Trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Hoa từ xưa thường xem chữ “tứ” (bốn) là không may mắn vì nó được phát âm gần giống chữ “tử” (chết). Nhưng trong lịch sử Trung Hoa, những nhân vật, những địa danh, những thành tựu văn hóa, những dấu mốc lịch sử… đều được cô đọng trong nhóm tứ và được gọi là “Trung Quốc tứ đại”.

trung hoa
(Hình minh họa: Qua read01)

Quả thật, trong văn hóa Trung Hoa, có rất nhiều những nhóm “tứ đại” này. Mỗi một “tứ đại” đều mang một nét văn hóa độc đáo và cho đến ngày nay vẫn được rất nhiều người trên thế giới biết đến, nổi bật nhất phải kể đến 15 nhóm sau:

1. Tứ đại danh tác

Tứ đại danh tác là chỉ 4 tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm: “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung, “Tây Du ký” của tác giả Ngô Thừa Ân, “Thủy Hử truyện” của tác giả Thi Nại Am, “Hồng Lâu Mộng” của tác giả Tào Tuyết Cần. Cả bốn danh tác này đều hàm chứa những ý nghĩa rất sâu sắc và đều rất nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

2. Tứ đại bi kịch

Tứ đại bi kịch là chỉ 4 tác phẩm bi kịch, bao gồm: “Đậu nga oan” của tác giả Quan Hánh Khanh, “Hán cung thu” của tác giả Mã Trí Viễn, “Ngô Đồng Vũ” của tác giả Bạch Phác, “Triệu thị cô nhi” của tác giả Kỷ Quân Tường.

 3. Tứ đại Phật Giáo danh sơn

trung hoa
(Hình ảnh: Qua pinterest)

Tứ đại Phật Giáo danh sơn là chỉ bốn ngọn núi thiêng của Phật Giáo Trung Quốc, bao gồm: Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, Nga Mi Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, Phổ Đà sơn ở tỉnh Chiết Giang, Cửu Hoa Sơn ở tỉnh An Huy. Nơi đây có những ngôi chùa cổ lâu đời nổi danh và là chốn tu hành của rất nhiều phật tử.

4. Tứ đại danh lâu

Tứ đại danh lâu là chỉ bốn ngọn tháp ngắm cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm: Nhạc Dương lầu ở Nhạ Dương, Đằng Vương các ở Nam Xương, Hoàng Hạc lâu ở Vũ Hán, Bồng Lai các ở Bồng Lai.

Mỗi một ngọn tháp này đều gắn liền với những câu chuyện rất nổi tiếng, như câu chuyện Vương Bột làm thơ tại Đằng Vương Các…

5. Tứ đại danh viên

trung hoa
(Hình ảnh: Qua pinterest)

Tứ đại danh viên là chỉ bốn khu vườn đẹp nổi tiếng ở Trung Quốc, bao gồm: Di Hoà viên ở Bắc Kinh, Tị Thử Sơn Trang ở Thừa Đức, Chuyết Chính Viên và Lưu Viên ở Tô Châu.

Mỗi danh viên này đều có quy mô rộng lớn và thường có kiến trúc chung bao gồm lầu gác, đài, vườn, hồ nước, hành lang… Trong đó cũng bao gồm các gian phòng lớn nhỏ khác nhau.

6. Tứ đại phát minh

Tứ đại phát minh là chỉ bốn phát minh lớn của người Trung Quốc bao gồm: La bàn, thuốc súng, nghề làm giấy và nghề in. Bốn phát minh lớn này của người Trung Quốc có tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống của nhân loại.

7. Tứ đại cố đô

cố cung
(Hình ảnh qua: chinaculturetour.com)

Tứ đại cố đô là chỉ bốn cố đô nổi tiếng ở Trung Quốc, bao gồm: Tây An, Lạc Dương, Bắc Kinh và Nam Kinh.

Trong đó, Tây An là địa danh được nhiều triều đại của Trung Quốc lập làm thủ đô và duy trì trong thời gian lâu nhất. Tây An cũng được xưng là cái nôi của văn hóa Trung Hoa. Lạc Dương lại là địa danh gắn liền với các truyền thuyết về Đế Khốc, Vua Nghiêu, Vua Thuấn, Hạ Vũ…

8. Tứ đại danh trấn

Tứ đại danh trấn là chỉ bốn thị trấn phồn hoa nổi tiếng ở Trung Quốc, bao gồm: Phật Sơn trấn ở Quảng Đông, Cảnh Đức trấn ở Giang Tây, Hán Khẩu trấn ở Hồ Bắc, Chu Tiên trấn ở Hà Nam.

9. Tứ đại danh tửu

trung hoa
(Hình minh họa: Qua sohu.com)

Tứ đại danh tửu là chỉ bốn loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm: Rượu Mao Đài, rượu Phần, rượu Lô Châu Lão Diếu, rượu Tây Phượng.

10. Tứ đại biệt xưng

Tứ đại biệt xưng là chỉ bốn cái tên thời xưa của đất nước Trung Quốc, bao gồm: Thần Châu, Cửu Châu, Hoa Hạ và Trung Nguyên. Mỗi tên này lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Ví như Thần Châu được người Trung Hoa xưa hiểu là nơi có mối liên hệ với thần, một vùng đất linh thiêng. Bởi vậy, văn hóa Trung Hoa được xưng là do Thần truyền lại cho con người, cho nên trong lịch sử từ Thiên tử cho đến thần dân, tất cả đều lấy tín ngưỡng làm căn bản, xem đạo đức làm tôn chỉ, lấy sự kính trọng Trời và Thần, tu thân tích đức đặt ở vị trí trọng yếu.

11. Tứ đại tài tử Giang Nam

Tứ đại tài tử Giang Nam là chỉ bốn người được xưng là phong lưu tài tử nhất thời nhà Minh bao gồm: Đường Bá Hổ là một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Minh, Văn Trưng Minh một họa sĩ nổi tiếng, Chúc Chi Sơn là nhà thơ nhà văn nổi tiếng, Từ Trinh Khanh đỗ tiến sĩ năm Hoằng Trị thứ 18 (1505).

12. Tứ đại tài nữ

trung hoa
(Hình ảnh: Qua pinterest)

Tứ đại tài nữ là chỉ bốn người phụ nữ tài giỏi của Trung Quốc, bao gồm: Thái Văn Cơ nổi tiếng giỏi đàn, cũng tinh thông thơ ca, văn chương. Ban Chiêu rất có tài hoa về văn học vào thời Đông Hán, Trung Quốc. Trác Văn Quân là người văn hay, đàn giỏi. Lý Thanh Chiếu là một tác gia vĩ đại trong nữ thi nhân và là một tác gia vĩ đại trong Tống từ.

 13. Tứ đại hiền mẫu

Tứ đại hiền mẫu là chỉ bốn người mẹ đã một mình nuôi dạy con thành tài, nổi danh trong lịch sử. Tứ đại hiền mẫu bao gồm Mạnh mẫu (mẹ của Mạnh Tử – một đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến Quốc), Đào mẫu (mẹ của Đào Khản – danh tướng nhà Đông Tấn ), Âu Dương mẫu (mẹ của Âu Dương Tu – nhà văn nổi tiếng, nhà thơ lớn, nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống), Nhạc mẫu (mẹ của Nhạc Phi – nhà quân sự, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống).

14. Tứ đại xú nữ

nam tôn nữ ti
(Hình minh họa: Qua kkenws.cc)

“Tứ đại xú nữ” là chỉ bốn người phụ nữ, bốn người vợ có dung mạo xấu xí nhưng lại có tài năng xuất chúng và phẩm hạnh cao thượng. Họ là những người vợ đã giúp chồng làm nên sự nghiệp lớn lao trong lịch sử.

Tứ đại xú nữ bao gồm: Mô Mẫu vợ của Hoàng Đế, Chung Ly Xuân vợ của Vua Tề Tuyên Vương, Mạnh Quang vợ của Lương Hồng thời Đông Hán, Nguyễn Thị vợ của Hứa Doãn danh sĩ thời Đông Tấn.

15. Tứ đại mỹ nhân

Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc là chỉ 4 người phụ nữ có vẻ đẹp “chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn”, bao gồm: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền.

An Hòa (dịch và t/h)

Xem thêm: