Tâm lý “thắng lợi tinh thần” AQ và tâm lý “hồng nhị đại” được nhìn thấy trong vụ khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc, theo phân tích của một cây bút già dặn từng đoạt giải văn học ở Hồng Kông. Trí thức VN xin giới thiệu với quý độc giả bài viết của ông Nghiêm Thuần Câu, một nhà bình luận gạo cội về Trung Quốc.

Tap Can Binh va Joe Biden
Gặp mặt giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hôm 14/11/2022. (Ảnh chụp màn hình video)

Một đôi lời ngoài lề

“Thắng lợi tinh thần” của AQ là theo tiểu thuyết “AQ Chính Truyện” của nhà văn Lỗ Tấn. Tác phẩm này từng có thời nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc ở cả trường phổ thông Việt Nam và Trung Quốc. Khi gã AQ bị bắt nạt, thì gã tự nhủ kiểu như: Mình là bố của nó, nó mà đánh mình thì cũng bằng như đánh bố của nó. Tác phẩm này nói chung và phong cách “thắng lợi tinh thần” AQ nói riêng được xem là lột tả một lối tư duy đặc trưng của nông dân Trung Quốc thời bấy giờ.

Lưu ý rằng tinh thần AQ hoàn toàn khác với cái “Nhẫn” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Người Hoa truyền thống tin vào nhân quả, tin vào Thần Phật, tin rằng ông Trời là công bằng. Cái Nhẫn được ca ngợi trong văn hóa truyền thống là cái nhẫn cùng với xả bỏ trong tâm, không oán hận hay thù dai dù bị bắt nạt, vì tin rằng nhân quả nhất định sẽ có báo ứng công bằng. “Trong Nhẫn có Xả”, trong Pháp Luân Công có giảng về khái niệm này. Cái Nhẫn này là thể hiện của tín niệm lương thiện và ý chí kiên cường. Hoàn toàn khác với tinh thần AQ.

Hồng nhị đại (đời đỏ thứ hai) là nói về con cháu của đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tương tự, phú nhị đại là con cháu của nhà giàu, quan nhị đại là con cháu của quan chức. Do đặc thù của xã hội Trung Quốc Đại Lục, khi nói về những ‘nhị đại’ này là nói đến tâm lý đàn anh đàn chị có nét riêng ở quốc gia này.

Ông Tập Cận Bình, em trai Tập Viễn Bình, và cha Tập Trọng Huân (ảnh 1958, nguồn Wikipedia)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được ông Nghiêm Thuần Câu miêu tả là một hồng nhị đại. Theo Wikipedia, ông Tập Cận Bình là con trai của ông Tập Trọng Huân, một người tham gia phong trào cộng sản từ 1926 trở thành lứa lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, và lên đến chức Phó Thủ tướng Trung Quốc. Ông được coi là có công dẫn dắt nhiều người của thế hệ sau như ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Năm 1963 ông bị bắt, phế truất và điều đi nơi xa. Lúc đó ông Tập Cận Bình mới 10 tuổi, bị coi là “con nhà xã hội đen”. Năm 1966, Cách mạng Văn hóa, ông Tập Cận Bình bị cho thôi học và bị chuyển đến trường đặc biệt, gia đình bị lục soát, và một chị gái tự sát. Qua nhiều năm, đến nay ông Tập Cận Bình đã vươn lên trong chính cái ĐCSTQ này và trở thành người có quyền lực nhất Trung Quốc.

Dưới đây là bài bình luận của ông Nghiêm Thuần Câu:

Vụ khinh khí cầu là mô hình trị quốc của “AQ” Tập Cận Bình 

Một số chính trị gia ở Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi về chế độ độc tài của Tập Cận Bình liên quan đến vụ khinh khí cầu gián điệp: Phải chăng một số người trong ĐCSTQ và quân đội đang có tiểu động tác để hạ bệ Tập Cận Bình? Đây là một suy luận tự nhiên. Khái niệm ngoại giao truyền thống của ĐCSTQ là như câu nói của Chu Ân Lai: “Ngoại giao không phải là chuyện nhỏ.” Trong ngoại giao, việc nhỏ có thể trở thành việc lớn, vì vậy Trung Quốc luôn cẩn thận trong từng bước.

Mặc dù khinh khí cầu là công nghệ thấp và chi phí thấp (một cách tương đối), nhưng vật to tướng như vậy không thể tạo ra chỉ trong vài ngày. Ngay từ thời ông Trump làm Tổng thống Mỹ đã xảy ra sự cố khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ. Nhưng lúc đó không có phát hiện của người dân, trong khi Chính phủ Mỹ cũng không công bố, do sự việc cũng không gây ra hậu quả xấu gì nên nhà chức trách đã làm ngơ cho qua. Do vậy, không xảy ra ồn ào gì giữa Mỹ và Trung Quốc khi đó. Hoa Kỳ biết rằng khinh khí cầu không thể do thám được bất kỳ bí mật nào mà ngay cả vệ tinh gián điệp cũng không thấy được, còn Trung Quốc cũng biết Mỹ không thể trở mặt chỉ vì chuyện cái khinh khí cầu nho nhỏ. Cho nên chuyện này đã được bỏ qua.

Chưa qua đồng ý của ông Tập Cận Bình, thì không thể có chuyện phe quân đội Trung Quốc âm thầm tự ý chế tạo khinh khí cầu rồi thả tới không phận của Mỹ, trừ khi nhóm quan chức đó chán sống. Chắc hẳn đích thân ông Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm và đưa ra quyết định thời điểm xâm nhập, chỉ có điều ông Tập không ngờ, đó là lần này người dân Mỹ phát hiện ra.

Khinh khí cầu bay cao đến mức người thường không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Chỉ có nhà thiên văn nghiệp dư có thể phát hiện khi dùng kính thiên văn có tầm nhìn xa. Ngoài ra thông tin phát hiện đó đã ngay lập tức được công khai lên báo, khiến cả chính quyền Biden và Tập Cận Bình đều bất ngờ và không kịp trở tay.

Nhưng khinh khí cầu công nghệ thấp chi phí thấp xâm nhập không phận Mỹ có giá trị gì? Điều này liên quan đến nhận thức của Tập Cận Bình. Một hồng nhị đại đầy ngạo mạn đã bị Mỹ làm bẽ mặt về các vấn đề ngoại giao và công nghệ, Mỹ lại tóm lấy nhược điểm của ĐCSTQ trong vấn đề Đài Loan để bóp tới bóp lui, một chuyến thăm của bà Pelosi là chưa đủ nên cho ông McCarthy chuẩn bị mang theo một phái đoàn hùng hậu hơn sang thăm Đài Loan. Việc các dân biểu Mỹ ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là ám chỉ ý Mỹ công nhận Đài Loan là nước độc lập có chủ quyền.

Đáng tiếc thế lực Hoa Kỳ không hề cùng đẳng cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, cho nên ĐCSTQ không có nhiều thứ có thể khiến Mỹ đau đầu. Hiện nay chỉ có một thứ duy nhất có thể khiến Mỹ đau đầu là thành lập liên minh với Nga, nhưng thành lập liên minh với Nga là việc không hề dễ dàng. Rốt cuộc điều duy nhất Tập Cận Bình có thể khiến Biden khó chịu ấy là trò trẻ con như thả khinh khí cầu.

Dù thế nào đi nữa, giở trò lưu manh tầm thường đó cũng mang đến chút dễ chịu tinh thần. Chí ít khiến giới dư luận nhí ‘tiểu phấn hồng’ ở Trung Quốc cổ vũ kiểu như “chúng ta không sợ người Mỹ, chúng ta thậm chí đã vào không phận của họ.”

(Ngoài lề: Việt Nam năm đó, một thần đồng thơ nhí đã viết “ngu xuẩn nhất nhì, là tổng thống Mỹ”, và bài thơ này được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc ở trường phổ thông. Hiện nay 2 câu thơ đó đã bị xóa đi khỏi bài thơ gốc. Phải chăng năm đó bệnh tâm thần AQ cũng bị lây?)

Nào ngờ lần này bị Mỹ phát hiện, một khi bị Mỹ phát hiện thì ông Biden cũng không giấu diếm được nữa. Biden vốn định muốn mập mờ cho qua chuyện, nhưng giờ phải cúi xuống tát Tập Cận Bình nhằm trấn an công luận. Kết quả là cả Tập Cận Bình và Biden đều bị dồn vào chân tường, ai lùi bước sẽ tủi hổ. Biden không thể chỉ đơn thuần cho bắn hạ quả khinh khí cầu rồi xong chuyện mà còn phải làm nhiều hơn, nếu không vết nhơ rằng Biden thân ĐCSTQ sẽ khó mà rửa sạch. Trong khi đó với Tập Cận Bình, ngoài ngậm bồ hòn làm ngọt thì cũng không có cách gì hay.

(Ngoài lề: Ngày 2/2 Blinken hoãn vô thời hạn chuyến công du Trung Quốc. Ngày 4/2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 bắn rụng khinh khí cầu ở Nam Carolina. Ngày 6/2 Nhà Trắng triệu tập 150 đặc phái viên của 40 nước và tuyên bố toàn thế giới đang là nạn nhân của chương trình khinh khí cầu gián điệp của Bắc Kinh. Ngày 10/2 Không lực Hoa Kỳ bắn rụng một vật thể lạ ở Alaska. Ngày 11/2 Không lực Hoa Kỳ sang giúp bắn rụng một vật thể lạ ở quốc gia khác là Canada. Cùng ngày, Hoa Kỳ đưa 6 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen bị trừng phạt vì dính líu đến chương trình khinh khí cầu gián điệp. Ngày 12/2 Trung Quốc tuyên bố sẽ bắn rụng một vật thể lạ ở tỉnh Sơn Đông, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ. Ngay lập tức sau đó trong cùng ngày Hoa Kỳ lại bắn rụng một vật thể bay lạ nữa.)

Sự việc này đã vạch trần sự kém cỏi của Tập Cận Bình. Kiểu hành xử thắng lợi tinh thần như AQ tự nhủ “tao là bố của mày” là điều mà một nhà lãnh đạo của “nước lớn có trách nhiệm” không nên có.

Vì quả khinh khí cầu này mà bản chất “lời nói dối vĩ đại” của ĐCSTQ càng bị phơi bày. Cô phát ngôn viên Mao Ninh phủ nhận đó là khinh khí cầu do thám. Nhưng khi phóng viên hỏi tổ chức thương mại nào đã làm việc đó thì cô ta “không có thông tin để cung cấp.” Thử nghĩ: Nếu cô không biết nguồn gốc của khinh khí cầu thì sao có thể khẳng định đó không phải khinh khí cầu gián điệp?

(Ngoài lề: “Lời nói dối vĩ đại” là nói về phong cách tuyên truyền cứ nói dối, nói nhiều nói mãi và nói thật to thì người ta sẽ tin. “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật” — Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Phát xít Đức.)

Một quả khinh khí cầu nhỏ có chức năng rất hạn chế, nhưng khi sự việc lên men thì hậu quả rất nghiêm trọng, trước khi làm một việc như vậy, với tư cách là người ra quyết định thì nên thận trọng, cân nhắc lợi hại, nghĩ lớn, nhìn trước ngó sau, và đừng bao giờ hành động bốc đồng. Nhưng gặp một nhà lãnh đạo nông cạn và thiểu năng trí tuệ như Tập Cận Bình, một hồng nhị đại làm theo cách riêng của họ là nhanh chóng hành động để có thể tận hưởng cảm giác khoan khoái trong dịp đối phó lúc nước Mỹ rối rắm, không đủ khả năng để lường được hậu quả sau đó có dễ chịu không.

Trong trận so găng ngoại giao có đầy những chiêu trò lớn hoặc nhỏ, Mỹ đối với ĐCSTQ ngoài hai trạng thái hợp tác và đối kháng thì những vùng tranh chấp luôn hạ độc thủ để ĐCSTQ lâm vào thế cùng: Hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự, bao vây ĐCSTQ về mặt ngoại giao và củng cố đất nước về mặt công nghệ đều là những chiến lược dài hạn, và tất cả đều là đòn chí mạng. Nhưng ĐCSTQ đối phó với Mỹ bằng những thủ đoạn nhỏ mọn, như lối chơi xỏ của nông dân. Cai trị một nước lớn mà tâm trí lại nhỏ bé như vậy thì làm thế nào để đối phó với những chính trị gia lọc lõi của Mỹ?

Sóng gió khinh khí cầu gián điệp đáng lý chỉ như sóng trong tách trà, nhưng đã gây náo động dư luận Mỹ và thành cơ hội lớn cho nhóm chính trị gia chống ĐCSTQ. Chiêu trò của Tập Cận Bình lần này thiển cận đến thảm hại, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Ngoại giao thất bại sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nội chính, nếu nội chính lại thất bại thì tình hình của ĐCSTQ càng ảm đạm. Tập Cận Bình lên lãnh đạo ĐCSTQ là bất hạnh của tổ chức cầm quyền này. Nhưng đó lại là điều may mắn của người dân Trung Quốc.

Nhật Tân (t/h)

Giới thiệu về ông Nghiêm Thuần Câu:

Bài viết trích trong bài trên được đăng lại từ Facebook của ông Nghiêm Thuần Câu (NGAN, Shun-kau) — Đại học Trung văn Hồng Kông, thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả.

Ông Nghiêm Thuần Câu sinh ra ở Hồng Kông, trưởng thành ở Đại Lục, và hiện nay định cư ở Hồng Kông. Ông viết nhiều bài và bình luận trên báo chí, từng là biên tập của một số tờ báo và nhà xuất bản, từng viết và xuất bản một số sách, có tác phẩm từng được dựng dùng cho kịch bản phim. Ông từng đoạt giải Văn học Thanh niên Hồng Kông, và một số giải văn học khác.

Một cuốn sách gần đây của ông là cuốn “Vũ Huyết Hoa Niên” (mưa máu tuổi hoa niên), trong đó có đoạn giới thiệu: Những năm tháng đó, họ coi dã man là mốt thời thượng, và đem lý tưởng của mình viết lên lá cờ tà ác. Năm mươi năm sau, nhìn lại quá khứ, một thủ lĩnh Hồng Vệ Binh đã viết một cuốn tiểu thuyết dài về thời trẻ đẫm máu của mình, “Người là người tốt, vật là vật tốt, cớ sao điều trong tâm chúng ta đang nghĩ, và điều phong trào đang phê phán, tất cả mọi thứ đều điên đảo cả?”