Ở mỗi cảnh giới khác nhau, con người sẽ có tầm nhìn và tâm thái khác nhau. Hơn nữa, khi tiến đến một cảnh giới cao hơn, chúng ta sẽ nhận ra bản thân có một cái nhìn và tâm thái hoàn toàn khác. Những yếu tố quyết định đến tầm nhìn và tâm thái của một người có rất nhiều, nhưng có ba yếu tố quyết định nhất chính là những cuốn sách đã đọc, con đường đã đi qua và những người mà ta từng gặp. 

3 yếu tố quyết định tầm nhìn và tâm thái của một người
(Ảnh minh họa: Creative Travel Projects, Shutterstock)

Những cuốn sách đã đọc qua

Đọc sách giúp một người siêu việt và thay đổi khí chất của mình. Trong cuốn “Nhan Thị gia huấn” có câu: “Tích tụ vạn quán gia tài, để bất thượng độc thư hữu ích”, ý nói tích lũy gia tài bạc triệu cũng không hơn đọc một cuốn sách có ích. Từ xưa đến nay, đọc sách vẫn luôn là cách khai mở cho nhân loại, giúp con người có được trí tuệ, sáng tỏ lý lẽ. Đó cũng là phương thức cơ bản nhất giúp con người học được đạo lý làm người. Đọc sách có thể giúp cho một người có kiến thức nông cạn trở thành một vị trí giả có tri thức uyên bác.

Khí chất không đến từ vẻ ngoài mà toát ra từ sự tu dưỡng và tài hoa bên trong. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Khí chất của con người do trời sinh, vốn khó có thể cải biến, duy chỉ có đọc sách là có thể cải biến được”. Nếu chúng ta đọc một cuốn sách, đọc một vài ngày, có thể sẽ chưa có gì cải biến. Nhưng nếu chúng ta đọc nhiều hơn, tích lũy nhiều hơn thì nhân sinh quan, giá trị quan của chúng ta sẽ thay đổi, tẩy tịnh được nội tâm, phóng đại tầm nhìn, dần dần ảnh hưởng đến nhân sinh. Chính vì vậy mà người xưa đều sống theo phương châm “ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách”.

Trong xã hội truy đuổi vật chất, khi chúng ta có thời gian đọc sách, thưởng thức được những ý vị trong đạo lý sống của người xưa “thấy đủ thường vui”, “người không có truy cầu phẩm cách tự cao”, thì sẽ khiến tâm bình khí hòa hơn. Hay khi lâm vào nghịch cảnh, gặp phải bế tắc, những lời dạy bảo “Trời sinh ta tất có chỗ dùng” sẽ khiến tâm thái thay đổi. 

Kỳ thực, đọc sách không nhất định sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích vật chất hiện thực nhưng nó giúp chúng ta tránh bị những vụn vặt đời thường làm cho mất cảm xúc. Nó giúp chúng ta trở thành một con người có hiểu biết, có tư duy, có tầm nhìn rộng mở. 

Những con đường đã đi qua

Những con đường đã đi qua sẽ giúp một người hiểu ra rằng thế giới thật to lớn. Sẽ luôn có những người, sự vật và những điều hoàn toàn khác với chúng ta đang tồn tại và xảy ra ở trên thế giới này. Nó khiến chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng đang sống theo cách của chúng ta. 

Có câu nói: “Đọc vạn cuốn sách, đi ngàn dặm đường”. Càng đi qua nhiều những con đường khác nhau, người ta sẽ càng có tầm nhìn rộng lớn hơn. Khi tầm nhìn càng rộng lớn, người ta sẽ càng có cái nhìn khác về nhân sinh, ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Khi trải qua nhiều việc trên đời, gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, hoài bão của một người sẽ trở nên rộng lớn. Họ cũng sẽ không giới hạn bản thân ở một khoảng không gian nhỏ hẹp, không cảm thấy tù túng với thế tục. Khi ấy, họ sẽ có thể dùng tâm thái tốt đẹp để đối mặt với cuộc sống của chính mình.

Thời cổ đại, du ngoạn, ngao du sơn thủy là một nét văn hóa không thể thiếu, đặc biệt là đối với các văn nhân, thi nhân, đạo sỹ như Lý Bạch, Vương Duy… Sử học gia Tư Mã Thiên, năm 20 tuổi đã đi khắp 9 tỉnh của đất nước, về sau hoàn thành nên bộ “Sử ký” nổi danh nhất lịch sử. Ngay từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được cha là Tư Mã Đàm, sử học gia nổi tiếng học rộng tài cao thời Tây Hán tận lực bồi dưỡng. Từ năm lên 10 tuổi, Tư Mã Thiên bắt đầu đọc một vạn cuốn sách. Tư Mã Đàm còn thỉnh mời các nhà Nho nổi tiếng đương thời là Khổng An Quốc, Đổng Trọng Thư làm thầy dạy cho Tư Mã Thiên.

Năm Tư Mã Thiên 20 tuổi, cha ông đã cho ông một chiếc xe ngựa để ông thực hiện các chuyến đi thực tế trong xã hội rộng lớn. Mục đích là để Tư Mã Thiên tiếp xúc với sông núi hùng vĩ và các phong tục sinh hoạt của người dân bốn phương, tìm kiếm các truyền thuyết lịch sử và các tư liệu lịch sử khác nhau. Tư Mã Thiên đã hoàn thành xuất sắc chuyến đi học này, cuối cùng trở thành người am hiểu mối liên hệ giữa tự nhiên và con người, thông hiểu cổ kim.

Những người ta từng gặp

Khổng Tử giảng: “Phu nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, ý nói phàm là người nhân từ thì khi mình muốn lập được thân thì mình cũng khao khát cho người khác được như thế. Tầm nhìn và tấm lòng của một người sẽ thể hiện ra ở sự bao dung đối với người khác. Cho nên, những người ta đã từng gặp giúp ta học được bao dung và cảm ơn.

Mỗi người sống trên đời đều có điểm mạnh điểm yếu riêng. Điểm mạnh của một người có thể là điểm yếu của người khác, điểm yếu của người khác lại có thể là điểm mạnh của mình. Cho nên, tầm nhìn và tấm lòng của một người thường không nằm ở điểm người ấy có thế mạnh gì, mà là người ấy có thể nhìn rõ điểm mạnh của người khác, chấp nhận sự khác biệt của người khác và có thể thoát ra khỏi những thành kiến mà thân phận và địa vị mang lại. Họ có thể vừa dùng trí tuệ để nhìn kỹ người khác, lại dùng tấm lòng để bao dung người khác.

Hàn Tín ngay từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, dựa vào việc câu cá đổi tiền duy trì cuộc sống. Ông thường bị những người xung quanh xem thường. Một lần, có một đám thiếu niên hư hỏng ở trước mặt Hàn Tín mà làm nhục ông. Một người trong đó nói với Hàn Tín:Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi.”

Hàn Tín là người có chí hướng lớn, nên ông đã không gây sự mà nhẫn nhịn chui qua háng của kẻ kia. Nếu khi ấy, Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn, nhưng sẽ không có đại tướng quân Hàn Tín nổi danh sau này.

Những điều Hàn Tín trải qua nói cho chúng ta biết đạo lý, có thể bao dung được những điều mà người trong thiên hạ khó dung được thì mới có thể làm được những điều mà thiên hạ ít người làm được.

Trong xã hội hiện đại, mỗi người đều theo đuổi thành công, người cố gắng có rất nhiều nhưng người có thể nhường nhịn và khoan dung lại rất ít. Lấy tâm mừng vui mà xem sự việc, mọi việc sẽ đều vì ta mà sinh. Lấy tâm cảm ơn mà nhìn người, mỗi người đều sẽ vì ta mà đến. Học được bao dung và cảm ơn người thân, bạn bè, những người đem đến cho ta niềm vui và cả những người đem đến cho ta khó khăn trắc trở mới khiến tấm lòng của chúng ta rộng mở.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: