Thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từng được mệnh danh là “công xưởng của thế giới“, nhưng việc đại dịch bùng phát liên tục, tình hình quốc tế thay đổi, vận chuyển biển không thông suốt, và các “biến số” khác liên tục xuất hiện, đã khiến đơn đặt hàng của các công ty ngoại thương giảm mạnh. 

shutterstock 511208572
Một nhà máy sản xuất thiết bị hệ thống mạch ô tô ở Giang Tây Trung Quốc vào năm 2011 (Ảnh: Shutterstock)

Các doanh nghiệp ngoại thương của Trung Quốc đang bị thế giới bỏ rơi, nhưng tình trạng này có thực sự do hoàn cảnh bên ngoài gây ra?

Trong những năm gần đây, tin tức về việc một số nhà máy ngoại thương Đông Hoản đóng cửa đã liên tục xuất hiện. Trước tình hình dịch bệnh liên tiếp bùng phát trong và ngoài Trung Quốc, giao thông bấp bênh, cước phí đường biển, đường bộ và đường hàng không tăng cao, nhiều doanh nghiệp ngoại thương quy mô vừa và nhỏ ở Đông Hoản đã đứng trước bờ vực sống còn.

Ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh ngoại thương đã kéo dài liên tục trong 3 năm, việc Trung Quốc liên tục phong tỏa đã khiến đơn hàng của các công ty ngoại thương bị đình trệ, một số khách hàng phải gánh chịu chi phí vi phạm hợp đồng liên quan đến việc giao hàng chậm trễ. Ảnh hưởng lớn nhất là đơn đặt hàng ở nước ngoài giảm, trong khi chi phí vận chuyển quốc tế tăng.

Theo tờ “Thời báo Chứng khoán” tại Trung Quốc, một nhân viên của một công ty thương mại nước ngoài cho biết: “Sản phẩm của công ty chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Do chi phí vận chuyển và hậu cần tăng cao, đặc biệt là đối với hàng hóa nặng, chẳng hạn như khuôn ô tô, một bộ vài tấn đến mấy chục tấn, trừ giá thành sản xuất và cước phí thì cơ bản bằng giá sản xuất tại nước của khách hàng, do đó khách hàng sẽ tìm nước lân cận sản xuất, dần dần họ sẽ không tìm đến chúng tôi để sản xuất nữa.”

Chủ một nhà máy ở Đông Hoản cho biết, ban đầu nhà máy của ông chủ yếu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như loa. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, do sự cản trở của việc vận chuyển bằng đường biển, thời gian vận chuyển sản phẩm bằng đường biển bị kéo dài rất nhiều, nên việc thanh toán đơn hàng cũng rất chậm.

Nhân viên một công ty giao nhận hàng hóa cho biết, do dịch bệnh nên hiện tượng chậm giao container hàng là rất phổ biến. “Hôm nay đóng xong một container. Tuy nhiên lịch gửi hàng vào bến đã thay đổi nên container đã đóng xong này sẽ không vào được cảng vì không nằm trong thời gian nhận của bến cảng, cần phải tìm một kho bãi để cất container này, đợi thời điểm đến thì lại đưa vào cảng, như thế sẽ sinh thêm chi phí hơn 2.000 nhân dân tệ. Hơn nữa đây chỉ là con số thấp, chi phí sẽ tăng lên theo ngày. Nếu giá trị của hàng hóa là tương đối thấp, 2.000 nhân dân tệ có thể là lợi nhuận của hàng hóa trong container, và thậm chí phải thêm tiền vào đó.”

Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp ngoại thương cũng là đòn chí mạng. Chính quyền thì động chút là phong tỏa, đóng cửa, gây thiệt hại khôn lường cho doanh nghiệp. Ngay cả khi bắt đầu làm việc trở lại, nhân viên phải tiến hành xét nghiệm axit nucleic đúng giờ mỗi ngày, dẫn đến một số công nhân không thể làm thêm giờ bình thường, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất.

Dịch bệnh đã mang đến phản ứng dây chuyền cho sản xuất thượng nguồn và hạ nguồn của toàn bộ chuỗi ngành ngoại thương, đồng thời nó cũng khiến những người trong ngành nghề ngoại thương cảm thấy bất an. Một người trong ngành cho biết, hiện vẫn còn đơn đặt hàng, chủ yếu do cung cầu nước ngoài mất cân đối, các nhà máy nước ngoài ngừng hoặc giảm sản xuất trên diện rộng do dịch bệnh, nên chuyển đơn hàng sang Trung Quốc. “Chỉ có điều, cùng với những thay đổi trong các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh toàn cầu, liệu các đơn đặt hàng nước ngoài có tiếp tục giao cho nhà sản xuất trong nước Trung Quốc không?”

Người phụ trách một công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Đông Hoản cho biết, các đơn đặt hàng trong năm 2022 sẽ giảm từ 10% đến 20%.

Tờ “Thời báo chứng khoán” cho biết, trên thực tế, không chỉ Đông Hoản, dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh và các nhân tố tổng hợp khác, các doanh nghiệp chuỗi ngành ngoại thương ở các thành phố quan trọng khác thuộc đồng bằng sông Châu Giang, cũng đang trong tình trạng tương tự.

Về vấn đề này, một số người trong lĩnh vực thị trường cho rằng đối với xuất khẩu ngoại thương của Đông Hoản, ngoài việc bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, còn có lý do khác nữa, đó là kết cấu công nghiệp. Nhìn chung, trong số các ngành xuất khẩu của Đông Hoản, nhiều ngành sản xuất truyền thống có tính thay thế tương đối mạnh, và nhiều ngành đã được chuyển đến nơi khác như Đông Nam Á chẳng hạn. Vì vậy, nhìn bề ngoài thì có vẻ như là do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đối với các thành phố ở Đông Hoản và thậm chí cả đồng bằng sông Châu Giang, thực tế đó chính là sự “dịch chuyển ngoại thương”.