Năm nay là kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng thật khéo cũng là thời điểm các nước phương Tây đồng loạt áp đặt các lệnh trừng phạt với ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền. Trong bối cảnh ông Tập chịu nhiều áp lực đã cảnh báo trong nội bộ không tin theo truyền thông và sách báo nước ngoài “cố tình suy diễn ác ý” về các sự kiện lịch sử và các vấn đề thực tế của ĐCSTQ.

shutterstock 132906761 1
Có nhận định cho rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh về cái gọi là xây dựng “sử quan Đảng đúng đắn” với mục đích che đậy lịch sử đẫm máu do ĐCSTQ gây ra để duy trì vận mệnh đang hấp hối của chế độ. (Ảnh: Kaliva/ Shutterstock)

Tập Cận Bình nói về “sử quan Đảng đúng đắn”

Ngày 2/4, giới truyền thông của ĐCSTQ đưa tin, sau hơn một tháng, tạp chí lý luận Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ lại đăng bài phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Hội nghị Vận động Giáo dục học tập Lịch sử Đảng vào ngày 20/2, trong đó nhấn mạnh xây dựng “sử quan Đảng đúng đắn” (quan niệm về lịch sử đúng đắn), đặc biệt chú trọng từ nội bộ Đảng viên: “Không tin chính sử lại tin dã sử, thông tục hóa và giải trí hóa đối với lịch sử Đảng, ưa kể những chuyện xuyên tạc, ham thú xuất bản phẩm bất hợp pháp từ nước ngoài”.

“Những khuynh hướng sai lầm” được ông Tập lưu ý cho các đảng viên ĐCSTQ phải cảnh giác còn có, “Cố tình liên kết các sự kiện lịch sử Đảng với các vấn đề thực tế, xuyên tạc ác ý”, qua đó ông Tập yêu cầu cái gọi là “nhận thức đúng đắn và đánh giá có tính khoa học về các sự kiện quan trọng, các hội nghị quan trọng, nhân vật quan trọng”, đề nghị cái gọi là “phản đối chủ nghĩa hư vô lịch sử”.

Ngày 5/4, tạp chí “Tin tức Đa chiều” (Duowei News) ở nước ngoài có trụ sở tại Bắc Kinh đã đăng một bài báo phân tích chỉ ra rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại hội nghị này về cơ bản đã cho thấy tinh thần cảnh giác cao của ĐCSTQ trong bối cảnh hiện nay. Yêu cầu cảnh giác trước “khuynh hướng sai lầm” lần này minh họa ít nhất hai vấn đề.

– Một là, yêu cầu của ĐCSTQ đối với lĩnh vực tư tưởng có thể nghiêm ngặt hơn, có nghĩa là nhiều vấn đề gây tranh cãi cần phải có thái độ rõ ràng hơn về đúng hay sai, cho dù chỉ là vấn đề “khuynh hướng” thôi cũng khiến Bắc Kinh phải cảnh giác.

– Hai là ĐCSTQ có thể áp dụng cái gọi là phương pháp “chấn chỉnh từ gốc” để xem xét các tranh chấp lịch sử trong quá khứ. Ví dụ “thẳng thắn luận” được ông Tập đưa ra tại “lưỡng hội” toàn quốc năm nay, hay các nhà ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ cảnh báo Mỹ trong cuộc gặp tại Alaska rằng họ “không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc trong tư thế của kẻ mạnh”, cả hai vấn đề đều cho thấy ĐCSTQ chú trọng tâm thái tự tin. Trong bối cảnh này, ĐCSTQ sẽ yêu cầu một “đánh giá toàn diện về công trạng của ĐCSTQ trong lịch sử mà không chịu giới hạn trong một giai đoạn lịch sử cụ thể”.

Đáp lại phân tích của tờ Duowei News, có bình luận chỉ ra rằng việc ông Tập nhấn mạnh như vậy nhằm yêu cầu công chúng chỉ tin vào “chính sử” bị ĐCSTQ áp đặt, không cho phép sự tồn tại “dã sử” tức ký ức lịch sử được lưu truyền trong dân gian.

Không ngừng che đậy sự thật lịch sử vì tồn vong của ĐCSTQ

Ông Tập nhấn mạnh việc nghiêm cấm “phóng đại những sai lầm và những khúc mắc trong lịch sử ĐCSTQ” khiến người ta dễ liên tưởng đến việc trước đây nhiều lần ĐCSTQ sửa sách giáo khoa liên quan xác định về thời Cách mạng Văn hóa, đã phủ nhận rằng đây là một sai lầm do Mao Trạch Đông thực hiện để tiêu diệt những người bất đồng chính kiến; hay như Nạn đói lớn vào đầu những năm 1960 luôn được chính quyền ĐCSTQ mô tả là “thời kỳ thiên tai kéo dài ba năm” và sau đó được gọi là “thời kỳ ba năm khó khăn”, nhưng giới nghiên cứu đã chỉ ra thảm họa khủng khiếp đó là do con người gây ra, vì năm 1958 ông Mao Trạch Đông phát động Đại nhảy vọt nhằm “đuổi kịp cho đến vượt qua Anh và Mỹ”, vậy là khắp Trung Quốc mọi người ăn cơm tập thể, tập trung xây dựng công nghiệp, khiến ruộng đồng bỏ hoang; còn vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã bị ĐCSTQ tô điểm là “dẹp nội loạn”…

Thực tế cho thấy, kể từ khi thành lập, ĐCSTQ đã nhiều lần phát động các cuộc thanh trừng chính trị trong và ngoài Đảng khiến số người thiệt mạng oan uổng vô cùng khủng khiếp. Mặc dù ĐCSTQ tận dụng bộ máy nhà nước tô điểm cho lịch sử của họ, nhào nặn hình ảnh vinh quang vĩ đại để tẩy não người dân, nhưng thực ra trong thời đại ngày nay thì những thủ đoạn đó đã không còn phát huy được tác dụng mà chỉ gây tác dụng ngược làm trò cười cho thiên hạ.

Cuốn “Sự thật về những phong trào chính trị trong lịch sử dựng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng thuộc Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ chủ biên đã viết: “Vào tháng 5/1984, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã bỏ ra thời gian 2 năm và 7 tháng để điều tra và xác minh toàn diện về các hoạt động chỉnh đốn chính trị, kết quả cho thấy: hơn 4,2 triệu người đã bị giam giữ để xem xét chính trị; hơn 1.728.000 người chết bất thường; hơn 135.000 người bị kết án tử hình vì tội phản cách mạng; hơn 237.000 người người chết trong các cuộc giao tranh vũ trang, và hơn 7,03 triệu người bị tàn tật; hơn 71.200 gia đình bị phá hủy hoàn toàn”.

Cần phải nhấn mạnh rằng dữ liệu chính thức của ĐCSTQ được công bố nêu trên rất có khả năng bị làm cho nhẹ đi, chỉ đề cập liên quan đến giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Nếu vậy thì bao nhiêu thân phận và gia đình người dân Trung Quốc đã trực tiếp hoặc gián tiếp chết hoặc bị tan cửa nát nhà bởi các phong trào chính trị khác?

Đài RFI (Pháp) có nhận xét rằng “Rất khó để biến lịch sử của ĐCSTQ thành lịch sử đích thực”.

Về vấn đề này, gần đây cộng đồng mạng Trung Quốc cũng nhắc lại câu của cố Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang nói tại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 2/1979: “Nếu cho nhân dân biết rõ lịch sử của ĐCSTQ chúng ta, nhân dân sẽ vùng lên lật đổ chúng ta”.

Miêu Vi, Vision Times

Xem thêm: