Trong cuộc đời mỗi người luôn có những nhân duyên, thiện duyên, ác duyên khác nhau. Có người sẽ coi chúng ta là một chiếc lá vụt lướt qua, nhưng có người sẽ nâng niu chúng ta như một bông hoa đẹp. Dẫu có chuyện gì xảy ra, chúng ta đều nên dùng tâm thái bình thản để đối đãi, trân quý hết thảy, và không thể vì bất cứ điều gì mà đánh mất bản thân mình. Đời người có rất nhiều thứ vĩnh viễn chúng ta cũng không thể có được, nhưng chúng lại không quan trọng bằng những điều sẽ mang đến thống khổ vô cùng nếu mất đi. Cho nên, trong cuộc đời này, có những loại tài phú mà chúng ta cần phải cẩn thận bảo hộ, gìn giữ và trân quý.

6 loại tài phú một người nhất định cần trân quý trong cuộc đời
(Ảnh minh họa: Tooykrub, Shutterstock)

Trân quý phẩm đức của bản thân

Chữ “nhân” viết ra thì đơn giản nhưng làm được lại vô cùng khó. Mà “nhân phẩm” lại là pháp quy làm người căn bản nhất. “Làm người trước khi làm việc”, đây được xem là đạo lý mãi mãi không thay đổi. Một người làm người như thế nào, không chỉ thể hiện ra trí tuệ mà còn thể hiện ra cảnh giới tu dưỡng của người ấy.

Một người cho dù là thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém. “Nhân phẩm” “năng lực” giống như tay trái và tay phải của một người. Nếu chỉ có năng lực không có nhân phẩm thì người ấy không được trọn vẹn, đầy đủ. Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như “năng lực” được một người có phẩm đức nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có giá trị. Trái lại, nếu “năng lực” được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến nguy hiểm gì.

Trong xã hội hỗn loạn ngày nay, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn”, nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu một chút thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo.

Trân quý cha mẹ

Hiếu là gốc rễ của mọi đức hạnh. Từ xưa đến nay, hiếu đạo luôn là mỹ đức tốt đẹp của con người. Điều thiện có rất nhiều, nhưng không gì sánh bằng chữ hiếu. Con người chúng ta đều là do cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng. Chúng ta ai cũng hiểu rằng, mỗi người cha, người mẹ đều không phải là một người hoàn hảo, đều có khuyết thiếu này khuyết thiếu khác. Tuy nhiên đây thường là điều để rất nhiều người lấy làm lý do mà không hiếu thuận với cha mẹ mình.

Ví như có người cha tính tình nóng nảy, thô bạo, có người mẹ “nặng bên này nhẹ bên kia”, có người mẹ có quan niệm lạc hậu, có người mẹ trí tuệ thấp kém, có người còn có thân thể không được lành lặn, đủ đầy… Đặc biệt, cha mẹ khi về già thì tính tình càng khó, sinh hoạt thay đổi, bệnh tật triền miên… Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ cũng là đối tượng đầu tiên nhất trong quá trình trưởng thành, làm người tốt của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều phải bắt đầu từ chỗ thấu hiểu bậc sinh thành mà học tập cách bao dung và thương yêu.

Vô luận cha mẹ là người ra sao, chúng ta đều phải yêu thương, hiếu thuận và kính trọng họ. Một người mà ngay cả đến cha mẹ mình cũng không bao dung nổi thì khẳng định đó là người quá tính toán chi li, là “tiểu nhân” lòng dạ hẹp hòi. Người không có khí phách lớn, không rộng lượng thì sao có thể làm thành được đại sự? Cho nên, thời xưa, các vị Hoàng đế khi tuyển chọn quan viên đều phải đặt “hiếu tâm” lên vị trí hàng đầu. Khi tuyển chọn bạn bè để kết giao, người xưa cũng nhất định phải đem “hiếu tâm” đặt lên vị trí đầu tiên. Phải xét xem, con trai đối với cha mẹ có ý thức trách nhiệm hay không, con gái đối với cha mẹ có dịu hiền ngoan ngoãn hay không.

Trân quý người thầy dạy dỗ mình

Trong “Sư thuyết” của Hàn Dũ có câu rằng: “Người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hoá giải những điều còn mê hoặc”. Đạo làm thầy không đơn giản chỉ là làm một người thợ dạy học, mà còn phải truyền thụ cho học sinh đạo lý đối nhân xử thế và phẩm chất quý giá là chủ động học hỏi.

Con người có 3 sinh mệnh, một là sinh mệnh do cha mẹ sinh ra, hai là sinh mệnh do người thầy tạo ra, ba là sinh mệnh do tự mình lập nên. Cha mẹ sinh thân này, thầy cô tạo linh hồn này, sau đó tự mình lập mệnh này. Cho nên người làm thầy chẳng khác nào cha mẹ tái sinh, một ngày làm thầy cả đời làm cha, hay còn gọi là Sư phụ (thầy cha).

Người đi học chú tâm học hành đã là một lẽ, nhưng tìm được người thầy dạy làm ăn dễ hơn tìm được người thầy dạy làm người. Cho nên người làm thầy liên quan tới sinh mệnh của con người, liên quan tới việc kế thừa việc học của thánh nhân, liên quan tới thái bình của thiên hạ. Học trò thành người, thiên hạ ắt sẽ hướng tới Đức. Người thầy chân chính có chí hướng cao xa, “Vì trời đất mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh, vì thánh nhân xưa mà kế tục tuyệt học, vì vạn đại mà khai mở thái bình”. Do đó tìm được người thầy chân chính trong cuộc đời rồi thì học trò nhất định cần phải trân quý. Trò tôn quý thầy, thầy quý mến trò.

Trân quý những người bạn

Mạnh Tử nói: “Bạn bè đến với nhau không cậy lớn bé, không cậy để có địa vị, cũng không cậy để có anh em gần gũi. Bạn bè là kết bạn về đức hạnh, không phải là để cậy nhờ điều gì”. Con người ta sống ở đời không thể tách rời bạn bè. Tình bằng hữu giữa bạn bè với nhau chính là hoa trái được kết tinh từ mối quan hệ giao tế giữa con người với con người, nó có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những người có cùng chí hướng sẽ tự nhiên ở cùng nhau, tác động, ảnh hưởng đến nhau. Nếu một người kết giao vì lợi ích cá nhân, vì để lợi dụng quyền thế, thì người bạn kia cũng không thể tận nghĩa với người ấy được. Vì vậy, trong kết giao, nếu muốn có một người bạn thực sự ở bên mình trọn đời thì phải lấy đạo nghĩa làm trọng.

Bạn bè không nhất định phải là người hoàn mỹ, chỉ cần có thể đồng cam cộng khổ, giúp nhau lúc hoạn nạn, đối xử chân thành thì đã là một người bạn thân tình thực sự. Chúng ta hiểu rằng, trong cuộc đời này, gặp được ai thì đều là vì duyên phận. Đặc biệt, những người có thể ở bên mình, chia ngọt xẻ bùi, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, thì ấy chẳng phải duyên phận đáng quý sao?

Trân quý con cái

Trẻ con là nhân duyên, là tìm đến cha mẹ để có nơi nương tựa. Trong mắt trẻ, cha mẹ chính là bầu trời. Vì thế, cha mẹ nên quan tâm đến con, cho chúng cảm giác an toàn, cho chúng hoàn cảnh ban đầu tốt đẹp, trợ giúp chúng bước đi vững chắc trên con đường nhân sinh.

Là cha mẹ, ai cũng đều hy vọng con mình thành tài, có tương lai. Có câu: “Phía sau những người đàn ông thành đạt thường có bóng dáng của một người phụ nữ”, vậy thì phía sau sự thành công của trẻ, chắc chắn có những bậc phụ mẫu thành công. Việc cha mẹ dưỡng dục, dẫn dắt con trẻ thế nào vô cùng quan trọng.

Yêu thương trẻ chính là dạy trẻ cách làm người, tôi luyện cho trẻ khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi trong cuộc sống. Bởi lẽ cha mẹ chỉ có thể cùng con đi một chặng đường, chặng đường đời rất dài còn lại, chúng phải tự mình bước đi. Sự trưởng thành của trẻ mới thực sự khiến các bậc cha mẹ yên lòng. Đây cũng là trân quý con cái một cách đúng đắn.

Trân quý tín ngưỡng của bản thân

Ngày nay, bị ảnh hưởng bởi sự tự hào về những khám phá khoa học và nền văn minh vật chất, con người dường như ngày càng rời xa tín ngưỡng. Nhưng có một thực tế cần chỉ ra là những nhà khoa học lỗi lạc nhất đều là người có tín ngưỡng, tin vào thuyết hữu thần.

Nghiên cứu khoa học và tín ngưỡng vào Thần của cá nhân không phải là mối quan hệ như nước với lửa. Một lượng lớn những nhà khoa học lưu danh sử sách đều có tín ngưỡng tôn giáo: Kepler – người đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại, Boyle – nhà tiên phong của hóa học hiện đại, Faraday – người phát hiện ra nguyên lý điện giải, Morse – nhà phát minh ra điện báo, Maxwell – người phát hiện ra sự tương đương giữa cơ và nhiệt, Master – nhà phát minh ra lý luận điện từ, Dalton – người được vinh danh là cha đẻ của lý luận nguyên tử, Mendel – người đặt nền móng cho di truyền học hiện đại, Fleming – người phát minh ra thuốc kháng sinh Penicillin, Pasteur – người sáng lập ra vi sinh vật học, đều là những tín đồ tôn giáo thành kính…

Tín ngưỡng là điều cho phép con người tìm kiếm được sự an tĩnh về tâm linh. Con người bởi vì có tín ngưỡng mới biết được ý nghĩa, tương lai và chốn trở về chân chính của sinh mệnh. Cổ nhân cho rằng, đó là con đường mà Thần Phật Chúa chỉ ra, để con người không bị mê lạc mất.

Pháp luật chỉ có thể ước chế được hành vi bên ngoài, không thể khiến con người có tín phục và kính sợ trong tâm. Ở vào thời điểm người khác không nhìn thấy, họ lại có thể làm những việc phạm pháp, vi phạm đạo đức. Còn tín ngưỡng là tâm pháp để câu thúc con người, tất cả các chính giáo thông qua việc thức tỉnh lương tri của mọi người, giúp họ nhận thức chính xác được chân nghĩa của đời người, của sinh mệnh thậm chí ý nghĩa của toàn vũ trụ, đạt tới ý thức đạo đức tự giác một cách cao độ. Tín ngưỡng giúp mọi người từ trong công danh, lợi lộc, tham dục siêu thoát ra ngoài, cố gắng hoàn thiện đạo đức, khiến sinh mệnh bản thân có được tương lai tốt đẹp, có được hạnh phúc chân chính. Do đó, tín ngưỡng là điều hết sức trân quý đối với mỗi từng sinh mệnh trong cuộc đời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: