Cổ ngữ nói: “Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, phú quý truyền gia, bất quá tam đại”, ý nói đạo đức có thể truyền lại cho đời sau đến mười đời không hết, nhưng truyền lại phú quý giàu có thì bất quá chỉ đến ba đời là hết. Bởi vậy, giáo dục phẩm chất đạo đức đối với con cái rất được cổ nhân xem trọng. Điều mà các gia đình phúc dày, “hưng thịnh mãi không suy”, thường để lại cho con cái là những gia quy, gia huấn, lời khuyên, chứ không phải của cải vật chất.

5 lời khuyên răn tạo phúc cho đời sau của cổ nhân
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong “Chu Tử gia huấn”, có rất nhiều câu nói chứa đựng bài học làm người sâu sắc, là những lời khuyên đáng giá học hỏi.

Câu thứ nhất

Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai chi bất dịch
Bán ti bán lũ, hằng niệm vật lực duy gian.

Tạm dịch:

Một bát cháo, một bát cơm, phải nghĩ rằng kiếm được không dễ
Nửa sợi tơ, nửa sợi vải, phải nhớ rằng làm ra rất khó.

Cổ nhân thường dạy bảo con cái, mỗi một bát cơm, bát cháo ăn hàng ngày, đều phải nhớ rằng làm ra được nó là việc không dễ dàng. Mặc trên người bộ quần áo phải biết rằng làm ra mảnh vải thật vô cùng khó khăn. Bởi vậy, làm người phải biết cần kiệm, thỏa mãn và biết tích phúc.

Trong chữ “phúc” (“福”), bên trái là chữ “y” (“衣) – y phục, quần áo; bên phải là chữ “điền” (“田”) – ruộng. Một người có quần áo, có ruộng đất, tức là có cơm ăn áo mặc, thì đó đã là niềm may mắn hạnh phúc vô cùng rồi, cần phải biết trân quý.

Điều kiện sinh sống ngày nay đã khác xưa, vật chất phong phú. Trẻ con ngay từ nhỏ đã có đầy đủ mọi thứ cần thiết, không phải vì cái ăn cái mặc mà lo nghĩ. Chính vì không phải trải qua ngày tháng lo lắng cái ăn cái mặc nên trẻ thường dễ dàng dưỡng thành thói quen lãng phí. Khi cái ăn không hợp khẩu vị liền vứt bỏ, quần áo không hợp kiểu cách cũng vứt bỏ. Đây quả thực là tiêu hao phúc báo của chính bản thân mình.

Phật gia giảng rằng, phúc khí cả đời của một người là có định số. Tuổi trẻ tùy tiện lãng phí thì khi về già sống nghèo khổ. Do đó nhất định phải giáo dục con cái cần kiệm, biết ơn mới có được phúc trạch lâu dài.

Câu thứ hai

Vật tham bất trắc chi tài, vật ẩm quá lượng chi tửu.

Tạm dịch:

Chớ tham lam của cải ngoại ý, chớ uống rượu quá say sưa.

Lời khuyên rằng làm người đừng tham của cải bất trắc, không lường trước mà có được. Bởi vì điều đó dễ dàng khiến người ấy gặp tai ương, tham của cải bất nghĩa là gieo mầm tai họa.

Cổ nhân có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, tức là người quân tử quý trọng của cải nhưng nhận phải có đạo, không tùy tiện nhận bừa. Tiền tài phú quý là điều mà mỗi người đều muốn có được. Nhưng thông qua những thủ đoạn và việc làm bất chính mà có được tiền tài thì chỉ e tiền tài có trong tay mà không thể hưởng thụ.

Một người sở dĩ không vui vẻ, thường không phải bởi vì có được ít, mà là vì dục vọng quá nhiều. Người có thể coi nhẹ tiền tài, giảm bớt dục vọng, lòng tham mới có thể giữ mình cương trực mà có được phúc báo cho đời sau.

Trong “Đại bàn niết bàn kinh” viết: “Tửu vi bất thiện chư ác căn bổn, nhược năng đoạn trừ, tắc viễn chúng tội”, rượu là cái gốc của bất thiện, của cái ác, nếu có thể bỏ được rượu thì chính là đã rời xa tội lỗi. Say rượu không chỉ làm tổn thương tỳ vị mà còn dễ dàng động chạm đến thị phi. Rượu khiến người ta loạn tính nên dễ dàng xảy ra tranh cãi, nhiều bi kịch và mâu thuẫn tới đột ngột đều do rượu mà ra.

Câu thứ ba

Giá nữ nhu trạch giai tế, vô tác trọng sính
Thú tức nhu cầu thục nữ, vật kế hậu liêm.

Tạm dịch:

Gả con chọn rể hiền, chớ nặng về đòi sính lễ
Chọn dâu cần gái nết, chớ tính kế hậu liêm.

Khi gả con gái cho một người con trai, cần xem xét, coi trọng phẩm đức của người đó hơn là sính lễ mà người đó mang đến. Khi chọn con dâu cần phải lựa chọn cô gái hiền lương hơn là của hồi môn mà người đó mang theo.

Khi lựa chọn thông gia, cần phải suy xét đến nề nếp gia giáo của đối phương hơn là điều kiện kinh tế gia đình. Ngày nay, “môn đương hộ đối” phần lớn thường được dùng để chỉ việc hôn nhân đôi lứa xứng đôi, chỉ việc hai gia đình thông gia phải có sự ngang nhau về nhà cửa, của cải, và tương đương nhau về địa vị xã hội. Nhưng cổ nhân coi trọng “môn đương hộ đối” là suy xét một cách tổng thể các phương diện chứ không phải chỉ chú trọng vào hoàn cảnh kinh tế gia đình hay địa vị để kết thông gia.

Câu thứ tư

Tổ tông tuy viễn, tế tự bất khả bất thành
Tử tôn tuy ngu, kinh tịch bất năng bất độc.

Tạm dịch:

Tổ tông dù xa, nhưng thờ cúng là không thể không thành tâm
Con cháu dù ngu, nhưng kinh sách không thể không tìm đọc.

Người xưa cúng tế tổ tiên là để thể hiện lòng thành kính, biết ơn hơn là cầu mong đạt được điều gì đó. Làm người không thể quên cái gốc của mình, tế tổ là để gìn giữ huyết mạch dòng họ, để noi theo những đạo đức tốt đẹp của tổ tiên.

Tục ngữ có lời khuyên: “Tích tiền bất như giáo tử, nhàn tọa bất như khán thư”, tức là tích tiền không bằng dạy con, ngồi nhàn rỗi không bằng đọc sách. Một đứa trẻ thông minh hay không do di truyền quyết định, sức người khó khống chế nhưng hoàn cảnh học tập lại là do gia đình cung cấp. Người xưa nói, gia tài bạc triệu không bằng kinh thư một quyển, giáo dục con cái mới là đạo gia truyền.

Câu thứ năm

Nhân sự tương tranh, yên tri phi ngã chi bất thị? Nhu bình tâm ám tưởng

Tạm dịch:

Việc tranh chấp với nhau, biết đâu mình đây là người không phải, nên bình tâm suy nghĩ.

Giữa người nhà với nhau khó tránh khỏi việc vì những điều nhỏ nhặt mà sinh ra tranh chấp. Cho nên, khi gặp chuyện không cần trốn tránh trách nhiệm mà cần phải bình tâm tĩnh khí cẩn thận cân nhắc: “Xảy ra chuyện như vậy có phải hay không là do lỗi của bản thân mình?” Khi mỗi người đều suy xét lại mình thì mâu thuẫn tự nhiên cũng sẽ được hóa giải và cảnh nhà ngày càng hòa thuận hơn.

Gia đình hòa thuận thì mọi sự mới hưng, các thành viên trong gia đình phải hiểu cho người khác, thông cảm và nhường nhịn người khác, “trên kính dưới hòa”, “trên hiếu dưới đễ” (hiếu thảo với người trên, nhường nhịn người dưới) mới có thể hòa thuận. Nếu trong một gia đình mà tràn ngập thị phi và tranh chấp thì rất bất lợi, gia cảnh ngày càng suy, càng không thể tạo phúc được cho đời sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: