie Lam
Mức độ người dân ủng hộ Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đạt mức kỷ lục mới, thấp nhất trong lịch sử, khi có tới 80% người phản đối. Hình ảnh bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong cuộc họp báo công bố “Luật Cấm che mặt” chiều ngày 4/10. (Ảnh từ cắt từ video)

Ngày 9/4, tờ Apple Daily đưa tin, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 vừa qua, Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông đã tiến hành khảo sát hàng nghìn người dân về việc ủng hộ hay phản đối các quan chức Hồng Kông. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phản đối bà Lam tăng từ 74% lên đến 80%; trong khi tỷ lệ ủng hộ tiếp tục giảm từ 18% xuống còn 15%.

Bài báo nhận định, đây là những con số đánh giá tồi tệ nhất kể từ khi bà Carrie Lam nhậm chức. Không chỉ riêng bà Lam, ba sở trưởng và cục trưởng khác cũng nhận được mức ủng hộ thấp kỷ lục.

Ngày 4/10, bà Carrie Lam đã dẫn dụng Luật Khẩn cấp để ban hành Luật Cấm che mặt. Từ ngày 5/10 đến 7/10, Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông cũng đã lấy ý kiến công chúng về vấn đề này, kết quả cho thấy tỷ lệ phản đối lên đến 68%; 30% còn lại là ủng hộ Chính phủ Hồng Kông.

Ông Chung Đình Điệu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông nhận định, ngay cả khi Chính phủ Hồng Kông ban hành một chính sách mới, sự kỳ vọng và ủng hộ của người dân sẽ tiếp tục giảm xuống; chưa nói đến việc Chính quyền hiện nay còn đưa ra những chính sách không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. 

Lê Ân Hạo, một giảng viên thỉnh giảng của Khoa Quan hệ Chính trị và Quốc tế tại Đại học Hồng Kông cũng nói, cuộc khảo sát này cho thấy hệ thống truy vấn trách nhiệm đã phá sản, chỉ còn lại quyền lực độc đoán. Rõ ràng, cuộc đối thoại của bà Carrie Lam với cộng đồng không thể nào cứu vớt được niềm tin của người dân.

Đêm 4/10, thời điểm khi Chính phủ Hồng Kông ban hành Luật Cấm che mặt, người dân tại 18 quận Hồng Kông đã xuống đường biểu đạt sự bất mãn. Ngày hôm sau (5/10), người dân đã phát động “Ngày toàn dân đeo mặt nạ” nhằm phản đối điều luật tà ác.

Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng cho rằng động thái này không thể giải quyết được sự bất mãn của người biểu tình. Chính phủ Hồng Kông nên tìm một giải pháp chính trị khác để giải quyết các yêu cầu chính của người biểu tình.

Từ sau khi bà Carrie Lam đưa ra dự thảo Luật Dẫn độ, uy tín của bà càng ngày càng xuống thấp.

Hồi tháng 7, Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông đã công bố tỷ lệ ủng hộ bà Carrie Lam giảm từ 26% xuống 21%, trong khi tỷ lệ phản đối tăng từ 66% tăng lên 70%. Thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông đã tiến hành các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên với 1.002 người trong khoảng thời gian từ ngày 17 – 19/7.

Đến tháng 8, Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Hồng Kông thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông cũng công bố kết quả khảo sát qua điện thoại trong tháng 7, cho thấy điểm số đánh giá hiệu suất của bà Carrie Lam và Cục trưởng Cục Tư pháp Trịnh Nhược Hoa đều giảm mạnh so với tháng 6. Trong đó, điểm hiệu suất trung bình của bà Lam là 32,9 điểm, giảm 4,6 điểm so với điểm tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi bà nhậm chức; 67% số người được hỏi chấm cho bà Lam từ 0 đến 49 điểm, có tới 25,5% số đó cho 0 điểm.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 16% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào Chính phủ và 56,3% cho biết họ không hề tín nhiệm Chính phủ do Bắc Kinh chỉ định.

Minh Ngọc

Xem thêm: