Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.

Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

  • Xem loạt bài tại đây
Tịch Dương Tiêu Cổ
(Ảnh: Andrea Angrisani, Shutterstock)

“Tịch Dương Tiêu Cổ” là một nhạc khúc rất nổi tiếng miêu tả cảnh đẹp lúc hoàng hôn trên dòng sông. Khúc nhạc này luôn nhận được sự yêu thích của người ta, vì nó mang đậm cả tình thơ lẫn ý họa. Vốn là khúc được tấu bằng cổ cầm hoặc tỳ bà, “Tịch Dương Tiêu Cổ” sau này được cải biên thành những bản hợp tấu, giao hưởng của nhiều loại nhạc cụ dân gian. Nó thậm chí còn được thêm lời để đưa vào phim ảnh. Có thể nói, “Tịch Dương Tiêu Cổ” là khúc nhạc được nhiều người biết đến nhất trong “Trung Hoa thập đại danh khúc”.

Một điều khá đặc biệt là, khúc “Tịch Dương Tiêu Cổ” vốn miêu tả cảnh đẹp lúc hoàng hôn lại khởi nguồn từ thi phẩm “Xuân giang hoa nguyệt dạ” (Đêm hoa trăng trên sông xuân) của Trương Nhược Hư, chính vì thế, khúc “Tịch Dương Tiêu Cổ” cũng còn có tên khác là “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, mặc dù đứng về hàm nghĩa thì hai ý cảnh có đôi nét khác nhau. Theo Đường Thi tuyển dịch (tập 2), thì “Xuân giang hoa nguyệt dạ” là một bài thơ tuyệt diệu với ngôn ngữ giản dị mà tươi tắn, thanh tao; âm điệu bàng hoàng, triền miên; hình ảnh sinh động, cảm xúc chứa chan.

Nói về tác giả của “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, Trương Nhược Hư (sinh khoảng 660 – mất khoảng 720) là người ở Dương Châu, nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô. Ông là một thi nhân thời nhà Đường. Bản tính ông vốn không thích danh lợi, thường ngao du khắp thiên hạ để tìm bạn thơ. Ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung được người đương thời gọi là “Ngô trung tứ sĩ” (Bốn danh sĩ đất Ngô). Sách “Từ điển văn học” (bộ mới) nhận xét về ông rằng: “Phong cách thơ Trương Nhược Hư trong sáng hoa lệ, giàu chất trữ tình, có vị trí quan trọng trong sự chuyển biến thơ ca từ thời sơ Đường đến thịnh Đường”. Tuy nhiên, sáng tác của Trương Nhược Hư thất lạc gần hết, trong “Toàn Đường thi” chỉ ghi lại được có hai bài thơ của ông là “Đại đáp khuê mộng hoàn” (Đáp thay Khuê Mộng Hoàn) và “Xuân giang hoa nguyệt dạ”. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để khiến người ta say mê.

Bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” có ngôn ngữ trong trẻo lưu loát, âm điệu uyển chuyển trở đi trở lại. Cảnh thơ rộng lớn, sâu thẳm, mà tình nồng đượm, ý xa xôi, dễ đưa con người vào thế giới vắng lặng, xa xăm; và dễ gợi lên nỗi buồn về cuộc đời mong manh cùng thế sự vô thường.

Bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ”
Tác giả: Trương Nhược Hư

Hán Việt:

Xuân giang triều thủy liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đính thượng bạch sa khan bất kiến.
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tư.
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thủy.
Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong giang thượng bất thăng sầu.
Thùy gia kim dạ biên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?
Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.
Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thủy thành văn.
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thủy lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.

Diễn nghĩa:

Thuỷ triều lên, mặt sông xuân ngang mặt bể,
Trên bể, trăng sáng cùng lên với thuỷ triều.
Lấp loáng theo sóng trôi muôn ngàn dặm,
Có nơi nào trên sông xuân là không sáng trăng?
Dòng sông lượn vòng khu cồn hương thơm,
Trăng chiếu rừng hoa ngời như hạt tuyết.
Trên sông sương trôi tưởng như không bay
Bãi sông cát trắng, nhìn chẳng nhận ra
Sông và trời, một màu không mảy bụi,
Ngời sáng trong không, vầng trăng trơ trọi
Người bên sông, ai kẻ đầu tiên thấy trăng?
Trăng trên sông, năm nào đầu tiên rọi xuống người?
Người sinh đời đời không bao giờ ngừng
Trăng trên sông năm năm ngắm vẵn y nguyên
Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai
Chỉ thấy sông dài đưa dòng nước chảy
Mây trắng một dải, vẩn vơ bay
Cây phong biếc xanh trên bờ buồn khôn xiết
Người nhà ai đêm nay dong con thuyền nhỏ
Người nơi nao trên lầu trăng sáng đương tương tư?
Đáng thương cho trên lầu vầng trăng bồi hồi
Phải chiếu sáng đài gương người biệt ly
Rèm nhà ngọc cuốn lên rồi, trăng vẫn không đi
Phiến đá đập áo lau đi rồi, trăng vẫn cứ lại
Giờ đây cùng ngắm trăng mà không cùng nghe tiếng nhau
Nguyện theo ánh đẹp vầng trăng trôi tới chiếu sáng bên người
Chim hồng nhạn bay dài không thể mang trăng đi
Cá rồng lặn nhảy, chỉ khiến làn nước gợn sóng
Đêm qua thanh vắng, mơ thấy hoa rơi,
Đáng thương cho người đã nửa mùa xuân chưa về nhà
Nước sông trôi xuôi, xuân đi sắp hết
Trăng lặn trên bãi sông, trăng xế về tây
Trăng xế chìm dần lẩn trong sương mù mặt bể
Núi Kiệt Thạch, sông Tiêu Tương đường thẳm không cùng
Chẳng biết nhân ánh trăng đã mấy người về
Trăng lặn, rung rinh mối tình, những cây đầy sông.

Dịch thơ (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Sông liền biển, nước xuân đầy dẫy
Trăng mọc cùng triều dậy trên khơi
Trăng theo muôn dặm nước trôi
Chỗ nào có nước mà trời không trăng?
Dòng sông lượn quanh rừng thơm ngát
Trăng soi hoa trắng toát một màu
Trên không nào thấy sương đâu
Trắng phau bãi cát ngó hầu như không
Không mảy bụi trời sông một sắc
Một vầng trăng vằng vặc giữa trời
Trăng sông thấy trước là ai
Đầu tiên trăng mới soi người năm nao
Người sinh hoá kiếp nào cùng tận
Năm lại năm trăng vẫn thế hoài
Trăng sông nào biết soi ai
Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng
Mảnh mây bạc mông lông đi mãi
Rừng phong xanh trên bãi gợi sầu
Thuyền ai lơ lững đêm thâu
Trong lầu minh nguyệt chỗ nào tương tư
Trên lầu nọ trăng như có ý
Vào đài trang trêu kẻ sinh ly
Trong rèm cuốn cũng không di
Trên chày đập áo phủi thì vẫn nguyên
Mong nhau mãi mà tin bặt mãi
Muốn theo trăng đi tới cạnh người
Nhạn bay trăng cứ đứng hoài
Cá rồng nổi lặng nước trôi thấy nào
Đêm trước thấy chiêm bao hoa rụng
Thương quê người chiếc bóng nửa xuân
Nước sông trôi hết xuân dần
Trăng sông cũng lặn xế lần sang tây
Trăng xế thấp chìm ngay xuống bể
Cách núi sông xa kể dường bao
Cõi trăng về ấy người nào
Cây sông trăng lặn nao nao mối tình

Quay lại với “Tịch Dương Tiêu Cổ”, khúc nhạc này gồm có 10 đoạn theo thứ tự và tạm diễn nghĩa là:

  1. Tịch dương tiêu cổ (Tiếng tiêu trống trong buổi chiều tà)
  2. Hoa nhị tán hồi phong (Nhụy hoa đung đưa trong gió)
  3. Quan sơn lâm khước nguyệt (Mặt trăng đằng sau dãy núi cao)
  4. Lâm thủy tà dương (Mặt trời lặn dần xuống nước)
  5. Phong địch thu thanh (Âm thanh của mùa thu, cùng hai loài cây phong và địch)
  6. Vu hạp thiên tầm (Nơi sông núi giao nhau hiếm có)
  7. Tiêu thanh hồng thụ lý (Tiếng tiêu sáo vang lên giữa những làn cây)
  8. Lâm giang vãn thiếu (Nhìn ra dòng sông buổi hoàng hôn)
  9. Ngư chu xướng vãn (Tiếng hát vọng ra từ thuyền đánh cá vào buổi chiều tà)
  10. Tịch dương ảnh lý nhất quy chu (Bóng tịch dương trở về trên thuyền)

Với giai điệu mang đạm những đặc điểm của đàn dây khu vực Giang Nam, uyển chuyển đẹp đẻ, tiết tấu đa dạng nhịp nhàng, “Tịch Dương Tiêu Cổ” đã miêu tả một cách hình tượng vẻ đẹp mê hồn của cảnh sông nước lúc hoàng hôn, ca ngợi phong cảnh Giang Nam tuyệt đẹp. Toàn bộ khúc nhạc tựa như một bức tranh thủy mặc với những đường nét tinh xảo, màu sắc hài hòa, khiến người xem không thể rời mắt.

Dưới đây, xin mời độc giả thưởng thức khúc “Tịch Dương Tiêu Cổ” hay còn gọi là “Xuân giang hoa nguyệt dạ”:

(Còn nữa)

Nguồn thơ từ Thivien.net
Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: