Diễn đàn Kinh tế mới (New Economy Forum ) diễn ra trong thời gian 2 ngày đã được khai mạc hôm nay (6/11) tại Singapore, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tham dự và phát biểu, đồng thời cũng nói về quan điểm của mình trong vấn đề quan hệ Trung – Mỹ và chiến tranh thương mại giữa hai nước. Có bình luận cho rằng, đây chính là dấu hiệu cho thấy ông Vương Kỳ Sơn chính thức “xuất sơn”, trở thành người “cứu hỏa” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng là bước trải thảm cho cuộc gặp Trump – Tập sắp tới.

vương kỳ sơn
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới tại Singgapore hôm 6/11 (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 6/11, “Diễn đàn Kinh tế mới” Bloomberg lần đầu tiên đã khai mạc tại Singapore. Theo Channel 8 News (Singapore) đưa tin, phát biểu tại diễn đàn, ông Vương Kỳ Sơn nói rằng Trung Quốc mong muốn cùng Mỹ triển khai thảo luận về vấn đề kinh tế, để đạt được phương án mà đôi bên có thể chấp nhận được.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, trong bài phát biểu gần 20 phút của ông Vương Kỳ Sơn – người được coi là “Đội trưởng cứu hỏa” của Trung Quốc, ông cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị cùng Mỹ giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng nay. Đồng thời ông cũng đả kích chính sách thương mại “ưu tiên nước Mỹ” của Washington, dù ông không nhắc đến tên Tổng thống Mỹ Trump.

Theo Hãng tin Bloomberg đưa tin, là một nhà cải cách kinh tế có tiếng của Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn đã nói đến tầm quan trọng của việc ổn định quan hệ Trung – Mỹ. Ông nói, mô hình phát triển của các nước cần được tôn trọng, việc phủ định và tức giận không phải là biện pháp để giải quyết vấn đề.

Bloomberg News cho biết, trong bài phát biểu, ông Vương Kỳ Sơn còn đưa ra cảnh cáo đối với “Chủ nghĩa dân tộc cánh hữu” và “Chủ nghĩa đơn phương”. Hôm 5/11, ông Tập Cận Bình cũng phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc cho biết, sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc thêm bước nữa và ngầm chỉ trích các chính sách của ông Trump. Đây được coi là tín hiệu trong bối cảnh ông Tập Cận Bình vỗ về làm yên lòng các nhà đầu tư toàn cầu đầu tư vào Trung Quốc.

Ông Vương Kỳ Sơn cũng nhắc đến phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, ông cho rằng các nước trên thế giới có ưu thế, bởi toàn cầu hóa kinh tế là trào lưu lịch sử và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì mở rộng cửa thị trường, để các bên cùng hưởng lợi.

“Diễn đàn Kinh tế mới” có mục đích là xúc tiến quan hệ Trung – Mỹ phát triển hơn, do Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế thuộc Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc chủ quản phối hợp với Hãng tin Bloomberg cùng tổ chức.

Người khởi xướng diễn đàn này là doanh nhân Mỹ đồng thời cũng là Thị trưởng Thành phố New York – Bloomberg, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissingger, cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen.

Thành viên phía Trung Quốc tham dự diễn đàn này gồm có cựu Phó thủ tướng Quốc vụ viện Tăng Bồi Viêm, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Đổng Kiến Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung Quốc Trần Tứ Thanh, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Australia và Anh Quốc – Phó Oánh.

Theo truyền thông của Đảng cộng sản Trung Quốc phiên bản tiếng nước ngoài đưa tin, những nhân vật chính trị và doanh nhân Mỹ tham dự diễn đàn này có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson, cựu Cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump – Steve Bannon, cựu Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn.

Được biết, ông Vương Kỳ Sơn và Henry Kissinger, Hank Paulson đều giữ mối quan hệ qua lại trong thời gian dài. Năm 2017, ông Steve Bannon cũng từng gặp mặt ông Vương Kỳ Sơn. Đối với ông Vương Kỳ Sơn mà nói, lần tham dự “Diễn đàn Kinh tế mới này” còn là một cuộc gặp mặt với những “người bạn cũ”.

Tuy nhiên nhiều người “bạn cũ” tại Mỹ của ông Vương Kỳ Sơn đến nay vẫn chưa cho thấy rõ vai trò của họ trong cuộc chiến thương mại. Một mặt, vì ông Vương không công khai giam gia vào đàm phán thương mai, một mặt khác, ông cũng biểu hiện không quá chú ý đến cục diện chiến tranh thương mại, trước dó, ông đã hội kiến với nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, và mượn cơ hội này để tìm hiểu về ông Trump và hướng chính sách của chính phủ Trump. 

Ông Vương Kỳ Sơn từng phủ nhận với một nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ rằng, ông không phụ trách xử lý quan hệ Trung – Mỹ. Là Phó Chủ tịch nước, công việc của ông chính là làm những gì mà ông Tập Cận Bình muốn ông làm.

Một quan chức ngoại giao lâu năm ở phương Tây phân tích nói, ông Vương Kỳ Sơn rất thân cận với ông Tập Cận Bình, nếu ông Vương Kỳ Sơn lộ diện và trong đàm phán xảy ra sai lầm, có thể sẽ bị dư luận cho rằng là sai lầm của cá nhân ông Tập Cận Bình. “Anh có thể khiến Phó Thủ tướng khó xử, nhưng đối với Phó Chủ tịch nước thì không được”, vị quan chức này chia sẻ.

Scott Kennedy – Nghiên cứu viên của Trung tâm Chiến lược Mỹ và Nghiên cứu Quốc tế, có chia sẻ với tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông rằng: “Trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận và tuân thủ theo, nếu không ông Vương Kỳ Sơn bây giờ mà nhảy ra xử lý mới là điên rồ.”

SCMP dẫn phân tích cho rằng, có thể làm kết thúc cuộc chiến thương mại khiến thế giới chú ý này, chỉ có ông Tập Cận Bình và ông Trump đích thân tham dự và giải quyết mới được.

Đối với việc ông Vương Kỳ Sơn xuất hiện tại “Diễn đàn Kinh tế mới” này, trang tin Duowei News cho biết, Trung – Mỹ sau khi trải qua xung đột thương mại nhiều tháng qua, ông Vương Kỳ Sơn chưa hề xuất hiện một cách chính diện, điều này cho thấy việc ông chính thức xuất hiện lần này, đã đóng vai trò “cứu hỏa”, làm trải đường cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump tại Hội nghị G20 sắp diễn ra, hoặc là để tìm kiếm cơ hội giải quyết chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Ngày 2/11, ông Trump được giới truyền thông đặt câu hỏi liệu Mỹ – Trung có đạt được thỏa thuận nào trong thời gian diễn ra Hội nghị G20 hay không. Ông trả lời, ông đã tiến hành một cuộc thảo luận tốt đẹp với phía Trung Quốc, ông rất hy vọng đạt được thỏa thuận, bởi từ khi xảy ra xung đột thương mại, kinh tế Trung Quốc đang đi xuống.

Ông Trump còn xác nhận, ông sẽ dùng bữa tối với ông Tập Cận Bình tại Hội nghị G20. Đến lúc đó, hai bên sẽ bàn bạc giải quyết tranh chấp thương mại đang không ngừng leo thang.

Trước đó, ngày 1/11, ông Tập Cận Bình hội kiến với lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã thừa nhận, hiện tại sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đang bất ổn, áp lực kinh tế đi xuống tăng mạnh, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Huệ Anh

Xem thêm: