Một trong những vấn đề được chú ý về nội bộ quan trường Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời gian này là việc ông Tập Cận Bình tái nhiệm tại Đại hội 20. Có quan điểm chỉ ra “thế hệ Đỏ thứ 2” (Hồng nhị đại) phổ biến xu thế chống đối ông Tập, dù ít ai dám thẳng thắn công khai.

shutterstock 19447008941 e1634113172701
Ông Tập Cận Bình. (Ảnh: photocosmos1/ Shutterstock)

“Thế hệ Đỏ thứ 2” (Hồng nhị đại) là chỉ về con của thế hệ đầu lên cầm quyền ĐCSTQ thời Mao Trạch Đông, họ là những người sinh thành cùng thời với lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Đài VOA Mỹ ngày 20/9 dẫn lời bà Đới Tinh (con nuôi của nguyên lão Diệp Kiếm Anh) cho biết “Hồng nhị đại” từ lâu đã bị chia rẽ, trong nhóm này có những người từ giữa những năm 1980 đã nổi lên nhờ dùng quyền lực thâu tóm tài sản và đã trở thành nhóm người nòng cốt trong giới quyền quý ĐCSTQ, chỉ một số ít người hoàn toàn thức tỉnh theo đuổi các giá trị phổ quát tự do và dân chủ.

Bà Đới Tinh nói: “Nhóm người thức tỉnh biết kế thừa những lý tưởng của cha ông họ từ bỏ chủ nghĩa vị lợi, hy vọng một xã hội tốt đẹp, xã hội đó không chỉ nằm ở chủ nghĩa dân tộc mà còn hiểu biết những giá trị phổ quát của loài người… Còn nhóm người kia từ giữa những năm 1980 quá dễ dàng làm giàu nhờ quyền lực chính trị, đa phần bị dân thường Trung Quốc ngày nay nhìn với ánh mắt tức giận khi họ tự diễn biến thành những nhà tư bản quyền lực”.

Gần đây một người (giấu tên) trong giới “Hồng nhị đại” sống ở Bắc Kinh nói với VOA rằng hầu hết những người thuộc thế hệ này mà bà từng tiếp xúc đều không ủng hộ ông Tập Cận Bình tái nhiệm. Bà nói về 2 nhóm người: nhóm người lạc quan thể hiện quan điểm bằng cách đăng lại nhiều bài viết ở nước ngoài phản đối việc quay trở lại thời Mao Trạch Đông, công bố lại bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong chuyến công du phía nam Trung Quốc, hay những nhận xét của ông Tập Trọng Huân (cha của lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình) về việc thúc đẩy dân chủ, dù họ không dám nhắc thẳng vấn đề nhạy cảm về “tại nhiệm của Tập Cận Bình”; còn đối với những người bi quan thì họ cho rằng không gì cản được ông Tập duy trì quyền lực.

Trong khi đó, con gái của nguyên lão Lý Nhuệ (Li Rui) là Lý Nam Anh (Li Nanyang) – nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Hoover (Mỹ) – nói với Đài VOA rằng hiện nay giới chức cấp cao đương nhiệm và cả những người đã nghỉ hưu đều ít người dám chỉ trích thẳng thắn như ông Lý Nhuệ ngày trước. Những thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị đã nghỉ hưu luôn sợ bị nắm thóp.

Bà Lý Nam Anh chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình hiện nắm toàn bộ hệ thống an ninh và quân sự, một tay che trời, ngay cả những nguyên lão chính trị trong ĐCSTQ không hài lòng có muốn đưa người khác thay thế thì cũng bất lực vì không thể tập trung lực lượng…

Trả lời về việc này, bà Lý Nam Anh nhấn mạnh rằng không có quân đội và không có quyền lực chính trị thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát đến gõ cửa, khi đó thì không còn gì. Cho dù người từng là quan chức cấp cao như phó thủ tướng hay vị trí trong bộ chính trị ĐCSTQ thì về hưu cũng hết uy quyền trong bộ máy. “Còn những người như La Điểm Điểm hay Mã Hiểu Lực… giờ đây cũng như tôi (Lý Nam Anh), ngoài nói miệng thì không làm được gì hơn.”

Bà La Điểm Điểm là con gái của cố Tổng tham mưu trưởng quân đội ĐCSTQ La Thụy Khanh (Luo Ruiqing), là một trong số ít những nhân vật thuộc “Hồng nhị đại” vẫn dám bàn về những nhân vật chính trị ĐCSTQ.