Vào ngày 15/9/2018, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc lần đầu đưa tin về việc khách sạn Thụy Điển trục xuất du khách Trung Quốc. Câu chuyện là có ba du khách Trung Quốc  đến Thụy Điển du lịch, họ muốn trú lại ở một khách sạn nhưng bị từ chối, nhưng họ kiên quyết đòi khách sạn bố trí chỗ ở lại khiến khách sạn phải báo cảnh sát để cưỡng chế họ ra ngoài. Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuộc can thiệp lấy lý do “vi phạm nhân quyền” đề nghị phía Thụy Điển phải bồi thường, xin lỗi. Tuy nhiên, sau khi điều tra, phía Thụy Điển cho biết cảnh sát liên quan không có lỗi trong vụ việc này.

quan chuc ngoai giao tq
Ảnh chụp ông Quế Tùng Hữu (Gui Congyou) (phải), khi đó là Vụ phó Vụ Âu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2012 (Hình ảnh từ internet)

Nhà ngoại giao Trung Quốc như Hồng vệ binh

Cùng với vụ việc trên, thân phận ông Tằng (Zeng) một trong những nhân vật liên quan, đã gây chú ý. Ông Tằng này chính là giám đốc Tằng Ký (Zeng Ji) của một chi nhánh công ty Quốc tế Tasly ở Thiên Tân, kẻ bị nhiều người rủa là “nhân cách tệ hại cùng cực”, đã bị nhiều nạn nhân sử dụng sản phẩm của công ty ông ta khiếu kiện. Theo phân tích, ông Tằng đã khai gian dối trong một số tình tiết làm giới truyền thông đưa tin không chính xác.

Sau bùng nổ thông tin vụ việc khách du lịch Trung Quốc tại Thụy Điển, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã có phản ứng mạnh hiếm thấy qua việc Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển là Quế Tùng Hữu liên tục lên tiếng trên truyền thông. Trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông địa phương, ông ta lên án cảnh sát Thụy Điển là “thô bạo ném du khách vô tội tay không tấc sắt vào vùng nghĩa trang hoang dã, quá khủng khiếp!”

Điểm đáng chú ý nhất của toàn bộ sự kiện du khách Trung Quốc tại Thụy Điển là gì? Nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) chia sẻ với VOA Mỹ rằng, đáng ngại nhất là thách thức của vấn đề “người Trung Quốc trỗi dậy”. Khi chúng ta xem video có thể thấy mánh khóe khôn lỏi: có người nằm xuống, quỳ xuống, ngồi xuống, lăn lộn khóc lóc. Dưới chế độ độc tài một Đảng, văn hóa thủ đoạn khôn lỏi của người Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm. Văn hóa khôn lỏi này là một phần của văn hóa Đảng, loại văn hóa này không chỉ phổ biến ở trong nước Trung Quốc mà giờ đây họ còn mang theo khi ra nước ngoài. Còn giới chức Trung Quốc thì đưa cả chuyện xung đột dân sự lên cấp độ ngoại giao, biến nó trở thành một vấn đề ngoại giao quốc gia. Có thể thấy thủ đoạn xảo quyệt không chỉ trong dân chúng mà nghiêm trọng hơn là ở bình diện giới quyền quý quan chức cấp cao nhà nước. Nhưng ở bình diện ngoại giao quốc gia thì điều này lại ảnh hưởng đến quốc thể.

Vào ngày 21/9 Đài RFA dẫn quan điểm của ông Giả (Jia) từ Quảng Đông nhận định rằng, chiến dịch tuyền truyền của Bắc Kinh trong vụ việc này chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “thổi phồng”.

Ngô Cường (Wu Qiang), cựu giảng viên khoa học chính trị Đại học Thanh Hoa ví sự kiện là “mánh tuyên truyền ngoại giao”, Ngô Cường cho biết: “Có vẻ như Quế Tùng Hữu, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, muốn tận dụng cuộc xung đột dân sự nhỏ này làm ‘mánh tuyên truyền ngoại giao’, để nhận được sự chú ý của giới truyền thông Thụy Điển, đánh bóng hình ảnh cá nhân của ông ta trong lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh biểu hiện của nhà ngoại giao Trung Quốc này không khác gì “Hồng vệ binh”, ngoài ra còn mục đích khác nữa của ông ta là nhằm thể hiện lòng trung thành với Đảng.

Ngô Cường: “Quan chức ngoại giao thuộc cơ quan Chính phủ, là bộ phận tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin bảo thủ nhất. Về mặt kỷ luật họ phải hành động phù hợp với kỷ luật Đảng một cách nghiêm ngặt, từ suy nghĩ đến hành động đều phải đặc biệt trung thành, rất bảo thủ, rất cứng nhắc.”

Đối với dư luận thì Ngô Cường không ngạc nhiên. Ông nói rằng thông qua chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, người dân Trung Quốc đã nhận ra rằng họ nên tỉnh táo hơn để không bị nhà cầm quyền rêu rao chủ nghĩa dân tộc nhằm kích động và lợi dụng họ.

du khach tq an va tai thuy dien
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối cảnh sát Thụy Điển đối xử thô lỗ với công dân Trung Quốc, nhưng đông đảo người dân Trung Quốc lại cho rằng bên đáng lên án là du khách Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình video)

Tràn lan “Hồng vệ binh” trong bộ máy ngoại giao

Trong chế độ cộng sản, nếu trí thức Trung Quốc thiếu tinh thần độc lập sẽ dễ bị văn hóa Đảng đầu độc, dễ trở thành những kẻ khôn lỏi, ngay các nhà ngoại giao đại diện cho hình ảnh của đất nước cũng trở nên ứng xử thô lỗ, làm trò cười trước quốc tế.

Tương tự như chuyện Đại sứ Thụy Điển Quế Tùng Hữu lần này, trước đây cựu Ngoại trưởng Lý Triệu Tinh cũng từng để lại ấn tượng không tốt với cộng đồng quốc tế do cách ứng xử, cũng bị các phương tiện truyền thông Mỹ ví là “Đại sứ Hồng vệ binh”.

Theo hồi ký của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney tiết lộ, vào mùa xuân năm 2002, khi ông mời ông Phó chủ tịch nước Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ, Cheney hy vọng được trò chuyện riêng để hiểu những suy nghĩ thực sự của Hồ Cẩm Đào. Sau bữa ăn trưa, Cheney mời một mình Hồ Cẩm Đào vào thư phòng. Nhưng không ngờ người đi cùng chuyến thăm khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Lý Triệu Tinh vì muốn theo dõi Hồ Cẩm Đào nên đi theo và ngồi ngay giữa Cheney và Hồ Cẩm Đào. Sự kiện này khiến ông Hồ Cẩm Đào tức giận (vốn dĩ Lý Triệu Tinh là người trong phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân).

lý triệu tinh
Lý Triệu Tinh (Ảnh: Sina)

Trường hợp tương tự đáng kể là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ngày 01/6/2016, trong một buổi họp báo ở Canada, ông Vương Nghị đã phát ngôn không đúng mực khi trả lời một phóng viên, khi nữ phóng viên Canada đặt câu hỏi về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đã bị Vương Nghị nặng lời chỉ trích rằng ý thức của nữ phóng viên này đối với Trung Quốc đầy thành kiến ​​và kiêu ngạo, thậm chí còn cho rằng nữ phóng viên này không có quyền lên tiếng về các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

Thái độ đáng thất vọng của Vương Nghị đã làm giới truyền thông chính thống phương Tây vốn đặc biệt chú ý đến các vấn đề nhân quyền cảm thấy… choáng váng.

Có thể nói, thái độ quá thô lỗ trong ứng xử của giới ngoại giao Trung Quốc đã tạo hình ảnh xấu xí của Trung Quốc.

Trang báo mạng ZAKZAK của Nhật Bản cũng công bố một bài viết chỉ ra, ngoài câu chuyện phẫn nộ với nữ phóng viên Canada khi bị hỏi vấn đề nhân quyền, hồi tháng Tư cùng năm ông Vương Nghị cũng có thái độ tệ hại tương tự đối với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio khi tới thăm Trung Quốc. Là người đứng đầu bộ ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đã gây thù oán khắp nơi.

vuong nghi 1 1
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Getty Images)

Thực trạng hỗn loạn của giới ngoại giao Trung Quốc

Tạp chí Tiền Tiêu của Hồng Kông số tháng Tư năm nay đã có bài viết chỉ ra rằng, từ trong quá khứ khoảng 10 năm trước, hiện tượng các quan chức ngoại giao trong hệ thống trụ sở ngoại giao, đại sứ quán và lãnh sự quán vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm luật pháp địa phương tăng dần qua các năm: năm 2005 là 95 trường hợp, năm 2006 là 128 trường hợp, năm 2007 hơn 150 trường hợp, và năm 2007 khoảng 250 trường hợp, trong đó một nửa số vụ liên quan vấn đề phẩm chất đạo đức và quan hệ ngoài hôn nhân, tiếp theo là vi phạm kỷ luật ngoại giao.

Bài viết đề cập rằng những năm gần đây ngày càng phổ biến tình trạng các quan chức ngoại giao Trung Quốc lợi dụng túi bưu kiện ngoại giao để buôn lậu, lợi dụng đặc quyền ngoại giao được miễn thuế, hành vi biển thủ hoặc tham ô công quỹ để làm kinh doanh tại nước sở tại đã gây ảnh hưởng rất xấu; ngoài ra nhiều kẻ âm thầm xin nhập quốc tịch nước sở tại, hoặc xin được quy chế thường trú, tình trạng lối sống tùy tiện, tư cách bệ rạc, cũng như mang theo các tài liệu mật để trốn ra nước ngoài, bị mua chuộc làm gián điệp khá nhiều.

Bài viết cáo buộc rằng các quan hệ nhân sự trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc vô cùng phức tạp, giới lãnh đạo kéo kết bè phái ám hại nhau tranh giành quyền lực và lợi lộc. Trong đó có các phái mạnh bao gồm Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Viện ngoại ngữ Thứ hai Bắc Kinh, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Học viện Ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán; còn các phe phái nhỏ thì vô số kể. Giữa các phe phái đấu nhau tranh giành rất nham hiểm. Những thông tin chỉ ra rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hiện là nhân vật đứng đầu phe Viện ngoại ngữ Thứ hai Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, một số lượng lớn cháu chắt các cố và cựu lãnh đạo tràn ngập hệ thống Bộ Ngoại giao, chúng dựa vào quyền lực có được từ thế hệ cha chú nên ứng xử bạo ngược, không ai dám khuyên can, họ không sống theo chuẩn mực nào ngoài tiền bạc và quyền lực. Bản thân họ được cử đến Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, còn quan chức ngoại giao xuất thân dân thường bị đẩy vào khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin; quan chức ngoại giao cấp thấp muốn thăng tiến cũng phải nịnh hót chúng. Các quan chức ai nấy đều tìm cách xây dựng tay chân vây cánh khiến mối quan hệ nhân sự trong Bộ Ngoại giao ngày càng phức tạp hơn.

Vào cuối tháng 10/2015, chồng của một nữ nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Philippines (là công chức lãnh sự đã nghỉ hưu) đã bắn chết phó lãnh sự và một chuyên viên cao cấp. Trong vụ nổ súng, Tổng lãnh sự Tống Vĩnh Hoa (Song Ronghua) đã bị thương.

Trong vụ nổ súng trả đũa này, lập luận phổ biến cho rằng nguyên nhân của vụ việc là do cặp vợ chồng này tham ô công quỹ lãnh sự, vụ việc đã được phát hiện từ hai năm trước nhưng không xử lý, khi Tống Vĩnh Hoa đến nhậm chức đã điều tra khiến họ tức giận và liều mạng trả thù.

Thời điểm đó tờ SCMP Hồng Kông đưa tin, các cơ quan nước ngoài của nhà nước Trung Quốc (bao gồm Đại sứ quán và Lãnh sự quán và các công ty do nhà nước Trung Quốc tài trợ) thường trở thành nơi trú ẩn cho các quan chức tham nhũng. Tình trạng tệ hại của các cơ quan thuộc nhà nước Trung Quốc tại nước ngoài có liên quan chặt chẽ với tệ nạn quan trường ở Trung Quốc đại lục.

Lý Văn Long

Xem thêm: