Tờ WSJ (Wall Street Journal) ngày 16/12 chỉ ra, vấn đề lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhúng tay vào mọi chuyện bất kể lớn nhỏ, thường khiến thuộc cấp hoang mang vì những chỉ đạo bất ngờ. Có quan điểm cho rằng ông Tập phải làm vậy là chuyện bất đắc dĩ vì rất mệt mỏi, nguyên nhân chính được cho là do rút ra bài học từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

shutterstock 132906761 1
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Kaliva/ Shutterstock)

Nhúng tay vào mọi chuyện bất kể lớn nhỏ

Tờ Wall Street Journal ngày 16/12 tiết lộ rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thâu tóm chỉ đạo mọi vấn đề và quản lý quá chi tiết khiến bộ máy hành chính bị động, nhiều khi chỉ đạo bất ngờ gây tình trạng hỗn loạn trong khi cấp dưới chỉ có thể thừa hành mà không thể ý kiến.

Ví dụ gần đây, ông Tập ra lệnh chấn chỉnh lĩnh vực giáo dục – đào tạo của tư nhân, theo đó các quan chức của Bộ Giáo dục đã soạn thảo kế hoạch áp đặt những hạn chế mới đối với việc dạy thêm ngoại khóa, bao gồm cả học sinh cấp học dưới trung học cơ sở. Nhưng sau đó ông Tập cho rằng phạm vi còn quá hẹp nên Bộ Giáo dục đã mở rộng phạm vi hạn chế lên cấp trung học và yêu cầu tất cả các công ty giáo dục và đào tạo tư nhân phải chuyển đổi thành các tổ chức phi lợi nhuận. Kết quả quy định cực đoan này đã kích hoạt một cuộc bán tháo cổ phiếu của các công ty liên quan trong cơn hoảng loạn. Các công ty giáo dục và đào tạo cũng đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên, bao gồm cả giáo viên.

Thông tin dẫn lời một quan chức ĐCSTQ nói: “Khi lòng trung thành trở thành tiêu chí chính để đo lường cán bộ thì không ai dám lên tiếng, ngay cả khi những chỉ dẫn của ông Tập Cận Bình rất mơ hồ khiến mọi người bối rối.”

Người am hiểu nội tình này cho hay, bất kỳ hình thức trừng phạt nào đối với các quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên đều cần phải có chữ ký của ông Tập, chứ không phải bộ phận kỷ luật cao nhất. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, số quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên bị trừng phạt là hơn 200; để đảm bảo quan chức do ông bổ nhiệm tuân thủ quy định, vào năm 2018, ông Tập đã đưa ra một bộ đánh giá cán bộ, theo đó đặt lòng trung thành và sự tuân thủ làm tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Xưa nay, vấn đề kinh tế luôn là trách nhiệm của Thủ tướng, nhưng bây giờ ông Tập cũng thường xuyên can thiệp: đích thân quyết định điều tra một số lãnh đạo doanh nghiệp, chẳng hạn như trường hợp của người sáng lập Tập đoàn bảo hiểm Anbang là Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui); đích thân dừng IPO Ant Group của Mã Vân (Jack Ma); đích thân thông qua thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) – giám đốc tài chính của Huawei; thậm chí còn đưa ra hướng dẫn về việc cải thiện nhà vệ sinh công cộng…

Tờ WSJ chỉ ra dường như bản thân ông Tập cũng cảm thấy mệt mỏi với việc điều hành đất nước kiểu trực tiếp cai quản mọi thứ như vậy, nhưng ông Tập chê trách nhiều quan chức không có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp. Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ một số nội dung trong bài phát biểu của ông Tập vào tháng Giêng năm nay tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Theo đó, ông Tập phê bình cán bộ thụ động, chỉ chờ lệnh trung ương, không chỉ đạo thì không làm được gì. Ông Tập nói, “Tôi đưa ra chỉ thị để giữ tuyến phòng thủ cuối cùng, chẳng lẽ tôi không chỉ thị thì ngừng làm việc sao?”

Trở thành “chủ tịch toàn diện” là… bất đắc dĩ!

Kể từ sau Đại hội 18 của ĐCSTQ, có thể thấy thái độ nhúng tay trong mọi việc của ông Tập Cận Bình qua tình trạng “lạm phát chức danh”; ông Tập không chỉ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quân đội mà còn là kiêm nhiệm đứng đầu nhiều tổ chỉ đạo, ví dụ như: Chủ tịch Ban An ninh Quốc gia, Trưởng Ban Cải cách Chuyên sâu Toàn diện Trung ương, Trưởng Ban Cải cách Sâu Quốc phòng và Quân đội của Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Thông tin hóa và An ninh mạng, Trưởng Ban Công tác đối ngoại và An ninh Quốc gia, Trưởng Ban Công tác vấn đề Đài Loan, Trưởng Ban Tài chính – Kinh tế Trung ương…

Một bài báo phân tích trên tờ The Economist của Anh đã trực tiếp tuyên bố rằng ông Tập Cận Bình hiện là “Chủ tịch của mọi thứ” (Chairman of Everything), chỉ ra ông Tập giành được nhiều loại tước hiệu cho bản thân bằng tốc độ đáng kinh ngạc.

Ông Khâu Tường Trung (Qiu Xiangzhong), cựu Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Hồng Kông (Hong Kong Economic Journal) và là cựu nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Columbia ở New York, phân tích rằng ông Tập Cận Bình kiêm nhiệm tất cả các chức danh và dường như lạm quyền độc tài là do nghĩ đến tình cảnh trước đây của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào ở thực trạng “chính lệnh không rời Trung Nam Hải”.

Trên trang BBC tiếng Trung, tiến sĩ xã hội học Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) từ Đại học Princeton (Mỹ) từng phân tích rằng việc ông Tập Cận Bình đảm đương nhiều vị trí như vậy là rất mệt, là bất đắc dĩ phải làm như vậy. Ông Tập không có được đội ngũ thân tín hùng mạnh và đáng tin, các thành viên khác của Thường vụ Bộ Chính trị là không đáng tin cậy, vì vậy không đích thân phụ trách thì sợ rối loạn.

Đài RFI (Pháp) dẫn lời nhà quan sát phân tích rằng sau khi bản thân ông Tập là lãnh đạo của hầu hết các nhóm lãnh đạo quan trọng thì những quan chức khác mà có chủ động làm gì đó đều có thể bị quy kết là không trung thành, trong khi “trung thành” lại là thước đo nghiêm trọng nhất và đáng sợ nhất để đánh giá cán bộ.

Miêu Vi, Vision Times

Xem thêm: