Gần đây bùng nổ thông tin về việc Viện Gen Bắc Kinh (BGI) của Trung Quốc bị phát hiện thu thập dữ liệu di truyền thông qua khám thai và chia sẻ thông tin liên quan với quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

BGI
BGI tự hào là nhà tài trợ về công nghệ cho “Cộng đồng chung vận mệnh” và đang nhắm đến các gen của người Mỹ. (Ảnh Vinh Bích Long/ Epoch Times)

BGI chia sẻ dữ liệu DNA với quân đội ĐCSTQ

Một cuộc khảo sát của Reuters đã chỉ ra rằng xét nghiệm tiền sản (trước khi người mẹ sinh con) của Viện Gen Bắc Kinh là một trong những xét nghiệm được tín nhiệm nhất, đồng thời đây cũng là nguồn cung cấp dữ liệu di truyền của công ty, [nhưng thông tin cảnh báo] công ty này hợp tác với quân đội ĐCSTQ để cải thiện “chất lượng dân số” và nghiên cứu di truyền, cũng nhằm giải quyết những vấn đề trong quân đội như vấn đề thính giác và khả năng chịu đựng ở môi trường độ cao của người lính.

BGI cũng cho biết, họ lưu trữ và phân tích lại các mẫu máu và dữ liệu di truyền còn lại từ cuộc kiểm tra, đồng thời bán những dữ liệu này cho ít nhất 52 quốc gia. Mặc dù thông tin cá nhân liên quan không nêu tên của người mẹ nhưng có các thông tin như quốc tịch, chiều cao và cân nặng.

Đến nay, số phụ nữ được BGI thực hiện kiểm tra tiền sản lên đến hơn 8 triệu người, BGI không muốn tiết lộ có bao nhiêu phụ nữ nước ngoài đã tham gia, chỉ thừa nhận họ thu thập dữ liệu từ người Trung Quốc.

Reuters cũng phát hiện một nghiên cứu của BGI đã sử dụng siêu máy tính của quân đội ĐCSTQ để phân tích lại dữ liệu xét nghiệm tiền sản NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing, phương pháp dùng phát hiện bệnh di truyền hay dị tật của thai nhi), qua đó  tìm đặc điểm di truyền của các dân tộc thiểu số Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur). BGI cũng lưu trữ dữ liệu DNA thu thập được trong cơ sở dữ liệu gen do ĐCSTQ tài trợ, một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất trên thế giới.

Về vấn đề này, một số người mẹ mang thai cho biết họ hoàn toàn không biết trước, nếu biết trước bị thu thập dữ liệu di truyền như vậy thì họ sẽ không chọn dịch vụ sản khoa của công ty này.

Nhận định cho rằng dù không có bằng chứng việc BGI vi phạm các thỏa thuận hoặc quy định về quyền riêng tư của bệnh nhân, nhưng chính sách bảo mật của trang web kiểm tra của BGI quy định rõ ràng rằng nếu dữ liệu thu thập được “liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia hoặc quốc phòng của Trung Quốc” thì BGI có quyền chia sẻ thông tin liên quan ra bên ngoài.

Trên thực tế, vào tháng Hai năm nay, Trung tâm Quốc gia về An ninh Chống Phần mềm gián điệp (NCSC) của Mỹ đã công bố báo cáo cảnh báo ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu di truyền của người Mỹ, điều này đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền riêng tư, nền kinh tế và an ninh quốc gia của người Mỹ; báo cáo cũng đã nhiều lần đề cập đến BGI của Trung Quốc trong vai trò liên quan ĐCSTQ.

Tháng Ba năm nay giới cố vấn của Chính phủ Mỹ cũng đã có cảnh báo rằng BGI đang sử dụng AI để thu thập và phân tích một số lượng lớn dữ liệu di truyền, giúp ĐCSTQ có được bộ gen loài người đa dạng nhất và lớn nhất, từ đó giành được lợi thế chiến lược quân sự (như khả năng “chỉnh gen binh lính”), hoặc thúc đẩy dự án kỹ thuật di truyền có hại cho người dân và thực phẩm Mỹ.

Thông tin của Reuters cũng đề cập rằng BGI có trụ sở tại Thâm Quyến, trong năm nay đã thành lập 80 phòng thí nghiệm về virus COVID-19 tại 30 quốc gia và khu vực, họ cũng có kế hoạch sử dụng lại chúng để “sàng lọc sức khỏe sinh sản”. Năm ngoái, BGI cũng đã bán hoặc tặng hàng triệu máy kiểm tra COVID-19 cho thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Về vấn đề này, cơ quan an ninh Mỹ cảnh báo rằng “đây là một phần của kế hoạch thu thập một số lượng lớn DNA từ nước ngoài”; nhưng BGI bác bỏ điều đó và cho biết họ không thu thập dữ liệu DNA từ những người xét nghiệm.

Quan hệ giữa BGI và quân đội ĐCSTQ

Ngoài ra, báo cáo điều tra của Reuters cũng cho thấy người sáng lập BGI có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.

Những người sáng lập BGI là Dương Hoán Minh (Yang Huanming) và Uông Kiến (Wang Jian) đã từng xuất bản các bài báo liên quan đến hoạt động nghiên cứu của quân đội ĐCSTQ, thuộc dự án trọng điểm của ĐCSTQ. Năm 2017, họ cũng tham gia nghiên cứu về tác động của việc leo núi nhanh đối với “những người đàn ông trẻ, khỏe”, rõ ràng là nghiên cứu có liên quan đến [hoạt động của quân lính ĐCSTQ] ở biên giới Trung-Ấn.

Ngoài ra, vào năm 2015, nhà nghiên cứu Trần Duy Quân (Chen Weijun) của BGI cũng đã cùng Học viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho thuốc thử hô hấp chi phí thấp. Thuốc thử này có thể phát hiện COVID-19 và SARS, và Trần Duy Quân cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên nghiên cứu về trình tự gen của COVID-19. Được biết, BGI đã cùng quân đội Trung Quốc đăng ký không dưới 10 bằng sáng chế.

Thông tin công khai cũng cho thấy, BGI có 4 nhà nghiên cứu hợp tác chặt chẽ với Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT) Trung Quốc; trong số đó có Bành Thiệu Lượng (Peng Shaoliang) đã hỗ trợ phát triển phần mềm giúp BGI sử dụng siêu máy tính do NUDT phát triển để xử lý trình tự gen người. NUDT là tổ chức bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen, còn Trần Duy Quân và Bành Thiệu Lượng cũng bị liệt vào nhóm chuyên gia của quân đội ĐCSTQ.

Theo các thông tin công khai từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc phỏng vấn vào tháng Ba năm ngoái của tờ The Paper với người sáng lập BGI Vương Kiến, thông tin tháng 5/2018 của tạp chí Fortune, thông tin vào tháng 4/2013 của “Kinh tế thế kỷ 21”, tất cả đều cho thấy sự ra đời của BGI và sự nổi lên của Vương Kiến có ràng buộc trong việc thúc đẩy công nghệ di truyền với các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ.

Theo dữ liệu, ban đầu BGI có tên là ‘Trung tâm nghiên cứu gen BGI Bắc Kinh’, là một trung tâm về trình tự gen ở Trung Quốc, được thành lập vào năm 1999. Những người sáng lập BGI bao gồm Vương Kiến, Vu Quân (Yu Jun), và Dương Hoán Minh (Yang Huanming). Theo một thông tin từ tạp chí Fortune Trung Quốc, trong một buổi tiệc dịp Tết Nguyên Đán năm 1994 có tham dự của Vương Kiến và Vu Quân, Vương Kiến dõng dạc tuyên bố: “Các đồng chí ơi, chúng ta đã Đỏ (tức là người của ĐCSTQ) đến tận xương tủy, còn ở lại Mỹ làm gì? Hãy tiếp tục như vậy đi, về nước đi!”. Năm đó, Vương Kiến đã trở về Trung Quốc thành lập công ty.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: