Cổ nhân tin rằng đại đa số sự việc lớn nhỏ trên thế gian này là đã được định sẵn, được an bài, gọi là vận mệnh, cũng gọi là Thiên mệnh. Tuy nhiên khái niệm vận mệnh này không có nghĩa là bất biến, không thể thay đổi được. Nó chịu sự tác động của các loại hoàn cảnh, hành vi cá nhân và các yếu tố thiện ác nhân quả mà trong “vô tri vô giác” bị cải biến, dù sự cải biến này là có lớn có nhỏ, tùy thuộc vào nhân tố cải biến lớn đến đâu. Bên cạnh đó, người xưa còn nói về “tri mệnh”, biết được vận mệnh cũng là một loại học vấn. Có nhiều cách để biết trước vận mệnh, trong đó “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” được xem là ba yếu tố chính có thể cho thấy sự thành bại ở đời.

Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa: 3 yếu tố phong thủy quyết định thành bại
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thiên thời

Thiên thời là những yếu tố thuộc về tiên thiên, điều này con người không có khả năng nắm giữ trong tay và không cách nào thay đổi được.

Phong thủy từ xưa tới nay đều không tách rời khỏi mối quan hệ với hoàn cảnh tự nhiên, các quy luật và sự cân bằng của Trời đất. Con người sinh sống trong vũ trụ. Sự ảnh hưởng của vũ trụ, của mặt trời và chín đại hành tinh đối với địa cầu nhân loại là vô cùng to lớn, là điều mà sức người hoàn toàn không thể khống chế được.

Thiên thời còn thể hiện ở số mệnh tiên thiên. Ví như trong toán quái, Dịch học có xét đến các yếu tố tên, ngày giờ sinh, v.v.. để suy đoán ra vận mệnh của một người. Việc suy đoán này là có đúng có sai, nhưng những ai thật sự thể nghiệm nó thì không khỏi cảm thấy thần kỳ. Một ghi chép về điều này có thể kể tới là “Liễu Phàm tứ huấn” của Viên Liễu Phàm, một nhân vật nổi tiếng thời Minh (Xem thêm trong bài: Trí tuệ của cổ nhân: Cải biến vận mệnh).

Mặc dù Thiên thời là không cải biến được, nhưng đối với việc tiên đoán trước vận mệnh thì Thiên thời lại đóng vai trò quan trọng. Ví như trong những việc thay triều đổi đại, những việc lớn, thì rất dễ có thể từ yếu tố Thiên thời mà đoán định được chiều hướng phát triển của sự việc (Xem thêm: Thiên tượng triều đại diệt vong: Nhật thực, động đất, lũ lụt, ôn dịch, châu chấu).

Địa lợi

Địa lợi là yếu tố thuộc về phong thủy hoàn cảnh. Hoàn cảnh sinh sống, làm việc có thể tác động làm thay đổi vận mệnh. Các tiểu đạo được lưu truyền trong dân gian chủ yếu là nói về loại phong thủy này. Ví như vị trí và phương hướng địa lý sẽ có sức ảnh hưởng đến vận mệnh của một người. Sự ảnh hưởng này thông thường là ở chỗ sức mạnh của ngũ hành, ví như phía đông mộc vượng, phía nam mộc hỏa…

Nơi sinh sống và nơi làm việc của một người cũng sẽ cho thấy trước vận mệnh của một người. Ví như môi trường sống có tác dụng đặc biệt đối với quá trình trưởng thành, góp phần hình thành nên những thói quen khác nhau. Thời xưa, mẹ của Mạnh Tử vì để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho con trai chuyên tâm học tập mà đã nhiều lần chuyển nơi ở. Đây cũng chính là một phương diện Địa lợi.

Nhân hòa

“Thiên thời” là yếu tố người không tạo ra được, “Địa lợi” là yếu tố khó thay đổi, còn “Nhân hòa” lại là điều một người có nhiều khả năng thay đổi hơn. “Nhân hòa” cũng là yếu tố cho phép một người dựa vào trí tuệ và sự cố gắng đúng đắn (hợp đạo Trời) của bản thân mà cải biến vận mệnh. Do đó trong việc đoán mệnh thì “Nhân hòa” là yếu tố khó nắm bắt nhất.

Ở phương diện quốc gia, các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến những người sinh sống trong quốc gia. Sự khủng hoảng của một quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của dân tộc đó. Ở phương diện gia đình, các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, vợ chồng, bạn bè… sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới các cá nhân. Ngoài ra, làm người mà nói, tư tưởng, tín ngưỡng, tâm tính, hành vi cũng sẽ làm ảnh hưởng và cải biến vận mệnh của chính bản thân người ấy.

Mạnh Tử giảng rằng: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”, bởi vì người là không thể cải biến Trời, một số hoàn cảnh Địa lợi là có thể có chút cải biến nhưng cũng phải xem Thiên thời. Chỉ có lòng người, mà cụ thể là tâm tính của bản thân, cách làm người và làm việc của bản thân là có thể cải biến mà thôi.

Bởi thế những bậc quân chủ thánh minh thời xưa để làm được “Nhân hòa” thì luôn “đồng cam cộng khổ” cùng dân chúng, vui với niềm vui của dân chúng, cảm thông với nỗi khổ của họ, trong lòng có thiên hạ. Như vậy, họ mới được lòng người, được dân chúng ủng hộ. Trong gia đình cũng lại như vậy, người chồng muốn tạo dựng được sự nghiệp thì không thể thiếu sự đồng lòng của người vợ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: