Trải qua 5000 năm lịch sử, Trung Hoa có rất nhiều điều thần bí, đến nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Một trong những điều thần bí ấy là có một số nhân vật lịch sử dù nổi tiếng, nhưng đến cuối cùng không ai biết được hành tung của họ, không biết rốt cuộc họ đã đi đâu. 5 nhân vật biến mất bí ẩn như vậy bao gồm: Lão Tử, Tây Thi, Từ Phúc, Kiến Văn Đế và Dương Quý Phi.

Lão Tử cưỡi trâu xanh ra Hàm Cốc quan

Lão Tử sống vào khoảng giữa năm 571 – 471 TCN, là một bậc Giác giả cổ đại, để lại cuốn sách Đạo Đức Kinh năm ngàn chữ rồi cưỡi trâu xanh ra cửa Hàm Cốc không trở về. Đạo Đức Kinh trở thành nền tảng quan trọng nhất của Đạo giáo sau này. Lão Tử cũng được Hoàng đế nhà Đường truy phong là thủy tổ họ Lý. Cho đến nay, việc Lão Tử  rốt cuộc đã đi đâu thì vẫn mãi là một ẩn đố.

Vài nhân vật "mất tích" bí ẩn trong lịch sử Trung Hoa
(Tranh minh họa: Widodo, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Có thuyết nói rằng, rất có thể Lão Tử đã đi qua vùng sa mạc và đến Ấn Độ. Cũng có người nói rằng Lão Tử lúc về già đã dừng chân ở Lâm Thao, Cam Túc. Sau khi quy ẩn, đã “phi thăng” ở đài Siêu Nhiên, Lâm Thao…

Dù có nhiều giả thuyết như vậy nhưng rốt cuộc cuối cùng Lão Tử đã đi về đâu thì cho đến nay vẫn không có lời giải đáp cuối cùng.

Tây Thi đi theo Phạm Lãi hay chết theo Phù Sai

Tây Thi là mỹ nữ của nước Việt. Tây Thi sinh ở thôn Trữ La, Chư Kỵ, Chiết Giang vào cuối thời Xuân Thu, có vẻ đẹp trời sinh “chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn”.

Vài nhân vật "mất tích" bí ẩn trong lịch sử Trung Hoa
Tây Thi, minh họa trong bộ “Họa lệ châu tụy tú”. (Tranh: Public Domain)

Theo truyền thuyết, sau khi nước Ngô bị vong, Tây Thi đã cùng với Phạm Lãi lên thuyền đi vào Thái Hồ. Phạm Lãi sau này trở thành Thương Thánh Đào Chu Công, một thương nhân thành công tột độ, giàu có như một quốc gia. Nhưng trong truyện về Đào Chu Công được lịch sử ghi chép lại thì không thấy có nhắc về Tây Thi.

Còn có một câu chuyện khác là sau khi nước Ngô bị diệt vong, Tây Thi đã chết dưới sông. Cũng có người cho rằng sau khi Ngô Vương chết, Tây Thi cũng theo ông để trọn nghĩa.

Nhưng kỳ thực, trong sử sách không ghi chép rõ ràng, nên rốt cuộc Tây Thi đã đi về đâu vẫn còn là một bí ẩn ngàn năm.

Từ Phúc vượt biển tìm tiên đan

Từ Phúc là người quận Lang Nha, đất Tề. Ông là người học rộng tài cao, thông hiểu y học, thiên văn, hàng hải… Thời Thủy Hoàng Đế thống nhất Trung Hoa, Từ Phúc dâng thư nói rằng trên biển có Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu ba ngọn núi tiên, có thần tiên cư ngụ ở đó. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã sai Từ Phúc dẫn theo hàng ngàn nam nữ chưa kết hôn, cùng với lương thực, quần áo, dược phẩm và vật dụng đủ dùng trong 3 năm ngồi thuyền vào biển tìm gặp thần tiên.

Cuộc hành trình này đã hao tốn rất nhiều của cải. Từ Phúc dẫn theo mọi người ra biển mấy năm trời, nhưng vẫn không tìm thấy thần tiên, ông lưu lại ở núi Lao Sơn sinh sống. Con cháu đời sau của ông đổi sang họ Lao.

Năm 210 TCN, Từ Phúc lại dẫn theo đoàn người ra biển một lần nữa và không còn thấy tin tức.

Vài nhân vật "mất tích" bí ẩn trong lịch sử Trung Hoa
Cổ họa của người Nhật về chuyến du hành của Từ Phúc. (Tranh: Public Domain)
Có thuyết cho rằng Từ Phúc đã chết ở nơi biển cả. Có thuyết cho rằng Từ Phúc đến được một vùng đất tốt đẹp, liền dừng lại và tự lập làm vua, không còn quay trở lại. Có người tin rằng Từ Phúc đã đi đến Nhật Bản. Ở Nhật Bản cũng có rất nhiều truyền thuyết về Từ Phúc.

Nhưng trong sử sách kỳ thực vẫn chưa có một kết luận nào thống nhất. Do đó rốt cuộc Từ Phúc đã đi đâu vẫn là chỗ khó giải của người đời.

Kiến Văn Đế mất tích trong biển lửa

Kiến Văn Đế là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Minh. Sau khi lên ngôi, vì lo ngại thế lực của các phiên vương quá lớn nên đã bắt đầu ra tay tiêu diệt. Nhưng vì thực lực của Yên vương Chu Đệ quá mạnh nên cuối cùng Chu Đệ đã khởi binh làm phản thành công, lên ngôi trở thành Minh Thành Tổ.

Kiến Văn đế đã đi đâu? Đây là việc không ai biết, bởi vì không có ai phát hiện thi thể của Kiến Văn Đế, cũng không có người nhìn thấy Kiến Văn Đế.

Jianwen Emperor 3
(Tranh: Public Domain)

Trong “Minh thực lục, Thái Tông thực lục” có ghi rằng, Chu Đệ sau khi đăng cơ trong chiếu thư gửi cho Triều Tiên đã viết: “Không ngờ Kiến Văn bị gian thần bức ép, tự mình đóng cửa cung rồi phóng hỏa tự sát”. Tuy nhiên sử sách lại không chép một cách chính thống về cái chết này.

Một thuyết pháp khác cho rằng khi thành Nam Kinh bị đánh phá, Kiến Văn Đế từng muốn tự sát, nhưng nhờ sự thuyết phục của thân tín nên ông đã cạo đầu làm tăng, từ đường hầm chạy trốn ra khỏi hoàng cung, mai danh ẩn tích.

Cũng có người cho rằng năm đó sau khi Kiến Văn Đế trốn thoát được, từng ẩn trốn trong chùa Phổ Tế, núi Nguyên, huyện Ngô, Giang Tô. Sau đó, ông đã mai danh ẩn tính ở am Hoàng Giá trên núi Khung Long. Năm Vĩnh Lạc thứ 21, ông đã bị ốm chết ở đây. Thi thể của ông được chôn cất ở trên sườn đồi nhỏ phía sau núi.

Mặc dù có nhiều những giả thuyết như vậy nhưng cũng không có kết luận thống nhất và chính xác rốt cuộc Kiến Văn Đế đã đi đâu.

Dương Quý Phi tự vẫn không thấy xác

Dương Quý Phi tự là Ngọc Hoàn, còn được gọi là Dương Thái Chân (719 –  756). Dương Quý Phi có dung mạo xinh đẹp, giỏi về ca múa, tinh thông âm luật. Dương Quý Phi được người đời sau xưng là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại.

Vài nhân vật "mất tích" bí ẩn trong lịch sử Trung Hoa
Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, tranh của họa sĩ người Nhật, Kano Sansetsu. (Tranh: Public Domain)

Năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755 SCN), An Lộc Sơn lấy cớ thanh trừ Dương Quốc Trung khởi binh làm phản, tiến quân vào Trường An. Năm sau, Đường Huyền Tông dẫn theo Dương Quý Phi và Dương Quốc Trung chạy đến đất Thục. Lúc đi qua trạm Mã Ngôi, cấm quân cùng các quân sĩ đều đòi xử tử Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi. Ngay sau đó họ giết chết Dương Quốc Trung.

Đường Huyền Tông muốn bênh vực Dương Quý Phi vô tội, nhưng cấm quân cùng binh sĩ đều cho rằng Quý Phi là hồng nhan họa quốc, loạn An Lộc Sơn đều là do Quý Phi mà nên. Đường Huyền Tông vì để bảo toàn bản thân, bất đắc dĩ đành phải xử tử Dương Quý Phi. Cuối cùng Dương Quý Phi được ban một dải lụa trắng, treo cổ tự vẫn dưới cây lê. Năm đó, bà 38 tuổi.

Sau khi loạn An Sử được dẹp yên, Đường Huyền Tông đã sai người đi tìm di thể của Dương Quý Phi, nhưng không tìm được. Cuối cùng Dương Quý Phi có chết thật hay không, từ đó về sau tung tích của Dương Quý Phi đã trở thành một ẩn đố của lịch sử.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: