Tương truyền rằng khi Lão Tử cưỡi trâu xanh ra cửa Hàm Cốc chuẩn bị xuất thế thì quan lệnh Doãn Hỷ đã khẩn cầu Lão Tử truyền thụ Đạo. Vì lời thỉnh cầu này mà Lão Tử đã viết ra Đạo Đức Kinh, một cuốn Thiên thư gồm 5000 chữ lưu truyền lại cho hậu thế. Đạo Đức Kinh chứa đựng trí tuệ thâm sâu của Lão Tử, được đánh giá là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất ở cả phương Đông và phương Tây. Thông qua Đạo Đức Kinh, người đời sau có thể lĩnh ngộ được rất nhiều trí tuệ thâm sâu mà Lão Tử để lại. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ.

6 câu triết lý trong Đạo Đức Kinh ẩn chứa trí tuệ của Lão Tử
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

1. Phú tại tri túc

“Phú tại tri túc”, giàu có ở chỗ “biết đủ”. Ăn bất quá chỉ cầu ăn no, ở bất quá chỉ cần an ổn. Vinh nhục ở cõi hồng trần này kỳ thực đều chỉ là tham dục của người.

Người có tâm biết đủ thì sẽ không truy cầu những gì quá phận, không ham muốn những thứ không thuộc về mình, vì vậy họ không tự tìm đến phiền não.

Một vị triết nhân từng nói: “Con người sở dĩ thống khổ không phải bởi vì mình có được quá ít, mà là bởi vì muốn có được quá nhiều.” Chính bởi vì dục vọng quá nhiều, kết quả tạo thành trong tâm luôn thấy bần cùng. Người tham lam dù giàu cũng nghèo, người biết đủ dù nghèo vẫn thấy giàu có sung túc.

2. Vật cực tất phản

“Vật cực tất phản”, một vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ của giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Đạo lý của “vật cực tất phản” chính là điều gì cũng cần phải có chừng mực, đừng quá cưỡng cầu. Nếu không làm được như vậy sẽ khiến sự tình phát triển theo chiều ngược lại.

Phàm làm việc gì cũng nên lưu lại một phần, nói không thể nói tận, sự tình không thể làm đến tuyệt. Cổ nhân nói: “Lùi một bước suy nghĩ, tất có dư niềm vui”.

“Vật cực tất phản” còn có ý khuyên bảo con người ở vào lúc vô vọng thì càng cần phải hy vọng, bởi vì có thể bước chuyển đang ở ngay trước mắt. Thân ở vào nghịch cảnh chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân, cũng là để chờ đợi thời thế.

3. Thận chung như thủy

Lão Tử nói: “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự”, tức là thận trọng làm việc, dù tới cuối cũng phải như lúc đầu, có thể giữ vững tâm thái ấy thì việc sẽ không bị hư hỏng. Đối với bất kể sự tình gì, trước sau đều phải thận trọng, phải thủy chung bảo trì nhiệt tâm, làm được đến nơi đến chốn.

Cổ nhân nói: “Như lí bạc băng, như lâm thâm uyên”, lúc nào cũng thận trọng như giẫm trên lớp băng mỏng, như đi bên mép vực sâu, lại cũng nói: “Đào lí bất ngôn, hạ tự thành khê”, đào mận không tự khoe mình nhưng nhiều người đến hái mà thành đường nhỏ dưới gốc cây. Đây đều là đề cao đức tính khiêm tốn, thận trọng.

Người làm việc lớn thì nhất định nên kiên trì trước sau như một, không quên cái tâm thuở ban đầu.

4. Phúc họa tương y

“Phúc họa tương y” là câu nói nổi danh nhất của Lão Tử, vừa súc tích ngắn gọn lại lột tả hết bản chất mối quan hệ của phúc và họa.

Ẩn chứa sau lưng bất kể sự phồn thịnh nào cũng đều là nguy cơ, mà bản thân nguy cơ cũng lại chứa đựng hy vọng giải thoát khỏi khốn cảnh. Khi gặp họa, cần phải bình tĩnh đối đãi, thuận theo tự nhiên, khi hạnh phúc tới phải thản nhiên không hoan hỷ quá mức.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh không được như ý, gặp phải thất bại và bất lợi, cần phải từ trong mối nguy ấy mà tìm được biện pháp giải quyết, không nên ở trong khó khăn mà đánh mất động lực.

5. Tự tri chi minh

Lão Tử cho rằng một người biết được bản thân thì mới là người minh trí. Thế nhưng thấy khuyết điểm ưu điểm của người thì dễ mà phân tích bản thân lại là việc rất khó, cho nên mới có câu: “Con người quý ở tự biết mình”.

Trên cửa chính của một ngôi đền Hy Lạp cổ có khắc một câu châm ngôn, đại khái ý từ là “Nhận thức chính mình”. Người Hy Lạp cổ cho rằng đó là lời Thần dụ, là để căn dặn người, cũng là biểu tượng cao nhất của trí tuệ.

Có thể nói “tự biết mình” là một việc vô cùng quan trọng. Chỉ có chân chính hiểu biết ưu điểm và khuyết điểm của bản thân mới có thể phát huy được sở trường và tránh được sở đoản.

6. Thiên lý chi hành thủy vu túc hạ

Lão Tử đã dùng rất nhiều ví dụ để nói lên rằng sự vật luôn phát triển từ nhỏ đến lớn. Ông nói: “Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”, cây to dùng hai tay mới ôm hết là từ cây non nhỏ bé sinh trưởng thành, đình cao chín tầng là được xây từ một mô đất, hành trình hàng ngàn dặm xa như vậy cũng là được bắt đầu từ bước chân.

Thời cổ đại có rất nhiều học giả có học vấn uyên bác và tài hoa xuất chúng. Nhưng hầu hết không phải là thành quả một sớm một chiều, cũng không phải tài năng thiên phú, mà thực tế là kết quả của việc ngồi rách đệm cói, mài mực thủng nghiên.

“Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”, hành trình ngàn dặm được bắt đầu từ bước chân. Câu nói này thể hiện chí hướng của một người, cũng là khuyên bảo người ta lập chí lập nghiệp, nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ làm việc nhỏ, vừa không suy nghĩ viển vông, lại càng không chỉ nói lời khoác lác. Người làm được như vậy thì chính là không ngại gian khó, từng bước từng bước một thực hiện, có vậy mới có thể hoàn thành được mơ ước.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: