Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.

Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

  • Xem loạt bài tại đây

Nhạc khúc “Mai hoa tam lộng” thuộc loại “tá vật vịnh hoài”, mượn hình ảnh tinh khiết, sự thơm ngát và sức kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng. Chính vì vậy, “Mai hoa tam lộng” gắn liền với điển cố về sự khoáng đạt của người xưa.

Địch thượng tam lộng

Theo sử sách ghi lại thì tác giả của khúc “Mai hoa tam lộng” là Hoàn Y, tự Thúc Hạ, tên lúc nhỏ là Tử Dã. Ông sinh ra vào thời Đông Tấn, là một nhà quân sự, một danh sỹ, một nhà âm nhạc tài hoa. Tương truyền rằng khi Hoàn Y đi ngang qua bến Thanh Khê thì có một vị khách trên thuyền nhận ra ông, bèn trầm trồ rằng: “Đây là Hoàn Dã Vương”. Tình cờ, trong thuyền có danh sĩ Vương Huy Chi (con của Vương Hi Chi), vốn là một thư pháp gia thời bấy giờ, đang trên đường về kinh. Vương Huy Chi bèn truyền lời rằng: “Nghe danh ngài giỏi thổi địch, xin vì ta mà tấu một bản”.

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ IV: Mai hoa tam lộng
(Tranh minh họa: Public Domain)

Khi ấy Hoàn Y là quý tộc, vốn đã vinh hiển, nhưng không hề phật ý, mà đứng trên bờ thổi một bản địch khúc ba điệu. Tiếng thổi địch du dương vô cùng, tương truyền chính là khúc “Mai hoa tam lộng”. Thổi xong, Hoàn Y lập tức lên xe mà đi. Song phương chủ khách không nói với nhau một lời. Đúng là khoáng đạt rộng rãi, quang minh không bộ dạng, cũng tỏ rõ cái phong thái của hoa mai ngạo nghễ trong sương tuyết. Đây chính là điển cố “Địch thượng tam lộng”.

Liên quan tới điển cố này, còn một câu chuyện khác về Nhân Hồng Hạo vào thời Nam Tống. Ông vốn là một người được sai đi sứ nước Kim nhưng rốt cuộc bị bắt lại mất hơn mười năm. Trong thời gian đó mặc dù liên tục bị kẻ địch uy hiếp dụ dỗ, nhưng Nhân Hồng Hạo vẫn bảo trì phong thái cao thượng. Rốt cục, khi nhận được tin mình được thả về Nam Tống, ông đã không kìm được tâm tình mà diễn tấu một khúc “Mai hoa tam lộng”, đem lòng kiên trinh bất khuất của mình đến sánh với đóa mai ngạo nghễ sương tuyết, cũng là lấy bản nhạc này để thể hiện tâm tình hoài niệm của mình với triều đình Nam Tống.

Khúc “Mai hoa tam lộng”

Trong “Thần kì bí phổ” của Chu Quyền đời nhà Minh, có chép bản đàn (cầm khúc) “Mai hoa tam lộng”. Ông ta cho rằng đây vốn là bản địch do Hoàn Y sáng tác, người đời sau đã cải biên, rồi thay bằng đàn. Nhạc khúc có lúc du dương, thanh khiết gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại, an tường của đóa mai; cũng có lúc gấp gáp biểu hiện sự kiên cường và ngạo nghễ của hoa mai trước sương tuyết.

Hoa mai là biểu tượng quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Là một “người bạn của mùa đông”, hoa mai biểu thị sinh động nhất giá trị của sự phóng khoáng ngạo nghễ xem thường khó khăn. Trên suốt quãng đường đời, khó khăn rồi cũng qua đi theo thời gian, cũng như hoa mai vẫn nở trong sương tuyết.

Hương thơm của hoa mai “sinh ra từ sự khắc nghiệt của cái lạnh”. Chính vì thế, hoa mai gợi lên một cái nhìn sâu sắc về nhân sinh: tâm hồn được tôi luyện trong khó khăn của cuộc sống, từ đó đạt được sức mạnh nội tâm và lòng dũng cảm kiên cường.

Mời các bạn thưởng thức khúc “Mai hoa tam lộng”:

Thanh Phong

Xem thêm: