Ngày 1/10 là ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền, người biểu tình Hồng Kông đã phát động đại diễu hành “Không có quốc khánh chỉ có quốc tang”, cuộc diễu hành đã bị cảnh sát trấn áp trong bạo lực, thậm chí còn bắn đạn thật vào ngực trái của học sinh trung học gây nguy hiểm đến tính mạng. Cảnh sát đã tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, trong ngày 1/10 đã bắt tổng cộng 269 người, bắn 6 viên đạn thật. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát Hồng Kông Lư Vĩ Thông nói trong cuộc họp báo, lên án người biểu tình tập trung phi pháp, và cảnh sát nổ súng là “hợp lý, hợp pháp, hợp với chỉ đạo”, những phát biểu này đã khiến cho người Hồng Kông tức giận. 

Cảnh sát Hồng Kông
Cảnh sát Hồng Kông liên tiếp lạm dụng bạo lực để trấn áp người biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ. (Ảnh: Secretchina)

Stand News đưa tin, cuộc đấu tranh phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày 1/10 đã xảy ra xung đột kịch liệt giữa người dân và cảnh sát, phía cảnh sát sau đó đã tổ chức họp báo và tuyên bố bắt giữ 269 người, bao gồm 178 nam và 91 nữ, độ tuổi từ 12 đến 71 tuổi, trong đó có 93 người là học sinh sinh viên. Cảnh sát cũng đã bắn 6 viên đạn thật, khoảng 1.400 quả lựu đạn hơi cay, 900 viên đạn cao su, 190 viên đạn túi vải, 230 viên đạn bọt biển, đồng thời sử dụng đến xe phun vòi rồng, đạt mức cao kỷ lục trong ngày kể từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ bùng nổ vào tháng 6.

Đối với việc cảnh sát bắn ra 6 viên đạn thật, có một viên đạn bắn trúng học sinh trung học tên Tằng Chí Kiện, khiến cho người này gặp nguy hiểm đến tính mạng, quan chức đứng đầu cơ quan cảnh sát Hồng Kông Lư Vĩ Thông đã lên tiếng ủng hộ cảnh sát nổ súng, và nói rằng đó là do cảnh sát bị bức ép không biết làm gì hơn nên mới có hành động như thế. Ông nói hành hành vi nổ súng của cảnh sát là “hợp lý, hợp pháp, và phù hợp với chỉ dẫn”.

Cảnh sát sẽ kiện học sinh bị trúng đạn

Theo Cục Quản lý Y tế Hồng Kông công bố thông tin hôm 2/10, trong ngày 1/10 có tổng cộng 74 người bị thương được đưa đến bệnh viện điều trị, trong đó có 2 người nguy kịch bao gồm cả học sinh bị trúng đạn, 2 người bị thương nghiêm trọng, 21 người tình trạng ổn định, 3 người chưa rõ tình hình, 46 người đã xuất viện.

Học sinh Tằng Chí Kiện bị trúng đạn ở ngực trái, sau khi được đưa đến bệnh viện đã được tiến hành phẫu thuật lấy viên đạn ra,  tình hình đã chuyển biến tốt. Chiều tối ngày 2/10, Tằng Chí Kiện đã rời khoa điều trị tích cực, chuyển sang nằm tại khoa Phẫu thuật tim – lồng ngực để tiếp tục trị liệu.

Sáng sớm ngày 2/10, Trường Trung học Ho Chuen Yiu tại Tsuen Wan, nơi Tằng Chí Kiện theo học, đã có gần 400 người tĩnh toạ trước cổng trường để kháng nghị, nhiều người đã tốt nghiệp cũng đến hiện trường, với hy vọng đòi lại công bằng cho người em cùng trường, các học sinh liên tiếp hô lớn “5 yêu cầu không thể thiếu 1”, “Cách mạng thời đại, khôi phục Hồng Kông”, đồng thời lên án hành vi bạo lực của cảnh sát.

Tuy nhiên, trong ngày cảnh sát lại hồi đáp rằng, sẽ kiện Tằng Chí Kiện tội tấn công cảnh sát và tập trung phi pháp, vụ án do Tổ trọng án Nam Tân Giới điều tra. Qua điều tra, vụ án được đưa ra toà thẩm phán Sa Điền. Tằng Chí Kiện tạm thời bị cáo buộc tội “bạo loạn” và tội “tấn công cảnh sát”.

Phóng viên Indonesia bị mù mắt phải vĩnh viễn

Trong cuộc “Đại diễu hành Toàn cầu chống độc tài ngày 29/9”, nữ phóng viên người Indonesia tên là Veby Mega Indah, bị cho là trúng đạn cao su của cảnh sát dẫn đến mắt phải bị thương. Hôm 3/10, Luật sư đại diện của cô là Vi Trí Đạt (Michael Vidler) xác nhận, sau khi được bệnh viện chẩn đoán, đã đưa ra thông báo rằng mắt phải của Indah có thể bị mù vĩnh viễn.

Luật sư Vi Trí Đạt cho biết, bác sĩ xác nhận đồng tử của cô bị rách vì trúng đạn, còn về mức độ thương tật vĩnh viễn cần đợi sau khi phẫu thuật mới đánh giá được. Hiện tại, người nhà của cô đang ở Hồng Kông để chăm sóc cô, Veby sẽ kiện hình sự và yêu cầu bồi thường dân sự đối với Sở trưởng Sở cảnh sát Hồng Kông Lư Vĩ Thông cùng cảnh sát đã bắn súng.

Đêm khuya 30/9, cảnh sát cập nhật “Sổ tay quy trình” mới

Từ khi phong trào đấu tranh chống Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông bùng nổ đến nay, cảnh sát liên tiếp lạm dụng bạo lực, theo thông tin mà Apple Daily có được, đêm khuya 30/9, cảnh sát Hồng Kông thông báo cập nhật “Sổ tay quy trình” của lực lượng cảnh sát và Chương 29 trong “Quy định chung của cảnh sát”, thay đổi định nghĩa cho phép sử dụng súng ống đối với hành vi “tấn công vũ lực chí mạng”, chỉ cần cảnh sát cảm thấy đối phương “rất có khả năng” gây ra bị thương nghiêm trọng hoặc tử vong, thì lập tức có thể sử dụng súng.

Đến ngày 1/10 thì có cảnh sát dùng đạn thật nổ súng vào người biểu tình, nội dung cập nhật cũng liệt nhiều loại vũ khí như lựu đạn hơi cay, đạn hơi cay, đạn hạt tiêu, đạn túi vải và xe phun vòi rồng vào cùng một  nhóm cấp độ vũ lực.

Hiện tại công chúng có thể đọc “Quy định chung của cảnh sát” trên trang web của cơ quan cảnh sát, nhưng chương quan trọng nhất như chương 29 “Sử dụng vũ lực và súng ống” lại bị phía cảnh sát lấy lý do liên quan đến hành động chi tiết nên vẫn không tiết lộ; còn về chỉ dẫn quy trình nghiệp vụ cảnh sát trong “Sổ tay quy trình” chưa hề được công khai.

Tài liệu nội bộ mà Apple Daily có được cho thấy, gần 11:00 tối ngày 30/9, cảnh sát đột nhiên phát đi thông cáo nội bộ, phiên bản điện tử của “Quy định chung của cảnh sát” và “Sổ tay quy trình” bản hiệu chỉnh đã được tải lên mạng nội bộ của cảnh sát, có hiệu lực tức thời.

Nội dung thông cáo bao gồm: Chương 29 của “Sổ tay quy trình” và Chương 29 của “Điều lệ chung của cảnh sát”, liên quan đến chỉ đạo sử dụng vũ lực, súng ống, dùi cui cảnh sát, hơi cay và chất hoá học hơi cay, v.v.

Theo phiên bản mới nhất trong Chương 29 “Sổ tay quy trình”  về “Sử dụng vũ lực và súng ống”, “cấp bậc sử dụng vũ lực” của cảnh sát được chia làm 6 cấp, cảnh sát cần phải phán đoán tình hình mức độ đối kháng, để sử dụng vũ lực thích đáng. Mức độ đối kháng phân thành “Đe doạ tâm lý”, “Đối kháng về ngôn ngữ”, “Đối kháng tiêu cực”, “Đối kháng ngoan cường”, “Tấn công bạo lực” và “Tấn công vũ lực chí mạng”, cảnh sát có thể căn cứ vào mức độ đối kháng khác nhau để lựa chọn vũ lực tương ứng như khống chế tay không, xịt hơi cay hoặc dùng súng, v.v.

Thay đổi lớn nhất trong chỉ dẫn này là 3 cấp bậc nghiêm trọng của “cảnh sát sử dụng vũ lực”, một mặt nới lỏng định nghĩa đối với mức độ đối kháng, một mặt lại tăng cường lựa chọn vũ khí cho cảnh sát.

Bản tin cho biết, đối với “lựa chọn sử dụng vũ lực” của cảnh sát trong cột “Đối kháng ngoan cường”“Tấn công bạo lực”, đều tăng thêm sử dụng đạn hơi cay và đạn hạt tiêu, mục “Tấn công bạo lực” còn tăng thêm các vũ khí đạn cao su, đạn túi vải và xe phun vòi rồng.

Đối với “Tấn công vũ lực chí mạng” cho phép sử dụng súng và mức độ đối kháng nghiêm trọng, định nghĩa cũng thay đổi từ “dùng hành động ẩu đả ý đồ gây ra thương vong hoặc gây bị thương nghiêm trọng đến thân thể của người khác”, thành “dùng hành động ẩu đả gây ra hoặc rất có khả năng gây ra tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng đến thân thể của người khác”.

Vì sao cảnh sát lại phải sửa đổi trước ngày 1/10

Về vấn đề này, nghị viên Hội đồng Lập pháp Lâm trác Đình chỉ trích, phía cảnh sát luôn nói rằng có chỉ đạo rõ ràng trong việc sử dụng vũ lực, và hành động là có hiệu quả, hiện tại định nghĩa “mức độ đối kháng” cũng đã thay đổi, “vì sao lại thay đổi vào thời điểm nhạy cảm này?”

Anh nghi ngờ, định nghĩa mức độ đối kháng, thay đổi từ “có ý đồ” thành “dẫn đến hoặc rất có khả năng dẫn đến”, về ý nghĩa mặt chữ sẽ có nhiều không gian diễn dịch, khiến cho người khác nghi ngờ là cảnh sát dùng vũ lực lớn hơn nữa để đối kháng người biểu tình.

Người phát ngôn tổ chức Quan sát dân quyền Vương Hạo Hiền (Icarus Wong) cho biết, phía cảnh sát liệt nhiều loại vũ khí vào cùng một nhóm vũ lực, những vũ khí liên quan có khác biệt rất lớn về vũ lực “đạn hạt tiêu và đạn cao su có sự khác nhau về cấp bậc vũ lực”, ông lên án chỉ dẫn không hề rõ ràng, dễ khiến cảnh sát lẫn lộn mà sử dụng vũ lực quá mức.

Vương Hạo Hiền giải thích thêm, trong đó liệt kê “vũ lực chí mạng” có thể lựa chọn súng ống, nhưng dùi cui cảnh sát, đạn cao su và đạn túi vải khi tấn công vào nửa trên người và phần đầu, cũng thuộc về vũ lực chí mạng, cần đồng thời liệt kê rõ ràng. Ông lên án cảnh sát gần đây sử dụng vũ lực quá mức không theo quy định và quản lý nghiêm, cảnh sát lại không cần gánh hậu quả, từ đó khiến cho tình hình lạm dụng vũ lực ngày càng nghiêm trọng.

Đối với nghi ngờ của dư luận, cảnh sát không trả lời thẳng vào vấn đề, mà chỉ cho biết chỉ đạo liên quan đến sử dụng vũ lực là có liên quan đến hành động chi tiết, nếu được công khai, có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và hiệu quả của lực lượng cảnh sát, do đó không thích hợp công khai.

Trí Đạt

Xem thêm: