Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.

Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

  • Xem loạt bài tại đây
10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại - Kỳ V: Quảng Lăng tán
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

“Quảng Lăng tán” là một cầm khúc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ghi chép về “Quảng Lăng tán” trong tư liệu lịch sử không ít, nhưng lại mâu thuẫn với nhau, khiến cho khúc nhạc này càng thêm phần bí ẩn. Trong các điển cố về “Quảng Lăng tán” thì câu chuyện tiếng đàn gắn liền với khí tiết của Kê Khang thường được người đời sau ngưỡng mộ đem lòng nhắc tới.

Thời Ngụy Tấn, có một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” là Kê Khang. Trong Cầm phú của ông có những câu như: “Chúng khí chi trung, cầm đức tối ưu” (Trong các loại nhạc khí, thì đức của đàn cầm là nhất), “Hàm thiên địa chi thuần hòa hề, hấp nhật nguyệt chi hưu quang” (Ngậm khí thuần hòa của trời đất, hấp thụ vẻ đẹp của mặt trăng mặt trời), v.v. Điều đó hàm ý rằng Kê Khang rất yêu cầm nghệ.

Lúc bấy giờ, họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Ngụy, Kê Khang tài giỏi nhưng tính tình cương quyết. Ông luôn đứng về phía nhà Ngụy, một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã.

Năm 262 sau Công Nguyên, vì không chịu hợp tác với chính quyền họ Tư Mã, Kê Khang bị Tư Mã Chiêu mượn cớ sát hại. Theo Tấn thư ghi, lúc Kê Khang ở trong ngục, có 3.000 thái học sinh yêu cầu miễn xá cho ông và nguyện ý bái ông làm thầy, nhưng không được chấp nhận.

Khi Kê Khang lâm hình, thấy còn chút ít thời gian bèn xin cho mang đến một cây cổ cầm, rồi ông ung dung diễn tấu lần cuối khúc nhạc tâm huyết nhất đời mình là “Quảng Lăng tán”. Ðàn xong ông nói: “Có kẻ xin học bài này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”.

Đại thi hào Nguyễn Du cũng có nhắc đến khúc “Quảng Lăng tán” trong “Truyện Kiều” như sau:

Kê Khang, này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân

Nguyễn Du cũng than rằng sau này, không có ai còn đàn được khúc “Quảng Lăng tán” trọn vẹn như Kê Khang nữa:

Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu
Tì bà tân phổ bán Hồ Khương

Tạm dịch là:

Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng nay đã thất truyền
Bài nhạc mới cho đàn tì bà, một nửa là theo điệu Hồ Khương

Sau Kê Khang, có thể khúc Quảng Lăng này vẫn lưu truyền nhiều dị bản nhưng không còn là khúc nhạc hoàn chỉnh. Vì thế người đời sau phải tự bổ túc nó, khiến nó không còn toàn vẹn nữa.

Ghi chép sớm nhất về “Quảng Lăng tán” có lẽ là từ thời Đông Hán. Lúc bấy giờ, Thái Ung, cha của nàng Thái Văn Cơ, là người giỏi về âm luật, đã viết cuốn “Cầm tháo”. Cuốn sách này miêu tả việc thích khách Nhiếp Chính khổ công tập đàn 10 năm để có cơ hội đâm chết Hàn vương báo thù cho cha. Trong đó, “Quảng Lăng tán” chính là khúc nhạc mà Nhiếp Chính đàn trước khi hành thích Hàn Ai hầu.

Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, Nhiếp Chính đóng một vai trò khác, là một trong năm thích khách được Tư Mã Thiên đưa vào chính sử, đặt ngang Tào Mạt, Kinh Kha. Theo đó, sau khi chịu tang mẹ ba năm, Nhiếp Chính một mình một kiếm xông vào hành thích tướng quốc nước Hàn là Hiệp Lũy ngay giữa đám tùy tùng, cận vệ. Nhiếp Chính làm vậy để báo đáp lại sự tôn kính mà Nghiêm Trọng Tử dành cho ông và mẹ, khi ông sa cơ, phải làm nghề hàng thịt tại nước Tề.

Trong các tác phẩm kiếm hiệp cũng tương truyền rất nhiều câu chuyện về nhạc khúc này. Phim Tiếu Ngạo Giang Hồ có đoạn Lệnh Hồ Xung đi cùng Hướng Vấn Thiên đến cứu Nhậm Ngã Hành và đánh bại Giang Nam tứ hữu. Quyển nhạc phổ cầm trong tay chính là “Quảng Lăng tán” mà khi đó được gọi là đệ nhất nhạc phổ. Còn hai cao nhân sáng tác ra khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ nói rằng, nhạc khúc hay hơn cả “Quảng Lăng tán” thì họ chưa tìm được…

Mời độc giả cùng thưởng thức khúc nhạc nổi tiếng này:

  • (Còn nữa)

Thanh Phong

Xem thêm: