Tờ New York Times đã đăng một bài viết có tiêu đề “Tại sao các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc xóa các video về nghèo đói” hôm 4/5, tiết lộ thực trạng xã hội tại quốc gia này.

Video “Bà lão 78 tuổi sống dựa vào 100 nhân dân tệ” lan truyền chóng mặt và bị xóa

Gần đây, một video lan truyền trên mạng Internet Trung Quốc nói về một bà lão với 100 nhân dân tệ (khoảng 340.000 đồng) tiền lương hưu, cũng là thu nhập duy nhất của mình, bà có thể mua được những gì. Video này sau đó đã bị xóa trên các nền tảng tại Trung Quốc.

Đoạn video còn được đăng trên YouTube (nền tảng ngoài Trung Quốc Đại Lục), cho thấy trên đường tại thành phố Thành Đô, một người tên Hộ Chấn Phong (Hu Chenfeng) đang phỏng vấn một bà lão 78 tuổi sống một mình. Bà nói rằng chỉ tính mua gạo, đó dường như là thứ duy nhất bà có thể mua được. Bà đã không ăn thịt trong một thời gian dài. Trong khi kể về hoàn cảnh khốn cùng của mình, nước mắt bà lăn dài trên má. Cả hai cùng nhau đi siêu thị. Họ mua gạo, trứng, thịt lợn và bột mì. Số tiền hóa đơn cuối cùng là 127 nhân dân tệ. Hộ Chấn Phong kiên quyết trả tiền mua đồ cho bà.

Video này đã bị xóa khỏi 2 trong số các nền tảng video do người dùng tạo lớn nhất của Trung Quốc. Tài khoản của Hộ Chấn Phong cũng bị chặn.

Nhiều nhà bình luận trên mạng xã hội cho rằng Hộ Chấn Phong tiết lộ việc không thể tiết lộ. “Chủ đề này là không thể động chạm“, trên trang Zhihu, trong một câu hỏi đáp hiện đã bị xóa có người viết như vậy. Một người khác nói, “Anh ta bị chặn chỉ vì anh ta cho thấy cuộc sống [thực tế] của rất nhiều người.”

Năm ngoái, một công nhân nhập cư bị nhiễm COVID-19, chính quyền đã thông báo chi tiết lịch trình di chuyển của anh ta. Khi nhìn vào sự chạy vạy khắp nơi để nuôi sống gia đình của anh, rộng rãi cư dân mạng đã bày tỏ sự đồng cảm và quan tâm, anh được gọi là “người Trung Quốc vất vả nhất”. Sau đó, ban bệ kiểm duyệt không chỉ chặn các thảo luận liên quan đến chủ đề này, mà chính quyền địa phương còn cử người đến canh cửa nhà anh công nhân để ngăn phóng viên phỏng vấn vợ anh.

Sự bất mãn của những người trẻ tuổi có học đối với tình trạng tài chính và việc làm tồi tệ, được thể hiện qua lời của một bài hát: “Mặc dù rửa mặt hàng ngày, nhưng túi của tôi sạch hơn khuôn mặt của mình”, “Học tập là để Trung Hoa trỗi dậy, chứ không phải là để đi giao đồ ăn và giao đồ chuyển phát nhanh”. Bài hát sau đó đã bị cấm, tài khoản đăng bài cũng bị xóa.

Vì sao không có người nghèo trên Internet ở Trung Quốc

Trên trang Zhihu, trong một cuộc thảo luận về lý do tại sao chính quyền ĐCSTQ không cho phép lưu truyền nội dung về người nghèo, một cư dân mạng đã đưa ra suy đoán trước khi bài đăng này bị biến mất: “Bởi vì về mặt lý thuyết, không có người nghèo ở Trung Quốc. Trung Quốc đã xoá đói giảm nghèo”.

“Bởi vì xã hội này chỉ cho phép bạn ăn mừng sự thịnh vượng”, một người khác bình luận, “Bạn phải tự gánh lấy mọi nỗi đau, chứ không phải là chia sẻ nó lên mạng”.

Vào tháng 3 năm nay, cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc, Văn phòng Thông tin Internet quốc gia, đã tuyên bố rằng họ sẽ trừng trị những người xuất bản các video hoặc bài viết cố tình “khuếch đại bi kịch và kích động đối đầu, gây tổn hại đến hình ảnh của đảng và chính phủ, can nhiễu đến sự phát triển kinh tế và xã hội”. Hành động cấm phát hành các video bi thảm có người già, người tàn tật và trẻ em.

Một nhạc sĩ đã sử dụng nhân vật văn học nổi tiếng Khổng Ất Kỷ (trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn) để phản bác lại cách nói của chính quyền cho rằng những người trẻ tuổi không thể tìm được việc làm vì không đủ nỗ lực. Bài hát đã bị kiểm duyệt và tài khoản trực tuyến của người đăng cũng bị cấm.

Tờ New York Times bình luận rằng đằng sau lệnh cấm này, chính quyền mong muốn một cách bức thiết đảm bảo các cuộc thảo luận về Trung Quốc đều phải là tích cực. ĐCSTQ khoe khoang về việc họ đã giúp bao nhiêu người thoát khỏi đói nghèo trong 40 năm qua, đồng thời từ chối đề cập đến việc đất nước đã rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực dưới thời Mao Trạch Đông.

Xoá đói giảm nghèo là một huy hiệu mà ĐCSTQ sử dụng để thể hiện tính hợp pháp của chế độ. Mặc dù thực lực kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng, hệ thống an sinh xã hội của nước này vẫn còn thiếu thốn một cách nghiêm trọng, và chính quyền quyết tâm ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận nào về hoàn cảnh khốn khổ của người nghèo.

Khi tìm kiếm từ “nghèo khó” trên Tencent, cổng thông tin lớn nhất của Trung Quốc, xếp số một là nghiên cứu cho thấy nghèo đói là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở Mỹ. Các phương tiện truyền thông hiếm khi đưa tin về các nguyên nhân mang tính hệ thống của nghèo đói ở Trung Quốc.

Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, vào năm 2021, người cao tuổi ở nông thôn nhận được trợ cấp an sinh xã hội trung bình khoảng 180 nhân dân tệ mỗi tháng. Đây chỉ là 5% lương hưu trung bình cho người về hưu ở thành thị.

Vào năm 2020, Thủ tướng của Trung Quốc khi đó là ông Lý Khắc Cường đã nói rằng 600 triệu người Trung Quốc – chiếm 40% dân số – có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng), một số người không biết nguồn gốc của con số này đã gọi đây là tin giả. Tờ Nhân dân Nhật báo chính thức không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gọi cho Cục Thống kê Quốc gia để xác minh tính xác thực của thông tin. Truyền thông nhà nước hiếm khi đề cập đến con số đáng xấu hổ này sau đó.

Một lý do khác khiến nghèo đói được coi là một điều mới lạ trong tầng lớp trung lưu, là vì chính quyền địa phương thường xuyên ngăn chặn những người ăn xin và người vô gia cư trên đường phố. Họ biến mất khỏi các thành phố lớn. Con gái của một người ở Bắc Kinh đã hỏi cô ấy rằng ăn mày là gì. Một cô bé (13 tuổi) người Trung Quốc mới nhập cư tại San Francisco đã bị sốc khi nhìn thấy những người vô gia cư trên đường phố và nói rằng cô chưa bao giờ nhìn thấy một người thế ở Bắc Kinh.

Chính quyền Bắc Kinh không chỉ cấm người ăn xin và người vô gia cư ở lại thành phố, vào mùa đông năm 2017 họ đã đuổi nhiều người có thu nhập thấp ra khỏi chung cư, mục đích là loại bỏ cái gọi là “nhóm dân số tầng cấp thấp”.

Bên cạnh nghèo đói, chính quyền cũng không muốn dư luận chú ý đến một vấn đề xã hội lớn khác: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, mà chính phủ cho biết đã lên tới gần 20%.

Tờ New York Times ngày 4/5 đưa tin, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được sự thịnh vượng chung, xóa đói giảm nghèo đã trở thành huy hiệu thể hiện tính hợp pháp của chính quyền. Tuy nhiên, an sinh xã hội thiếu hụt nghiêm trọng và nỗi lo của người dân ngày càng tăng. Hiện nay, ĐCSTQ quyết định ngăn chặn mọi cuộc thảo luận về đói nghèo, khiến cho “không có người nghèo trên Internet”.

Do sự tuyên truyền và kiểm duyệt của ĐCSTQ, nhiều người ở Trung Quốc Đại Lục không ý thức được mức độ nghèo đói ở đất nước này.