Nhân kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hồng Kông vào chiều ngày 30/6, nhưng hành trình có một số điều bất thường, trong đó có việc không dự tiệc chiêu đãi, không nghỉ qua đêm tại Hồng Kông và cảnh sát Hồng Kông lập chốt cách nhau mỗi 10 mét.

p3174852a25878923
Ngày 30/6, sau khi đến Hồng Kông bằng đường sắt cao tốc, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 3 phút tại ga tàu cao tốc Tây Cửu Long. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình video)

Theo hành trình chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập Cận Bình được truyền thông Hồng Kông tiết lộ trước đó, ông Tập sẽ đích thân đi đường sắt cao tốc đến Hồng Kông vào chiều ngày 30/6, và khi đến nơi sẽ có bài phát biểu ngắn. Lịch của kênh phát thanh “Tiếng nói của Trung Quốc” thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã ấn định chương trình phát sóng “Lễ đón tàu cao tốc ga Tây Cửu Long” kéo dài một giờ bắt đầu từ 2:50 phút chiều ngày 30/6.

Bữa tối chào mừng bị hủy, ông Tập cùng đội ngũ tháp tùng không qua đêm ở Hồng Kông

Theo các nguồn tin, sau khi ông Tập Cận Bình rời ga tàu cao tốc sẽ đến Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Wanchai để gặp gỡ hàng loạt các quan chức chủ chốt của chính quyền Hồng Kông nhiệm kỳ tiếp theo, các tầng lớp trong xã hội và nhân sĩ trong doanh nghiệp cơ quan có vốn đầu tư của Trung Quốc. Sau đó, ông sẽ đến thăm Công viên Khoa học. 

Trước đó tờ Sing Tao Daily (Nhật báo Tinh Đảo) đưa tin, bữa tiệc do chính quyền Hồng Kông dự kiến ​​để chào đón ông Tập đã “bị hủy do dịch bệnh”, ngoài ra tối ngày 30/6 ông Tập sẽ không qua đêm tại Hồng Kông mà sẽ cùng đoàn tháp tùng ngồi tàu cao tốc quay trở lại Thâm Quyến, sáng hôm sau lại đến Hồng Kông tham dự lễ kỷ niệm chuyển giao chủ quyền và lễ nhậm chức của chính quyền mới.

Sáng 30/6, an ninh khu vực Wan Chai được tăng cường đáng kể, lực lượng cảnh sát và xe cảnh sát canh gác ở nhiều nơi. Cảnh sát đã chặn và kiểm tra các phương tiện bên ngoài khách sạn Grand Hyatt trên đường Harbour. Các phương tiện vào bãi đậu xe của trung tâm triển lãm phải qua kiểm tra đáy và cốp xe.

An ninh cực kỳ nghiêm ngặt ở bất cứ nơi nào ông Tập Cận Bình đến thăm. Theo South China Morning Post (Hoa Nam Tảo Báo), ông Tập đã đến nhà ga đường sắt cao tốc Tây Cửu Long ở Hồng Kông vào chiều thứ Năm (30/6). Khi rời nhà ga, ông được hộ tống vào một chiếc “limousine chống đạn” trước khi vào thành phố. Chính quyền Hồng Kông đã cấm máy bay không người lái xuất hiện trên bầu trời để ngăn chặn các vụ tấn công tiềm ẩn.

Trạm gác thiết lập cách nhau 10 mét, diễn viên quần chúng cũng được cách ly

Nguồn tin cho biết, công việc phong tỏa gần ga Tây Cửu Long bắt đầu trước nửa đêm hôm thứ Ba. Ngoài sử dụng chướng ngại vật trên đường để kiểm soát việc ra vào, cứ cách 10 đến 20 mét, cảnh sát lại lập các chốt gác tại đường Wai Man, đường Lin Cheung và đường Jordan gần đó. “Ít nhất 4 cảnh sát tuần tra định kỳ giữa chốt”. Nhiều đoạn đường lân cận đều được canh gác.

Cảnh sát Hồng Kông đã chỉ định các khu vực mà ông Tập Cận Bình có thể dừng chân, thăm và đi qua là khu vực an ninh cốt lõi, và các khu vực xung quanh là khu vực an ninh. Quận Wanchai, nơi tổ chức buổi lễ, đã phong tỏa đường trên phạm vi lớn từ sáng sớm ngày 29/6, và nhà ga Hội nghị triển lãm đóng cửa từ sáng sớm ngày 30/6.

Theo một nguồn tin khác, chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Hồng Kông sẽ là một “chuyến đi vòng kín”, và một trong những kẻ thù giả tưởng là virus Omicron. Do đó, những diễn viên quần chúng được chọn tham gia lễ chào đón, thậm chí những trẻ em 12 tuổi biểu diễn ca hát, phải cách ly một thời gian mới được tham gia đón tiếp ông Tập. Có tin đồn rằng Công viên Khoa học, nơi ông Tập sẽ đến thăm đã ra lệnh cho tất cả nhân viên tạm nghỉ làm việc.

Phân tích: Chịu rủi ro cao đến Hồng Kông là một tuyên bố về quyền lực

Chuyến thăm Hồng Kông lần này của ông Tập Cận Bình là chuyến đi đầu tiên kể từ khi bùng phát dịch virus corona mới (COVID-19), so với những chuyến thăm Hồng Kông trước đây của các lãnh đạo nhà nước, hành trình có nhiều bất thường và an ninh được thắt chặt chưa từng có. Đài Á Châu Tự Do dẫn lời nhà bình luận thời sự Tang Phổ phân tích, chuyến thăm Hồng Kông lần này của ông Tập là “mạo hiểm rất nhiều”, “một mặt là sợ lây nhiễm dịch, một mặt là mạo hiểm trước rủi ro bị đảo chính và bị ám sát.”

Tại sao ông ấy nhất định phải đến Hồng Kông và tham dự lễ kỷ niệm cùng phu nhân Bành Lệ Viện? Ông Tang Phổ cho rằng chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập chủ yếu là để tạo dựng thanh thế, tuyên bố rằng một nửa chặng đường của “50 năm không thay đổi”, đã đạt được “[Hồng Kông] quay trở lại Trung Quốc lần thứ 2” – tức kiểm soát toàn diện Hồng Kông. Điều này tất nhiên là để chứng tỏ quyền lực của ông trước Đại hội 20 ĐCSTQ. “Nó có mục đích củng cố quyền lực và tô vẽ, và nó cũng là sự khởi đầu của một hành trình mới để thể hiện cái mà ông gọi là ‘quá trình chuyển đổi của Hồng Kông từ hỗn loạn sang yên ổn, từ yên ổn đến thịnh vượng’”.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn cũng tin rằng việc ông Tập tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền Hồng Kông đánh dấu sự khởi đầu của “trở về lần thứ 2” của Hồng Kông và sự kết thúc của một cuộc trở về. “Ông ấy lấy việc này để tuyên bố rằng ĐCSTQ đã dùng phương thức này để đảm bảo an ninh chính trị tại Hồng Kông, xóa bỏ tận gốc tác động của quá trình dân chủ hóa Hồng Kông đối với Đại Lục, bao gồm cả mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ ĐCSTQ, v.v.” Đây cũng là một trong những “thành tựu chính trị” của ông Tập trước Đại 20 ĐCSTQ để có thể tái nhiệm lần ba.

Hồng Kông đang dần trở thành “tài sản âm vốn” của ông Tập?

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng ông Tập Cận Bình làm bệ đỡ cho tân Trưởng Đặc khu Hồng Kông xuất thân từ cảnh sát – Lý Gia Siêu, thực tế là làm bệ đỡ và tuyên truyền cho đường lối Hồng Kông và mô hình Hồng Kông của chính ông, nêu bật mức độ thành công của “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông theo mô hình của ông. Dù hiện nay kinh tế Hồng Kông đang sa sút, sự huy hoàng của “hòn ngọc Phương Đông” không còn, nhưng lối tư duy của ông Tập là ưu tiên đảm bảo an ninh chính trị, thiệt hại về kinh tế chỉ là thứ yếu, thậm chí có thể hy sinh nếu cần.

Tuy nhiên, phân tích của ông Tang Phổ cho rằng trong tương lai, nền dân chủ, tự do và phát triển kinh tế của Hồng Kông sẽ chỉ xấu đi, dần dần chuyển từ “tài sản dương” sang “tài sản âm”.

“Thứ nhất, về mặt kinh tế, tỷ trọng của Hồng Kông trong GDP của Trung Quốc đã giảm xuống một con số, và giá trị lợi dụng của nó sẽ ngày càng nhỏ hơn; thứ hai, một khi phong trào dân chủ nổ ra, các vùng khác ở Đại Lục sẽ làm theo, tạo ra một cuộc khủng hoảng chế độ; thứ ba, các thế lực chống Tập sẽ sử dụng điều này như một đòn bẩy để tấn công ông; thứ tư, cộng đồng quốc tế cũng sẽ sử dụng Hồng Kông như một đòn bẩy để tăng cường các biện pháp trừng phạt và giám sát đối với Trung Quốc.” Ông Tang Phổ nói rằng đây cũng là thời đại bi ai của Hồng Kông, chỉ có thể hy vọng rằng may mắn cuối cùng sẽ đến trong tương lai.