Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn thịnh trị nhất được xem là niên đại Hồng Đức dưới thời vua Lê Thánh Tông, kéo dài suốt 27 năm từ 1470 đến năm 1497. Đây là giai đoạn mà hậu nhân hết sức ca ngợi, xem là khuôn vàng thước ngọc của một vương triều thịnh trị.

27 năm Hồng Đức trịnh trị nhất trong sử Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhà Lê trải mấy đời vua mới ổn định được triều chính

Nhà Lê bắt đầu từ Lê Thái Tổ. Sau khi ông mất, Lê Thái Tông lên ngôi. Vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng xảy ra, khiến Thái Tông qua đời. Thái tử Bang Cơ lên ngôi Vua, hiệu là Nhân Tông, vì Vua còn nhỏ nên Nguyễn Thị Anh làm nhiếp chính.

Năm 1459, con trai trưởng của vua Thái Tông là Lê Nghi Dân dẫn quân vào cung cấm giết cả Vua và Thái hậu. Lê Nghi Dân lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hưng. Nhưng Vua chỉ tin dùng bọn nịnh thần, thay đổi nhiều pháp chế khiến người người oán giận.

Năm 1460, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân.

Bấy giờ triều đình tìm hiểu, thấy con bà phi Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành đang sống trong dân gian, có tài lại đức độ, nên các quan đại thần rước vào cung lên ngôi Vua, hiệu là Lê Thánh Tông, niên hiệu là Quang Thuận. Từ đây triều đình nhà Lê mới được ổn định và đi vào giai đoạn phát triển.

Đến năm 1470, Vua cho đổi niên hiệu thành Hồng Đức, một giai đoạn thịnh trị của Đại Việt bắt đầu từ đây.

Quản lý triều đình

Về triều chính, Lê Thánh Tông bỏ luật cha truyền con nối đối với các công thần, ai có công thì người ấy mới được hưởng, chỉ trọng dụng người tài đức.

Nhà Vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, đặc biệt chú ý đến việc chống tham nhũng. Việc này được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng

Trong đó điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.

Luật Hồng Đức cho thấy sự uy nghiêm của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.

Việc trọng dụng hiền tài khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.

Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây thì cũng được minh oan.

Sách lược kinh tế

Vua Lê Thánh Tông chú trọng phát triển nông nghiệp, ra sắc chỉ khuyến khích phát triển nông nghiệp: “Từ nay về sau, trong việc làm ruộng, phải khuyến khích quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán, làm trò du thủ du thực. Người nào có ruộng đất mà không chăm cày cấy, thì quan cai trị bắt trình trị tội.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Bên cạnh đó, nhà Vua ban hành quyền tư hữu ruộng đất, nghiêm trị người chiếm đoạt hay lấn chiếm ruộng đất của người khác. Ông cũng sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, ra luật quân điền chia đất cho người dân.

Vua cũng cho lập các chức quan khuyến nông để chăm lo việc nông trang. Lệnh cho các quan địa phương phải báo về nơi nào có đất hoang để khai phá.

Nhờ nông nghiệp phát triển mạnh, nên người dân khi nào cũng dư dả lương thực, kho lương Triều đình đầy đủ. Dù thời kỳ Hồng Đức ghi nhận có một số năm có thiên tai, nhưng người dân vẫn có đủ lương thực từ triều đình.

Ngành thủ công nghiệp và xây dựng phát triển rực rỡ trong thời kỳ này, đồ gốm cũng phát triển rực rỡ với hoa văn tinh xảo. Nghề in và làm giấy đạt đến trình độ cao, lượng sách được in trong thời kỳ này rất lớn.

Hàng hóa phát triển mạnh khiến không còn phụ thuộc vào hàng ngoại, nhất là hàng từ Trung Hoa. Việt sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ có ghi chép rằng: “Người nước ta ưa chuộng gấm vóc, đồ dùng của người Tàu; mỗi năm có tàu buôn đến, thì hao tổn tiền không biết đâu mà kể; có biết đâu rằng trong đời Hồng Đức những đồ mâm, bát, bình, chén dùng ở trong cung vua, đều là của nước ta chế tạo, không thấy nói lấy đồ của Tàu làm quí. Đồ dùng của nước ta tinh xảo chả kém gì Trung Hoa, cứ cho mẫu mà bảo thợ chế tạo, thì sao lại chả tinh xảo được? Đó là một cách bỏ thói xa xỉ, làm cho nước giàu. Xa nữa thì nên bắt chước vua Lý Thái Tôn, gần thì lấy đời Hồng Đức làm mẫu mực”.

Nghề thủ công phát triển mạnh ở Đế đô Đông Kinh với nhiều phường nghề như: Phường Yên Thái làm giấy, Phường Nghi Tàm dệt vải lụa, Phường Hà Tân nung vôi, Phường Hàng Đào nhuộm điều, Phường Ngũ Xá đúc đồng, Phường gạch và gốm sứ Bát Tràng.

Đông Kinh trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất lúc bấy giờ, từ đó các con đường bộ hay đường sông cũng được mở ra nhằm trao đổi hàng hóa đến từng địa phương.

Để thuận tiện cho việc buôn bán, vua Lê Thánh Tông cũng ra khuyến dụ rằng: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau.”

Sách lược quân sự

Vua Lê Thánh Tông không phải người khai sáng ra triều đại mới, cũng không phải chống giặc ngoại xâm, nhưng ông đã xây dựng một Đại Việt hùng mạnh khiến lân bang không dám tiến đánh. Các nước như Chiêm Thành, Bồn Man, Lan Xang (Lào ngày nay), cướp phá vùng biên giới của Đại Việt, Vua đã không chỉ đánh bại mà còn tiến qua biên giới đánh cho phải quy thuận mới thôi.

Lê Thánh Tông ban hành chính sách tuyển quân. Cứ 6 năm một lần xã trưởng phải đến Đông Kinh trình báo nhân khẩu trong xã, sau đó các quan sẽ đến các địa phương dựng trường tuyển quân.

Cách tổ chức quân được Phan Huy Chú ghi chép trong “Lịch triều hiến chương loại chí” như sau: “Binh chế đời Hồng Đức, ngoài cấm binh ra thì binh các đạo chia làm 5 phủ, chức Đô đốc đứng đầu nắm đại cương, các đô ty đốc suất các bộ thuộc, mà các vệ, các sở thì ở đạo nào chia thuộc vào đạo ấy. Đó là đại lược về sự đặt quân. Bấy giờ binh ở vệ sở đã thống thuộc vào các ty, mà các binh về quân hạng thì cứ để ở hộ tịch, 3 năm một lần duyệt, hễ có việc tức thì gọi ra. Cho đến khi đánh Chiêm Thành và Bồn Man, quân thủy quân bộ có tới 26 vạn hoặc 30 vạn. Gọi ra một lúc mà số quân được nhiều thế, là vì ngạch quân đặt đã sẵn rồi.”

Lê Thánh Tông cho cho rèn luyện thủy bộ binh theo các trận đồ. Bộ binh luyện theo trận đồ: Trương cơ, Tương kích, Cơ binh; thủy binh luyện theo trận đồ Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài, Thất môn, Yển nguyệt

Cứ 3 năm một lần nhà Vua lại cho tổ chức thi võ cho các binh tướng với các mức thưởng khác nhau, ai không đạt yêu cầu thì bị phạt, cũng từ đó mà xây dựng đội cấm quân thiện chiến. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép lại rằng: “Mỗi người thi bắn cung tên 5 phát, ném thủ tiễn 4 chiếc, đấu mộc 1 tao. Trúng được từ 8 đến 10 là thượng cấp; từ 6 đến 7 là trung cấp, từ 4 đến 5 là hạ cấp; đều được thưởng theo thứ bậc khác nhau. Nếu trúng từ 2 đến 3 thì không được thưởng cũng không bị phạt; trúng từ 1 đến không trúng thì phải phạt tiền cũng theo thứ bậc khác nhau.”

Sách lược giáo dục

Thời kỳ Hồng Đức, giáo dục được xem là nền tảng để phát triển. Nhà Vua chú trọng bồi dưỡng nhân tài, trọng dụng Nho gia, các kỳ thi khoa bảng được tổ chức 3 năm một lần nhằm tìm được hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc.

Các cơ quan giáo dục quan trọng là Hàn lâm viện, Đông các viện, Quốc sử viện, Quốc Tử Giám, nhà Thái học.

Nhận thấy học sinh trường Quốc Tử Giam thường học kinh Thư, kinh Thi, mà ít học kinh Lễ, nhà Vua liền bổ sung chức “ngũ kinh bác sĩ” nhằm giảng dạy đủ ngũ kinh.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương các bậc hiền tài trong nước đều phải trải qua khoa cử, chỉ thi đậu mới được làm quan, không có ngoại lệ cho con cháu quan lại. Vì thế mà thời kỳ Hồng Đức các quan từ đầu triều cho đến địa phương đều là những bậc hiền đức.

Các đời sau này đều xem thời kỳ Hồng Đức là khuôn mẫu để học hỏi, nhưng không thời nào sánh được. Phan Huy Chú trong “ Lịch triều hiến chương loại chí” mô tả rằng: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”.

Những bậc nhân tài thông qua hoa cử làm rạng danh cho Giang Sơn Xã Tắc có thể kể đến như: Lương Thế Vinh, Vũ Kiệt, Vũ Tuấn Chiêu, Phạm Đôn Lễ, Trần Sùng Dĩnh, Vũ Duệ, Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Nhân Thân Trung…

Để khuyến khích hiền tài, Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Vua chuẩn tấu.

Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho khoa thi đầu tiên năm 1442. Ông đã viết rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”

Đối mặt với ngoại bang

Giang Sơn hùng mạnh, Xã Tắc ổn định, thiên hạ thái bình, lân bang tất không dám dó ngó mà đều quy phục.

Năm 1479, giặc cướp từ biên giới nhà Minh hay lấn qua cướp phá của người Việt. Vua Lê Thánh Tông cho 800 quân đánh đuổi giặc cướp rồi đuổi theo sang tận huyện Mông Tự (Vân Nam) dựng doanh trại ở đó. Các quan địa phương nhà Minh phải đến thương thảo, quân Việt mới rút trở về.

Năm 1480, tình hình biên giới có chiều hướng căng thẳng khi rất nhiều quân cướp từ biên giới nhà Minh hay kéo sang tàn phá làng xóm người Việt, tổng binh tri Bắc Bình của Đại Việt là Trần Ao sai Đào Phu Hoán đem 600 quân đánh vào Cảm Quả, chiếm được ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào Ban Động dựng rào chắn, rồi tâu rõ sự việc cho triều đình. Sau khi hai bên thương thảo với nhau, quân Việt mới rút quân trở về.

Từ đó quân nhà Minh không còn dám xâm phạm bờ cõi của Đại Việt.

Khi Chiêm Thành làm nhục sứ thần, xâm phạm biên giới, Đại Việt lập tức tiến quân, đánh đuổi đến tận kinh thành bắt sống vua Chiêm.

Bồn Man, Lan Xang (Lào ngày nay) cướp phá biên giới của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông cho quân đánh bại Bồn Man rồi sáp nhập vào Đại Việt. Vua chia quân tiến đánh sang Lan Xang, tiến đến tận kinh đô, bắt được Thế tử, Vua cùng hoàng thân Lan Xang phải chạy trốn khỏi kinh thành.

Vua Lan Xang chạy trốn đến vương quốc Lan Na (thuộc Thái Lan ngày nay). Quân Đại Việt truy đuổi đến tận nơi, đánh chiếm luôn cả Lan Na (vốn đưa quân đến giup Lan Xang) và Ayutthaya (thuộc Thái Lan ngày nay).

Sức mạnh của Đại Việt khiến cả Đông Nam Á khiếp sợ. Các nước như Chiêm Thành, Chân Lạp (Campuchia ngày nay), Lan Xang (Lào ngày nay), Chiang Mai (Thái Lan ngày nay), Ayutthaya và Java (Indonesia ngày nay), Melaka (thuộc Malaysia ngày nay) phải thần phục (Theo “Lịch sử Việt Nam” tập 3 của Viện sử học).

Sử sách thời này có ghi nhận rằng thời kỳ này “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: