Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin độc quyền vào ngày 9/6 rằng theo những người quen thuộc với vấn đề này, tỷ phú mất tích bí ẩn Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) sẽ phải đối mặt với phiên tòa hình sự tại Thượng Hải nhanh nhất là trong tháng này. 

Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa.

Ông Tiêu Kiến Hoa, người từng thống trị hệ thống tài chính của Trung Quốc, đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bí mật bắt giữ từ Hồng Kông vào đầu năm 2017 đưa về Trung Quốc Đại Lục và không có tin tức gì kể từ đó. Có thông tin nói rằng ông Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của gia đình Tăng Khánh Hồng, bị nghi ngờ liên quan đến việc gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015 và phát động một cuộc đảo chính tài chính chống lại ông Tập Cận Bình.

Hiện không thể xác định các cáo buộc cụ thể mà các công tố viên định đưa ra đối với ông Tiêu Kiến Hoa. 

Người nắm được tình hình cho biết, các công tố viên ở Thượng Hải đang lên kế hoạch truy tố ông Tiêu Kiến Hoa với tội danh gây quỹ bất hợp pháp. Vào thời điểm mất tích, ông Tiêu Kiến Hoa có tài sản trị khoảng 5 tỷ USD. Trước đây, các cáo buộc tội danh này là nhắm vào các cá nhân bị cáo buộc bán bất động sản hoặc huy động vốn đầu tư từ những người bình thường với mục đích sai trái hoặc không được cấp phép thích hợp.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, mức án sẽ từ 05 năm tù giam trở lên. Tại Trung Quốc, bị cáo chính thức bị cáo buộc tội hình sự có khả năng cao bị phán có tội.

“Sau 5 năm im lặng chờ đợi, dưới sự chỉ thị nghiêm khắc của em trai tôi, gia đình chúng tôi rất tin tưởng vào Chính phủ Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng nhà chức trách có thể đưa ra phán quyết có thể chấp nhận được”, Tiêu Tân Hoa – anh trai Tiêu Kiến Hoa, viết trong một email trả lời WSJ.

Ông Tiêu Tân Hoa từ chối trả lời vấn đề liên quan đến chi tiết vụ án. Ông nói, “Nó vô cùng phức tạp, đầy kịch tính.”

Trước khi mất tích, ông Tiêu Kiến Hoa được biết đến với mối quan hệ kinh doanh với giới chính trị Bắc Kinh. Ông cũng có một số giao dịch với một trong những tập đoàn buôn bán vũ khí lớn nhất Trung Quốc.

Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố qua email rằng cuộc điều tra về sự mất tích của ông Tiêu đang diễn ra và không có thêm thông tin nào có thể cung cấp.

Tại Trung Quốc, nhiều giới tinh hoa doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc có hành vi phạm pháp đã bị giam giữ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bị xét xử.

Ông Tiêu Kiến Hoa là công dân Canada, nguồn tin cho biết kể từ khi ông từ Hồng Kông vào Trung Quốc Đại Lục và được bàn giao cho chính quyền Trung Quốc vào năm 2018, từ đó đã bị biệt giam ở Giang Tô và Thượng Hải.

Chính phủ Canada vào thời điểm đó cho biết họ đang thu thập thông tin và sẽ giúp đỡ. Kể từ đó, họ cho biết sẽ tiếp tục nêu vụ án này với giới chức Trung Quốc, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào, với lý do cần phải bảo vệ quyền riêng tư của ông Tiêu Kiến Hoa.

Nếu vụ xét xử được tiến hành, có thể kết thúc một trong những sự kiện giật gân và khó hiểu nhất trong chiến dịch dài hơi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kiềm chế các trùm kinh doanh của nước này.

Vào tháng 1/2017, ông Tiêu Kiến Hoa đã bị một nhóm người dùng xe lăn đẩy anh ra khỏi khách sạn tại “Khách sạn Bốn mùa” (Four Seasons Hotel Hong Kong), sau đó âm thầm đưa ông quay trở về Trung Quốc Đại Lục.

Sau khi tin đồn ông Tiêu Kiến Hoa bị bắt cóc lan truyền, cảnh sát Hồng Kông xác nhận rằng ông đã vượt biên, nhưng họ không biết trong hoàn cảnh nào. Mới đầu, Tomorrow Group mà ông Tiêu Kiến Hoa thành lập cho biết ông đang được điều trị bệnh ở nước ngoài.

Sự biến mất của tỷ phú này từng làm dấy lên lo ngại trong giới doanh nhân Hồng Kông rằng Bắc Kinh đã vi phạm cam kết “một quốc gia, hai chế độ“, đây là một khuôn khổ từng cho phép thuộc địa cũ của Anh được tự trị ở mức độ lớn.

Kể từ đó, ban lãnh đạo đảng đã trở nên tích cực hơn trong việc định hình lại trung tâm tài chính của châu Á, ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông để ngăn chặn bất đồng chính kiến, sau đó bắt đầu bổ nhiệm một cựu cảnh sát, ông Lý Gia Siêu, làm Trưởng Đặc khu hành chính nhiệm kỳ mới.

Ông Tiêu Kiến Hoa, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 1990, một trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, ông tự xưng là một người hâm mộ ông Warren Buffett. Tài sản ban đầu của ông được gây dựng qua các công ty môi giới, ngân hàng và công ty bảo hiểm và sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp.

Sau khi ông Tiêu Kiến Hoa mất tích, đế chế kinh doanh của ông đã bị chính quyền Trung Quốc làm cho tan rã.

Ông Tiêu Kiến Hoa  (50 tuổi), là một trong nhiều doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc được Bắc Kinh nhắm tới trong chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng. Sự tập trung của ông Tập vào các nhà tài chính bắt đầu vào năm 2015 với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an.

Vào tháng 6/2015, trong khi ông Tập Cận Bình đang chống tham nhũng, một sự sụp đổ lớn của thị trường chứng khoán được gọi là “cuộc đảo chính tài chính” đã xảy ra. Sự sụp đổ thị trường chứng khoán lớn này được coi là một “trận đánh chặn” do các đối thủ chính trị của ông Tập phát động chống lại chiến dịch chống tham nhũng của ông, cố gắng đánh bại ông Tập từ huyết mạch kinh tế.

Ông Tập ngay lập tức ra tay bắt giữ một nhóm các quan chức tài chính cấp cao và “cá sấu tài chính”, bao gồm cả ông Tiêu Kiến Hoa. Những người khác bao gồm Diêu Cương (Yao Gang, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc), Hạng Tuấn Ba (Xiang Junbo, cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc), Thái Ngạc Sinh (Cai Esheng, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Quản lý Ngân hàng Trung Quốc), Từ Tường (Xu Xiang, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Đầu tư Trạch Hy (Zexi Investment) Thượng Hải), Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin, chủ tịch Huarong Group), Hồ Hoài Bang (Hu Huaibang, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc), Diệp Giản Minh (Ye Jianming, chủ tịch Huaxin Group) và Xa Phong (Che Feng, người kiểm soát thực tế của Hong Kong Digital Domain), v.v.

Tiêu Kiến Hoa và phe Giang Trạch Dân có mối quan hệ mật thiết

Sau khi ông Tiêu Kiến Hoa mất tích, ĐCSTQ đã dần dần phá bỏ đế chế tài chính rộng lớn của mình. Tờ Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) cho biết, việc tháo bỏ các tài sản tài chính khác trong Tomorrow Group vẫn tiếp tục. SCMP đưa tin, ngày 30/5, Rongtong Fund Management đã đưa ra thông báo về việc thay đổi các quản lý cấp cao, công ty này từng thuộc Tomorrow Group do doanh nhân giàu có mất tích Tiêu Kiến Hoa thành lập. Động thái này đánh dấu sự phá bỏ hơn nữa đế chế tài chính của ông Tiêu Kiến Hoa. 

SCMP cho biết, các điều chỉnh nhân sự tại Rongtong Fund Management là một biện pháp khác mà các cơ quan quản lý của chính quyền Trung Quốc thực hiện để giảm thiểu rủi ro trong ngành tài chính bằng, tức phá bỏ mạng lưới kinh doanh rộng lớn của ông Tiêu Kiến Hoa.

Theo thống kê của Tạp chí New Fortune của Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6/2017, Tomorrow Group đang nắm giữ và tham gia vào 44 công ty tài chính, trong đó có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 8 công ty chứng khoán, 4 công ty ủy thác, 3 công ty quỹ, 2 công ty hợp đồng tương lai, 1 công ty cho thuê tài chính, v.v., bao phủ tất cả các giấy phép trong ngành tài chính. Tài sản của các tổ chức tài chính mà Tomorrow Group kiểm soát và tham gia lên tới 3.000 tỷ nhân dân tệ. Ngay cả tỷ phú thế giới Bezos (năm 2018), cũng có tài sản cá nhân chưa bằng ⅓ của Tomorrow Group.

Vào ngày 17/7/2020, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã tiếp quản 9 tổ chức tài chính cốt lõi thuộc Tomorrow Group, đó là Bảo hiểm Tài sản Thiên An, Bảo hiểm Nhân thọ Hoa Hạ, Bảo hiểm Nhân thọ Thiên An, Bảo hiểm Tài sản Dị An, Tín thác Tân thời đại, Tín thác Tân Hoa, Chứng khoán Tân thời đại, Chứng khoán Quốc Thịnh, Hợp đồng tương lai Quốc thịnh. Thời hạn là một năm. Nếu công việc tiếp quản không đạt như dự định thì thời gian tiếp quản sẽ được gia hạn theo quy định của pháp luật.

Cùng năm đó, Ngân hàng Baoshang, Ngân hàng Hengfeng và Ngân hàng Jinzhou trực thuộc Tomorrow Group đều bị tuyên bố phá sản.

Tờ Apple Daily tại Hồng Kông từng đưa tin ngoài việc “thao túng thị trường chứng khoán và thị trường tương lai” và “hối lộ“, ông Tiêu Kiến Hoa còn dính líu đến 3 tội danh chính trị, bao gồm hành vi làm “găng tay trắng của những nhân vật quan trọng trong giới chính trị“, “tài phiệt can dự chính trị” “đảo chính tài chính”.

Tiêu Kiến Hoa bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với một số “thái tử đảng” của phe Giang, trong đó có Tăng Vỹ, con trai của Tăng Khánh Hồng, nhân vật đứng thứ hai trong phe Giang. Tomorrow Group của ông Tiêu Kiến Hoa là tổ chức đầu tiên kiếm tiền và rửa tiền cho nhóm lợi ích của Giang Trạch Dân, có sự tham gia của đình thuộc tầng cao trong phe phái Giang Trạch Dân như Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Lý Lam Thanh,                                                                                                                      

Ngay từ năm 1989, khi ĐCSTQ thảm sát các sinh viên ngày 4/6, ông Tiêu Kiến Hoa lúc đó là chủ tịch của Liên minh sinh viên Đại học Bắc Kinh, đã đứng về phía ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, nhiều sinh viên đã được gửi đến các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, nhưng ông Tiêu Kiến Hoa vẫn ở lại trường năm 1990 và phục vụ trong Phòng Công tác sinh viên của Đảng ủy Đại học Bắc Kinh. Sau đó, ông có mối giao thiệp với các thái tử đảng, tầng lớp quyền quý trong đảng và nhanh chóng trở nên giàu có.