“Thái căn đàm” là một cuốn sách chứa đựng những kinh nghiệm tu dưỡng, làm người, đối nhân xử thế của cổ nhân, ẩn chứa trí tuệ cao thâm sâu rộng, trong đó phải kể đến 4 trí tuệ lớn dưới đây.

Thái Căn Đàm: 4 cách xử thế ẩn chứa trí tuệ của người xưa
(Ảnh minh họa: Andrew Mayovskyy, Shutterstock)

1. Thủ giữ tâm thật thà, chất phác

Trong “Thái Căn Đàm” viết: “Thiệp thế thiển, điểm nhiễm diệc thiển; lịch sự thâm, ky giới diệc thâm”, ý nói những người không từng trải nhiều sự đời thì thường có ít kinh nghiệm nhưng họ cũng mộc mạc chất phác, ít lây nhiễm thói bất lương. Trái lại, những người từng trải thì thường có nhiều mánh khóe và quyền mưu gian kế cũng nhiều.

Cổ ngữ có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người khi chưa lún sâu vào sự đời thì rất ít chịu sự tiêm nhiễm của xã hội. Nhưng một khi đã trải qua nhiều thế sự rồi thì tâm cơ cũng theo đó tăng lên. Vì thế, người ta thường nói, làm người đừng bao giờ quên đi tâm nguyện lúc ban đầu. Hiểu sâu xa một chút, không quên tâm nguyện lúc ban đầu chính là phải học cách khiêm nhường, không phóng túng và giữ được sự mộc mạc chất phác.

Cho dù có trải qua bao thế sự, một người vẫn cần giữ cho mình một tâm hồn thanh khiết như chưa từng bị nhuốm bẩn trong thế giới này. Bởi vì, người càng thiện lương thì càng không bị ai làm tổn hại, trái lại những người càng khoe khoang thì chỉ càng khiến người ta ghen ghét đố kỵ mà rước họa vào thân.

Người xưa có câu: “Nước sôi không kêu vang, nước kêu vang thì chưa sôi”, con người sống trên đời không phải càng khoa trương càng tốt, cũng không phải việc gì cũng cẩn thận quá, chịu oan ức để cầu toàn thì có thể sống yên phận. Trong nhiều trường hợp, tốt hơn hết là nên giữ vững bản tính thật thà, chất phác và tấm lòng rộng lượng của bản thân.

Một người thật thà chất phác, nhìn bề ngoài như có vẻ hiền lành ngu ngốc, nhưng lại giống như vàng kim, lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Núi không tự nói mình cao, sông không tự nói mình thâm sâu, người thật thà chất phác luôn có thể vui với cuộc sống đạm bạc mà tự được tâm an. Bởi vậy, thủ giữ được sự thật thà chất phác là đạo xử thế tốt đẹp, cũng là cảnh giới cao khi làm người.

2. Nghe được lời khó nghe

Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: “Nhĩ trung thường văn nghịch nhĩ chi ngôn, tâm trung thường hữu phất tâm chi sự, tài thị tiến đức tu hành đích chỉ thạch”, nghĩa là trong tai thường nghe những lời khó nghe, trong tâm thường chứa chút sự tình không vừa ý thì mới có thể thực sự tôi luyện được phẩm hạnh đạo đức của bản thân.

Có câu: “Trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành, lương dược khổ khẩu lợi vu bệnh”, lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có thể dẫn dắt hành vi của người ta, thuốc tốt có vị đắng nhưng có thể chữa được bệnh.

Lời nói ngọt ngào thì thường khiến người khác thích nghe. Nhưng nếu một người lúc nào cũng chỉ nghe thấy lời ngọt ngào êm tai, chuyện gì cũng hài lòng vừa ý, thì chẳng khác gì chìm đắm trong độc dược. Đó là điều vô cùng nguy hiểm.

Một người khi lâm vào nghịch cảnh, hãy học cách nhẫn nại chịu đựng, vững vàng kiên định, cũng cần giữ tâm được bình thản, không vì thất bại mà gục ngã hoàn toàn. Còn khi gặp thuận cảnh thì phải giữ được sự tỉnh táo, giữ vững ý định ban đầu, không vì mọi chuyện suôn sẻ mà tự kiêu tự mãn.

Một người cần phải đối mặt với những lỗi lầm thiếu sót của bản thân, thay vì tìm cách che đậy những điều đó. Hơn nữa, phải biết nghe được cả những lời khó nghe thì mới khiến bản thân tiến bộ. Cho nên, “Nghe được lời khó nghe, chịu được việc phiền toái” là cách để một người có thể đi được lâu, đi được xa hơn.

3. Biết hợp thời tiến thoái

Trong sách “Thái Căn Đàm” viết rằng:“Ân lý do lai sinh hại, cố khoái ý thì tu tảo hồi đầu; bại hậu hoặc phản thành công, cố phất tâm xử mạc tiện phóng thủ”, ý nói bên trong ân tình sâu nặng thường ẩn núp mối họa, cho nên lúc phong xuân đắc ý thì đừng lún sâu vào mà phải kịp thời bứt ra. Gặp lúc thất bại, nếu có thể rút ra được kinh nghiệm xương máu thì sẽ nghênh đón được thành công. Cho nên, lúc thất ý thì ngàn vạn lần đừng dễ dàng buông xuôi.

Nhân sinh trên đời có ngàn vạn lối đi, nhìn như: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng trên thực tế không phải lối đi nào chúng ta cũng có thể bước một cách tùy ý. Phải học cách xem xét cẩn thận kẻo “sai một ly, đi ngàn dặm”.

Đi theo con đường nào, phải lựa chọn thật kỹ lưỡng. Một khi đã chọn xong rồi thì bất luận là con đường đó bằng phẳng hay nhấp nhô, chúng ta đều phải trầm tĩnh đối diện.

Cho dù là lúc “xuân phong đắc ý” cũng phải giữ chừng mực, càng ở trong thuận cảnh, càng phải giữ tâm tĩnh lặng. Còn nếu rơi vào nghịch cảnh, thì không cần nản chí nản lòng mà phải dốc lòng, dốc sức bước tiếp. Khi một người đối diện với vinh nhục được mất mà có thể rộng lượng ung dung thì đường đời sẽ càng phẳng lặng.

4. Tận hưởng sự tự tại

Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Thân như bất hệ chi chu, nhất nhâm lưu nhâm khảm chỉ; tâm tự kí hôi chi thuật, hà phương đao cát hương đồ?“, ý nói một người có thể tự do tự tại, như một con thuyền không trói buộc trôi theo những con sóng, thì nội tâm người đó thực giống như một cái cây đã hóa tro bụi, không quan tâm đến thành bại, khen chê của người đời.

Bởi vì con người sống trên đời, thứ khó bỏ nhất chính là hai chữ “danh lợi”, việc khó buông bỏ nhất chính là “vinh nhục được mất”. Nếu một người mà tâm danh lợi quá nặng, tâm được mất quá mạnh mẽ thì người đó lúc nào cũng sẽ bị ưu phiền và bất mãn bủa vây.

Trên đời này có rất nhiều điều là không thể thay đổi được, có rất nhiều điều là buộc phải như vậy. Cho nên hãy để vạn sự tùy duyên, hãy để mọi chuyện đến và đi một cách tự nhiên, đó chính là một phần thái độ trong cuộc sống, cũng là sự tự tu dưỡng mà mỗi người cần phải có để thân tâm đạt được an nhiên tự tại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: