Gần đây, một cư dân mạng Trung Quốc đã đi thực địa Tân Cương, dựa theo hình ảnh vệ tinh trên truyền thông Mỹ BuzzFeed để kiểm tra các trại tập trung ở Tân Cương và ghi lại. Đoạn video có tiêu đề “Tìm kiếm trại tập trung ở Tân Cương” đã được tải lên YouTube thu hút chú ý, nhiều chuyên gia đã phân tích và kiểm tra đối chiếu các khu vực kiến trúc được quay trong video và hình ảnh vệ tinh liên quan để xác minh.

d9279d2c 5271 483b 8a3b 13c825897bda
Cư dân mạng Trung Quốc đã đến thăm Tân Cương và khảo sát thực địa các trại tập trung ở Tân Cương dựa trên các bức ảnh vệ tinh do truyền thông Mỹ BuzzFeed News tiết lộ. (Ảnh từ Twitter).

“Trang web của BuzzFeed chỉ đăng ảnh bản đồ vệ tinh, do đó không thể rõ những khu vực kiến trúc được đánh dấu đó ở đâu? Thực tế chúng trông như thế nào? Môi trường xung quanh ra sao? Tôi đã đến Tân Cương để tìm câu trả lời”, Guan Guan đến từ Hà Nam cho biết ở đầu video, anh nói rằng giới phóng viên nước ngoài bị hạn chế nên không thể đến được Tân Cương, nhưng anh thì có thể.

Video dài 20 phút cho thấy Guan Guan đã đến thăm 8 thành trấn và 18 căn cứ, bao gồm thành trấn Hami, huyện Mulei, huyện Jimsar… Video cho thấy các công trình kiến trúc như thế giới bên ngoài vẫn diễn tả là các khu giam giữ, trung tâm giáo dục, trường đào tạo chăn nuôi gia súc, có thể thấy quanh những công trình kiến ​​trúc là hàng rào thép gai, lan can sắt, đài quan sát…, từ bên ngoài thấy những bảng hiệu như “cải tạo lao động”, “cải tạo văn hóa”. Điều đáng chú ý là nhiều cơ sở trong số này không xuất hiện trên bản đồ Baidu.

“… Nằm ở góc tây bắc của nút giao giữa đường Xiyu và đường Renmin West là trại giam giữ huyện Jimsar, nhưng trên bản đồ Baidu chỉ là khoảng trống”.

Cư dân mạng ghi hình đã rời khỏi Trung Quốc?

Ngoài ra, Guan Guan còn lái xe đến một con đường nhỏ rải sỏi hướng tới một khu doanh trại và chạy xe leo lên dốc cát để ghi hình một nhà tù mới được xây dựng năm 2019 nằm ở quận Đạt Phản Thành (Dabancheng) – Urumqi. Trong video, anh cho biết đây là khu mà du khách không nên đến vì xung quanh không có nơi trú ẩn nào, nếu đứng ghi hình có thể bị chú ý, vì vậy anh phải bò về phía trước. “Tìm kiếm trại tập trung Tân Cương” là tập 5 trong loạt phim “Hình ảnh ngẫu nhiên về thành thị và nông thôn” của Guan Guan, thực hiện năm 2020. Có thông tin cho rằng Guan Guan đã rời khỏi Trung Quốc, nhưng vấn đề này anh chưa phản hồi.

Nhiều chuyên gia phương Tây sử dụng ảnh vệ tinh để xác định vị trí trại tạm giam, họ đã đối chiếu các công trình kiến trúc quay trong video với ảnh vệ tinh được công bố trước đó. Năm ngoái, Nathan Ruser, một nhà nghiên cứu tham gia “Dự án dữ liệu Tân Cương” của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), đã phân tích trên Twitter rằng nhà tù mới do Guan Guan quay được là lớn nhất ở Tân Cương, nằm phía cực tây của “Trại giam số 3 Urumqi”, Nathan Ruser nói rằng trại cải tạo này rộng hơn Disneyland khoảng 3,5 lần.

“Đoạn video này không chỉ cung cấp hình ảnh chưa từng có về hệ thống giam giữ ở Tân Cương, mà còn gợi ý về quy mô của những trại này và số lượng người bị giam giữ kể từ năm 2017 vì lý do tín ngưỡng và văn hóa của họ”, Nathan Ruser viết. Ông tiết lộ trong “Dự án dữ liệu Tân Cương” rằng trong số hơn 380 cơ sở giam giữ ở Tân Cương có 61 cơ sở đang được xây dựng mở rộng.

Nhiều trung tâm đào tạo đã đóng cửa có thể được chuyển thành trại giam hoặc nhà tù

Ngoài ra, chuyên gia kiến ​​trúc Alison Killing cũng chia sẻ trên Twitter xác minh các kiến trúc trong video qua đối chiếu phân tích kinh độ của hình ảnh vệ tinh. Alison Killing là một trong những đồng tác giả loạt phóng sự của BuzzFeed về các trại giam giữ ở Tân Cương. Cô nói: “Tôi khâm phục dũng khí của người đến Tân Cương tìm những trại này, tôi cũng biết ơn vì thông tin mới này đã giúp chúng tôi xác minh bằng chứng hiện có, cho chúng tôi biết thêm về những gì đã xảy ra ở đó.”

Mùa hè năm nay, phóng viên của AP cùng với quan chức Trung Quốc đã đến thăm “Trại giam số 3 Urumqi” ở Đạt Phản Thành. Mặc dù năm 2019, Chính phủ Trung Quốc cho biết mọi người trong các trại cải tạo Tân Cương đều đã “tốt nghiệp”, tuy nhiên nhiều thông tin chỉ ra rằng dù nhiều trung tâm bồi dưỡng đã bị đóng cửa, nhưng một số đã bị biến thành trung tâm giam giữ hoặc nhà tù.

Trả lời Đài Á châu Tự do (RFA), người phát ngôn Dilxat Raxit của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới nói rằng: “Chính phủ Trung Quốc luôn né tránh giải trình trước quốc tế và áp lực ngoại giao, ngày càng tăng cường áp dụng các thủ đoạn che giấu ở các địa phương”. Ông chỉ ra nhiều “trường dạy nghề”, “trung tâm bồi dưỡng” đều là phương tiện để che đậy sự thật về các trại tập trung, bằng chứng là một số cơ sở không thể hiển thị trên bản đồ Baidu.

Theo Trần Phẩm Khiết, RFA

Xem thêm: