Nam nhân đại trượng phu là hình mẫu mà người xưa rất coi trọng, hướng đến. Đó phải là một người có khả năng gánh vác, có giá trị, có sự tôn nghiêm và không để người khác vũ nhục. Người như vậy cần phải có được những loại khí khái dưới đây.

đại trượng phu
(Ảnh minh họa: Andrew Mayovskyy, Shutterstock)

1. Chí khí

Đối với một người đàn ông mà nói, không có chí khí thì sự nghiệp không thành, cảnh nhà không thịnh. Cho nên, chí khí là điều vô cùng quan trọng.

Cổ ngữ nói: “Nhân vô chí bất lập” ý nói người mà không có ý chí, chí hướng thì không thể đứng được ở đời. Khổng Tử cũng giảng: “Ba quân có thể bị mất đi chủ soái, nhưng ngay kẻ thất phu cũng không thể làm mất đi ý chí của mình.” Mỗi người đều có những mục tiêu riêng, nhưng để đạt được mục tiêu ấy thì cần phải có ý chí. Người mà chí không mạnh thì trí tuệ sẽ không đạt. Hết thảy sự thành hay bại của sự nghiệp đều được quyết định bởi điều này.

Không ít người đã lập được chí hướng cao xa, nhưng người có thể biến nó thành hiện thực thì phải có chí khí, không bao giờ bỏ cuộc khi đối mặt với muôn vàn gian truân, dù trong hoàn cảnh sơn cùng thủy tận cũng không ngã lòng.

2. Khí lượng

Khí lượng là phẩm đức và tài trí dung nhân, dung sự. Trong cuộc sống, khó tránh khỏi những sự tình không như ý khiến cho người ta phải phiền lòng, nổi nóng. Đối mặt với những sự tình này cần phải có khí lượng đủ lớn.

Nhìn chung, từ xưa đến nay, phàm là những người thành tựu được việc lớn, được lưu danh sử sách đều phải là những người có khí lượng rộng lớn. Nếu như không có khí lượng đủ lớn, Tư Mã Thiên sau khi bị cung hình sẽ không thể gánh nổi tủi nhục mà viết ra bộ “Sử ký” có một không hai. Nếu không có khí lượng đủ lớn, Hoàng đế Đường Thái Tông không thể tiếp nhận được những lời can gián thẳng thắn của đại thần mà gây dựng nên thời đại hưng thịnh “Trinh Quán chi trị”. Nếu không có khí lượng đủ lớn, Việt Vương Câu Tiễn không thể chịu đựng được mười năm đau khổ, đem quân đánh Ngô, xây dựng lại bá nghiệp. Đây đều là những tấm gương đại trượng phu ở đời.

Những người khuyết thiếu khí lượng, không thể dung được ai, không thể dung được sự tình gì, thì cho dù tài trí có đủ cũng dễ dàng thất bại, thậm chí là trở thành trò cười cho thiên hạ.

3. Khí tiết

Khí tiết chính là phẩm chất có thể kiên trì chính nghĩa, đứng trước áp lực mà không bị khuất phục. Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh , Văn Thiên Tường đã viết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Xưa nay hỏi ai mà không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh. Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời. Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã dùng quan to lộc hậu để dụ Văn Thiên Tường chiêu hàng nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.

Mạnh Tử cũng viết về khí tiết: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, không bị cám dỗ bởi phú quý, nghèo túng không làm thay đổi tiết tháo, không bị khuất phục bởi quyền uy. Đây cũng chính là tiết tháo của người quân tử dù phú quý hay bần hàn.

Còn trong “Lễ ký” thì đưa ra quan điểm: “Lâm tài vật cẩu đắc, lâm nan vật cẩu miễn”, khi đối mặt với tiền tài đừng tùy tiện lấy, khi gặp phải nguy nan đừng tham sống sợ chết mà dễ dàng từ bỏ. Tinh thần khăng khăng chọn theo điều tốt, điều thiện này cũng chính là khí tiết. Tinh thần cao ngạo bất khuất “không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của Đào Uyên Minh khi xưa cũng là khí tiết.

Những người được xưng là nam nhân đại trượng phu thời xưa đều coi khí tiết là huyết mạch của con người. Một người mà mất đi khí tiết thì sẽ trở nên vô giá trị. Làm người phải có nhân cách độc lập, có chuẩn tắc của chính mình, có ý chí của chính mình, không a dua bợ đỡ, không sa vào ham muốn hưởng lạc dục vọng vật chất mà đánh mất phẩm giá của mình.

4. Khí độ

Khí độ của một người thể hiện ở tấm lòng quảng đại và khí phách to lớn. Biểu hiện của khí độ trong cuộc sống chính là đối xử với mọi người một cách hào phóng mà thỏa đáng, thái độ làm người khiêm tốn giản dị mà không giả tạo khoa trương, quang minh lỗi lạc không che giấu tội lỗi của mình, thủ vững sự cao quý của tâm linh, không bị mê hoặc bởi cám dỗ xã hội.

Một người đàn ông có tấm lòng quảng đại và độ lượng sẽ luôn hòa nhã và đoàn kết được mọi người. Cũng từ tâm thái đó mà họ có được một thể chất, tinh thần vui vẻ, tráng kiện. Một người có khí phách và lòng can đảm sẽ gặp biến mà không sợ, lâm nguy mà không hoảng. Họ có thể dùng ý chí kiên trì không lay động của mình để thành tựu chính mình, đồng thời cũng truyền được cảm hứng và cảm hóa được người khác.

Nếu như Hàn Tín không có được khí độ “chịu nhục chui háng” mà tuốt kiếm tương đấu với kẻ vô lại kia thì rất có thể ông sẽ không là đại tướng quân của Lưu Bang, giúp nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Cho nên, một người muốn thành tựu được nghiệp lớn thì nhất định phải dưỡng được đại khí độ.

5. Khí chất

Khí chất là phong cách, đặc trưng tương đối ổn định của một người. Nó không thể ngụy trang mà ra được, nó cần phải được tu luyện mà thành. Khí chất không phải trang sức bên ngoài mà là ý vị ở bên trong toát ra ngoài. Sự vững vàng kiên nghị của đàn ông là khí chất, sự ôn nhu lương thiện của người phụ nữ cũng là khí chất.

Kiến thức và kinh nghiệm có thể chuyển hóa thành khí chất. Tính cách cởi mở, tự nhiên phóng khoáng thể hiện ra một loại khí chất của trí tuệ. Tính cách nhu thuận, ôn tồn lễ độ thể hiện ra khí chất thanh cao. Tính cách khoát đạt, phong cách hào phóng thể hiện ra khí chất thẳng thắn. Tính cách vững vàng, không chịu khuất phục thể hiện ra khí chất kiên nghị. Tính cách ôn hòa, phong thái lễ độ thể hiện ra khí chất điềm tĩnh…

Vô luận là trí tuệ, sự thanh cao hay thẳng thắn, kiên nghị, điềm tĩnh đều có thể khiến người khác sinh ra một mỹ cảm nhất định. Mỹ cảm chính là một loại biểu hiện bên ngoài của khí chất, chính là người có phẩm chất tốt, có tính tu dưỡng cao, người đáng tin cậy, đáng kính trọng, một nam nhân đại trượng phu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: