Trong “Kinh Dịch” có câu: “Thiện không tích không đủ thành danh, ác không tích không đủ diệt thân”, vạn sự trên đời có nhân ắt có quả, có sự việc phát sinh ắt có nguyên nhân khởi đầu, người gieo nhân nào phải gặt quả đó. Vậy nên, trong cuộc sống, trước khi có họa vận giáng xuống, nhất định phải trừ bỏ đi những thói xấu, những tính cách có thể sản sinh ra họa nạn.

3 điều cần tu bỏ để họa vận rời xa, phúc vận tự đến
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Trong cuộc sống, nếu một người có thể kiểm soát hoặc từ bỏ được ba điều này thì sẽ tránh được tai họa, hóa giải được họa vận và phúc vận cũng tự đến.

1. Đấu

Cổ ngữ nói: “Hòa giả vô cừu, thứ giả vô oán, nhẫn giả vô nhục, nhân giả vô địch”, ý nói người hòa ái thì không có người hận, người khoan dung tha thứ thì sẽ không có người oán, người nhẫn sẽ không bị nhục, người nhân từ thì không có kẻ địch.

Giữa người với người nếu có thể lấy thiện làm gốc thì ắt sẽ chẳng gây thù chuốc oán với ai, có thể khoan dung đãi người ắt cũng chẳng thể vì đó mà khiến kẻ trách người hờn, buông lời ai oán. Người hiểu được giá trị của sự nhẫn nại thì ắt cũng chẳng thể vì đó mà gặp vũ nhục, làm người nhân từ lại càng không có chuyện chuốc lấy kẻ thù người hận.

Giữa người với người nếu như lấy đấu tranh làm gốc thì bất kể bản thân thắng hay bại cũng đều bị tổn thương, suy cho cùng cũng đều là kẻ bại. Khi một người không thể bao dung được người khác tức là tâm thái hẹp hòi, trong việc đối nhân xử thế cũng dễ đắc tội với người khác, bị người oán hận, suy cho cùng cũng là tự mình chuốc lấy kẻ đối đầu.

Con người trong xã hội hiện đại bị chữ “đấu” này làm hại rất nhiều. Chúng ta có thể gặp chữ đấu ở bất cứ nơi đâu, trong gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội, ở nơi làm việc… Nhưng người ham “đấu” thường khó giữ được tâm thái điềm tĩnh, biểu hiện là tâm hiếu thắng quá mạnh, mong sớm lập công trục lợi, không từ thủ đoạn trong cạnh tranh. Thậm chí có người có thể làm tổn hại đến sinh mệnh kẻ khác. Điều ấy tạo nên thù oán, làm hại nhân đức, rất dễ chuốc lấy tai họa.

Chỉ có người buông bỏ được tâm tranh đấu, không tính toán hơn thua được mất, mới có thể sống hòa ái với mọi người, mới có thể lương thiện. Từ đó con đường tương lai của người ấy mới ngày càng rộng mở và tươi sáng, nếu có gặp họa cũng sẽ có thể hóa giải, chuyển họa thành phúc.

2. Ngạo

Cổ ngữ nói: “Người quân tử có thể tiếp nhận lời khuyên mà làm sáng trí tuệ mình, kẻ ngang ngược tự cho là đúng nên tự chuốc lấy họa.” Người có thể tiếp nhận sự khuyên giải góp ý của người khác thì mới là bậc chính nhân quân tử, từ đó giúp bản thân có thêm nhiều góc nhìn khi đối nhân xử thế, làm việc cũng được thông minh sáng suốt hơn. Còn người tự cho mình là đúng, kiêu ngạo độc tôn, chỉ làm theo ý mình thì có thể nói người này chưa đánh đã bại. Người ấy chính là đã tự gieo mầm tai họa cho mình ngay từ lúc bắt đầu.

Con người một khi đã kiêu ngạo thì không còn chú ý đến sự tồn tại của người khác, và cũng chẳng còn nhìn rõ vạn sự vạn vật, nhất cử nhất động đều lấy bản thân mình làm trung tâm, làm gì cũng không suy xét đến người khác. Kiêu ngạo sẽ đánh mất đi chuẩn mực làm người và sự minh xét khi làm việc, cũng từ đó mà cắt đi vận tốt của tự thân.

Làm người chỉ khi nào có thể bỏ đi tính cách kiêu ngạo mới có thể quay về bản ngã tiên thiên vốn có từ ban đầu, mới có thể quay về trạng thái tốt nhất để làm người. Trong đối nhân xử thế hay trong làm việc, một người nếu có thể ngay từ đầu đã thận trọng, khiêm nhường thì trời kính, đất nhường, người người coi trọng, sự sự cũng nhờ vậy mà được hanh thông.

3. Tham

Cổ ngữ nói: “Chim bay cao trên trời mà lại chết bởi thức ăn ngon, cá lặn sâu dưới nước mà lại chết bởi miếng mồi thơm”. Cũng có câu rằng: Người chết vì tiền, chim chết vì mồi”. Đây đều là những lời cảnh tỉnh, giáo huấn của cổ nhân đối với người đời sau về tác hại của lòng tham.

Thường thường, bất kể là ai, chỉ cần bị chữ tham khống chế nội tâm là xem như hủy cả một đời. Một người khi bị lòng tham khống chế có thể từ một người thông minh trở nên ngu xuẩn, từ trí tuệ trở nên mê muội không thanh tỉnh. Cho dù là một người vốn thiện lương nhưng khi có tham tâm thì cũng sẽ trở nên tà ác, không điều gì không dám làm. Thậm chí từ xưa đến nay có không ít người bởi vì chữ tham này mà vướng vào vòng lao lý, kết quả là thân bại danh liệt.

Bởi vậy, không quản một người có được vận mệnh tốt ra sao, có được cuộc sống giàu sang cỡ nào thì cũng cần phải tu bỏ tâm tham. Biết đủ là vui mới có thể bảo toàn được phúc vận của mình. Biết đủ vốn không phải là không có ý chí, không phải là không muốn tiến lên, cũng không phải là cách nghĩ tiêu cực mà là tấm lòng khoáng đãng ung dung khi đối diện với được mất nơi thế gian, là hiểu được chừng mực, biết tiến biết lui, biết hợp thời mà dừng lại. Người làm được như vậy thì không lo họa vận ập đến.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: