Cổ nhân khuyên rằng hành thiện sẽ tích được phúc báo, nhưng cũng giảng rằng thủ đức, thủ giữ phúc báo còn khó hơn hành thiện tích đức rất nhiều. Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp một người trong vô ý mà khiến phúc báo của bản thân bị tổn hại mất.

5 hành vi có thể vô ý làm tổn hại phúc báo của một người
(Ảnh minh họa: Nattawut Jaroenchai, Shutterstock)

Tức giận

Trong “Kinh Do Thái” có viết: “Người ta sẽ phạm sai lầm khi tức giận”. Kinh Tân Ước cũng bàn: “Con người điên cuồng khi tức giận”. Nhà Phật thì giảng rằng khi tức giận thì con người bị ma tính khống chế. Dù vì nguyên nhân gì, khi người ta tức giận thì sẽ khó kiểm soát lời nói, có thể sẽ gây tổn thương cho người khác, hủy hoại tình cảm, thậm chí làm những việc khiến bản thân hối hận cả đời.

Có người thắc mắc rằng, hỉ nộ ái ố là lẽ thường tình của con người, trong thế gian tràn đầy mâu thuẫn, ai mà không từng tức giận người khác đây? Nhưng bất kể là đối với an dưỡng thân thể hay là tu dưỡng tâm tính mà nói thì tức giận đều đem lại trăm cái hại, mà không có một chút lợi nào. Người xưa nói: “Tức khí mà chết”, sự thực đúng là có những người vì tức giận mà sinh mệnh chẳng còn.

Do đó, người tức giận sẽ dễ dàng làm tổn hại phúc báo của bản thân, đồng thời cũng làm phương hại đến người khác.

Mời xem video: 5 hành vi có thể vô ý làm tổn hại phúc báo của một người

Xung đột với người bề trên

Xung đột với cha mẹ là việc đứng đầu trong những việc làm “tổn phúc bại lộc”. Sự thật là, mỗi người cha, người mẹ đều không phải là một người hoàn hảo, đều có khuyết thiếu này khuyết thiếu khác. Ví như có người cha tính tình nóng nảy, thô bạo, có người mẹ “nặng bên này nhẹ bên kia”, có người mẹ có quan niệm lạc hậu, có người mẹ trí tuệ thấp kém, có người còn có thân thể không được lành lặn, đủ đầy… Đặc biệt, cha mẹ khi về già thì tính tình càng khó, sinh hoạt thay đổi, bệnh tật triền miên…

Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ cũng là đối tượng đầu tiên nhất trong quá trình trưởng thành, làm người tốt của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều phải bắt đầu từ chỗ thấu hiểu bậc sinh thành mà học tập cách bao dung và thương yêu.

Một người mà ngay cả đến cha mẹ mình cũng không bao dung nổi thì khẳng định đó là người quá tính toán chi li, là “tiểu nhân” lòng dạ hẹp hòi. Người không có khí phách lớn, không rộng lượng thì sao có thể làm thành được đại sự? Một người không rộng lượng thì sống trên đời sẽ gặp nhiều chông gai và tiền đồ cũng không thành được. Như thế sao có thể hạnh phúc, vui sướng được?

Xung đột với cha mẹ sẽ làm tổn hại phúc báo của một người, đặc biệt nếu làm ra hành vi bất hiếu thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Khi người đó đã về già, con cái cũng trưởng thành, lúc ấy cần con cái thì con cái sẽ tính toán chi li với họ. Đây kỳ thực cũng là một loại nhân quả báo ứng. Do đó, cổ nhân giảng “bách thiện hiếu vi tiên”, người giữ vững đạo hiếu thì chính là đang tích phúc tích đức.

Bàn luận thị phi

Cổ nhân cho rằng, gieo rắc những chuyện thị phi, nói điều không chắc chắn nhưng lại gây tổn hại đến người khác, làm tổn thương đến hòa khí, thì rất dễ chiêu mời tai họa giáng xuống. Dùng một chút lời nói đồn đại để khoa trương bản thân thì mất nhiều hơn được.

Thường nói chuyện thị phi, ắt là kẻ thị phi. Những người thích chuyện bé xé ra to, tất nhiên cũng không phải là người tốt. Cổ nhân có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, nghĩa là ngồi tĩnh lặng thì thường nghĩ lỗi của mình, khi trò chuyện không nói xấu người khác. Người thực sự thông minh, sẽ tranh thủ những lúc nhàn rỗi học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, chứ không lãng phí thời gian và tâm sức của mình vào những chuyện vô bổ.

Hứa Kính Tôn, cận thần của vua Đường Thái Tông từng nói: “Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.”

Oán trời trách người

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp phải không ít người luôn mang tâm oán trách. Họ oán trách cha mẹ không công bằng, oán trách công việc quá nhiều, oán trách bạn bè không hiểu mình, thậm chí trời mưa hay trời nắng cũng oán trách…

Họ không biết được rằng, oán trách là một loại cảm xúc xấu nhất khiến mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn trở nên kịch liệt hơn. Nó không chỉ khiến cho sức khỏe của chính bản thân người ấy xấu đi mà còn khiến người thân bạn bè dần dần xa lánh họ.

Trong quan niệm của người xưa, oán trời trách người sẽ làm tổn hại phúc báo của chính mình. Hơn nữa, mọi phiền não, buồn khổ trong cuộc đời của một người đều là do tâm người ấy sinh ra. Cổ nhân giảng: “Tướng do tâm sinh”, do đó, người luôn oán trách người khác thì hoàn cảnh của người ấy cũng sẽ theo đó mà không thuận lợi, may mắn.

Kiêu ngạo tự mãn

Một người cho dù có tài năng thực sự đi nữa, nhưng nếu vì tài năng của mình mà sinh ra tâm tự mãn, cao ngạo, không ngừng khoa trương bản thân thì rất có thể tài năng sẽ chỉ mang đến cho người ấy nỗi bi ai.

Có câu: “Tâm ngạo mạn đến từ sự vô tri”, chỉ có những người vô tri, không hiểu biết mới có thái độ ngạo mạn, ngông cuồng tự đại, xem thường đạo lý. Các bậc thánh hiền hay những người giác ngộ dù có trí tuệ thâm sâu đến mấy thì trong tâm vẫn tràn ngập lòng kính sợ đối với tự nhiên, với Thần Phật. Họ không chỉ tiếp nhận được hết thảy ý kiến phê bình mà còn có thể bao dung người khác, hơn nữa họ đối nhân xử thế rất khiêm tốn.

Thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức thậm chí không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải dừng bữa cơm tối mấy lần để khách không phải chờ lâu.

Ông khuyên con trai rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: