Giới truyền thông Đài Loan có nhận định, đề xuất xây dựng khu thương mại tự do Hải Nam xuất phát từ ông Vương Kỳ Sơn, rất hợp ý ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã có một loạt hoạt động ngoại giao để cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, những nguồn tin cho biết động thái này cũng là trù tính của ông Vương Kỳ Sơn.

Vương Kỳ Sơn
Ông Tập Cận Bình bắt tay cùng tân Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Ảnh: Getty Images)

Tham gia vào kiến thiết kinh tế quốc nội

Một bài viết ngày 16/4 trên Nhật báo Kinh Tế của Đài Loan có nhận định, trong 30 năm lịch sử Hải Nam trải qua 10 đời Bí thư và 9 đời Tỉnh trưởng, hầu hết thời gian là đấu đá phe cánh khốc liệt, lúc âm thầm lúc công khai, thậm chí việc dùng mỹ nhân kế gài bẫy đối phương cũng không phải hiếm.

Vào năm 2002 ông Vương Kỳ Sơn từng nhậm chức Bí thư tỉnh Hải Nam, nhưng giữ chức chưa được nửa năm đã bị điều đi nơi khác. Những nguồn tin chỉ ra, ông Vương Kỳ Sơn bị điều đi sau khi vừa lên kế hoạch cải cách gì đó ở Hải Nam. Năm 2003, Bắc Kinh nổ ra dịch SARS, ông Vương Kỳ Sơn được khẩn cấp bổ nhiệm làm Phó Bí thư và Thị trưởng tạm quyền của Bắc Kinh.

Bài viết dẫn nguồn tin chỉ ra, Cảng Thương mại Tự do Hải Nam là đề xuất của ông Vương Kỳ Sơn, và đề xuất rất phù hợp với quan điểm của ông Tập Cận Bình. Trong sự phát triển của Hải Nam sau này, ông Vương Kỳ Sơn chắc chắn đóng vai trò có tính quyết định. Còn ông Phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách tài chính và thương mại đối ngoại sẽ là Tổng giám sát Khu thương mại tự do Hải Nam và Cảng Thương mại Tự do.

Truyền thông Trung Quốc đại lục cũng chỉ ra, hiện nay, dường như công việc kiến thiết đảo Hải Nam được chính quyền Bắc Kinh quan tâm nhất kể từ trước tới nay. Mức độ cởi mở của cảng thương mại tự do này dự kiến tương đương với các khu vực thương mại tự do tiêu biểu như Hồng Kông.

Nhật báo Kinh tế Đài Loan dẫn lời nhà bình luận Lý Xuân (Li Chun) tại Hồng Kông cho biết: “Mô hình và tốc độ mở cửa về tự do thương mại của đảo Hải Nam hiện nay thậm chí ngay cả Thâm Quyến và Phố Đông cũng chưa từng được hưởng”.

Ông Lý Xuân cũng đồng quan điểm với những chia sẻ của truyền thông Đài Loan, ông cho rằng sự phát triển của Hải Nam trong 5 năm tới có lẽ chủ yếu do hai nhân vật trù tính: Vương Kỳ Sơn và Lưu Hạc. Cả hai người này đều từng sống ở Hải Nam và hiểu rõ về tỉnh Hải Nam. Ông Lý Xuân cũng trích dẫn nguồn tin cho biết, Cảng Thương mại Tự do Hải Nam là đề xuất của ông Vương Kỳ Sơn. Còn ông Lưu Hạc dự kiến ​​sẽ làm Tổng giám sát của Khu Thương mại Tự do Hải Nam, trước đây ông Lưu đã tham gia nghiên cứu và soạn thảo chính sách nông nghiệp ở tỉnh Hải Nam.

Chuyển biến mới về đối ngoại với Nhật Bản và Bắc Triều Tiên

Ngoài việc xây dựng cảng thương mại tự do ở Hải Nam, gần đây chính quyền Bắc Kinh cũng đưa ra một loạt các biện pháp ngoại giao để cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Truyền thông Nhật Bản đã có nhận định, các động thái mới nhất này của nhà cầm quyền Trung Quốc là do chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc mới được bổ nhiệm Vương Kỳ Sơn. Trong khi một số nhà bình luận thì chỉ ra, mối quan hệ Trung – Triều ấm lên nhanh chóng trong thời gian gần đây là kết quả tư vấn của Vương Kỳ Sơn với Tập Cận Bình.

Ngày 15/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đi thăm Nhật Bản, lần lượt gặp Ngoại trưởng và Thủ tướng Nhật Bản. Nhiều cơ quan truyền thông đưa tin về hội đàm giữa ông Vương Nghị với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono.

Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật dẫn nguồn tin cho biết, vào tháng tới Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tới thăm Nhật Bản, sau đó Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ thăm Trung Quốc, tiếp theo ông Tập Cận Bình cũng sẽ thăm Nhật Bản.

Tiếng nói nước Mỹ (VOA) đưa tin, một loạt các động thái của Trung Quốc gần đây nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản là do chỉ đạo của ông Vương Kỳ Sơn.

Tờ Yomiuri Shimbun cũng có nhận định, ông Tập Cận Bình có thể sẽ thăm Bắc Triều Tiên ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phản ứng lại bằng những lời lẽ khéo léo, cho rằng ông Tập Cận Bình chỉ muốn thông qua viếng thăm, cử đặc phái viên và gửi thư tay để giữ quan hệ bình thường với ông Kim Jong-un.

>>Ông Tập Cận Bình đang lên kế hoạch thăm Bắc Triều Tiên

Ngày 28/3, chính quyền Trung Quốc công bố thông tin lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bí mật thăm Trung Quốc, còn nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng tiếp đón bằng quy cách cấp cao đặc biệt, thông tin khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ.

Ai đã khiến ông Tập Cận Bình đi nước cờ này? Chuyên gia phân tích chính trị Thôi Sĩ Phương (Cui Shifang) tại Hồng Kông cho rằng, nhìn chung tất cả những nhân vật bên cạnh ông Tập như Vương Hộ Ninh, Dương Khiết Trì cũng như Vương Nghị đều không có khả năng thuyết phục được ông Tập, không thể là những người hiến kế có sức thuyết phục mạnh đối với ông Tập. Ông cho rằng nếu ba cá nhân này có khả năng tác động được ông Tập thì họ sẽ không đợi đến bây giờ mới bất ngờ “cởi mở”. Nhân vật có làm được điều này chỉ có thể là ông Vương Kỳ Sơn.

Về việc ông Vương Kỳ Sơn thường xuyên xuất hiện trong những dịp ngoại giao quan trọng, tờ Tin sáng Tổng hợp (Lianhe Zaobao) trụ sở tại Singapore từng phân tích rằng, ông Vương đi từ sân sau chống tham nhũng “chuyển mình tráng lệ bước lên sân khấu”, tham gia ngày càng sâu vào công việc ngoại giao, đã nằm trong số nhân vật quan trọng quyết định chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Huệ Anh

Xem thêm: