Vào tối ngày 26/4, một đoạn video ghi lại cảnh một người nước ngoài lao ra khỏi khu vực bị phong tỏa ở Thượng Hải và hét lên “tôi sắp chết” đã lan truyền trên mạng xã hội. Lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải đã xác nhận người trong video đúng là người Pháp. 

Trong đoạn video dài hơn 2 phút, một người nước ngoài rõ ràng đang ở trạng thái tuyệt vọng, dùng tiếng Trung gượng gạo hét lên với những người phòng chống dịch mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng rằng “tôi sắp chết”. Người này liên tục nói  “tôi sắp chết” bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải: Người nước ngoài trong video đúng là người Pháp

Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đã liên lạc với lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải để yêu cầu xác nhận xem người đó có thực sự là một công dân Pháp sống ở Thượng Hải hay không. Lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải đã xác nhận với RFI rằng người này thực sự là người Pháp và đã được các nhân viên y tá chăm sóc, đang trong tình trạng ổn định.

Nhưng tại sao anh lại rơi vào tuyệt vọng như vậy? Liệu có đủ thức ăn không? Liệu có phải vì đói không chịu nổi không? Đáp lại, lãnh sự quán Pháp trả lời rằng họ về cơ bản đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người Pháp ở Thượng Hải thông qua việc mua sắm theo nhóm được thiết kế đặc biệt cho người nước ngoài, và thực phẩm và quần áo của họ không phải là vấn đề. Còn về việc có lý do nào khác hay không thì vẫn chưa rõ.

Đoạn video quay cảnh người Pháp hét lên muốn tự tử đã ngay lập tức lan truyền trên Internet. RFI trích dẫn tweet của ông Florian Philippot, đại diện của đảng cực hữu Pháp nói rằng một người Pháp suy sụp vì sợ hãi trại tập trung phòng virus corona mới khiến người ta quá đau lòng. Và ông đặt câu hỏi vì sao Chính phủ Pháp lại khoanh tay đứng nhìn.

Cư dân mạng: Người nước ngoài đang bị bức bách phát cuồng, còn người Trung Quốc thì sao?

Cư dân mạng bàn tán trên Twitter: “Người nước ngoài đang bị bức ép đến phát cuồng, muốn chết cũng không được.”

Cư dân mạng @guangmingdeming: “Một người nước ngoài đã sống ở Thượng Hải 11 năm cho biết: Tôi rất thất vọng về Thượng Hải, đối xử với mọi người như gia súc.” 

Cư dân mạng @FanrongY: “Đáng buồn thay, trong bối cảnh bị phong tỏa, yêu cầu của người Trung Quốc là cho tôi ăn, và sắp chết đói! Còn những người nước ngoài sống ở Thượng Hải, yêu cầu và phàn nàn của họ là chính phủ các vị không thể đối xử với tôi như một con vật, tôi là một con người! Tôi có phẩm giá của con người!”

Nhiều cư dân mạng tiết lộ trên Twitter rằng người nước ngoài có đặc quyền. Hội Hiền Cư (Hui Xian Ju) ở Thượng Hải là khu dân cư từ trung đến cao cấp đầu tiên do Changshi Group phát triển tại Thượng Hải, có nhiều khách thuê là người nước ngoài, họ sống biệt lập tại đây. Tuy nhiên, do có nhiều người nước ngoài và người dẫn đầu không hợp tác nên chính quyền buộc phải rút và hủy bỏ cách ly.

Cư dân mạng @yulin18494807 viết: “Biện pháp “cách ly cứng” của Thượng Hải đã phong tỏa đến khu vực có người nước ngoài ở. Những nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ màu trắng bị mắng chửi và đã rút lui. Người nước ngoài vẫn có đặc quyền.”

Cư dân mạng @wangming77777 viết: “Tại sao người nước ngoài ở Thượng Hải có thể đi mua sắm trong thời gian có dịch?
Bởi vì sau lưng họ có một tổ quốc lớn mạnh!
Tại sao những người bình thường ở Thượng Hải không thể đi mua sắm?Vì trên lưng chúng ta cũng có một tổ quốc lớn mạnh!
Nhưng tổ quốc này lại không biết bảo vệ người dân của mình!”

Thượng Hải phong tỏa nghiêm ngặt, 85% người nước ngoài muốn rời khỏi

Cuộc khảo sát, do hãng truyền thông địa phương That’s Shanghai thuộc HK Focus Media thực hiện vào giữa tháng Tư, đã hỏi 950 cư dân nước ngoài một loạt câu hỏi để tìm hiểu tâm trạng của cộng đồng người nước ngoài trong bối cảnh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đang được áp dụng tại thành phố này.

85% người nước ngoài được hỏi cho biết, đợt phong tỏa hiện tại ở Thượng Hải đã khiến họ phải suy nghĩ lại về tương lai của họ ở Trung Quốc. Trong số này, 22% muốn rời khỏi quốc gia cộng sản này càng sớm càng tốt, 26% có kế hoạch rời khỏi trong vòng 12 tháng, trong khi 37% đang xem xét việc rời khỏi, nhưng sẵn sàng chờ xem liệu tình hình có cải thiện trước hay không.

Những người được khảo sát không phải là những người mới đến, khoảng 88% đã sống ở Trung Quốc hơn ba năm, trong khi 27% đã sống hơn một thập kỷ. Khoảng 1.000 chuyên gia nước ngoài làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc, trong đó khoảng một nửa có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Khoảng 1/3 số người được hỏi (31%) cho biết, họ có kế hoạch trở về đất nước của mình. Trong số những người dự định đi đến nơi khác: 22% cho biết sẽ đến một nơi khác ở châu Á, 12% dự định đến châu Âu, 5% sẽ đến châu Mỹ, trong khi 14% lên kế hoạch đến các khu vực khác trên thế giới.

Trí Đạt (t/h)