Thế sự vô thường, cuộc đời con người giống như chèo thuyền giữa biển cả mênh mang, họa phúc luân chuyển khó lường. Chỉ người hiểu rõ đạo lý đối nhân xử thế mới có thể thuận buồm xuôi gió. Dưới đây là 5 phép tắc đối nhân xử thế trí tuệ của cổ nhân, người hiểu thấu và hành xử được sẽ càng ngày càng thông thuận.

5 phép tắc xử thế của cổ nhân đem lại cuộc đời thông thuận
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

1. Lùi một bước biển rộng trời cao

Đại thi hào Tô Đông Pha từng nói: “Người chân chính có khí phách hào kiệt trong thiên hạ thình lình gặp những việc bất thường cũng không kinh hoảng, vô cớ bị người khác vũ nhục cũng không phẫn nộ. Làm được điều ấy là bởi vì trong lòng của họ có hoài bão to lớn, có chí hướng phi thường cao xa.” Kẻ thất phu khi bị nhục sẽ tuốt kiếm tranh đấu. Người như vậy không được gọi là dũng sĩ.

Xưa nay, người có thể nuốt được cái oan ức, ủy khuất, nhẫn được cái mà người thường không thể nhẫn thì mới làm thành được việc lớn. Một người hễ gặp chút mạo phạm liền lập tức tranh đấu thì không phải dũng sĩ chân chính.

Một lần, khi Tô Đông Pha đang dạo chơi trong thành Hoàng Châu thì bị một người đàn ông say rượu lao vào người làm ông ngã lăn xuống đất. Người đàn ông này toàn thân nồng nặc mùi rượu, không nói một lời xin lỗi mà còn nhục mạ ông rồi hùng hùng hổ hổ bước đi. Tô Đông Pha danh tiếng lẫy lừng đã không những không để bụng mà còn vui vẻ bỏ qua.

Có đôi khi, giữa người với người vì một chút việc nhỏ mà dễ dàng nảy sinh tranh chấp. Khi tự ngã của một người càng lớn thì càng dễ xảy ra xung đột với người khác. Bởi vậy, Trang Tử từng giảng: Cách tốt nhất để một người khống chế được tính khí của mình là “hư kỷ”. Nếu một người có thể coi mình là hư không thì sẽ không có mâu thuẫn xung đột xảy ra.

Khi gặp mâu thuẫn, cúi đầu không phải yếu nhược mà là một loại tu dưỡng, là một loại trí tuệ của cổ nhân. Nhẫn một lúc, lùi một bước đều đem lại kết quả tốt đẹp, đáng vui mừng.

2. Bình tĩnh khi gặp nguy

Khi gặp một việc lớn, nhất định phải giữ tâm bình tĩnh mới có thể tìm được đối sách đúng đắn, phù hợp, nhờ vậy mà có thể thể rời xa được tai họa, biến nguy thành an.

Đường Bá Hổ triều nhà Minh, đến tuổi già vẫn được phiên vương Chu Thần Hào (Ninh Vương) trọng dụng, mời làm phụ tá của vương phủ. Sau một thời gian làm việc trong vương phủ, Đường Bá Hổ phát hiện Ninh Vương câu kết với rất nhiều giang hồ, hơn nữa còn tự mình thiết lập binh lính. Biết là có vấn đề, Đường Bá Hổ không hỏi Ninh Vương, cũng không tiết lộ ra ngoài mà lặng lẽ quan sát và xác thực thông tin. Cuối cùng ông đã biết được Ninh Vương có âm mưu tạo phản, muốn soán đoạt ngai vàng.

Đường Bá Hổ bình tĩnh trong hiểm cảnh, giả ngây ngô, khiến Ninh Vương không còn trọng dụng nữa, nhờ đó mà ông có thể thoát khỏi vương phủ. Cuối cùng tất cả lực lượng của Ninh Vương đều bị quân triều đình tiêu diệt hoặc bắt sống. Cả nhà Ninh Vương ở vương phủ bị Vũ Tông xử tử. Riêng Ninh Vương tự sát trong ngục.

3. Giúp người mà không nhớ trong tâm

Thời Tam Quốc có một thầy thuốc tên là Đổng Tiên, ông chữa bệnh cho người khác không lấy tiền công cũng không hỏi họ tên, chỉ yêu cầu người bệnh sau khi khỏi phải trồng cây hạnh nhân. Những người bị bệnh nhẹ sau khi khỏi phải trồng một cây hạnh nhân còn người bệnh nặng sau khi khỏi phải trồng năm cây hạnh nhân. Cứ như vậy sau mấy chục năm, ở địa phương ấy đã có hơn mười vạn cây hạnh nhân.

Người dân đặt tên vùng đất này là Đổng Tiên Hạnh Lâm (rừng hạnh nhân Đổng Tiên) để ca ngợi đức hạnh cứu người mà không lấy hồi báo của thầy thuốc Đổng Tiên.

Cổ nhân nói: “Làm việc thiện mà nóng lòng muốn người khác biết thì đó là cái gốc của điều ác”. Nếu một người làm việc thiện vì để hiển vinh thanh danh của mình thì đó chính là người giả nhân giả nghĩa. Việc thiện mà người ấy làm sẽ để lại mầm tai họa.

Thiện là một loại thiên tính. Nếu thiện bị hỗn tạp trong danh vọng và lợi ích thì tự nhiên nó sẽ bị mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Làm việc thiện không cầu báo đáp mới là thiện lương cao nhất, cũng là một đại trí tuệ xử thế của cổ nhân.

4. Được người giúp, khắc sâu trong tâm khảm

Cổ ngữ có câu: “Làm ơn thì không nhớ, mang ơn thì không quên”. Người làm ơn có thể không nhớ đến việc thiện mình đã làm nhưng người được người khác giúp thì nhất định phải ghi nhớ và báo đáp.

Ngụy Võ Tử là đại phu của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông có một người hầu thiếp rất đẹp và còn trẻ tuổi. Theo tục lệ nước này hễ chồng chết thường đem chôn thiếp theo. Khi Ngụy Võ Tử mắc phải bệnh gần chết, lúc đang hấp hối trên giường bệnh dặn con là Ngụy Khỏa phải đem chôn người hầu thiếp theo mình. Khi Ngụy Võ Tử chết, Ngụy Khỏa không nghe lời cha mà thả người hầu thiếp kia về nhà.

Sau này Ngụy Khỏa làm tướng nước Tần đánh nhau với nước Tấn. Đỗ Hồi là tướng của nước Tấn tài ba lỗi lạc, vũ dũng không mấy ai địch nổi. Có một hôm hai bên đang giao chiến, Ngụy Khỏa đang ở trong thế lâm nguy, không ngờ ngựa của Đỗ Hồi đột nhiên tới lui không được, té ngã, nên Đỗ Hồi bị Ngụy Khỏa giết chết.

Sau có ông già cầm gậy trúc đến bảo Ngụy Khỏa: “Lúc ban ngày nơi trận chiến, tôi cám ơn ông không chôn sống con tôi, nên tôi kết cỏ quấn vào chân ngựa của Đỗ Hồi cho nó ngã để ông giết nó. Tôi làm như vậy để trả ơn ông.”

Đây chính là điển cố nổi tiếng “Kết cỏ ngậm vành”. Sau này “Kết cỏ ngậm vành” trở thành câu nói chỉ việc nhận ơn nhất định sẽ báo đáp.

Làm người nhất định phải biết ơn, nhớ kỹ những việc tốt mà người khác đã làm cho mình, người xử thế như vậy thì con đường đời mới càng ngày càng thông thuận.

5. Khoan dung với lỗi lầm của người khác

Khoan dung người khác là một trí tuệ của cổ nhân, là phúc khí lớn nhất của một người. Người có một trái tim biết khoan dung thì chính là người vì mình mà cầu phúc. Người như vậy, cuộc đời tự nhiên sẽ bình an suôn sẻ.

Chuyện xưa kể rằng vua của nước Sở là Sở Trang Vương thiết tiệc đãi các quần thần. Tiệc vui từ chiều cho đến tối, có cung phi mỹ nữ hầu hạ ca xướng, châm rượu. Đang lúc vui say thì đèn nến bị gió thổi tắt hết cả. Một viên quan thừa cơ kéo áo một cung nữ, đùa giỡn trêu ghẹo. Người cung nữ liền chụp giật được dải mũ của viên quan, rồi tâu với vua: “Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được dải mũ của hắn. Xin cho thắp đèn ngay để xét. Kẻ nào bị đứt dải mũ thì chính là kẻ đã vô lễ làm càn”.

Sở Trang Vương nói: “Cho người ta uống rượu, để say đến quên cả lễ phép. Sao có thể vì biểu dương tiết tháo của một người phụ nữ mà lăng nhục một vị quốc sĩ đây?” Vì thế, Sở Trang Vương hạ lệnh: “Các thần tử uống rượu cùng quả nhân hôm nay mà không say đến mức giật đứt cả dải mũ là chưa thật vui!” Các quan theo lệnh của Sở Trang Vương đều giật đứt dải mũ. Khi đèn nến thắp lên thì không còn phân biệt được ai là người đã phạm tội. Nhờ vậy mà suốt buổi tiệc được vui vầy.

Về sau, nước Sở vây đánh nước Trịnh. Trận nào cũng có viên quan võ trẻ tuổi liều sống chết chiến đấu ở bên cạnh nhà vua. Năm lần đánh thì cả năm lần viên quan võ này đều xung phong dẫn đầu. Nhờ vậy mà quân Sở toàn thắng. Sau này Sở Trang Vương mới biết viên quan võ trẻ tuổi đó chính là người đã giật đứt dải mũ của cung phi trong tiệc rượu năm xưa mà ông không xét tội.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: