Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới từng áp dụng chính sách “số ca nhiễm về 0” đã mở cửa trở lại, bao gồm New Zealand, Úc và cả Việt Nam, duy chỉ còn mỗi Trung Quốc vẫn nỗ lực “xóa tận gốc virus” và trở thành dị loại trên trường quốc tế.

id13141341 0d52b70d59e4f26983f10caea4e1cf69 600x400 1
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (Nguồn: Chụp màn hình Weibo)

Hôm 30/10, người phát ngôn báo chí của Ủy ban Y tế Sức khỏe quốc gia Trung Quốc Mễ Phong đã nói trong cuộc họp báo rằng: “Các nơi cần kiên trì không lay động đối với chiến lược phòng và kiểm soát dịch bệnh ‘bên ngoài thì phòng ngừa đưa dịch vào, bên trong thì phòng ngừa dịch quay trở lại’, biện pháp phòng chống dịch hiện tại không nới lỏng.”

Chính sách này sở dĩ có thể thực thi tại Trung Quốc trong thời gian dài là vì đặc điểm chính trị độc tài cho phép chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành các đợt phong tỏa và xét nghiệm với quy mô lớn, áp dụng các biện pháp phòng dịch triệt để cực đoan: Động một chút là phong tỏa tiểu khu, phong tỏa tòa nhà, phong đường phố, ngừng kinh doanh sản xuất, một người nhiễm thì cả thành phố phải tiến hành xét nghiệm axit nucleic nhiều lần…, nhưng vẫn không thể chặn được dịch bệnh lây lan.

Nguyên nhân áp dụng chính sách ‘ca nhiễm về 0” này có thể được cân nhắc từ các yếu tố như: Ngành xuất khẩu có tác dụng rất lớn trong việc duy trì phát triển nền kinh tế Trung Quốc, nếu lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì hiệu quả sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng theo; Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sẽ diễn ra trong chưa đầy 3 tháng nữa (2/2022); Lãnh đạo nhà nước Trung Quốc cho rằng thành công trong phương diện chống dịch chứng minh tính ưu việt của mô thức quản trị, số ca nhiễm thấp trở thành nguồn cảm hứng tự hào của dân tộc…

Bà Vương Tuệ Linh (Lynette Ong), học giả chính trị học của Đại học Toronto (Canada) nói rằng: “Chính quyền này cho rằng họ cần duy trì chính sách “làm sạch ca nhiễm về 0” để duy trì tính hợp pháp của họ. Tuy nhiên, cái giá của việc thực thi chính sách thế này là to lớn.”

Ban đầu, ĐCSTQ đã cố gắng che đậy việc dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, đe dọa những “những người thổi còi”, dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng. Trên mạng xã hội Trung Quốc, lúc nào cũng thấy cảnh tượng bệnh viện quá tải và người bệnh lẫn người thân của họ cầu xin sự giúp đỡ. ĐCSTQ toàn quyền thực thi các chính sách phòng dịch cực đoan, gây ra nhiều thảm họa nhân đạo, hứng chịu chỉ trích không ngớt cả trong và ngoài nước.

1 58
Ngày 9/10/2021, cư dân tại một số khu vực của Cáp Nhĩ Tân đã đập nồi và la hét phản đối việc ĐCSTQ khoá cửa phòng dịch. Bức ảnh cho thấy các kiểu phong toả và khóa cửa, trong đợt dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh: Weibo)

Tuy nhiên, cùng với việc dịch bệnh hoành hành khắp nơi trên thế giới, câu chuyện này đã bước sang một trang mới. Sự phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm quy mô lớn của Trung Quốc – từng có thời điểm bị phê phán là cách làm thô bạo – đã trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác. Cùng với số ca tử vong ở các nước dân chủ phương Tây liên tục tăng, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh Trung Quốc nhanh chóng giảm thiểu các ca bệnh như thế nào.

Mặc dù việc xử lý dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc đối với dịch bệnh tại Vũ Hán thời kỳ đầu khiến nhiều người tức giận, nhưng thỉnh thoảng lại cho thấy chủ nghĩa dân tộc kịch liệt và sắc bén đã chiếm thế thượng phong. Thế là những quốc gia khác cũng học theo, áp dụng chính sách “ca nhiễm về 0” được coi là kiểu mẫu của quản trị có năng lực, đặt việc phòng dịch lên trên điều kiện tiện lợi, nhân quyền và sự tăng trưởng kinh tế.

Sang năm thứ 2 của dịch bệnh, sự xuất hiện của biến chủng Delta với đặc tính truyền nhiễm mạnh hơn khiến các nước bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược phòng dịch của họ. Úc là quốc gia có thời gian phong tỏa dài nhất trên thế giới, nhưng hiện tại họ đang hủy bỏ yêu cầu cách ly đối với cư dân đã tiêm vắc-xin từ nước ngoài trở về. New Zealand trong tháng này cũng chính thức từ bỏ theo đuổi “không ca nhiễm”. Singapore không cách ly đi lại đối với người đã tiêm vắc-xin đến từ Đức, Mỹ, Pháp và một vài quốc gia khác. Việt Nam cũng đã mở cửa trở lại và Tp. Hồ Chính Minh, nơi có dịch bệnh nặng nhất tại quốc gia này, cũng đã từ bỏ chính sách theo đuổi ‘ca nhiễm về 0” thiếu hiện thực, và đang khôi phục dần sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối thay đổi và vẫn kiên định với chính sách này. Mùa hè năm nay, khi chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải, ông Trương Văn Hồng kiến nghị Trung Quốc học cách “tồn tại cùng virus”, ông đã bị tấn công một cách ác ý và bị gán nhãn “tay sai nước ngoài”. 

Quan điểm “cùng tồn tại với virus” của ông Trương Văn Hồng được đưa ra vào sáng sớm ngày 29/7. Ông đăng trên Weibo: “Ngày càng có nhiều người tin rằng dịch bệnh sẽ không kết thúc trong thời gian ngắn và có thể không kết thúc trong một thời gian dài. Hiện tại, đại đa số các nhà virus học đều cho rằng đây là virus thường trú, thế giới cần học cách cùng sống chung với con virus này.”

Van hong
Ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) – Chủ nhiệm Khoa Bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán (Ảnh: chụp màn hình video)

Bài viết nặng ký đầu tiên mà ĐCSTQ chính thức chỉ trích quan điểm “tồn tại cùng virus” của ông Trương Văn Hồng là một bài báo có tựa đề “Liệu có khả thi để ‘cùng tồn tại cùng virus’?” của tác giả Cao Cường – Cố vấn Hiệp hội Y tế kinh tế của ĐCSTQ, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, xuất bản vào ngày 5/8. Bài báo đã được xuất bản trên “Thời báo Sức khỏe” thuộc tờ “Nhân dân Nhật báo”.

Điểm cốt lõi của bài viết này là: Con người và virus có mối quan hệ “một sống một còn”. Tác giả chỉ ra, chiến lược chống dịch của ĐCSTQ là song song kiểm soát dịch bệnh và tiêm chủng trên diện rộng, không lấy miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin để thay thế việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và “càng không phải là ‘chung sống với virus’”. Bài viết nói, “cho dù virus mạnh đến đâu thì cũng có thể chiến thắng”; việc tồn tại cùng virus là “không có cách nào khả thi”.

Ngày 9/8, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài viết của của Giáo sư Trương Di Vũ (Zhang Yiwu) thuộc Khoa Trung văn – Đại học Bắc Kinh. Ông tuyên bố rằng ĐCSTQ phải kiên trì ngăn chặn nghiêm ngặt việc nhập khẩu virus từ nước ngoài, cắt đứt chuỗi lây nhiễm virus, và “không để bị trúng ‘liên hoàn kế’ của phương Tây” (một là yêu cầu Trung Quốc mở cửa; hai là truy tìm nguồn gốc virus và quy trách nhiệm cho ĐCSTQ).

Giáo sư Vương Tuệ Linh nói rằng Chính phủ Trung Quốc sợ tuyên bố “chiến thắng đại dịch” của họ vấp phải bất kỳ thách thức nào. Bà nói: “Dịch bệnh bùng phát đã trở nên phổ biến thế này, thậm chí nó không được coi là vấn đề. Nhưng chính quyền Trung Quốc hy vọng kiểm soát tất cả những nguồn bất ổn tiềm ẩn nhỏ bé.”

Việc Trung Quốc không muốn từ bỏ chính sách ‘zero COVID’ còn có một vài nguyên nhân từ thực tế:

Nguồn điều trị y tế của Trung Quốc tập trung ở các thành phố lớn, những vùng xa xôi có khả năng nhanh chóng quá tải vì số ca nhiễm tăng nhanh; Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện tiêm chủng toàn diện với tỷ lệ tương đối cao, đạt đến 75% tổng dân số, nhưng tính hiệu quả của vắc-xin nội địa sản xuất cũng xuất hiện nghi vấn; Mặc dù người dân ở những khu vực bị phong tỏa lên mạng xã hội trách móc hoặc xuất hiện biểu tình tại một số nơi biện pháp thực thi dường như tương đối võ đoán hoặc quá cực đoan, nhưng ở nơi không có ca nhiễm, đi lại tương đối không bị hạn chế thì người dân không cảm thấy ngột ngạt lắm.

Tuy nhiên các chuyên gia nhất trí cho rằng, chính sách “ca nhiễm về 0” cuối cùng sẽ là gánh nặng không chịu nổi. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại, do một loạt các ca nhiễm mới khiến du khách lo sợ nên vào thời điểm tuần lễ vàng hồi đầu tháng này, số người đi du lịch thấp hơn mức năm ngoái. Thực tế chứng minh, tình hình buôn bán của ngành bán lẻ không ổn định, khó khôi phục hoặc suy yếu cùng với làn sóng virus.

Về ngoại giao cũng chịu ảnh hưởng. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông Tập Cận Bình chưa từng rời khỏi Trung Quốc, cũng không tiếp đãi khách nước ngoài. Ông cũng không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome (Ý) và đàm phán về khí hậu ở Glasgow (Scotland).

Cách làm cứng rắn của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến trung tâm tài chính toàn cầu Hồng Kông. Để chính sách phòng dịch của mình nhất trí với Đại Lục, lãnh đạo Hồng Kông đã áp dụng biện pháp cách ly thời gian dài nhất trên thế giới (cách ly 3 tuần), không màng đến cảnh báo ngày càng leo thang của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về sự rút lui quy mô lớn của các công ty nước ngoài.

p2747715a623871890
Hôm thứ Ba, ngày 2/11, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đến tham dự họp báo. Hồng Kông thực thi nghiêm ngặt quy định cách ly 3 tuần đối với du khách, giữ sự nhất trí đối với chính sách phòng dịch của Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh cũ: Lý Thiên Chính/ Vision Times)

Một số quan chức đề xuất ý tưởng nới lỏng hạn chế, nhưng vẫn rất cẩn thận. Trong cuộc phỏng vấn gần đây của truyền thông Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc cho biết, khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin đã đạt đến 85%, “sao chúng ta không mở cửa chứ?”.

Tuy nhiên, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, cho rằng cách chống dịch triệt để ít tốn kém hơn việc sống chung với virus và phải siết hạn chế mỗi lần bùng dịch. Trong cuộc phỏng vấn với CGTN mới đây, ông Chung cho hay: “[Chính sách] không khoan nhượng thực sự tốn rất nhiều chi phí, nhưng để virus lây lan thì chi phí còn cao hơn.”

–***–

Theo truyền thông chính thức tại Trung Quốc đưa tin, sau khi xuất hiện ca nhiễm dẫn đến phong tỏa, khoảng 10.000 khách du lịch bị kẹt tại huyện Ejin của Nội mông Cổ, 34.000 người bị giữ lại tại Disneyland chỉ vì 1 ca dương tính…

Hồi tháng 8 năm nay, nhóm của Giáo sư thỉnh giảng Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung), thuộc Khoa Vi sinh của Đại học Hồng Kông, đã xuất bản một bài báo nói rằng:

Chính sách ‘ca nhiễm về 0’ chủ yếu để tranh thủ thời gian tiêm phòng cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch quần thể. Tuy nhiên, thực tế trước loạt các biến thể của virus cho thấy, vắc-xin thế hệ đầu không hoàn hảo. “Sự bảo vệ mà vắc-xin đạt được là trong cơ thể người chứ không phải bên ngoài cơ thể. Vắc-xin chủ yếu sẽ bảo vệ phổi, nhưng không thể làm giảm số lượng virus tại đường hô hấp trên (gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản). Do đó không thể ngăn ngừa việc lây nhiễm, mà chỉ có thể giảm thiểu nó.” COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn sau một vài tháng hoành hành như virus SARS năm 2003. Ngược lại, sau khi đạt đến trạng thái cân bằng miễn dịch bầy đàn, chủng virus này sẽ cùng tồn tại hài hòa với con người trong một thời gian dài. Khi hầu hết mọi người được tiêm chủng hoặc có miễn dịch tự nhiên, virus viêm phổi Vũ Hán, rất có khả năng sẽ trở thành một chủng virus gây cảm lạnh khác.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến các bộ y tế và giới học thuật trên toàn thế giới phải điều chỉnh lại các biện pháp chống dịch của mình. Bởi các biến thể của virus là hoàn toàn nằm ngoài yếu tố kiểm soát của con người.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: