Những cống hiến và vai trò của Nho gia trong nền văn hóa truyền thống là vô cùng to lớn. Đặc biệt, văn hóa Nho gia còn được xem là ngọn nguồn của việc tạo dựng nên “lễ nghi chi bang” – đất nước lễ nghi. 

quân vương
(Hình minh họa: Qua cceduy)

Khổng Tử (551 – 479 TCN), hay Khổng Phu Tử có danh là Khâu, tự là Trọng Ni, là người nước Lỗ. Khổng Tử là thủy tổ của gia giáo cổ đại Trung Hoa, sáng tạo ra làn gió dạy học tư nhân, đồng thời ông cũng là người sáng lập ra học phái Nho gia. Khổng Phu Tử không chỉ là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà chính trị vĩ đại nhất thời Xuân Thu, mà còn ảnh hưởng đến nhiều đời thế nhân. Người đời sau tôn ông là Thánh tiên sư (bậc thầy, thánh nhân), là tấm gương muôn đời.

Cả đời Khổng Phu Tử chủ yếu chuyên tâm, tận sức dạy học. Ông dẫn dắt học trò của mình đi chu du các nước trong suốt 15 năm. Đến cuối đời, ông chỉnh lý “Lục kinh”, bao gồm: “Thi”, “Thư”, “Lễ”, “Nhạc”, “Dịch”, “Xuân Thu”. Theo ghi chép lịch sử, Khổng Tử có khoảng 3000 học trò, trong đó có 72 người là người tài đức nổi danh thiên hạ. Hậu nhân tổng kết lại rằng, việc dạy học của Khổng Tử chủ yếu là truyền đạo, thụ nghiệp và giải đáp các thắc mắc cho học trò.

Sau khi Khổng Tử qua đời, các học trò của ông đã đem những lời dạy, việc làm, các trích dẫn và tư tưởng của ông ghi chép lại thành sách, chỉnh lý thành kinh điển Nho gia “Luận Ngữ”. Bởi vậy, cho dù ở thời đại chúng ta, đã cách xa thời Khổng Tử mấy ngàn năm nhưng vẫn có thể học hỏi và lấy những lời chỉ dạy của ông làm khuôn mẫu.

Học giả nhiều đời sau cho rằng, những tư tưởng, quan niệm chính thống của Khổng Tử có thể quy chính lại tâm con người. Vì lẽ đó, không chỉ giới giáo dục vô cùng tán dương, ca ngợi những quan niệm của Khổng Tử như “học nhi bất yếm, hối nhân bất nguyện” (học tập mà không chán, dạy người mà không thấy mệt), “nhân tài thi giáo” (tùy theo tài năng của từng người mà dạy), “Hữu giáo vô loại” (ai cũng đều được dạy dỗ không phân biệt).

Ngay cả khi đàm luận về đạo lý căn bản làm người, đạo đối nhân xử thế, xưa nay người ta đều tuyệt đối không thể xem nhẹ những lời giáo huấn của Khổng Tử. Tư tưởng Nho gia của Khổng Tử không chỉ ảnh hưởng đến các nước châu Á mà còn được quảng truyền và có ảnh hưởng to lớn đến toàn thế giới.

khoan dung
(Hình minh họa)

Tuy nhiên, mặc dù từ xưa đến nay tư tưởng của Khổng Tử đã ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến toàn xã hội, nhưng nếu không tinh tế liễu giải những thâm ý trong đó thì rất khó để người đời tiếp thu những bài học quý báu mà ông để lại. Dưới đây xin trích dẫn một số câu nói cũng là bài học giáo huấn vô cùng hữu ích của Khổng Tử:

1.Dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành” – Muốn nhanh chóng thì không đạt được, chỉ nhìn cái lợi nhỏ thì việc lớn sẽ chẳng thành.

2. “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã” – Đừng lo rằng người không hiểu mình, mà nên lo mình không hiểu người thôi.

3. “Vãng giả bất khả gián, lai giả do khả truy”– Cái đã qua thì không thể thay đổi được, cái sắp tới thì có thể.

4. Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn tắc loạn đai mưu – Nói năng hoa mỹ khéo léo sẽ làm bại hoại đạo đức, việc nhỏ không nhẫn nhịn được, thì sẽ làm hỏng việc lớn.

5. “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” – Người quân tử luôn bình thản phóng khoáng, kẻ tiểu nhân thì luôn lo lắng ưu sầu.

6. “Dĩ ước thất chi giả tiễn hỹ”– Người mà luôn ước thúc, quản chế bản thân thì sẽ rất hiếm khi phạm lỗi lầm.

7. “Tam quân khả đoạt suất dã, thất phu bất khả đoạt chí dã” – Ba quân có thể bị mất đi chủ soái, nhưng ngay kẻ thất phu cũng không thể làm mất đi ý chí của mình.

8. “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” – Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài tàn úa sau cùng. Con người cũng như vậy, chỉ trong gian nan thử thách mới nhận ra ai là người có bản lĩnh, ai là người có ý chí vững vàng đến cuối cùng.

9. Nhân vô viễn lự, ắt hữu cận ưu” – Người không biết lo xa thì tất sẽ có điều ưu phiền gần. “Người không lo xa” ở đây có thể hiểu là những người “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm việc mà không có suy xét phải trái, trước sau… Những người như thế thì thường rất nhanh sẽ phải chịu hậu họa, nhẹ thì buồn lòng, nặng thì gia đình suy vong, mất mạng.

10. “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”– Trong 3 người đi cùng ta, ắt có người là thầy của ta; chọn cái tốt của người ta mà học theo, nhìn cái chưa tốt của người ta mà tự sửa mình

11. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”  – Điều bản thân mình không muốn thì đừng gây ra cho người khác.

12. “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”  – Người quân tử hòa nhưng không đồng, kẻ tiểu nhân đồng nhưng không hòa.

13. “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”– Người quân tử gồm có 3 đạo, mà ta chưa làm được đó là: Người nhân từ thì không lo, bậc trí giả thì không nghi ngờ, người dũng thì không sợ.

14. Đức bất cô, tất hữu lân Người có đức thì không bao giờ cô độc, sẽ luôn có người gần gũi, kết giao.

15. “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài huệ” Người quân tử luôn nghĩ đến đạo đức còn kẻ tiểu nhân thì chỉ nhớ đến ân huệ mà mình đã giúp người khác.

An Hòa (t/h)

Xem thêm: