Sau sự hồi sinh hoàn toàn của các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, một số nơi ở Trung Quốc bắt đầu thành lập các căng tin quốc doanh và căng tin cộng đồng. Có ý kiến cho rằng động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là để tăng cường kiểm soát kinh tế và chuẩn bị cho việc tách khỏi thế giới.

id13861487 20221103PHO0207l 600x400 1
Hình ảnh cho thấy cửa hàng của hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ ở khu Cộng đồng Tuanjiehu, Bắc Kinh. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương)

Chủ đề căng tin, hợp tác xã cung ứng tiêu thụ gây nhiều tranh cãi

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 của ĐCSTQ), hai biểu tượng lớn của kỷ nguyên kinh tế kế hoạch, gồm các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, và căng tin lớn do nhà nước quản lý, đã có dấu hiệu hồi sinh toàn diện.

Vào ngày 31/10, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Nông thôn của ĐCSTQ và Bộ Dân chính đã phối hợp ban hành “Thông báo về công tác triển khai thí điểm xây dựng cộng đồng hoàn chỉnh”, yêu cầu mỗi thành phố (huyện) lựa chọn 3 đến 5 cộng đồng thực hiện các dự án thí điểm xây dựng cộng đồng hoàn chỉnh, yêu cầu các cộng đồng thí điểm lập kế hoạch xây dựng cơ sở dịch vụ tổng hợp trong cộng đồng, xây dựng kèm căng tin (nhà ăn) và mạng lưới dịch vụ quản lý gia đình (nội trợ). Thời gian thí điểm sẽ bắt đầu từ tháng 10/2022, thí điểm trong thời gian 2 năm.

Tài khoản WeChat công khai “Caizhi Toutiao” đưa tin, trong những năm gần đây, nhiều căng tin cộng đồng đã xuất hiện ở Thượng Hải, Hàng Châu và Thiên Tân, bao gồm căng tin chung, căng tin người lớn tuổi, căng tin khu phố, v.v.

6 đơn vị bao gồm Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hà Bắc và Sở Dân chính, v.v, đã ban hành “Thông báo về việc thực hiện xây dựng các nhà ăn (căng tin) dinh dưỡng” vào tháng 6, yêu cầu mỗi thành phố xây dựng ít nhất 50 căng tin trong năm nay, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có không dưới 5.000 căng tin.

Đồng thời, bà Lương Huệ Linh (Liang Huiling), Chủ nhiệm Hợp tác xã Cung ứng và tiêu thụ toàn quốc Trung Quốc, được bầu làm ủy viên Trung ương tại Đại hội 20, cho thấy ĐCSTQ coi trọng các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ.

Tỉnh Hồ Bắc đã tích cực khởi động lại các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ trong những năm gần đây. Theo các quan chức, hơn 1.300 hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ đã được xây dựng lại tại địa phương, với hơn 450.000 thành viên và đang đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu thành viên vào năm 2025.

Theo các báo cáo công khai ở Trung Quốc Đại Lục, các chính quyền địa phương của ĐCSTQ coi việc tái xây dựng các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ là một nhiệm vụ chính trị, tức là thành lập các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ ở các hương, trấn, và các quan chức như phó thị trưởng sẽ tham dự lễ ra mắt hợp tác xã này.

Chủ đề về sự hoạt động trở lại của các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, căng tin quốc doanh đã dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Có cư dân mạng nói: “Căng tin, hợp tác xã cung ứng tiêu thụ đều đã quay trở lại. Đến lúc nào mới khôi phục lại công xã nhân dân?”

“Cấm các nhà hàng tư nhân, nhà ăn quốc doanh sẽ có sức cạnh tranh.”

Tuy nhiên, một quan chức từ Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Nông thôn của ĐCSTQ đã thông qua trang tin Caijing để làm rõ vấn đề vào ngày 2/11, rằng suy đoán như vậy là “hoàn toàn bị hiểu nhầm”“không thể nào trong một thời gian ngắn mà xuất hiện lượng lớn căng tin quốc doanh như thế, không có kiểu yêu cầu làm như thế.”

Người dân: Chuẩn bị cho cuộc chiến và đề phòng thiếu lương thực

Ông Chen, một công dân Trung Quốc Đại Lục, nói với Epoch Times vào ngày 5/11, rằng các quan chức ĐCSTQ đang cố tình che đậy: “Một mặt, họ làm việc đó trong bí mật, mặt khác họ nói rằng họ không quảng bá thúc đẩy việc đó. Thực tế khắp nơi đều đã làm rồi, khi căng tin quốc doanh thành lập đều khua chiêng đánh trống rầm rộ; khi hợp tác xã cung ứng tiêu thụ thành lập thì treo bảng hiệu, khua chiêng đánh trống rầm rộ, tất cả đều được người dân thấy.”

Ông Chen nói rằng căng tin quốc doanh và căng tin hợp tác xã cộng đồng, cùng với các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, là một chính sách mà ĐCSTQ thúc đẩy một cách hệ thống, là một trong những kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh, để ứng phó với tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra khi đánh Đài Loan. “Hiện giờ xuất khẩu đều bình thường, nhập khẩu lương thực cũng không phải lo lắng, trong tương lai chẳng nhỡ xảy ra tình trạng tách rời, trở mặt, lại cộng thêm thảm họa tự nhiên, như Việt Nam và Ấn Độ trước đây, họ đã tuyên bố rằng họ sẽ không xuất khẩu lương thực, và nạn đói sẽ xảy ra (khi tấn công vào Đài Loan).”

Ông dự đoán rằng chỉ các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ mới được phép mua và bán thực phẩm, còn nông dân không được phép tự phát bán lương thực dư thừa, và căng tin do chính quyền điều hành có thể trở thành nguồn cung cấp thực phẩm duy nhất trong xã hội, “và căng tin hợp tác là nơi ăn của người già, một khi vấn đề lương thực trở nên căng thẳng và không đủ, thì sẽ sử dụng biện pháp phân loại này, người già ở căng tin hợp tác xã hầu như không có gì để ăn.”

“Chắc họ thấy trước sẽ không có lương thực. Bây giờ họ đang triển khai, thực hiện căng tin quốc doanh, hợp tác xã, căng tin hợp tác xã, một tay nắm hết nguồn lương thực, thực phẩm. Điều đó khiến người dân cảm thấy một viễn cảnh tương lai đầy mây đen,” ông Chen nói.

Chuyên gia: Tăng cường kiểm soát kinh tế và chuẩn bị khẩn cấp

Ông Triệu Viễn Minh (Zhao Yuanming), một chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Trung Quốc và là cựu giảng viên tại Khoa Luật của Đại học Công an Trung Quốc, nói với Epoch Times vào ngày 6/11 rằng ĐCSTQ thúc đẩy mạnh mẽ các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, căng tin, nhằm tăng cường và kiểm soát lưu thông nội bộ và cho phép các doanh nghiệp nhà nước có quyền kiểm soát hầu hết thị phần và các liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Thông qua việc này để tăng cường khả năng của ĐCSTQ trong việc kiểm soát nền kinh tế tổng thể và chuẩn bị khẩn cấp cho tình hình quốc tế xấu đi và sự suy thoái kinh tế.

Ông cho rằng nếu có xung đột lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ĐCSTQ cân nhắc rằng “các kênh tiêu thụ, thị trường, sản xuất, nguyên liệu thô, thu mua, v.v. có thể nằm trong tay họ, khi đối kháng với Mỹ, thì có thể tăng khả năng ứng phó khẩn cấp.”

Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Hoành Hà (Heng He), cho biết trên chương trình “Quan điểm Hoành Hà”, rằng chính quyền thực hiện động thái này vì hai lý do: Thứ nhất, việc ĐCSTQ tách khỏi quỹ đạo quốc tế là chuyện đã định, và việc đóng cửa đất nước là điều không thể tránh khỏi; thứ hai là chuẩn bị cho chiến tranh.

“Bởi vì một khi ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, nhất định sẽ phải chịu sự trừng phạt của quốc tế, vì vậy cần phải thực hiện nền kinh tế thời chiến, độc quyền nhà nước về tư liệu sản xuất, thống nhất mua bán và phân phối các mặt hàng khác nhau theo hạn ngạch. Điều này đòi một hệ thống, và hoàn chỉnh nhất là các hợp tác xã cung cấp và tiêu thụ, vì vậy bây giờ ĐCSTQ bắt đầu tăng cường các hợp tác xã cung cấp và tiêu thụ,” ông Hoành Hà nói.

Theo dữ liệu từ Hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ của ĐCSTQ, trong nửa đầu năm nay, tổng doanh thu của các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ đạt 2.900 tỷ nhân dân tệ, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái; vào năm 2021, doanh thu của hợp tác xã này đạt mức cao kỷ lục 6.260 tỷ nhân dân tệ, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước đó, với thu nhập từ hoạt động kinh doanh cao hơn gấp đôi so với công ty năng lượng khổng lồ PetroChina của Trung Quốc.