Một bài viết của Wall Street Journal (WSJ) cho biết đã xuất hiện những “vết nứt nhỏ” trong hệ thống quyền lực của ông Tập Cận Bình, và các nguyên lão đã nghỉ hưu gồm cả ông Chu Dung Cơ đã phản đối việc ông Tập phá bỏ thông lệ và tiếp tục tái cử làm tổng bí thư.

Embed from Getty Images

Lãnh đạo ĐCSTQ đã nghỉ hưu chất vấn về hệ thống lãnh đạo hiện tại

Ngày 15/3, tờ WSJ của Mỹ đăng một bài viết có tiêu đề “Hoạt động kinh tế của Trung Quốc bị thu hẹp, làm lộ ra những vết nứt trong quyền lực của ông Tập Cận Bình”, cũng đề cập đến nội dung trên.

Bài viết chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình hiện không chỉ phải đối mặt với áp lực từ phương Tây trong việc duy trì quan hệ với Nga, mà còn cả nền kinh tế trong nước đang suy thoái nghiêm trọng. Cục diện bất ổn mới này khiến địa vị thống trị không thể lay chuyển của ông Tập bị chất vấn.

Báo cáo dẫn lời những người trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ rằng gần đây, một số nguyên lão đã nghỉ hưu của ĐCSTQ nhưng vẫn có tiếng nói chính trị đã công khai phản đối việc ông Tập Cận Bình muốn phá vỡ thể chế kế vị lãnh đạo đã được thiết lập, trong đó gồm cả cựu Thủ tướng ĐCSTQ Chu Dung Cơ. Ông Chu Dung Cơ đã chất vấn riêng về chính sách “lấy doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm” của ông Tập.

Báo cáo chỉ ra, vào năm 2021 quyền lực của ông Tập dường như bất khả chiến bại. Nhưng hiện nay, động thái ông Tập rời xa chủ nghĩa tư bản và phương Tây, khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng bất ổn đã làm lộ ra những “vết nứt nhỏ” trong sự lãnh đạo của ông.

Đại dịch COVID và chiến tranh Nga-Ukraine gây khó khăn bên trong và bên ngoài cho ĐCSTQ

Báo cáo cho biết, vào cuối năm 2021 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã trì trệ nghiêm trọng. Sau khi ông Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát đối với hàng loạt công ty tư nhân trong ngành công nghệ và bất động sản, đã làm dấy lên sự cảnh giác của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSTQ.

Đồng thời, các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã được tăng cường hơn nữa khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán tăng mạnh, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và sản lượng của nhà máy. Hơn nữa, việc phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ là một phần quan trọng trong chiến lược đối phó với khủng hoảng dịch bệnh của ông Tập.

Về quan hệ đối ngoại, báo cáo đề cập rằng chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền ĐCSTQ đã đạt được một thỏa thuận với Nga vào đầu tháng Hai. Điều này đã làm gia tăng khoảng cách giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây. Để đạt được mục tiêu này, các nhà chức trách Trung Quốc vừa phải nỗ lực duy trì thỏa thuận với Nga, trong khi vừa phải tránh sự rạn nứt trong quan hệ với phương Tây.

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, giới chức ĐCSTQ đặc biệt lo lắng khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc Đại Lục giảm mạnh xuống 4% trong quý 4 năm 2021. Các nhà chức trách hiện đang thảo luận về việc “sửa đổi đường lối”, nhằm cố gắng giảm thiểu một số ảnh hưởng trong các chính sách của ông Tập, nhấn mạnh cái giá cao mà ĐCSTQ có thể phải trả cho việc thực hiện các chính sách của ông Tập, cả trong nước và quốc tế.