Bức ảnh đập Tam Hiệp trên bản đồ vệ tinh của Google đã khiến cộng đồng mạng đặc biệt chú ý tới con đập gây nhiều tranh cãi này của Trung Quốc. Tuy nhiên một số chuyên gia xử lý ảnh chỉ ra, mặc dù đập Tam Hiệp có biến dạng như truyền thông Trung Quốc thừa nhận, nhưng dữ liệu bản đồ của Google là hoàn toàn thiếu chính xác.

Vụ việc bắt đầu sau khi ông Lãnh Sơn, một học giả kinh tế độc lập người Hoa đã đăng tải hai bức ảnh so sánh về đập Tam Hiệp trên tài khoản Twitter của mình vào hôm 1/7. Trong đó, bức ảnh bên trái cho thấy tổng thể đập vẫn là một đường thẳng, còn bức ảnh bên phải lại cho thấy con đập bị biến dạng rõ rệt. Ông Lãnh Sơn kết luận trên Twitter rằng, “Đập Tam Hiệp đã biến dạng, một khi vỡ đập, một nửa Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh khốn khổ, những đại gia tộc kia cũng sẽ đi đời.”

Screenshot 3
Thông tin đăng tải trên Twitter ông Lãnh Sơn.

Thông tin trên đã gây ra rất nhiều ý kiến trong cộng đồng mạng Trung Quốc, khiến truyền thông Đại Lục phải vào cuộc. Tuy nhiên, thông tin trên truyền thông lại không đồng nhất: có thông tin nói đập Tam Hiệp không biến dạng, có thông tin nói đã biến dạng, nhưng là trạng thái co giãn, có thông tin nói một bức ảnh vệ tinh khác của Google cho thấy đập hoàn toàn bình thường…

Một số chuyên gia xử lý ảnh nhận định, dữ liệu bản đồ của Google là thiếu chính xác, vì đây là dữ liệu ảnh vệ tinh được ghép lại từ nhiều bức ảnh cùng kích cỡ, chụp trong các điều kiện thời tiết khác nhau, dẫn đến việc bị méo hình ảnh. Điều này xảy ra tương tự với các công trình cầu dài trên khắp thế giới.

Screenshot 2
Một cây cầu ở Việt Nam méo mó trên Google Earth.

Đồng thời họ cũng chỉ ra, trước đây đã có thời gian họ vẫn có thể xem xét các hình ảnh thực tế chính xác chưa qua xử lý của đập Tam Hiệp qua phần mềm Google Earth Pro sử dụng tính năng Digital Globe Coverage, lưu trữ dữ liệu ảnh vệ tinh chụp với kích cỡ to hơn bao phủ toàn con đập, từ năm 2002 đến năm 2010 của con đập này.

Vụ đập Tam Hiệp: Dữ liệu Google không chính xác
Dữ liệu Digital Globe Coverage.

Tuy nhiên, hiện tại, Google Earth Pro đã thay thế hình ảnh đập Tam Hiệp bằng một hình vẽ, và không thể hiển thị dữ liệu ảnh Digital Globe Coverage được nữa. Điều này thực ra đã được làm với nhiều công trình cầu nổi tiếng trên khắp thế giới, như cầu Golden Gate của Mỹ hay cầu Tower của Anh…

Vụ đập Tam Hiệp: Dữ liệu Google không chính xác
Đập Tam Hiệp bị thay thế bằng hình vẽ 3D trên Google Earth Pro. (Hình chụp vệ tinh qua xử lý ảnh bị méo vẫn có thể truy cập qua Google Earth thông thường)
Vụ đập Tam Hiệp: Dữ liệu Google không chính xác
Điều tương tự, cây cầu Golden Bridge của Mỹ cũng từng được thay thế bằng hình vẽ 3D.

Như vậy có thể thấy, thông tin ông Lãnh Sơn đưa ra dựa trên cơ sở bằng chứng không có giá trị. Tuy nhiên nó cũng khiến những tranh cãi vốn đã âm ỉ về công trình đập Tam Hiệp một lần nữa nổi lên.

Về phần mình, chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra một hình ảnh chụp độ phân giải cao và cho biết đó là hình ảnh đập Tam Hiệp hiện tại.

Ngày 6/7, tờ Tân Kinh báo tiếp tục đăng bài “Nhóm chuyên gia: Công trình Tam Hiệp vận hành hoàn toàn đáng tin cậy, đập bị biến dạng thuộc trạng thái co giãn?” Tờ báo này dẫn thông tin từ Weixin của Tập đoàn Tam Hiệp Trường Giang thừa nhận đập có biến dạng. Sau khi liệt kê ra hàng loạt những hạng mục và chỉ số kiểm nghiệm từ năm 2006 – 2019, tờ báo này cho biết, các chỉ số đều nằm trong phạm vi thiết kế cho phép.

Trong khi đó, giải thích kỹ hơn về việc “co giãn” này, chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc cho biết, đập Tam Hiệp do hàng mấy chục khối đập bê tông độc lập ghép thành, chứ không phải là một khối đúc liền như mọi người nhìn thấy. Mỗi một khối đập sẽ lợi dụng trọng lực đặt trên nền móng để giữ ổn định.

>>Đập Tam Hiệp: Điểm yếu của Trung Quốc?

“Cũng tức là đặt trên nền đá, chỗ kết hợp giữa khối đập và móng đập không giống như khi xây nhà, cọc thép được chôn xuống dưới, móng của nó là phân tách, khi chịu ảnh hưởng của áp lực và nhiệt độ nước, nó sẽ xảy ra sự biến dạng và dịch chuyển khác nhau. Tức là con đập lớn đang dịch chuyển.” ông Vương Duy Lạc nói.

Mới đầu, khi thiết kế đập Tam Hiệp, đã suy xét đến khả năng dịch chuyển, mỗi năm dịch chuyển khoảng vài milimet về phía trước. “Nhưng tình hình dịch chuyển thực tế là không đồng đều, tức là nó không cùng dịch chuyển theo một đường thẳng nằm ngang, khi bị cong sẽ rất dễ sinh ra vết nứt ở những chỗ nối, khiến cho chuyển động không đều này mạnh hơn, cuối cùng con đập khổng lồ sẽ hỏng.”

Ông Vương Duy Lạc cho biết, “Nếu nói đập kết cấu bê tông cốt thép sẽ không bị uốn cong, thì đó chỉ là nói về một khối đập, nó sẽ không bị uốn cong. Hiện tại là nhiều khối đập kết nối lại với nhau, vậy khi cả một khối lớn dịch chuyển, nó không trên một đường thẳng nằm ngang, thì có thể sẽ sinh ra hiện tượng uốn cong.”

Thực tế, đập Tam Hiệp đã được cho là ẩn hoạ lớn của dân tộc Trung Hoa, khu vực lân cận thường xuyên xảy ra thảm họa như hạn hán và địa chấn, khu vực hồ chứa cũng từng xuất hiện các vụ sạt lở. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân ảnh vệ tinh của Google khiến cho người dân và truyền thông của Trung Quốc quan tâm đến vậy.

Trí Đạt

Xem thêm: