Trong dòng chảy 5000 năm lịch sử Trung Hoa có rất nhiều nhân vật trí tuệ siêu phàm. Mỗi một lĩnh vực đều có những bậc kỳ tài được người đời sau tôn là “thánh nhân”. Những “thánh nhân” này có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự đặt định nền văn hóa cũng như tri thức cho nhân loại suốt hàng ngàn năm qua.

Khong Tu Lao Tu

Dưới đây là 14 người được tôn là “thánh nhân”:

1. Thánh văn Khổng Tử

Khổng Tử (551TCN -479 TCN), tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Ông là thủy tổ Nho gia, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại thời Xuân Thu. Ông là nhà bác học, khai sáng dạy học tư nhân, thu nạp nhiều học trò không kể giàu nghèo. Khổng Tử có khoảng 3000 học trò trong đó 72 người xuất sắc vĩ đại. Khổng Tử cũng là sứ giả truyền bá văn hóa.

Khổng Tử biên soạn chỉnh lý lại các cuốn sách kinh điển thời cổ đại như “Thi”, “Thư”, “Xuân Thu”. Học trò của Khổng Tử ghi chép lại những lời nói và việc làm của ông trong cuốn “Luận Ngữ”. Bởi vì những cống hiến trác tuyệt và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình, Khổng Tử được hậu nhân tôn là “Chí thánh tiên sư”, là tấm gương cho muôn đời.

2. Thánh mưu Quỷ Cốc Tử

Quỷ Cốc Tử tên là Vương Thiền, tự Hủ, Đạo hiệu là Quỷ Cốc. Người thế gian gọi ông là “Quỷ Cốc Tử” và “Vương Thiền Tổ Sư”. Ông không chỉ được biết đến là nhà chính trị, ngoại giao, mưu lược tài giỏi mà còn là người tinh thông đoán mệnh, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ngoài ra ông còn bồi dưỡng ra nhiều người kỳ tài nên cũng được thế nhân xưng là chuyên gia giáo dục nổi danh.

Trong hơn 2000 năm qua, Binh pháp gia tôn ông là “Binh Thánh”, Tung hoành gia tôn ông là “Thủy tổ”, các nhà tướng số tôn ông là ông tổ, Mưu lược gia tôn ông là “Mưu thánh”, Danh gia tôn ông là sư tổ, Đạo giáo tôn ông là Vương thiền lão tổ. Đồ đệ và truyền nhân của ông nổi danh khắp thiên hạ như Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần, Phạm Lãi… Họ đều là những nhân vật nổi danh thiên cổ.

3. Thánh sử Tư Mã Thiên

tư mã thiên
(Hình minh họa: Qua read01)

Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN) là nhà sử học, nhà văn học thời Tây Hán. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Cha của ông là Tư Mã Đàm là người có học vấn và tu dưỡng uyên bác, là Thái sử lệnh của triều đình. Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi, Tư Mã Đàm được bổ nhiệm làm Thái sử lệnh của triều đình. Ông đã chuyển cả gia đình đến Trường An sinh sống, lúc này Tư Mã Thiên khoảng 10 tuổi. Sau khi theo cha đến Trường An, Tư Mã Thiên đã đọc rất nhiều sách, học tập cổ văn. Ông học chữ Đại Triện và chữ cổ trong “Thuyết văn”. Đồng thời ông cũng học các tác phẩm kinh điển của đại sư Đổng Trọng Thư.

Sau này Tư Mã Thiên lên kế vị chức Thái sử lệnh của cha và rất nhiệt tình với công việc. Đồng thời ông cũng ở nơi lưu trữ sách của quốc gia mà bắt đầu nghiên cứu, sửa sang lại tư liệu lịch sử. Trải qua khoảng 4 – 5 năm chuẩn bị, vào năm Thái Sơ thứ 4 (khoảng 104 TCN), Tư Mã Thiên chủ trì việc cải sửa công việc nông lịch từ thời Vua Chuyên Húc đến thời Tần Hán. Về sau, ông lại bắt đầu kế thừa sự nghiệp sáng tác “Xuân Thu”, chính thức sáng tác “Sử Ký”. Năm ấy, Tư Mã Thiên 42 tuổi.

Đối với văn hóa thế giới mà nói, cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó là công trình sử học lớn nhất của Trung Hoa và là một trong những cuốn sử có tiếng nhất của thế giới.

4. Thánh thơ Đỗ Phủ

Đỗ Phủ (712 – 770), tên tự là Tử Mỹ, là người Hà Nam, là cháu trai của thi nhân nổi danh Đỗ Thẩm Ngôn. Bởi vì ông từng sống ở Nam Thiếu lăng, thành Trường An nên tự xưng hiệu là Thiếu Lăng dã lão, người đời thường gọi ông là Đỗ Thiếu Lăng.

Đỗ Phủ là nhà thơ nổi danh thời đại nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Hoa. Ông có tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên được các nhà phê bình văn học xưng là “Thi thánh”.

Trước năm 30 tuổi, Đỗ Phủ thường chuyên tâm đọc sách và đi ngao du. Đến năm Thiên Bảo, ông đến Trường An dấn thân vào con đường làm quan để giúp nước giúp dân. Nhưng khốn đốn suốt 10 năm, Đỗ Phủ mới được một chức quan nhỏ. Khi loạn An Lộc Sơn xảy ra, cuộc đời ông cũng bị điêu đứng giống như cảnh đất nước và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động.

Năm 755, tướng An Lộc sơn nổi dậy chống triều đình. Để tránh hiểm hoạ, ông từ quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam, một thời gian sống ở Thành Đô. Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, Đỗ Phủ dựng được một ngôi nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa ở phía tây Thành Đô. Mặc dù không nổi tiếng từ đầu, nhưng những tác phẩm của ông gây ảnh hưởng nhiều đến cả nền văn hóa Trung Hoa. Ông để lại cho đời rất nhiều tác phẩm nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn.

5. Thánh y Trương Trọng Cảnh

Trương Trọng Cảnh tên thật là Trương Cơ, là danh y thời Đông Hán. Ông sinh vào khoảng năm 150, mất khoảng năm 219. Trương Trọng Cảnh trời sinh đã thông minh hơn người lại vô cùng chăm chỉ hiếu học. Ông một đời vì dân chữa bệnh, luôn thương yêu mọi người.

Trương Trọng Cảnh không những có y thuật cao minh mà còn có y đức cao thượng, với người cùng nghề chữa bệnh ông luôn giữ thái độ khiêm tốn, không bao giờ bỏ lỡ thời cơ học tập kinh nghiệm chữa bệnh từ những thầy thuốc khác. Trong tác phẩm “Lý Liêm y sử” thời nhà Minh viết ông: “Trọng Cảnh chi thuật tinh vu bá tổ, khởi bệnh chi nghiệm, tuy quỷ thần mạc năng tri chi, chân nhất thế chi thần y dã“. (Tạm dịch: Y thuật của Trọng Cảnh cao siêu, khả năng trị khỏi bệnh của ông cho dù là quỷ thần cũng không biết được, thực sự là một thần y.)

Dựa vào kinh nghiệm của bản thân mình, Trương Trọng Cảnh sáng tác “Thương hàn tạp bệnh luận” gồm 16 quyển. Người đời sau xưng ông là Thánh y, và coi “Thương Hàn tạp bệnh luận” là kinh y. Bộ sách này là điển tịch y học thượng đẳng, gồm đầy đủ cả “lý, pháp, phương, dược” về y dược của nhân loại.

6. Thánh võ Quan Vũ

quan vu

Quan Vũ không rõ năm sinh, mất vào năm 220, tên tự là Vân Trường, là đại tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.

Ông là người trọng nghĩa khí, tinh thông võ nghệ, được người đời sau tôn là “Quan thánh”, “Quan đế”. Ông cũng được xếp đứng đầu trong “Ngũ hổ thượng tướng” (Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung) thời Thục Hán. Ông để lại cho người đời sau những bài học sâu sắc về lòng trung thành, nhân nghĩa, dũng mãnh…

Sau khi ông mất, người đời sau lập rất nhiều miếu tự thờ cúng ông. Ông trở thành một trong những người được tôn sùng nhất trong lịch sử. Ông cùng với Khổng Tử được hậu nhân tôn xưng là “Văn võ nhị thánh”.

7. Thánh thư Vương Hi Chi

Vương Hi Chi (303 – 361), tên tự là Dật Thiếu, hiệu là Đạm Trai, là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn. Ông được nhìn nhận không chỉ là danh nhân thời Đông Tấn mà trong cả lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng về thư pháp tuyệt kỹ, nên còn được xưng gọi là Thánh thư.

Vương Hi Chi xuất thân trong một gia đình “danh gia vọng tộc”, có truyền thống thư pháp ở Lang Tà quận, thời Lưỡng Tấn (Đông Tấn và Tây Tấn). Năm 12 tuổi, ông được cha truyền dạy bút pháp luận và theo nữ thư pháp gia nổi tiếng thời ấy là Vệ phu nhân học thư pháp. Các tác phẩm khải thư bao gồm “Nhạc nghị luận”, “Hoàng đình kinh”, “Đông phương sóc họa tán”… của ông có ảnh hưởng lớn đối với hậu nhân.

(Còn tiếp)

An Hòa

Xem thêm: