Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố sẽ miễn trừ 23 khoản nợ cho vay không tính lãi ở 17 quốc gia châu Phi, làm dấy lên nhiều tranh cãi trong nước.

Vương Nghị tại hội nghị Trung Quốc và các nước châu Phi
Ông Vương Nghị tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi hồi tháng 6/2019. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Phản ứng dữ dội trong nước

Ngày 18/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu qua video tại cuộc họp của các điều phối viên về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi. Ông Vương Nghị nói rằng phía Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện “9 dự án” ở Châu Phi và thúc đẩy “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”. Trung Quốc sẽ miễn trừ 23 khoản nợ cho vay không tính lãi cho 17 nước Châu Phi đến hạn vào cuối năm 2021.

Không có gì lạ khi ĐCSTQ tuyên bố miễn trừ các khoản nợ cho vay không tính lãi của một số nước trước cuộc họp cấp bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi. Vào tháng 10/2000, cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi đã ban hành quyết định miễn trừ khoản nợ 10,9 tỷ nhân dân tệ cho 31 nước Châu Phi; vào tháng 11/2009, cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ tư đã tuyên bố miễn trừ các khoản vay không lãi của những nước nghèo đang mắc nợ nhiều đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố miễn trừ các khoản nợ cho vay liên chính phủ không tính lãi của các nước kém phát triển nhất châu Phi đến hạn vào cuối năm 2021. Ông Vương Nghị đã giải thích về 17 quốc gia và 23 thông tin khác trên cơ sở thông báo của ông Tập vào năm ngoái, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Tuy nhiên, tuyên bố lần này của ông Vương Nghị đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích chưa từng có từ dư luận trên mạng xã hội trong nước Trung Quốc, “Người dân không trả nổi tiền có được miễn nợ hay không?”; “145 tỷ đô la Mỹ của anh em châu Phi coi như không! Khoản vay của rau hẹ (người dân trong nước) thì lại không thể thiếu một đồng!”; “Tại sao không hỏi 1,4 tỷ người đồng ý hay không? 1,4 tỷ người dân không đồng ý.”

Ông Chen, một người dân ở Trung Quốc Đại Lục, nói với The Epoch Times vào ngày 21/8 rằng sự phản ứng của người Đại Lục là do suy thoái kinh tế hiện tại. “Cứ làm thế này tiếp thì không đúng, dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc đã gây ra thiệt hại kinh tế, cùng với tình trạng phát điện không đủ gần đây ở Tam Hiệp sông Dương Tử, thậm chí nhà máy sản xuất ô tô ở Thượng Hải phải ngừng sản xuất trong một tuần, bất kể dịch bệnh và việc Thượng Hải phong tỏa, thì  chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước vẫn phải tiếp tục chi trả lương, vậy tiền ở đâu ra nhiều như thế?”

Ông Chen nói, “23 khoản vay từ 17 quốc gia châu Phi ban đầu là khoản vay không lãi suất, nhưng hiện nay chúng đều được miễn trừ, và còn nhiều dự án chưa hoàn thành thuộc các dự án Vành đai và Con đường ở Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Indonesia và các nước khác. Cảm giác của người dân đối với việc này thực sự tồi tệ.”

Châu Âu và Mỹ tuyên bố đối kháng lại “Vành đai và Con đường” khiến Bắc Kinh lo lắng

Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế hiện đang định cư tại Mỹ, nói với Epoch Times vào ngày 21/8 rằng ĐCSTQ thường chọn thời điểm để thực hiện các động thái xóa nợ. Ví dụ, khi cần phải có một cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc hoặc trong hệ thống kinh tế và thương mại quốc tế, hoặc khi bà Pelosi đến thăm Đài Loan gần đây, cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan đang leo thang và các mối quan hệ quốc tế đang căng thẳng. ĐCSTQ cần sự hỗ trợ của một số quốc gia châu Phi.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Đại Lục, ngày 18/8, ông Allan Joseph Chintedza, Đại sứ của Malawi tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng “(miễn trừ nợ) thực sự là một biện pháp đáng hoan nghênh và tất cả những người tham dự cuộc họp đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với chính sách một Trung Quốc.”

Ngoài việc muốn các nước châu Phi bày tỏ lập trường về chính sách một Trung Quốc, ông Davy Jun Huang nói rằng ĐCSTQ đang đối phó với sự cạnh tranh địa chính trị của Mỹ. “Giai đoạn tiếp theo Mỹ sẽ tiến hành phản công ‘Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ ở châu Phi và Trung Á, thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện rộng, cả phương Tây và Trung Quốc đều cạnh tranh để giành quyền lên tiếng ở Tây Phi.”

Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, ông Tập Cận Bình đang có kế hoạch tới Trung Á vào giữa tháng Chín để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan. Ông Davy Jun Huang cho rằng việc tuyên bố miễn trừ khoản vay cũng nhằm tạo ra một hình ảnh về sự hào phóng của Trung Quốc đối với các nước kém phát triển thông qua chuyến thăm của ông Tập.

Vào tháng Sáu năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, Mỹ đã công bố khoản tài trợ 200 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển trên thế giới. Năm ngoái, Liên minh châu Âu cũng tuyên bố sẽ đầu tư 300 tỷ euro vào chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu. Cả hai đều được xem là đối kháng với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ.

Blinken
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor. (Nguồn: Freddie Everett/ Bộ Ngoại giao Mỹ)

Đầu tháng Tám năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thăm 3 nước châu Phi gồm Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Vào ngày ông Blinken đến Nam Phi, Nhà Trắng đã công bố danh sách các sự kiện chiến lược về châu Phi cận Sahara, nhấn mạnh hợp tác có đi có lại với các nước châu Phi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ ra rằng Mỹ đang cố gắng vu cáo và bôi nhọ mối quan hệ hợp tác Trung Quốc – châu Phi.

Các nước châu Phi có thể ngày càng lún sâu

Ông Davy Jun Huang phân tích rằng khi ĐCSTQ cho các nước này vay tiền, họ đã thiết kế một số loại nợ, ngoài các khoản nợ kinh tế thực sự cần phải được hạch toán vào các tài khoản kinh tế, chẳng hạn như quyền sử dụng cảng, mỏ, nhà máy điện v.v., cũng có một loại nợ gọi là nợ chính trị, phần này có thể được miễn khi cần thiết.

“Khi ký kết xây dựng cơ sở hạ tầng thì bao nhiêu tỷ là cho vay lãi suất thấp, bao nhiêu triệu là vay không lãi suất, hầu hết các khoản vay không lãi suất đều là đã chuẩn bị trước. Tương lai khi nào cần tìm các quốc gia này thì miễn phần nợ đó. Đều là đã được thiết kế sẵn như thế. Nhưng trong bộ phận này, nó cũng được nhắm mục tiêu. Thực tế, nhiều quốc gia muốn ĐCSTQ không tính lãi, nhưng ĐCSTQ có thể không đồng ý, chính là để xem các nước đó (nước vay nợ) có thể giúp được gì.”

Ông Davy Jun Huang David dự đoán rằng sau khi ĐCSTQ miễn trừ một số khoản nợ không tính lãi của các nước châu Phi này, sẽ kèm theo các khoản nợ mới. “Sau khi ĐCSTQ miễn trừ nợ chính trị, thì sẽ có kèm theo một khoảng nợ thương mại không được công khai.” Nó khiến cho những nước có dự án “Vành đai và Con đường” ngày càng lún sâu vào bẫy nợ của nó (ĐCSTQ).

Ông Davy Jun Huang David tiết lộ rằng theo thông tin nội bộ của ĐCSTQ, “Một vành đai, một con đường” đã được tính toán, không phải lãi lỗ trên sổ sách. Tương tự “Một vành đai, một con đường” giống như “voi cày ruộng, càng dẫm càng lún sâu”, tức là ĐCSTQ không dùng bò để cày ruộng, mà dùng voi, sau khi dẫm lên, ruộng khô cứng hơn, không thu hoạch được hoa màu. Sau khi ĐCSTQ xóa nợ, đất nước (vay nợ) sẽ ngày càng nghèo đi, mục đích là khiến các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào ĐCSTQ.