Một gã béo, một đặc vụ của CIA, một “bàn tay hắc ám” và thành viên của “Bè lũ bốn tên” do Mỹ chỉ đạo đang dàn dựng phong trào biểu tình ở Hồng Kông trong nhiều tháng cuối năm 2019. Đó là những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc vu vạ cho ông ấy. Trong tháng 8/2019, Jimmy Lai (Lê Trí Anh), tỷ phú truyền thông Hồng Kông, được các kênh tin tức mị dân của Trung Quốc thăng chức từ nhân vật số ba của Bè lũ bốn tên lên làm “thành viên cao cấp.”

Tỷ phú Jimmy Lai
Tỷ phú Jimmy Lai, ảnh chụp năm 2019 (Ảnh: VOA)

Trung Quốc đã tốn rất nhiều tâm huyết để lăng mạ ông già 71 tuổi này, chỉ vì ông là một doanh nhân nổi tiếng nhưng đã công khai ủng hộ những cuộc biểu tình chống chính phủ, liên tục chỉ trích chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình là một kẻ “độc tài” và từ chối theo chân các ông trùm tư bản khác cúi đầu trước những áp lực của Bắc Kinh.

Chiến dịch phỉ báng không ngừng nghỉ ông Lai của ĐCSTQ còn có một hành vi xấu khác: tên của ông đã bị loại khỏi gia phả của dòng họ đang sống ở miền Nam Trung Quốc.

Những họ hàng của ông ấy, theo thông tin từ tờ Đại Công Võng, một tờ báo do ĐCSTQ kiểm soát ở Hồng Kông vẫn hay châm chọc ông là “Lai béo”, đã xóa tên ông khỏi gia phả gia đình 28 đời, tuyên bố ông là một “kẻ phản bội” tổ tiên và đất nước, từ nay trở đi ông không còn là một thành viên của dòng họ này nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tại nhà khi đang ăn trưa, tỷ phú Jimmy Lai nói rằng những người họ hàng ấy thường xuyên ghé thăm ông và nhiều năm qua vẫn tiêu tiền mà ông gửi về, nhưng “giờ tất nhiên là họ sẽ chối bỏ tôi.”

Chính quyền Trung Quốc, vốn thường lợi dụng sự quan trọng của họ tộc trong văn hóa truyền thống Trung Hoa để làm sức ép đè bẹp các tiếng nói chỉ trích, “rất giỏi việc đe dọa nhân dân,” ông nói.

Jimmy Lai – vị doanh nhân không thích im lặng

Là cổ đông đa số của Tập đoàn Next Media, đơn vị xuất bản tuần san Next, và Nhật báo Apple, một tờ báo nổi tiếng ở Hồng Kông, ông Lai đã cung cấp một nền tảng truyền thông mạnh mẽ với độ bao phủ rộng cho giới trẻ Hồng Kông và những người biểu tình không lãnh đạo. Cả hai đều có những ấn phẩm độc lập xuất bản ở Đài Loan.

Tờ Nhật báo Apple, một thời từng là thứ lá cải, đã phát triển thành một kênh tin tức chính trị-xã hội nghiêm túc với giọng điệu chống chính quyền Hồng Kông – Bắc Kinh, rất cứng đầu và quả quyết. Hàng tuần báo này đều chăm chỉ đăng tải những bài bình luận của ông Lai, cổ vũ những người biểu tình.

Tờ tuần san Next, bắt đầu là một ấn bản tạp chí, nhưng sau này chỉ còn duy trì phiên bản online, không chỉ viết về những người nổi tiếng cùng những câu chuyện ở địa phương, mà còn hào hứng cổ vũ người biểu tình.

>> Triết lý ‘hãy như nước’ của Lý Tiểu Long trong biểu tình Hồng Kông

ĐCSTQ, vốn đang kiểm soát 2 tờ báo đảng ở thành phố này, đã bóp nghẹt doanh thu hai kênh truyền thông của ông Jimmy Lai bằng cách gây sức ép cho các công ty không được đăng quảng cáo trên đó. Không một công ty lớn nào ở thành phố dám chạy quảng cáo trên báo của ông Lai, mặc dù nó là tờ báo bán chạy thứ hai trong thành phố.

Sự tháo chạy của các nhà quảng cáo khiến doanh thu của báo in giảm 44 triệu đôla Mỹ một năm. Tuy vậy, phiên bản số của nó vẫn kiếm được tiền từ người dùng đăng ký và các quảng cáo từ nước ngoài vốn không sợ bị Bắc Kinh trả đũa.

Trong khi tất cả những ông trùm có tiếng ở Hồng Kông đều giữ im lặng về các cuộc biểu tình hoặc đưa ra những thông điệp với ngôn từ khó hiểu kiểu cộng sản về sự cần thiết của “kiên quyết chấm dứt rối loạn,” ông Lai không chỉ ủng hộ người biểu tình mà còn nhập hội với họ. Ông đã diễu hành hôm Chủ Nhật 18/8 tại trung tâm Hồng Kông cùng hơn 1 triệu người khác.

Tỷ phú Jimmy Lai
Ông Jimmy Lai đi biểu tình năm 2013 (Ảnh: VOA)

Chính quyền ghét sự bướng bỉnh của tôi. Họ nói ‘Tại sao ông không để chúng ta bình yên kiếm tiền?’ Họ nghĩ tôi là một kẻ phá đám,” ông nói, “Tôi là một kẻ phá đám, nhưng có lương tâm.”

Ông tiếp tục thu hút nhiều sự tức giận hơn khi hoan nghênh tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà theo ông “là người duy nhất dám cứng rắn với Trung Quốc. Đó là điều duy nhất Trung Quốc hiểu.”

Đây cũng là nhận xét chung của những người Trung Quốc bất đồng chính kiến đang sống tại đại lục. Họ đều cho rằng Trump, mặc dù coi Tập là “người bạn tốt của tôi,”, là lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên hiểu tường tận Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 và khởi đầu cho hàng thập kỷ chính sách mềm mỏng của Mỹ với Trung Quốc sau này.

Tuy vậy, ông Lai vẫn còn quan tâm tới Trung Quốc. Đây là khía cạnh khác biệt của ông Lai với phần lớn những người biểu tình trẻ tuổi ở Hồng Kông, những người thường không muốn dính líu gì tới đất nước đã giành lại quyền kiểm soát thành phố của họ từ tay thực dân Anh năm 1997.

Tôi luôn cảm thấy mình là một người Hoa vì tôi thuộc về thế hệ cũ,” ông nói. Mỗi năm ông đều tham dự lễ thắp nến ngày 4/6 để tưởng niệm vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Hầu hết các nhóm sinh viên ở Hồng Kông đều coi thành phố này là tách biệt với Trung Quốc, nên không tham dự sự kiện này.

Sinh ra tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, ông Lai lên thuyền vượt biên tới Hồng kông khi còn nhỏ. Và cho đến trước khi cuộc Thảm sát Thiên An Môn diễn ra, ông là một hình mẫu thành công điển hình ở thành phố do Anh cai trị. Ông tránh xa chính trị và làm việc chăm chỉ để tiến thân từ những công việc cấp thấp như người đan len hay thư ký cho tới khi trở thành chủ sở hữu chính của Giordano, một chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng.

Vụ thảm sát đẫm máu năm 1989, như ông kể, đã khiến ông bắt đầu nghĩ về chính trị và thôi thúc ông thành lập tạp chí Next vào năm sau đó. Bước đi này nhanh chóng giáng đòn mạnh vào chuỗi cửa hàng thời trang ngay khi ông bắt đầu viết các bài chỉ trích lãnh đạo tại Bắc Kinh, đặc biệt là thủ tướng Trung Quốc khi đó – Lý Bằng, người được biết đến với cái tên “Đồ tể Bắc Kinh” và đã qua đời vào tháng 7/2019 ở tuổi 90.

Tôi đã từng luôn hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi và trở nên dân chủ hơn. Tôi đã sai. Đó chỉ là một mơ ước viển vông,” ông nói.

Để trả đũa, chính quyền Trung Quốc bắt đầu đóng cửa các cửa hàng thời trang hiệu Giordano của ông ở đại lục, thị trường đang phát triển nhanh nhất. Ông nhận ra rằng ông buộc phải bán hết hoặc phải uốn lưỡi của mình. Ông đã chọn bán tất cả mọi thứ trừ mảng truyền thông với giá gần 320 triệu đô.

Trải nghiệm đó đã giúp ông hiểu tại sao nhiều ông trùm đến thế phải nghe lời Bắc Kinh. “Là một doanh nhân, anh không thể chống đối chế độ được,” ông nói.

Làm giàu thời nhiễu nhương

Rất nhiều doanh nhân, theo ông biết, không tin vào những lời phê phán người biểu tình mà chính họ nói ra, nhưng họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải biểu thị sự ủng hộ chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh.

Ông nói, điều này có thể hiểu được, nhưng đó là một sai lầm vì những lãnh đạo Trung Quốc “biết rằng một khi họ dọa được anh, thì họ có thể dọa anh mãi. Một khi họ đã thao túng được anh thì họ sẽ bóp anh mãi.”

Với ông Jimmy Lai, không giống những ông trùm khác, các cuộc biểu tình là một thời cơ kiếm tiền lớn. Nhật báo Apple đã chạy quảng cáo để thu hút những người đăng ký đọc báo trên mạng mới bằng cách hứa hẹn: cứ 3 đôla Hồng Kông (khoảng 10 nghìn VNĐ) trả cho đăng ký, báo sẽ ủng hộ 1 đôla cho phong trào biểu tình.

>> Cổ nhân nhìn người: Cám dỗ về danh lợi cho biết tiết tháo của một người

Ông Lai còn trở thành một “kẻ ác” trong mắt bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc tới mức một tờ báo đã cắt cử một phóng viên ảnh và một quay phim ăn chực nằm chờ trước cổng nhà ông ở Bán đảo Kowloon để quay lại tất cả những vị khách tới thăm – hy vọng tìm thấy chứng cứ thông đồng với tình báo Mỹ.

Một nhóm những “người yêu nước” bí ẩn thường xuyên tụ tập trước nhà ông. Họ cùng đến với nhau trên những chiếc xe màu trắng, vẫy khẩu hiệu và phỉ báng ông Lai, người cha của 6 đứa con, là “chạy theo Mỹ” và “thế lực tài chính hắc ám đứng sau hỗn loạn.” Dẫu vậy, ông chỉ quyên góp tiền ở mức khiêm tốn, còn sự ủng hộ chính đến từ các kênh truyền thông.

Với mưu đồ dùng con cái để gây áp lực, một tờ báo thân Bắc Kinh gần đây đã công bố tên và địa chỉ của một nhà hàng Hồng Kông do con trai ông sở hữu và kêu gọi tẩy chay. Không may cho họ, doanh thu nhà hàng đã tăng đột biến.

Ông Jimmy Lai nói rằng ông từ lâu đã không còn quan tâm đến những lời lăng mạ, mặc dù ông không thích bị làm phiền bởi những giọng ca bò rống chuyên hát quốc ca Trung Quốc trước nhà. Sự khủng bố đã dọa chạy một vài người bạn già, nhưng ông nói, “Nếu anh không chiến đấu, thì anh sẽ sợ hãi. Tôi lúc nào cũng là một chiến binh.”

Bị chụp ảnh bất cứ khi nào ra khỏi nhà và thường bị theo dõi, ông Lai phớt lờ sự quấy rối mà ông đã quá quen thuộc: “Tôi không đi ra ngoài nhiều nữa.”

>> Lê Trí Anh: Truyền thông phải cố gắng tiếp tục, dũng cảm đối diện áp bức

Theo MSN/NYT
Hạ Chi biên dịch