Tại Đại hội Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 75, sau khi nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình một lần nữa đề xuất khẩu hiệu kiến tạo “Cộng đồng loài người chung vận mệnh”, giới truyền thông ĐCSTQ cũng theo đó thổi phồng tô vẽ. Nhưng điều đó không tránh được nhiều nước thấy phản cảm với khẩu hiệu cao xa giả tạo này.

bac kinh shutterstock 1449929342
Người phụ nữ lái xe chở hàng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 18/4/2019 (Nguồn: 4H4 Photography / Shutterstock).

Ngày 28/9 Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã phát một đoạn video tựa đề “Hòa hợp chung sống, Vận mệnh chung thuyền”. Đoạn video cho rằng quan niệm “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” trả lời các câu hỏi của thời đại, soi sáng con đường đi tới tương lai, và thể hiện trí tuệ của Trung Quốc.

Đoạn video của Tân Hoa Xã cũng chỉ ra rằng “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” đã 4 lần được đưa vào nghị quyết liên quan của LHQ, và thậm chí khái niệm này đã được thông qua tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 ở Davos. Đoạn video muốn chứng minh rằng “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” đã không ngừng được hưởng ứng trên thế giới.

“Cộng đồng loài người chung vận mệnh” bị “Liên minh Ngũ nhãn” và Ấn Độ phản đối

Tuy nhiên, điều mà Tân Hoa Xã không đề cập đến là trong “Tuyên ngôn kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ” được Đại hội đồng LHQ khóa này thông qua vào ngày 21/9, do sự phản đối của một số nước khiến khẩu hiệu “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” mà ban đầu có xuất hiện trong dự thảo nghị quyết nhưng bản cuối cùng đã bị loại bỏ.

Hồi cuối tháng Sáu, “Liên minh Ngũ nhãn” (Five Eyes) gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand đã cùng với Ấn Độ phản đối việc đưa “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” vào nghị quyết của Đại hội đồng LHQ vì cụm từ này là “ngôn ngữ Cộng sản Trung Quốc”. Sau đó chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã sửa lại cụm từ này thành “Vì tương lai chung của thế hệ hiện tại và tương lai”.

Bà Tôn Vận (Sun Yun) – Chủ nhiệm phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (The Stimson Center), một tổ chức tư vấn của Washington, nói với Đài VOA rằng việc từ chối “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” lần này cho thấy phương Tây ngày càng cảnh giác hơn với Trung Quốc.

Bà nói: “Vài năm qua ‘Cộng đồng loài người chung vận mệnh’ đã được đưa vào các nghị quyết của LHQ do một phần là ảnh hưởng của Trung Quốc tại LHQ đang ngày càng lớn, điều này đã làm dấy lên sự nghi ngờ và lo ngại ở phương Tây. Trong tương lai, Trung Quốc muốn biến một số ý tưởng của họ thành giá trị được chấp nhận trên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.”

Không chỉ “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” gặp phản đối mà nhiều động thái khác của Trung Quốc tại LHQ gần đây ngày càng gặp nhiều trở ngại, chẳng hạn như nỗ lực xác định lại khái niệm nhân quyền tại LHQ, hay như nỗ lực cạnh tranh vị trí lãnh đạo tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác.

Học giả Trung Quốc Vương Nghĩa Quý (Wang Yiwei) cho biết, lý do khẩu hiệu “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” ngày càng gặp khó khăn là do Trung Quốc không giải thích rõ ràng với thế giới mà là “âm thầm cài vào cho LHQ thông qua”.

“Cộng đồng loài người chung vận mệnh” lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2013. Sau đó ông ta nhiều lần đề cập khái niệm này cả trong hoạt động trong nước và quốc tế, quảng cáo là “giải pháp Trung Quốc” “trí tuệ Trung Quốc” được Trung Quốc cống hiến vì một trật tự thế giới mới.

Giới chức Trung Quốc chỉ ra rằng “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” là bao dung và cởi mở, bình đẳng cùng có lợi. Sau đó ông Tập Cận Bình thường xuyên giải thích khái niệm “Cộng đồng loài người chung vận mệnh”“thế giới đại đồng”“thế giới là một nhà”. Ông ta cũng nói rằng “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” phù hợp với giá trị “thiên hạ đại đồng, thế giới một nhà” lâu đời của dân tộc Trung Hoa.

Nhưng đối với các học giả phương Tây thì “thiên hạ đại đồng, thế giới một nhà” của Trung Quốc không gì khác hơn là thiết lập một trật tự mới lấy Trung Quốc làm trung tâm, cũng có nghĩa là lật đổ trật tự quốc tế hiện có được thiết lập sau Thế chiến II.

“Cộng đồng loài người chung vận mệnh”: Thể chế triều cống và trật tự phân cấp

Ngày 23/9, nhà nghiên cứu cấp cao Nadege Rolland tại tổ chức tư vấn Cục Nghiên cứu Quốc gia châu Á (National Bureau of Asian Research) trụ sở tại Seattle – Washington cho biết tại cuộc họp trực tuyến “Trật tự thế giới trong mắt Trung Quốc” rằng, ĐCSTQ không có ý định ngay lập tức lật đổ trật tự thế giới hiện tại, hoặc cố gắng thiết lập ảnh hưởng của họ trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay ĐCSTQ chủ yếu tìm cách xây dựng ảnh hưởng ở các nước đang phát triển, sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” là một công cụ quan trọng để đạt được trật tự này.

Chính phủ của ĐCSTQ thực sự không giấu giếm chuyện này. Họ nói: “Một vành đai, một con đường” là một thực tiễn tuyệt vời để xây dựng một “Cộng đồng loài người chung vận mệnh”.

Tuy nhiên bà Roland chỉ ra: “Trung Quốc là nước lớn nhất, mạnh nhất và có thực lực nhất, trong khi các nước khác là các nước nhỏ hơn và yếu hơn, họ xoay quanh Trung Quốc. Việc kiểm soát không trực tiếp, không nhất thiết phải thông qua chinh phục, hay chiếm đóng quân sự, chỉ cần thay đổi lãnh đạo hoặc cử đại diện đến các nước hoặc khu vực mục tiêu để thực hiện ý đồ của ĐCSTQ. Đó là cách kiểm soát lỏng, chủ yếu thực hiện thông qua sự bất cân xứng về thực lực, thông qua ảnh hưởng kinh tế của chính Trung Quốc và mối quan hệ phụ thuộc của các nước nhỏ. Tôi nghĩ đây là phiên bản thế kỷ 21 của sự tương tác giữa Đế quốc Trung Quốc và các nước phụ thuộc.”

Bà nói rằng nếu trước đây giới lãnh đạo của các nước nhỏ làm chư hầu phải thiết lập tính chính danh của họ thông qua mối quan hệ với hoàng đế Trung Hoa, thì hiện nay một số chính phủ độc tài cũng tìm kiếm tính chính danh thông qua việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc, qua đó giúp họ hạn chế được rơi vào thể cô lập trong cộng đồng quốc tế. Bà nói rằng mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc chính xác là như vậy.

Tuy nhiên, bà Roland đã viết trong báo cáo: “Đằng sau ngôn từ hoa mỹ về ‘Cộng đồng loài người chung vận mệnh’ là khát vọng điên cuồng của ĐCSTQ có được quyền lực mà không ai có thể thách thức. Về cơ bản điều này hàm nghĩa là làm suy yếu và thay thế bá quyền của Mỹ, và cuối cùng là thay thế bá quyền của Mỹ với chủ nghĩa tự do cũng như các giá trị dân chủ có liên quan chặt chẽ với nó bằng bá quyền của chính ĐCSTQ.”

 “Nước lớn đảm trách” và “Ngoại giao nước lớn” hình thành từ chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn

Chuyên gia Tôn Vận của Trung tâm Stimson cho rằng kho từ vựng ngoại giao của ĐCSTQ hiện nay như “ngoại giao nước lớn, nước lớn đảm trách, phạm vi nước lớn, nước lớn dẫn dắt…” thực ra cũng giống như quan niệm “thiên triều” của người Trung Quốc trong những thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc như thời nhà Hán và nhà Đường, nhằm thể hiện cảm giác vượt trội của họ về văn hóa và văn minh.

Bà nói: “Ta là thế lực trung tâm, còn những người khác là kẻ man di. Ta sẽ dùng phong thái chuẩn mực và năng lực của nước lớn trung tâm để giúp khai trí cho những kẻ man di, để giáo hóa họ, để họ thành những người văn minh như chúng ta. Điều này tồn tại trong gien của người Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước.”

Bà cho rằng với kiểu gien như vậy thật khó để không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hiện đại của Trung Quốc, tức là người Trung Quốc không quen ứng xử với các nước láng giềng với tâm lý bình đẳng và thương lượng.

Ví dụ tiêu biểu như phát ngôn “nước lớn, nước nhỏ” hồi năm 2010 của ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) – Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, ông Dương cảnh báo các nước châu Á khác tại cuộc họp ASEAN: “Trung Quốc là một nước lớn, còn bạn là một nước nhỏ. Đây là một sự thật.”

Một số nhà phân tích chỉ rõ tư thế ngạo mạn trịch thượng và coi thường nước nhỏ này phản ánh tâm lý chủ nghĩa Sô-vanh của người Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề quốc phòng tại Công ty RAND của Mỹ là Timothy Heath chỉ ra rằng, mặc dù ĐCSTQ thường nhấn mạnh rằng tất cả các nước dù lớn hay nhỏ, giàu nghèo, mạnh yếu đều bình đẳng, nhưng điều mà ĐCSTQ thực sự muốn xây dựng là làm cho nước nhỏ phụ thuộc thật nhiều vào Trung Quốc, như vậy Trung Quốc có quyền  ban phát cho các nước nhỏ. Ông cảm thấy rằng bởi vì trong hệ thống hiện đại không còn kiểu nước chư hầu hay phiên thuộc nên mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nhỏ giống như “kẻ bảo trợ”“kẻ được thuê mướn”.

Timothy Heath kể rằng một quan chức ở Tajikistan đã từng nói với ông về kinh nghiệm đối phó với quan chức Trung Quốc. Quan chức này cho biết: “Ông có biết rằng họ (người Trung Quốc) đã đi đến nơi người Tajikistan để cho xem bản đồ ‘Vành đai và Con đường’, cho thấy tuyến đường đã đi qua ở Tajikistan. Họ thậm chí còn không quan tâm hỏi người Tajikistan có sẵn sàng tham gia ‘Vành đai và Con đường’ hay không? Họ tin rằng nhất định người Tajikistan sẽ đồng ý.”

Tại sao phương Tây không chấp nhận “Cộng đồng loài người chung vận mệnh”?

Bà Tôn Vận thuộc Trung tâm Stimson cũng cho rằng “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” sẽ không được phương Tây chấp nhận vì trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, quan niệm này không giải quyết được mâu thuẫn lợi ích khác nhau giữa các nước có chủ quyền. Cách tiếp cận “hợp tác cùng có lợi” của ĐCSTQ che giấu thực trạng bất bình đẳng về lợi ích giữa Trung Quốc và các nước khác.

Những mâu thuẫn trong “Vành đai và Con đường” là minh chứng điển hình. Ngày càng nhiều nước lo lắng về việc liệu sự tham gia của họ vào “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ có gây tổn hại đến chủ quyền và tính toàn vẹn của họ và khiến an ninh tài chính của đất nước họ gặp rủi ro hay không.

Bà Tôn Vận cũng cho rằng các chính sách gần đây của ĐCSTQ đối với Tân Cương và Hồng Kông khiến phương Tây càng không thể chấp nhận được “Cộng đồng loài người chung vận mệnh” của ĐCSTQ, vì ngoại giao là một phần mở rộng của công việc nội bộ. Bà nói rằng nếu ĐCSTQ không thể “tề gia” thì làm sao có thể “bình thiên hạ”?

Một số nhà quan sát cho rằng, sự khác biệt giữa chế độ chuyên quyền man rợ của Trung Quốc và hệ thống dân chủ phương Tây quyết định sự khác biệt về số phận của người dân hai bên. Ví dụ, người phương Tây có thể chỉ trích chính phủ và các nhà lãnh đạo, trong khi người Trung Quốc khi làm như vậy thì bị cho là “bị kích động”; truyền thông phương Tây không bị chính phủ kiểm soát, còn truyền thông Trung Quốc phải là “có tính Đảng”; người phương Tây có thể tự do bày tỏ ý kiến ​​của mình, trong khi người Trung Quốc làm như vậy, nếu nhẹ có thể bị xóa bài đăng, còn nặng có thể bị bắt bớ; người phương Tây có thể tụ tập để biểu tình phản đối chính phủ, nhưng ở Trung Quốc họ sẽ bị quy kết “chống phá gây rối”; người phương Tây có thể kiện ra tòa khi gặp bất công, còn người Trung Quốc đi kêu oan có thể bị tống vào tù, với vận mệnh khác biệt như vậy thì sao có thể “Cộng đồng loài người chung vận mệnh”?

Tư Dương / VOA

(Bài viết thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm: