Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang nhấn mạnh về việc tăng cường hợp tác sáng kiến “Một vành đai, một con đường” giữa Trung Quốc và Châu Phi tại hội nghị G20, truyền thông Mỹ tiết lộ rằng Tanzania đã dừng một dự án xây dựng cảng trị giá 10 tỷ đô la Mỹ vì những điều kiện Trung Quốc đặt ra quá khắc nghiệt. Một số kênh truyền thông Anh nhận định, sự mắc kẹt của dự án này là cú đánh lớn nhất vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh trong tham vọng ở châu Phi.

Embed from Getty Images

Tổng thống mới được bầu của Cộng hòa Tanzania, John Magufuli, phát biểu tại lễ tuyên thệ ngày 5 tháng 11 năm 2015. (Ảnh: Getty Images)

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, dự án cảng xây dựng tại Bagamoyo, vừa bị Tổng thống Tanzania đình chỉ, vốn do Công ty China Merchants Holding International đầu tư và quản lý. “Họ đặt ra những điều kiện khắc nghiệt mà chỉ những kẻ điên mới có thể chấp nhận.” Tổng thống John Magufuli tuyên bố thẳng thừng rằng các điều khoản mà Trung Quốc đặt ra cho dự án này là “bóc lột và đáng xấu hổ”.

Nếu được xây dựng, đây sẽ là cảng lớn nhất ở Đông Phi, vượt qua cảng Mombasa ở nước láng giềng Kenya. Kế hoạch xây dựng cảng này còn bao gồm một khu công nghiệp, với các tuyến đường sắt và đường bộ dẫn đến một khu vực khai thác dầu khí, trong mục tiêu thiết lập một đặc khu kinh tế Thâm Quyến khác.

Tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký một bản ghi nhớ hợp tác xây dựng dự án cảng Bagamoyo khi ông đến thăm Tanzania và Tổng thống Tanzania lúc đó là ông Jakaya Kikwete. Năm 2015, lễ khởi công dự án được tổ chức tại Tanzania. Ngày 29/10 cùng năm, ông John Magufuli được bầu làm Tổng thống mới của Tanzania.

Tổng thống John Magufuli cho biết, chính phủ Tanzania trước đây đã hứa với Trung Quốc cho họ bảo lãnh 33 năm và hợp đồng thuê cảng Bagamoyo 99 năm. Sau khi cảng đi vào hoạt động, chính phủ Tanzania không còn có thể xây dựng các cảng khác từ Tanga đến Mtwara ở phía Nam. “Trung Quốc muốn lấy đất của chúng tôi làm của riêng họ trong khi chúng tôi phải trả tiền cho họ để xây dựng cảng đó,” ông nhấn mạnh.

Ông còn nói: “Trên thực tế, các nhà đầu tư muốn hạn chế chúng tôi phát triển cảng Tanga, trong khi cảng Tanga đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các đường ống dẫn dầu từ Uganda đến những nơi khác như Mtwara và Kilwa.”

Ngoài ra, Tổng thống John Magufuli cũng chỉ ra rằng dự án có liên quan đến tham nhũng. Người dân Bagamoyo không được lợi ích gì từ khoản bồi thường 50 triệu đô la do chính phủ Tanzania cung cấp cho việc di dời cảng mới, thay vào đó khoản tiền này lại “vào túi một nhóm lợi ích nhỏ ở Dar es Salaam.”

Tờ Nhật báo Công dân của Tanzania đưa tin, ông Deusdedit Kakoko, Giám đốc Cảng vụ Tanzania, cũng chỉ ra trong một cuộc họp ngắn vào giữa tháng 6 rằng trong dự án cảng Bagamoyo, phía Trung Quốc cũng yêu cầu chính phủ Tanzania bảo lãnh dự án. Điều này có nghĩa là chính phủ Tanzania phải bồi thường cho bất kỳ tổn thất nào trong thời gian thực hiện, còn phải miễn giảm một loạt các khoản thuế, bao gồm thuế đất, thuế bồi thường lao động, thuế phát triển kỹ năng, thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng. Trung Quốc còn yêu cầu tiến hành kế toán thuế và kiểm toán ở Trung Quốc.

Tạp chí Mỹ Engineering News-Record (ENR) dẫn lời cựu chuyên gia giao thông Anil Bhandari của Ngân hàng Thế giới rằng, kết cấu của của dự án cảng Bagamoyo không bền vững theo cấu trúc hiện tại. Ông Bhandari nói: “Cảng Bagamoyo quá lớn so với Tanzania và quá gần Dar es Salaam.”

Telegraph đưa tin hôm 27/6 rằng, quyết định của Tổng thống Tanzania về việc dừng dự án Cảng mới Bargaino là cú đánh lớn nhất đối với tham vọng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc ở Châu Phi. Đồng thời, số lượng các quốc gia phản đối sáng kiến này cũng càng lúc càng nhiều hơn khi nó trở thành “bẫy nợ” với các quốc gia đang phát triển.

Mùa hè năm 2018, ông Mahathir, Thủ tướng mới đắc cử của Malaysia, cũng đã dừng một dự án quy mô lớn Xây dựng đường ống dẫn dầu và dự án đường sắt nối hai bờ biển phía Đông trong hợp tác “Một vành đai, một con đường” giữa cựu thủ tướng Malaysia và phía chính phủ Trung Quốc, vì lý do dự án quá tốn kém, còn liên quan đến vấn đề tham nhũng. 

Sau khi nối lại đàm phán lại với Trung Quốc, Malaysia đã tuyên bố vào hôm 6/4 vừa qua rằng, hai quốc gia sẽ ký một thỏa thuận mới về dự án Đường sắt Bờ Đông (ECRL). Theo thỏa thuận mới, chi phí của dự án sẽ giảm từ 65,5 tỷ ringgit ( khoảng 16  tỷ USD) xuống 44 tỷ ringgit ( khoảng 10,7 tỷ USD), đồng thời điều chỉnh quy hoạch tuyến đường.

Tại châu Phi, nhiều dự án khác cũng đã được xem xét kỹ lưỡng, trong đó có dự án xây dựng đường sắt lớn ở Ethiopia và Kenya. Mới đây nhất, ngày 27/6, tòa án ở Kenya cũng đã quyết định tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy điện than trị giá 2 tỷ USD của Trung Quốc gần thị trấn đảo Lamu, vì lý do cơ quan chính phủ đã phê duyệt dự án mà không thực hiện đánh giá rủi ro môi trường đầy đủ.

Minh Ngọc

Xem thêm: