Chủ nghĩa cộng sản và
những bộ mặt biến hóa khôn lường (P4)

Ngày nay, nếu đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản và các hình thái của nó như chủ nghĩa xã hội, người ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chủ nghĩa cộng sản có mặt ở khắp mọi nơi, mang theo đủ loại bộ mặt khác nhau, với biểu hiện có tính mâu thuẫn: chế độ chuyên chế, chế độ dân chủ; kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường; kiểm soát ngôn luận toàn diện, tự do ngôn luận cực đoan; nước thì phản đối đồng tính, nước lại hợp pháp hóa đồng tính; có lúc trắng trợn phá hoại môi trường, có lúc hô hào bảo vệ môi trường… Những điều này không phải ít gặp nếu thực sự nghiêm túc nghiên cứu về phong trào cộng sản.

Nhiều người không biết rằng, chủ nghĩa cộng sản có thể chủ trương bạo lực cách mạng, nhưng cũng có thể tín phụng diễn biến hòa bình. Nó có thể biểu hiện thành một loại chế độ kinh tế chính trị, cũng có thể biểu hiện thành một trào lưu tư tưởng văn hóa nghệ thuật. Nó có thể biểu hiện là chủ nghĩa lý tưởng thuần túy, cũng có thể biểu hiện là âm mưu máu lạnh. Các chế độ cộng sản chuyên chế chỉ là một trong những hình thái biểu hiện của cộng sản. Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông kỳ thực chỉ là một bộ phận của trào lưu cộng sản, chứ không phải là toàn bộ.

*

Kỳ 4: Bản chất cách vận động quần chúng
của trào lưu cộng sản

Rất nhiều người cho rằng cánh hữu là những người theo chủ nghĩa dân tộc, rằng bởi vì Hitler vận động Đức Quốc Xã theo chủ nghĩa dân tộc, nên Phát-xít là cực hữu, trong khi đó cộng sản là cực tả. Những người cộng sản cực lực rũ bỏ liên quan của họ tới Đức Quốc Xã. Nhưng kỳ thực, cộng sản là một khái niệm rộng vượt qua phân chia tả hữu. Muốn hiểu được một phong trào về bản chất có phải là phong trào cộng sản hay không, người ta phải xem xét đến bản chất cách vận động quần chúng của trào lưu cộng sản.

Trong kỳ 1, chúng ta đã đề cập rằng trái với hiểu biết của nhiều người, Đức Quốc Xã là một phần của phong trào cộng sản. Đức Quốc Xã là quốc gia của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – National Socialist German Workers’ Party). Ở phương Tây, nó còn được gọi là Nazi. Cái tên Nazi này lúc đầu gọi đầy đủ là Nazi-Sozi (National Socialism – Chủ nghĩa xã hội quốc gia), xuất phát từ bộ trưởng tuyên truyền của phát-xít khi đó là Goebbels. Sau này, những người cộng sản vì sự nhạy cảm đó mà lược bỏ chữ “Sozi” (Socialism) vốn là danh từ chính, chỉ để lại phần bổ nghĩa “Nazi” (National). Đây chính là nguồn gốc của cái tên Nazi. Ngoài ra, họ còn gọi Đức Quốc Xã là phát-xít, cố gắng tách nó khỏi phong trào cộng sản. Thực chất nó là một phần của phong trào cộng sản. Bản thân Hitler cũng tự nhận mình là người theo chủ nghĩa xã hội.

Rõ ràng, Hitler nhìn nhận bản thân là một người có xu hướng cực tả, vậy mà trên bề mặt, Đức Quốc Xã lại có vẻ như là cực hữu, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tôn sùng thuyết chủng tộc thượng đẳng Aryan. Kỳ thực không hẳn Đức Quốc Xã là cực hữu. Lấy một ví dụ, Đảng Cộng sản Trung Quốc có sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay không? Chắc chắn là có, nhưng người ta vẫn xếp nó vào cực tả. Chỉ một phân tích này đã cho thấy rằng cách phân chia tả hữu dùng để đánh giá phong trào cộng sản về bản chất là sai lầm.

Vậy thì làm thế nào mới có thể nhận biết được một trào lưu cộng sản (hoặc có thể gọi là trào lưu xã hội chủ nghĩa)? Có 3 đặc điểm nổi bật quan trọng nhất.

Lừa dối để tạo ra đấu tranh

Một lý thuyết vận động cộng sản quan trọng mà Karl Marx nhắc tới là duy vật biện chứng. Karl Marx nói rằng đấu tranh là nguồn gốc sự phát triển của xã hội. Cũng vì thế, ông ta sử dụng lý thuyết này để làm cơ sở cho việc giai cấp công nhân và nông dân phải đứng lên đấu tranh để lật đổ giai cấp tư bản. Từ đó xây dựng chính quyền của người bần cùng nhất, loại bỏ tất cả mâu thuẫn trong xã hội. Bởi vì đã loại bỏ tất cả mâu thuẫn nên xã hội sẽ không còn đấu tranh. Cũng từ đó, Karl Marx kết luận rằng xã hội cộng sản là hình thức cao nhất của xã hội loài người.

Trong quá trình quan sát Công xã Paris, Karl Marx lại xem xét điều chỉnh lý luận của bản thân, tạo ra “chỉnh sửa” duy nhất trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản” là giai cấp công nhân cần phải đập nát và tiêu hủy “bộ máy quốc gia hiện hành”, chứ không chỉ đơn giản là đoạt lấy bộ máy ấy. Trong khi đó, Lenin bổ sung thêm: giai cấp công nhân không thể tự phát sản sinh ý thức giai cấp và yêu cầu làm cách mạng, nhất thiết phải từ bên ngoài mà đưa yêu cầu làm cách mạng vào giai cấp công nhân. Vì thế, phải tổ chức một đảng chính trị với đảng viên là các nhà cách mạng chuyên nghiệp, có kỷ luật nghiêm khắc. Đảng chính trị này chính là “đội tiên phong của giai cấp vô sản” – Đảng Cộng sản. Về thực tế, “Học thuyết Xây dựng Đảng” của Lenin là lấy các tổ chức băng đảng và chủ nghĩa khủng bố gắn vào học thuyết chính trị kinh tế của Marx, thiết kế ra một con đường lừa dối: thực hiện chủ nghĩa cộng sản dựa vào bạo lực và che đậy sự thật.

Từ lý thuyết duy vật biện chứng đến hiện thực thành lập Đảng Cộng sản, có một dấu hiệu rõ ràng để nhận biết phong trào cộng sản: dùng lừa dối, cưỡng ép chia để trị.

Trong xã hội có các mối quan hệ xã hội. Ở trạng thái bình thường, mối quan hệ đó là không mang tính cực đoan tuyệt đối. Nhưng để đạt được việc cướp chính quyền, trào lưu cộng sản sẽ bắt đầu bằng việc tạo ra những lời dối trá nghe hợp lòng người. Sau đó cưỡng ép tạo ra một phía (như Lenin muốn cưỡng ép đưa yêu cầu làm cách mạng vào giai cấp công nhân) để tạo ra một cuộc “cách mạng” lật đổ và đàn áp những phía còn lại (chẳng hạn tư sản, địa chủ, trí thức, v.v.). Người cộng sản không chỉ muốn giành chính quyền, mà còn muốn thống trị thế giới, như Liên Xô đã từng ôm mộng.

Nếu nhìn vào Hitler, chúng ta thấy ông ta đã ứng dụng cực kỳ nhuần nhuyễn phương pháp này. Hitler chia xã hội làm nhiều phần: người Đức thượng đẳng thuần chủng Aryan là một phần, và các loại người khác là các phần khác. Những người ở đáy cùng là Do Thái và cộng sản (vì lúc đó Liên Xô và Đức đang đối đầu nhau). Hitler cưỡng ép tạo ra ý thức hệ là người Đức thuần chủng phải thống trị tất cả những người khác, và bày tỏ ý định muốn thống trị thế giới, tạo ra Chiến tranh Thế giới lần 2. Về cách vận động quần chúng mà nói, là giống hệt với Liên Xô hay ĐCSTQ, khác ở cách phân chia xã hội để trị mà thôi.

Về lý thuyết, những thực tế nói trên là cách làm điển hình của những người theo chủ nghĩa xã hội với tư duy duy vật biện chứng. Nhưng căn bản là, tư duy duy vật biện chứng này là sai lầm. Thực tế vận dụng nó trong lịch sử lại càng là những trò lừa đảo dối trá.

Tư duy biện chứng vốn tồn tại trong xã hội nhân loại từ thời cổ đại. Chẳng hạn học thuyết âm dương, thái cực, v.v. đều có bao hàm vấn đề biện chứng này. Nhưng các học thuyết này cơ bản là đề cao sự điều hòa, cộng sinh để duy trì sự ổn định của một sự vật sự việc. Các học thuyết này cũng giảng rằng nếu khiến sự tình gì đi tới cực đoan thì sẽ làm cho nó bị phá vỡ (vật cực tất phản). Đây là tự nhiên và chính thường.

Trong khi đó, “duy vật biện chứng” lại không muốn lấy sự ôn hòa và cộng sinh làm mục đích, mà lại muốn lấy “phá vỡ” làm mục đích, phá vỡ những quan hệ xã hội, phá vỡ trật tự quốc gia, phá vỡ trật tự thế giới. Ngoài ra theo biện chứng thông thường thì sẽ không bao giờ có xã hội cộng sản lý tưởng của Marx, bởi có được thì có mất, có làm mới có ăn, v.v.. Đây chính là sự dối trá và sai lầm về bản chất của duy vật biện chứng Karl Marx.

Chẳng hạn, trong các cuộc vận động cộng sản, có rất nhiều mối quan hệ xã hội đã bị lợi dụng để tạo ra “đấu tranh xã hội”. Lấy một ví dụ, công nhân và chủ nhà máy tồn tại một mối quan hệ cộng sinh. Chủ nhà máy cung cấp việc làm cho công nhân, cho phép công nhân hưởng lợi từ công việc của mình. Công nhân làm việc và tạo ra nguồn lợi cho nhà máy, từ đó chủ nhà máy có thể vận hành bình ổn và tuần hoàn lành mạnh công việc kinh doanh. Mối quan hệ cộng sinh này tất nhiên sẽ có sự tham gia của nhân tính, công nhân có thể biếng nhác, chủ nhà máy có thể bóc lột, nhưng đây lại là mâu thuẫn xã hội thường tình có thể xảy đến trong bất cứ mối quan hệ nào. Xã hội tự nhiên vốn đã có cách điều tiết cân bằng nó, ví dụ công nhân bỏ đi hết thì chủ nhà máy sẽ rơi vào tình trạng đình trệ hay phá sản, hay người làm không tốt thì có thể bị chủ nhà máy đuổi việc. Khi sự cộng sinh có mâu thuẫn không thể giải quyết, nó sẽ sụp đổ, để rồi một quan hệ cộng sinh mới giữa công nhân mới và chủ nhà máy mới lại được thiết lập ra. Đây không phải là mâu thuẫn sống chết.

Bởi thế, khi cố gắng làm như những gì chủ nghĩa cộng sản rao giảng, phá vỡ mối quan hệ cộng sinh này, thì người ta không biết rằng họ lại rơi vào một mối quan hệ mới: quan hệ giữa công nhân nhà máy và chính phủ vô sản. Cũng như thế, mối quan hệ này có sự tham gia của nhân tính, và đủ loại mặt xấu cũng theo đó mà thể hiện ra. Cứ tiếp tục chạy theo lý thuyết cộng sản, bao cấp, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, thì người ta sẽ thấy mâu thuẫn không thể giải quyết nổi.

Do đó, lấy “phá vỡ” làm mục đích là sai lầm của duy vật biện chứng. Xã hội lấy “ôn hòa” làm mục đích sẽ có cách phân phối thích hợp cho từng cá thể. Bởi vì tâm thái, tính cách, thể chất, thói quen, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá thể là khác nhau, nên cần tôn trọng “tự do”, đặt cơ sở trên sự “cộng sinh”. Do đó, rất nhiều quan niệm ngày nay về cơ bản là rất sai lầm: kêu gọi bình đẳng giới, bình đẳng vật chất, thậm chí ngay cả bình đẳng chủng tộc, đa số đều rơi vào cái bẫy “phá vỡ” này.

“Tính tôn giáo” trong chế độ

Một dấu hiệu rõ ràng thứ hai để nhận biết trào lưu cộng sản, đó chính là “tính tôn giáo” trong chế độ.

Mỗi trào lưu cộng sản, hay trào lưu xã hội chủ nghĩa, đều xây dựng nên một chế độ tư tưởng theo hướng tôn giáo hóa.

Chẳng hạn lấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm ví dụ. Ngay từ khi nắm chính quyền, ĐCSTQ bởi vì xây dựng trên tư tưởng duy vật vô thần, mong muốn xây dựng “thiên đường nhân gian”, nên tất nhiên là muốn đứng ở vị trí cao nhất trong tâm linh người Trung Quốc, muốn thông qua các cuộc vận động đẫm máu mà thay thế vị trí của Thần. Bởi thế không khó để nhận ra, trong các cuộc vận động của ĐCSTQ, những giá trị phổ quát của nhân loại như đồng cảm, tình yêu thương, thiện lương, v.v.. bị thay thế bằng tình cảm đấu tranh giai cấp, quần ngư tranh thực, kẻ mạnh sinh tồn… Theo nguyên tắc này, đúng và sai, thiện và ác đều không quan trọng, điều quan trọng là không từ thủ đoạn giành chiến thắng trong cạnh tranh, dù là quan trường, thương trường hay tình trường.

Tôn giáo có nhà thờ, ĐCSTQ có các cấp ủy đảng. Tôn giáo có giáo lý, ĐCSTQ có ý thức của Mao Trạch Đông, lý luận của Đặng Tiểu Bình, học thuyết của Giang Trạch Dân, chỉ đạo của Tập Cận Bình. Tôn giáo có lễ quy y, ĐCSTQ có lễ tuyên thệ trung thành phụng hiến cho Đảng. Tôn giáo có linh mục, ĐCSTQ có bí thư Đảng. Tôn giáo có Thần, Phật, ĐCSTQ có Mao Trạch Đông. Tôn giáo có kinh sách, ĐCSTQ có Mao quyển (sách Đỏ), có học tập thấm nhuần chỉ đạo. Tôn giáo có nghi lễ, ĐCSTQ có nhảy “điệu trung thành”“xin ý kiến chỉ đạo của đảng vào buổi sáng và báo cáo với đảng vào buổi tối”… Đặc biệt hơn, trong nghi lễ gia nhập Đảng, những thành viên tương lai giơ tay phải lên và thề cống hiến cuộc đời của mình để “chiến đấu cho lý tưởng cộng sản”, “sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho Đảng”“không bao giờ phản bội Đảng”.

ĐCSTQ vốn là vô thần, lại càng vô pháp vô thiên, cớ gì mà nó lại dùng lời thề để trói buộc con người như vậy chứ? Theo duy vật luận, thì lời thề là duy tâm, chẳng có ý nghĩa gì cả. Do đó có thể nói, về bản chất, Đảng Cộng sản Trung Quốc có đầy đủ mọi yếu tố của tà giáo.

Trường hợp của Đức Quốc Xã cũng không ngoại lệ. Khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền, hơn 99% người dân Đức theo Kitô giáo. Ngay lập tức hủy diệt Kitô giáo là điều không tưởng. Vì thế, Hitler đã thành lập Bộ Khai sáng và Tuyên truyền Quần chúng (Ministry of Public Enlightenment and Propaganda) với sự giúp đỡ của Joseph Goebbels, để tuyên truyền cho thuyết “chủng tộc ưu tú Aryan”“Kitô giáo tích cực”. Trong đó, “chủng tộc ưu tú Aryan” cho rằng người Đức là hậu duệ của người Aryan, một chủng tộc người được cho là đã từng thống trị châu Âu và Tây Á. Chính vì thế, người Đức là một chủng tộc ưu tú, và có quyền thống trị các chủng tộc khác.

Phong trào mang tên “Kitô giáo tích cực” (Positive Christianity) của Đức Quốc Xã dưới lớp vỏ bọc tín ngưỡng, phản đối hầu như toàn bộ tín ngưỡng Kitô giáo, từ sự thần thánh của Chúa trời cho tới kinh Cựu ước. Những tín đồ của “Kitô giáo tích cực” cho rằng Kitô giáo truyền thống đã quá “bị động”, quá thụ động, chỉ chú ý vào sự thần thánh của Chúa Jesus, sự hy sinh của Chúa cho con người, mà không nhấn mạnh “tích cực” vào việc Chúa Jesus là một kẻ “thuyết giáo”, là một “chiến binh” chống lại Do Thái giáo, là một người mang huyết thống Aryan vĩ đại, v.v.. Từ đó, “Kitô giáo tích cực” mong muốn hợp nhất người Đức về mặt chính trị, lợi dụng mâu thuẫn giữa Công giáo và Tin Lành, hủy diệt Công giáo và đoàn kết những người Tin Lành vào nhà thờ “Kitô giáo tích cực”.

Bản thân Hitler thì được nhắc tới trong các tuyên truyền của Đức Quốc Xã với những danh hiệu như Thẩm phán tối cao của nhân dân Đức (Supreme Judge of the German People), Người lính đi đầu của Đức Quốc Xã (First Soldier of the German Reich), Người công nhân đi đầu của nước Đức mới (First Worker of the New Germany), Đại tướng xuất sắc nhất mọi thời đại (Greatest Military Commander of All Time), Lãnh đạo quân sự châu Âu (Military Leader of Europe), Người bảo hộ ngọn núi thần thánh (High Protector of the Holy Mountain), v.v.. Những bài hát, những tác phẩm văn học, radio, v.v. đều tràn ngập hình ảnh của Hitler. Ông ta được tô vẽ thành một người hùng, một hình tượng thần thánh, được yêu mến, kính sợ và trọng vọng bởi người dân Đức.

Do đó, có thể nói rằng Đức Quốc Xã và Đảng Cộng sản Trung Quốc không hẹn mà gặp. Kỳ thực, rất nhiều tài liệu cho thấy một số “nhà tư tưởng” khởi đầu của trường phái cộng sản và trường phái xã hội chủ nghĩa đều có ý thức rõ ràng về tín ngưỡng của mình, chứ không “vô thần” như nhiều người tưởng tượng (Xem bài: Chuyện ít biết về tín ngưỡng của Karl Marx).

Phá hoại đạo đức và tạo ra xã hội tội phạm

Các phong trào cộng sản đều không thoát khỏi việc phá hoại đạo đức con người. Bởi vì phải cưỡng ép lừa dối, chia để trị, từ đó tạo ra “cách mạng” cướp lấy chính quyền, nên nền đạo đức của xã hội sẽ tuột dốc cực kỳ nhanh.

Chẳng hạn văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn là một nền văn hóa bao dung, Nho-Phật-Đạo, tam giáo cùng tồn tại. Tư tưởng bao dung và những giá trị đạo đức chuẩn tắc làm người này tuyệt nhiên đối lập với tư tưởng đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thành thử, tất yếu trở thành đối tượng cần bị tiêu diệt. Trong suốt hơn 80 năm tồn tại của mình, ĐCSTQ đã không ngừng phá hủy văn hóa truyền thống bằng vu khống, chiến tranh, lừa dối, độc tài, giết chóc và khủng bố. Từ bi và nhân ái bị Đảng thay bằng thù hận và đấu tranh. Thuận Trời thuận Đất thuận Tự nhiên bị Đảng thay bằng tự cao tự đại “đấu trời đấu đất”.

Đạo gia chú trọng “Chân”, Phật gia lấy tu “Thiện” làm căn bản, Khổng Tử chủ trương “Nhân” “Tín”. Mà lịch sử của ĐCSTQ chính là lịch sử thay thế những điều đó bằng “Giả-Ác-Đấu”. Từ bản chất mà nói, bất kỳ nhân tính tốt đẹp đều là chướng ngại cho sự thống trị của Đảng, cho đến lúc ĐCSTQ phát minh ra một hàm nghĩa phụ diện của từ vựng “nhân tính luận”. Đảng viên ĐCSTQ yêu cầu có “đảng tính” áp chế và thay thế “nhân tính”, đối với một người bình thường mà nói, “nhân tính” cũng là biểu hiện của cách mạng không triệt để.

Trung tâm của văn hóa truyền thống là luân lý và nhân ái. Trong tuyên truyền của Đảng, thì là lấy cảm tình giai cấp mà thay thế tình thân và tình bạn. Quan hệ với nhau trở thành “đồng chí”, tức là thành một thành viên trong đại gia đình cách mạng, ngược lại tức là đối tượng kiên quyết bị trấn áp. Là “đồng chí” hay là “kẻ địch”, đơn giản là hết thảy quan hệ xã hội phân thành quan hệ nhị nguyên đối lập, vượt trên cả quan hệ thân nhân hoặc trên cả quan hệ bằng hữu. Trong khi đấu tranh giai cấp nếu cần thì cha con không nhìn nhau, vợ chồng xem nhau như thù địch, kiểm điểm, phê bình đấu tố, đánh tàn nhẫn người thân yêu của mình được coi là biểu thị tính giai cấp mạnh hơn cả nhân tính, hướng về Đảng biểu thị sự trung thành phụng hiến.

Về cơ bản, những ai càng bất cận nhân tình thì sẽ càng leo cao trong hệ thống chính trị của Đảng. Trong mỗi cuộc vận động, những ai càng bất cận nhân tình sẽ càng có khả năng sống sót trong hệ thống kinh tế và xã hội của Đảng. Như vậy không nói ngoa khi nhận xét ĐCSTQ đã tạo nên một xã hội tội phạm.

Tương tự như vậy, Đức Quốc Xã đã nhiều lần “huấn luyện” người Đức. Ngày 14/7/1933, Đức Quốc Xã này đưa ra một điều luật nhắm vào những người tàn tật có thể “gây ảnh hưởng” tới nguồn gene thuần khiết của “hậu duệ Aryan ưu tú”. Những người bị điếc, bị mù, bị tàn tật bẩm sinh, có vấn đề về tâm lý, đều là đối tượng phải bị triệt sản. Mặc dù theo lẽ dĩ nhiên, những người này thường ít khi nào lấy vợ có con, nhưng Đức Quốc Xã lại đổ cho họ tội “sinh sản không kiềm chế” làm bẩn nguồn gene của người Đức. Thực chất, đó chính là phép thử đầu tiên của Đức Quốc Xã đối với người dân trong khi cải tạo tư tưởng của họ.

Khi thấy điều luật triệt sản thành công, Đức Quốc Xã tiếp tục với đợt “huấn luyện” thứ hai: chương trình T-4 hay còn gọi là chương trình “cái chết không đau đớn” (euthanasia). Những người tàn tật – với cái nhãn những kẻ “vô dụng” trong xã hội – cần phải chết. Các bác sĩ người Đức là đối tượng đầu tiên nếm trải đợt huấn luyện thứ hai này. Lúc đầu, vào tháng 9/1939, Hitler yêu cầu các bác sĩ và y tá bỏ mặc những bệnh nhân vô dụng. Sau đó, các nhóm tư vấn sẽ tới từng bệnh viện để quyết định ai sẽ phải chết. Các bác sĩ phải lật xem bệnh án của mình, và quyết định ai sẽ là kẻ “vô dụng” bị đưa đi giết. Từ bác sĩ cứu người, họ đã trở thành kẻ tuyên án tử hình cho người khác. Những “bệnh nhân” bị nguyền rủa sẽ được đưa về 6 viện tại Đức và Áo để giết hại trong những phòng ngạt. Xác của họ được hỏa thiêu tập thể trong các lò lớn. Chương trình “cái chết không đau đớn” chính là hình mẫu cho mô hình các trại tập trung Do Thái và sát hại người Do Thái trong phòng ngạt.

Đợt “huấn luyện” thứ ba của Đức Quốc Xã quay lại tập trung cải tạo tư tưởng đội quân giết người của đảng này, mà cụ thể là đội quân áo đen – đội cận vệ SS, và các bác sĩ. Dưới danh nghĩa kiểm tra và phân loại nguồn gene, Đức Quốc Xã bắt đầu thực hiện hàng loạt thí nghiệm trên cơ thể người, chủ yếu là các tù nhân trong trại tập trung, và bao gồm cả trẻ con. Những đối tượng bị làm thí nghiệm bao gồm người Do Thái, các dân tộc thiểu số người Di-gan, người Ba Lan, các tù chính trị, và người Đức tàn tật. Một số thí nghiệm biến thái đến khó hiểu như thí nghiệm lấy xương, cơ và dây thần kinh để cấy ghép sang người khác mà không dùng thuốc mê; hay như thí nghiệm xem khả năng chịu chấn thương của đầu bằng cách hành hạ đầu của một đứa trẻ hơn 10 tuổi… Sự trân quý và kính sợ đối với cơ thể con người trở thành hư không, và đảng này đã biến con người thành quỷ dữ.

Người Đức đã bị Đức Quốc Xã dẫn dắt từ việc bảo vệ nguồn gene của dân tộc tới kỳ thị người tàn tật. Từ kỳ thị người tàn tật tới giết người. Từ giết người đến coi con người như súc vật. Những đợt huấn luyện trên các quy mô khác nhau của Đức Quốc Xã cho thấy thời cơ đã chín muồi cho bước tiếp theo: quỷ hóa trên diện rộng. Đó chính là cuộc diệt chủng 6 tới 11 triệu người Do Thái, mà hầu hết người Đức, trừ những người vẫn còn giữ được lương tri, đều có phần.

Có thể nói, cách vận động của một phong trào cộng sản có thể biến những xã hội cực kỳ có kỷ luật và trật tự như Đức, hay xã hội đề cao nhân ái như Trung Hoa, thành những xã hội tội phạm mà con người có thể bán đứng lương tâm của mình.

*

Trào lưu cộng sản, từ lý thuyết tới thực tế là tương thông, chứ không phải như một số người vẫn nghĩ là lý thuyết tốt, thực tế xấu. Chỉ có điều bên trong lý thuyết vận động cộng sản thì cần phải phân biệt cái gì là “thực”, còn cái gì là “rao giảng lừa dối” mà thôi.

Nguyễn Vĩnh