Một triết gia phương Tây từng nói: “Kiểm soát được cái miệng của mình là mỹ đức bậc nhất mà nhân loại cần phải học được”. Còn người phương Đông thì cho rằng, một người dù mệnh tốt mà “cái miệng” không tốt thì phúc đức và phú quý đều bị hao tổn hết bởi “khẩu nghiệp”. Tu khẩu, kiểm soát tốt lời ăn tiếng nói của bản thân chính là một cách bảo vệ phúc phận của mình. Trong cuộc sống có 3 kiểu người dễ phạm sai lầm trong giao tiếp mà làm hao tổn phúc khí.

3 kiểu người dễ phạm khẩu nghiệp mà hao tổn phúc khí
(Ảnh minh họa: Antonio Guillem, Shutterstock)

Người gặp chuyện là oán trời trách đất

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người luôn mang trong lòng tâm oán trách. Họ oán trách cha mẹ không công bằng, oán trách công việc quá nhiều, oán trách bạn bè không hiểu mình, thậm chí trời mưa hay trời nắng cũng oán trách…

Kỳ thực oán trách là một loại cảm xúc xấu nhất, khiến mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn trở nên kịch liệt hơn. Nó không chỉ khiến cho sức khỏe của chính bản thân người ấy xấu đi mà còn khiến người thân bạn bè dần dần xa lánh họ.

Oán giận còn là một trong những điều vô dụng nhất trên đời này, là biểu hiện của việc thừa nhận bản thân quá hèn yếu. Một người nếu gặp chuyện mà không thể nhẫn nại, không thể học được cách chịu đựng và vượt qua thì vĩnh viễn không trưởng thành được. Đời người có đến tám chín phần không như ý, nếu hễ gặp chuyện là tìm nguyên nhân ở bên ngoài và đổ cho khách quan thì vĩnh viễn không thể cảm ngộ được ý nghĩa của nhân sinh.

Người nói lời quá cay nghiệt, chua ngoa

Nói chuyện cay nghiệt, chua ngoa cũng là một thói quen làm tiêu giảm phúc đức. Với một người mà nói, khẩu đức là rất quan trọng. Người không có khẩu đức sẽ dễ dàng phạm phải khẩu nghiệp.

Thời xưa, muốn xem một người có vận tốt hay không, một dấu hiệu là xem người ấy có khẩu đức hay không. Nếu một người nói những lời cay nghiệt, những lời thiếu đạo đức cũng không ngại nói, thì khẩu nghiệp của họ tích lũy từng ngày. Cuối cùng họ sẽ nhận phải trái đắng.

Nói lời không nên quá cứng rắn, không nên nói một đằng nghĩ một nẻo, lại càng không nên xoáy vào nỗi đau của người khác. Chế nhạo người khác, luôn nhìn vào nhược điểm của người khác thì sẽ tạo ra tổn thương và chuốc lấy oán hận. Con người không ai hoàn mỹ, và trong mắt người khác bạn cũng có không ít nhược điểm.

Lời không đúng sự thật, nói xấu người khác lại càng không nên nói ra. Lời nói xuất phát từ tâm, tâm của bạn lương thiện thì lời nói cũng không cay nghiệt. Nếu hôm nay bạn dùng lời nói khiến người ta khó xử thì rất có thể ngày mai bạn sẽ gặp phải cảnh đó.

Người ăn nói tùy tiện

Cổ ngữ có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, cũng lại có câu: “Nói quá nhiều tất sẽ nói lỡ”. Cho nên, lời nói rất nhiều khi dẫn đến thị phi, xung đột.

Người ta hễ nói quá nhiều, nói tùy tiện, thì lời họ nói ra khó có thể kiếm soát được, nói mà không suy nghĩ, không biết lời nào nên nói lời nào không, lúc nào nên nói lúc nào không. Nói chuyện không chú ý hạn độ, không phân rõ trường hợp mà nói thì rất dễ dàng khiến tổn thương và mâu thuẫn xảy ra.

Im lặng đúng lúc là một việc đức tính đáng quý. Hơn nữa, sự việc không khẳng định được đúng hay không thì nhất định không nên nói bừa. Cũng đừng vì tranh luận một chút việc nhỏ mà gây ra họa lớn. Dù cho là bạn bè thân thiết hay người nhà, cũng không nên tùy tiện mà can dự vào cuộc sống của họ.

Người ăn nói hàm hồ thì dễ gây ra ác cảm. Thế sự vô thường, mọi việc đều có thể thay đổi, huống hồ là việc chưa xảy ra. Một người trưởng thành, có tu dưỡng sẽ không bao giờ tùy tiện phỏng đoán hoặc nói trước về những sự tình như vậy.

Ngoài ra trong cuộc sống hàng ngày, cho dù là chính mắt chúng ta nhìn thấy, nhưng có thể chân tướng của sự việc ấy lại không phải là như vậy. Cho nên, đừng vội vàng kết luận trước một việc gì, đồng thời đừng vì nhất thời nhìn thấy mà buông lời làm tổn thương người khác. Bởi vì, một chút “vô tâm” của chúng ta có thể gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí đẩy người khác đến bước đường cùng. Đó là loại “khẩu nghiệp” to lớn nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: