Cổ ngữ nói, tri thức của con người dựa vào học tập mà có, năng lực của con người dựa vào rèn luyện mà ra, còn cảnh giới của con người đến từ sự tu dưỡng. Sống trên đời, làm người cao thượng là cảnh giới cao nhất mà mọi người hướng tới.

5 phẩm chất thường có ở người cao thượng
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

1. Giúp người khác thành công

Người ta phần lớn thường chỉ chú ý đến cái lợi trước mắt, so đo tính toán được mất từng chút một, con đường của họ cũng vì thế mà càng ngày càng trở nên chật hẹp. Ngược lại, người cao thượng biết nhìn xa trông rộng, không vì cái lợi trước mắt mà làm hỏng việc lớn lâu dài. Họ biết hợp tác với người khác để cùng tiến bộ.

Sách cổ viết: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”, tức là người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người. Trong cuộc đời của chúng ta, đừng chỉ nghĩ cách phải chiến thắng người khác, đè nén người khác, vượt xa người khác, bởi vì thực ra chúng ta còn có thể thành tựu người khác. Con người là một quần thể hỗ trợ lẫn nhau, cũng chỉ có thành tựu lẫn nhau mới có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp.

2. Có chừng mực

Người cao thượng hiểu được sự đúng mực, làm gì cũng có chừng có mực, không gây bất hòa, không ngạo mạn, luôn đứng ở nhiều góc độ và cảm nhận của người khác để nhìn nhận sự việc, sau đó đưa ra những hành động phù hợp.

Họ dù biết rõ người cũng không nói hết, vì nói hết thì không có bạn bè. Khi trách người, họ cũng không quá khắt khe, vì quá nghiêm khắc sẽ làm mọi người sợ mà tránh xa. Người cao thượng tôn kính người nhưng cũng không tỏ ra quá thấp hèn, quá khúm núm làm mất đi khí phách và tiết tháo của mình.

Kỳ thực, đối với bất kỳ ai, biết giữ chừng mực cũng là thể hiện trình độ tu dưỡng cao hay thấp. Người không có tu dưỡng luôn làm cho người khác thấy e dè khó chịu, còn người cao thượng lại làm cho người khác cảm thấy thoải mái, gần gũi bởi sự đúng mực của họ.

3. Khoan dung rộng lượng

Trong ngụ ngôn phương Tây có kể lại câu chuyện hai chiếc túi như sau: Lúc tạo ra loài người, thần Prometheus treo vào cổ mỗi người hai cái túi. Ngài ngắm nghía treo sao cho hợp. Túi thứ nhất đựng lỗi của người khác được treo ở trước ngực. Túi thứ hai đựng lỗi của chính mình được treo ở phía sau lưng. Từ đó, con người chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, chứ hiếm khi nhận ra lỗi của bản thân mình.

Những người hẹp hòi vĩnh viễn chỉ có thể nhìn thấy cái túi trước ngực mình mà không thể nhìn thấy cái túi treo sau lưng mình. Nếu một người muốn nhìn thấy cái túi sau lưng mình thì cách duy nhất là phải tu dưỡng bản thân.

Những người chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác thông thường trong nội tâm sẽ tràn ngập sự cay nghiệt. Chỉ khi nhìn thấy được khuyết điểm của bản thân rồi thì họ mới có thể hiểu được thế nào gọi là khoan dung. Người cao thượng sẽ luôn tìm kiếm thiếu sót của mình, cho nên họ thường không để tâm đến thiếu sót của người khác.

4. Kiên định chính mình

Một người có thể kiên định với nguyên tắc của mình mới không bị nước chảy bèo trôi, làm việc không bị phân tâm, có thể tập trung toàn bộ tinh lực để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Người cao thượng có thể kiên định giữ vững đạo lý làm người vì thế họ không dễ dàng bị mê hoặc, dẫn dụ bởi danh, lợi, tình, sắc.

Cổ ngữ nói: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai”, trời sinh ta tất có chỗ hữu dụng, nghìn vàng tiêu hết rồi lại có đến. Bậc thánh nhân, người có đạo đức cao thượng đều kiên trì chính niệm trong lòng. Họ không bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thốn về vật chất, trái lại luôn kiên định với cảnh sống “an bần lạc đạo”, vui với việc giữ gìn đạo nghĩa dù sống trong nghèo khó.

Mỗi người sinh ra trên đời này đều đã có một vị trí thích hợp dành cho bản thân, mỗi người đều là độc nhất vô nhị, bản sự cũng là riêng biệt, vị trí cũng là duy nhất. Vì vậy, kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn thì sẽ có ngày thành công.

5. Trân quý sinh mạng con người

Trong lịch sử, các bậc thánh nhân, minh quân, hiền thần đều coi trọng mạng sống con người. Khi xảy ra thiên tai nhân họa, họ đều đặt mạng sống con người đứng đầu, họ tự trách tội mình và tìm cách để làm sao cứu được dân chúng thoát khỏi tai họa một cách nhanh nhất. Điều này thể hiện rõ trong “tội kỷ chiếu” (chiếu thư trách tội mình) của rất nhiều minh quân xưa như Vua Vũ, Hoàng đế Đường Thái Tông, Hoàng đế Khang Hy…

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: