Phong tỏa do chính sách “zero COVID” của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Trong quý gần đây, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của các thương hiệu lớn từ cà phê, đồ trang sức cho đến áo phông đều giảm mạnh.

shutterstock 1946368360
Một cửa hàng Starbucks ở Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Freer / Shutterstock)

Theo Bloomberg đưa tin vào ngày 22/8, Starbucks đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi chính sách phòng chống dịch của ĐCSTQ. Báo cáo doanh số bán hàng giảm hơn 40% trong quý kết thúc vào ngày 3/7. Công ty đã đóng cửa khoảng 1/4 cửa hàng ở Trung Quốc và 940 cửa hàng ở Thượng Hải do dịch bệnh bùng phát. Các cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc trong khoảng 2/3 của quý này đều trong trạng thái không hoạt động do phong tỏa.

Doanh số bán hàng xa xỉ tại thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của “zero COVID”. Tập đoàn Burberry, Tập đoàn Richemont và Adidas AG gần đây đã báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý giảm ít nhất 35%. Doanh số hàng quý của Kering, công ty sở hữu Gucci, giảm hơn 30%; doanh số hàng quý của Nike giảm 20%; doanh số của Yum China Holdings Ltd. và Uniqlo có kết quả tốt hơn một chút, nhưng cũng giảm khoảng 13%.

Apple là hãng có hoạt động tốt nhất trong số các thương hiệu lớn của nước ngoài tại Trung Quốc, với doanh số bán hàng tại Trung Quốc Đại Lục chỉ giảm 1,1% trong quý thứ ba. Nhưng tháng trước, công ty đã tung ra các chương trình khuyến mãi hiếm hoi trên một số iPhone hàng đầu và các phụ kiện liên quan tại thị trường Trung Quốc, qua đó cho thấy thị trường bản địa Trung Quốc đang yếu.

Đối với nhiều thương hiệu, việc Thượng Hải phong tỏa 2 tháng chỉ trong quý vừa qua đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Trong khi những hạn chế khó khăn nhất của Thượng Hải đã bắt đầu được nới lỏng, thì một số khu vực ở Trung Quốc đang bùng phát dịch bệnh đã khiến một số thành phố phải đóng cửa, một lần nữa làm suy giảm tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ.

Bà Belinda Wong, Chủ tịch Starbucks Trung Quốc, cho biết quý đây gần nhất “khá khó khăn”.

Ngoài chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ tiếp tục kìm hãm đáng kể chi tiêu của người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Nhiều thanh niên Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, một số thanh niên ở Bắc Kinh cho biết, trước đây họ thích mua những thứ mình thích nhưng giờ chỉ mua những thứ mình cần. Điều này cho thấy rõ tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách “zero COVID” đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tập đoàn Louis Vuitton cho biết, lệnh phong tỏa gần đây của Trung Quốc đã khiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm hai con số trong Quý II do lưu lượng khách đến các cửa hàng của họ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Jean Jacques Guiony, giám đốc tài chính của Louis Vuitton, nói với Financial Times vào cuối tháng 7: “Chúng tôi đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Trung Quốc, nơi nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại và không thuốc chữa bách bệnh nào có thể nói đến.”

Ông nói thêm rằng có một “dấu hỏi lớn” về triển vọng thị trường, và “không có gì có thể cho phép chúng tôi dự đoán liệu những đợt phong tỏa tàn khốc đó có quay trở lại hay không.”

Theo một nghiên cứu gần đây của Oliver Wyman, một số thương hiệu cao cấp đã giảm mạnh kỳ vọng bán hàng tại thị trường Trung Quốc trước tình hình hiện tại, với 80% quản lý cấp cao được khảo sát không mong đợi sự phục hồi “hình chữ V” trong năm nay. Oliver Wyman từ chối nêu tên thương hiệu mà công ty này đã tiến hành khảo sát.

Tâm lý tiêu dùng yếu đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc, vốn cũng phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, hạn chế sử dụng điện và ngừng hoạt động do nhiệt độ cao, hạn hán nghiêm trọng. Tầng lãnh đạo ĐCSTQ đã thừa nhận riêng rằng mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5,5% sẽ không đạt được trong năm nay.