Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây tiết lộ rằng “các lãnh đạo đảng và nhà nước” đã được tiêm vắc-xin COVID-19 sản xuất nội địa. Đây là một động thái hiếm và bất thường của ĐCSTQ, bởi tất cả thông tin cá nhân liên quan đến các quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ đều thuộc “bí mật nhà nước”. Theo phân tích của giới quan sát, đây là “sự duy trì ổn định dư luận” của ĐCSTQ khi đối mặt với những nghi ngờ phổ biến về vắc-xin trong nước.

shutterstock 1977290582
(Ảnh minh họa: TY Lim/Shutterstock)

Ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe của Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp giao ban hôm thứ Bảy (23/7), rằng tất cả “các lãnh đạo đảng và nhà nước” hiện tại đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin virus corona mới và đều vắc-xin được sản xuất trong nước. Lãnh đạo đảng “tràn đầy niềm tin” vào vắc-xin nội địa, v.v.

Điều này hoàn toàn trái ngược với khung cảnh lúc bắt đầu có dịch. Truyền thông Mỹ Breitbart đưa tin, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc được hỏi vào năm ngoái rằng liệu ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường hay các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã được tiêm phòng chưa, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh đã né tránh: “Tôi không có câu trả lời vào lúc này. Vắc-xin là linh dược của chúng ta để phòng chống dịch bệnh, là linh dược để chúng ta cuối cùng có thể chiến thắng virus.”

Ngược lại, sau khi Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ bắt đầu sản xuất vắc-xin virus corona mới Covaxin được phát triển trong nước vào năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ngay lập tức tự tiêm phòng trước ống kính để nâng cao lòng tin của công chúng. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Anh Johnson và Thái tử Ả Rập Saudi Salman đều đã được tiêm phòng trước ống kính.

Là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, sức khỏe của Tập Cận Bình luôn được giữ kín như bưng. Ví dụ, sau khi Nghị sĩ Hồng Kông Steven Ho (Hà Tuấn Hiền) tuyên bố vào ngày 2/7 rằng ông dương tính với virus corona (ông đứng sau ông Tập Cận Bình 2 hàng để chụp ảnh chung vào ngày 30/6), các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã im lặng.

Về việc ông Tập Cận Bình và những người khác đã được tiêm vắc-xin chưa, là vắc-xin nội hay vắc-xin ngoại, và họ được tiêm vào thời điểm nào thì hiện tại vẫn không cách nào chứng thực được.

Lệnh tiêm vắc-xin bắt buộc của Bắc Kinh đột ngột rút lại trong bối cảnh phản đối

Đầu tháng Bảy, sau vài ngày quan chức chính quyền thành phố Bắc Kinh tuyên bố cần thử cưỡng chế tiêm vắc-xin, nhưng đối mặt với sự kháng nghị mạnh mẽ, quyết định này đã đột nhiên bị hủy bỏ. 

Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết, từ ngày 11/7, những người đi vào các khu công cộng tập trung đông người như thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm văn hóa, sân vận động, v.v, thì phải tiêm phòng. Và nhân viên y tế, nhân viên dịch vụ cộng đồng, nhân viên vận chuyển nhà, nhân viên chuyển phát nhanh, những người tham dự hội nghị, cũng sẽ phải tiêm “mũi tăng cường” trước khi họ có thể tiếp tục làm việc.

Kế hoạch này đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng. Các cư dân mạng cho rằng đây là một hạn chế trái pháp luật đối với các quyền tự do của người dân, đồng thời đặt nghi vấn về hiệu quả của vắc-xin đối với virus đột biến.

Bắc Kinh ngay lập tức rút lại “lệnh vắc-xin”. Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu và là một người ủng hộ ĐCSTQ, thậm chí còn nói, “Bước ngoặt này cho thấy sức mạnh của dư luận, lần này dư luận có chiếm thế thượng phong trong cuộc xung đột với quyền lực.”

Bloomberg bình luận rằng đối với ĐCSTQ cầm quyền, “tiêm vắc-xin bắt buộc” đã trở thành một lằn ranh đỏ bất ngờ. Mặc dù ban lãnh đạo ĐCSTQ đã khoe khoang về việc cung cấp vắc-xin nội địa sản xuất cho các quốc gia khác và kiên trì vào cái gọi là “zero COVID“, nhưng vẫn không muốn đánh cược vốn chính trị của mình đối với “tiêm vắc-xin bắt buộc”. Không rõ liệu điều này có phải là vì chính quyền ĐCSTQ không muốn làm như vậy, hay là do quan điểm của cao tầng ĐCSTQ đối với hiệu quả của vắc-xin là khác nhau.

Nghi ngờ bệnh bạch cầu và bệnh tiểu đường do tiêm vắc-xin nội địa

Vào tháng Năm năm nay, có một bức thư chung của một nhóm “bệnh nhân ung thư máu” trên Internet Trung Quốc Đại Lục, nói rằng họ đã được tiêm phòng vào năm 2021 theo lời kêu gọi của chính phủ, nhưng sau đó xuất hiện các triệu chứng như sốt, đổ mồ hôi ban đêm, ho, nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy, khó thở. Khi khám chữa thì kết quả kiểm tra phát hiện họ đều mắc bệnh bạch cầu cấp tính.

Trên các nền tảng xã hội cũng xuất hiện nhiều tin tức về việc người dân Trung Quốc mắc bệnh ung thư máu sau khi tiêm vắc-xin.

Trong một đoạn video lan truyền trên mạng, một người đàn ông mặc áo phông trắng yếu ớt ngồi trên xe lăn, chiếc xe tải đậu bên cạnh có dòng chữ “Bệnh bạch cầu cấp tính do tiêm vắc-xin virus corona mới” trên thân xe. Những cư dân mạng đăng tải bài viết cho rằng họ chỉ biết bảo vệ quyền lợi của mình một cách bất lực như vậy. Trong một video khác, một phụ nữ trẻ ở Tứ Xuyên “bị sốt và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính sau khi được tiêm vắc-xin virus corona mới”. Ngoài ra còn có một đoạn video cho thấy nhiều trẻ em bị ung thư máu.

Cùng tháng, hàng ngàn phụ huynh của các trẻ nhỏ đã công bố một bức thư chung trên mạng, nói rằng con họ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sau khi tiêm vắc-xin virus corona mới, thông tin này đã gây sự chú ý rộng rãi trong xã hội. Những đứa trẻ này đều đã được tiêm vắc-xin virus corona mới của Sinovac, vắc-xin BBIBP của Sinopharm và các công ty khác. Nhiều báo cáo y tế đã xác nhận rằng lượng đường trong máu của trẻ là bình thường trước khi tiêm chủng, nhưng sau khi tiêm thì xuất hiện bất thường.

Tại một cuộc họp báo ngày 23/7, ông Vương Phúc Sinh (Wang Fusheng), Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế số 5 của Bệnh viện Đa khoa Giải phóng quân và là Viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc, đã nói rằng: “Việc tiêm vắc-xin virus corona mới sẽ không gây ra bệnh bạch cầu và bệnh tiểu đường. Nó sẽ không gây các hiện tượng như lây lan của khối u hoặc tăng cường kháng thể phụ thuộc như một số thông tin trực trên mạng.” Việc ông bác tin đồn, ngược lại gây bùng nổ dư luận trong nước, nhiều cư dân mạng lo lắng đây chẳng phải là “giấu đầu hở đuôi” sao. Thậm chí còn có người nói,Hễ bác bỏ tin đồn thì đó chính là tin thật”. Một số người khác còn có phản ứng:

“Nói những lời này là vô ích, hãy đưa ra số liệu!”;

“Có bằng chứng không? Hay là ông nói không bị thì sẽ không bị?”;

“Cần dữ liệu để hỗ trợ cho tuyên bố của ông! Chúng tôi muốn sự thật! Không thể để các chuyên gia nói là được!”;

“Hãy ủng hộ việc tiêm chủng tự nguyện! Nếu vắc xin thực sự tốt, thì càng không nên sợ bị lây nhiễm, không cần phải ép buộc người khác tiêm.”, v.v.

Nghiên cứu: Vắc-xin Trung Quốc về cơ bản không có hiệu quả chống lại Omicron

Các vắc-xin của Sinopharm và Sinovac được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc Đại Lục là vắc-xin “virus bất hoạt”. Nhược điểm của nó là tỷ lệ nhiễm đột phá cao hơn. Do ĐCSTQ cấm bất kỳ loại vắc-xin nước ngoài nào được bán ở Trung Quốc, nên đã hình thành hiện trạng vắc-xin nội địa đang chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Với sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron trên khắp thế giới, biến thể này đã xuất hiện ở nhiều nơi ở Trung Quốc. Vắc xin Sinovac qua nghiên cứu thử nghiệm của Viện Butantan ở Brazil cho thấy tỷ lệ hiệu quả của nó chỉ là 50,38%. Nghiên cứu của Đại học Hồng Kông và Khoa Y của Đại học Trung văn Hồng Kông cho thấy ngay cả 3 liều vắc-xin Sinovac cũng không tạo ra đủ lượng kháng thể để chống lại Omicron.

Một nghiên cứu hợp tác khác của Đại học Yale, Bộ Y tế Cộng hòa Dominica và các tổ chức khác cho thấy, 2 liều vắc xin Sinovac kết hợp với các mũi tiêm nhắc lại là vắc-xin Pfizer do nước ngoài sản xuất vẫn có hiệu quả miễn dịch thấp đối với Omicron.

ĐCSTQ tuyên bố rằng “tỷ lệ bảo vệ” của vắc-xin Sinopharm là 79,34%, nhưng năm ngoái hàng trăm người nước ngoài được tiêm vắc-xin của Sinopharm đã mắc bệnh. Chuyên gia vắc-xin tại Trung Quốc là ông Đào Lê Nạp tiết lộ rằng vắc-xin BBIBP của Sinopharm có 73 tác dụng phụ .

Vào tháng Sáu năm ngoái, trong 10 quốc gia có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng thì có 9 quốc gia đều tiêm lượng lớn hoặc một phần vắc xin Sinopharm hoặc Sinovac của Trung Quốc.

Ông Chu Vĩ (Zhu Wei), giám đốc y tế của một công ty dược phẩm Mỹ, nói với Epoch Times vào đầu năm rằng, chính sách “zero COVID” cực đoan của ĐCSTQ cho thấy rằng họ thực sự không tin tưởng vào vắc-xin nội địa của chính Trung Quốc.

Trí Đạt (t/h)