Ngày 20/11, dữ liệu tỷ lệ dân số mới sinh của Trung Quốc năm 2020 giảm xuống dưới mức 1% khiến dư luận có nhiều bàn tán. Khủng hoảng dân số đang cận kề, sẽ tác động lớn đến các chính sách kinh tế của chính quyền, cũng ảnh hưởng đến khủng hoảng dưỡng lão.

shutterstock 1250093980
Việc thực hiện chính sách ba con của Trung Quốc không phải biện pháp có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách của nước này. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock).

Ngày 20/11, theo tờ “Báo Quỹ Trung Quốc” đưa tin, tỷ lệ sinh của Trung Quốc thấp kỷ lục, thông tin về tỷ lệ sinh giảm dưới 1% cũng có mặt trong danh sách tìm kiếm nóng trên Weibo. Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Dân số tỉnh Quảng Đông Đổng Ngọc Chỉnh (Dong Yizheng) phân tích, dịch bệnh khiến cho áp lực kinh tế của người dân tăng thêm, cộng với lo sợ về tương lai mù mịt, cũng đã ảnh hưởng đến mong muốn sinh con.

“Thống kê Trung Quốc Niên giám 2021” cho thấy, tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2020 là 8,52‰, lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 10‰ và là mức thấp kỷ lục. Cùng thời kỳ này, tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên của Trung Quốc (tỷ lệ sinh – tỷ lệ tử vong) chỉ là 1,45‰, cũng là mức thấp kỷ lục.

Căn cứ vào niên giám, so sánh năm 2020 với năm 2019, dân số Trung Quốc tăng ròng 2,04 triệu người, trong khi năm 2019 còn tăng lên 4,67 triệu người, năm 2018 tăng 5,3 triệu người.

Chia sẻ với “Tuần báo Tin tức Trung Quốc” tại Đại Lục, ông Lục Kiệt Hoa (Lu Jiehua), Hội trưởng Hiệp hội Nhân khẩu học Trung Quốc, giáo sư Khoa Xã hội học Đại học Bắc Kinh, cho biết số liệu mà “Thống kê Trung Quốc Niên giám 2021” tiết lộ là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1949 đến nay. 

Người dân Trung Quốc liên tiếp biểu thị, việc chính phủ khuyến khích sinh đẻ là nguyện vọng một phía của chính phủ, tỷ lệ sinh có lẽ thấp hơn, và con số chắc chắn không đúng thực tế.

Trước đó, ngày 11/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo Tổng điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7, báo cáo này cũng có nhiều mâu thuẫn và nhiều sơ hở, các số liệu như tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử cũng gây nhiều tranh cãi.

Học giả Trung Quốc định cư tại Mỹ, Dương Phúc Hiền (Yang Fuxian) chia sẻ với truyền truyền thông về nhìn nhận của ông đối với báo cáo chính thức này của Trung Quốc. Ông nói đây là “báo cáo tổng điều tra dân số tồi tệ nhất lịch sử Trung Quốc”, trong đó tồn tại rất nhiều điều không đúng thực tế. 

Phó giáo sư Từ Gia Kiện (Xu Jiajian) thuộc Khoa Kinh tế – Đại học Clemson (Mỹ) chỉ ra, khó có thể hiểu được vì sao chính quyền Trung Quốc có thể công bố bản báo cáo có nhiều sơ hở này, không nghi ngờ gì chính là thừa nhận theo một kiểu khác rằng “hoặc là số liệu hiện nay có vấn đề, hoặc là thống kê trước đó có sai sót”. 

Nhà bình luận thời sự kỳ cựu Lưu Duệ Thiệu cho biết, chính quyền Bắc Kinh “dù là làm con số có tỉ mỉ thế nào” thì cũng đều không thể nào che đậy được khủng hoảng dân số mà xã hội Trung Quốc hiện đối mặt, đặc biệt là vấn đề người cao tuổi hóa và sinh ít con. Điều này đã khiến kết cấu dân số Trung Quốc từ “hạt ô liu” (2 đầu là trẻ em và người cao tuổi thì nhỏ, ở giữa là độ tuổi lao động thì phình to) biến thành “hình tạ tay” (2 đầu to, ở giữa nhỏ). Ngược lại, chính vì cố ý muốn “dễ làm khó bỏ” nên càng che giấu càng lộ ra nhiều vấn đề.

Dữ liệu dân số là căn cứ gốc rễ nhất để đưa ra chính sách kinh tế, số liệu không chân thực khiến tầng quyết sách của Trung Nam Hải càng không có căn cứ để làm theo. 

Bà Trần Phi Niệm (Feinian Chen), nghiên cứu về phát triển dân số thuộc Khoa Xã hội học của Đại học Maryland chỉ ra, nếu tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong tương lai tiếp tục giảm xuống thấp, thì áp lực dân số già hóa sẽ đến bất cứ lúc nào, điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà cũng ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội như chăm sóc dân số già. Dù chính phủ có ý muốn cứu vãn tỷ lệ sinh, nhưng hiện tại không giải quyết được vấn đề.

Đối với chính quyền Bắc Kinh mà nói, các loại khủng hoảng đang dần hiển hiện trong xã hội Trung Quốc. Có 2 khủng hoảng có thể làm lay động đến sức mạnh quốc gia: chính là khủng hoảng về dân số và khủng hoảng dân số già hóa / chăm sóc người già.

Trung Quốc đã tiến vào xã hội già hóa ở mức độ cao, hơn nữa các đặc trưng già hóa còn thể hiện ở quy mô dân số lớn tuổi, tốc độ già hoá tăng nhanh, chênh lệch già hóa ở thành thị và nông thôn thể hiện rõ, v.v.

Ít con và già hóa là xu hướng phát triển quan trọng của xã hội Trung Quốc, sẽ trở thành trạng thái kinh tế cơ bản của Trung Quốc trong một khoảng thời gian tương đối dài.

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục từng trích dẫn số liệu của “Báo cáo tính toán chính xác Quỹ lương hưu Trung Quốc 2019 – 2025” trong bài viết có tiêu đề “Báo cáo Viện Khoa học Xã hội: Quỹ lương hưu có thể sẽ dùng hết vào năm 2035 – Chuyên gia kiến nghị người trẻ tuổi cần sớm lên kế hoạch đầu tư dưỡng lão”. Bài viết nói, trong 30 năm tới, số dư (ở mức dương) hiện tại của quỹ bảo hiểm hưu trí, dành cho nhân viên doanh nghiệp thành thị nông thôn toàn quốc, vẫn miễn cưỡng duy trì vài năm sau đó sẽ bắt đầu giảm mạnh nhanh chóng. Bội chi sẽ ngày càng lớn, số dư tích lũy sẽ cạn kiệt vào năm 2035.

Bài viết nói: “Nếu chiểu theo độ tuổi nghỉ hưu là 60 để tính, đến năm 2035, sớm nhất là nhóm “sinh sau năm 1980” không đạt đến độ tuổi nghỉ hưu. Cũng tức là những người “sinh sau năm 1980” rất có khả năng trở thành thế hệ đầu tiên không được hưởng lương hưu.”

Từ nhiều thông tin có thể thấy, khủng hoảng dân số và khủng hoảng quỹ lương hưu khiến tầng quyết sách của Trung Nam Hải rối loạn.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: