Khi nội tâm của một người đủ lớn mạnh thì vô luận bên ngoài có phát sinh sự tình gì người ấy đều có thể tự tin và thong dong ứng đối. Nhưng nội tâm lớn mạnh cần phải tu hành mới có được. Trong “Cách ngôn liên bích” viết: “Luyện tâm khi khó, dưỡng tâm khi tĩnh, giữ tâm khi thiền, nghiệm tâm khi hành, xét tâm khi nói, chế tâm khi động”. Làm được sáu điều này, nhân sinh vững vàng, nội tâm cường đại và mọi việc thông thuận, bớt phiền toái.

6 phương pháp tu tâm trong "Cách ngôn liên bích"
(Ảnh minh họa: 4045, Shutterstock)

Luyện tâm khi khó

Vương Dương Minh từng nói: “Càng là lúc gian khổ thì càng là lúc tu tâm”Đối mặt với hoàn cảnh càng tồi tệ thì chúng ta càng cần thủ giữ nội tâm của mình. “Cảnh chuyển mà tâm không chuyển”, đó chính là đạo tôi luyện nội tâm. Rất nhiều người trẻ tuổi không thể bình tĩnh và ổn định được nội tâm của mình, luôn tìm kiếm những lý do bên ngoài khiến mình động tâm, cho rằng chính ngoại cảnh đã làm ảnh hưởng tới tâm của mình. Nhưng họ không biết rằng đó chính là bởi vì tâm của mình tôi luyện chưa đủ vững.

Vương Dương Minh lúc 24 tuổi bị rớt một lần nữa trong kỳ thi Hội. Nhiều người thi không đỗ liền suy sụp, chán nản thậm chí từ bỏ, nhưng Vương Dương Minh vẫn giữ được nét mặt không biểu cảm gì, tâm chí không hề lay động. Các bạn đồng niên còn tưởng rằng ông vì quá đau lòng nên mới thể hiện ra dửng dưng như vậy nên đến an ủi ông. Nhưng Vương Dương Minh lại mỉm cười nói: “Mọi người cho rằng thi rớt là một nỗi sỉ nhục, nhưng tôi lại cho rằng thi rớt mà làm động đến cái tâm chí của mình mới là nỗi sỉ nhục.”

Con người sống trên đời nhất định sẽ gặp nhiều lúc gian nan khốn khổ. Chính vào những lúc khốn khổ khó khăn ấy càng thể hiện ra mức độ tu dưỡng của một người. Một người bình thường gặp phải khốn cảnh sẽ đau lòng, chán nản thậm chí kêu gào trách móc, còn người có tu dưỡng có thể bình tĩnh thản nhiên đối mặt và vượt qua được.

Vương Dương Minh cho rằng một người cần phải nhẫn chịu thì mới có thể đứng vững, mới có thể tĩnh định được. Gian nan khốn khổ chính là hoàn cảnh ma luyện tâm tính của một người. Một người có định lực trong tâm thì mới có thể chân chính trở nên mạnh mẽ.

Dưỡng tâm khi tĩnh

Cổ nhân nói: “Dưỡng tâm quý dĩ tĩnh, đạm bạc nghi vu tính”, thanh tĩnh tốt cho dưỡng tâm còn đạm bạc tốt cho tâm tính. Một người chỉ có bảo trì được sự an tĩnh mới có thể thả lỏng được chính mình, mới có thể thong dong tự tại.

Khi Tô Thức bị giáng chức đến Hàng Châu, ông đã xây dựng cho mình một ngôi nhà cỏ đơn sơ mộc mạc. Ông còn cho mời người đến vẽ xung quanh tường những bông tuyết và gọi đó là Tuyết đường. Bên ngoài phức tạp hỗn loạn, nhưng Tuyết đường lại vắng lặng và giản đơn. Lúc ấy, Tô Thức nhàn nhã đến không có việc gì làm liền ngồi trong Tuyết đường tĩnh tọa. Một mình ông đối mặt với xung quanh tuyết trắng, nội tâm yên ả sung túc.

Không ít người ngày nay luôn bận rộn với mọi việc không có lấy một khắc an nhàn. Tâm linh mệt mỏi và căng thẳng khiến không ít người gục ngã. Khi một người tĩnh lặng lại thì sẽ có thời gian lắng đọng, suy ngẫm và thăng hoa. Cổ nhân nói: “Tĩnh sinh huệ”. Chỉ khi một người tĩnh lặng, người ấy mới có trí tuệ để đối phó với những điều phức tạp. Chỉ khi tâm trí của một người tĩnh lặng, người ấy mới có khả năng quan sát mọi thứ một cách thấu đáo và rõ ràng.

  • Kính mời quý vị xem video: 6 phương pháp tu tâm trong “Cách ngôn liên bích”

Giữ tâm khi thiền

Cổ nhân cho rằng lúc ở một mình thì cầm giữ tâm không dơ bẩn. Ở vào tình huống mà người khác không biết thì phải giữ được chuẩn tắc trong tâm, thủ giữ được ranh giới của đạo

đức nhân sinh.

Tăng Quốc Phiên khi làm Lưỡng Quảng Tổng đốc, có một huyện lệnh đã biếu ông một bộ chữ thư pháp vô giá của Vương Hy Chi. Buổi tối, Tăng Quốc Phiên lấy ra xem kỹ, sau đó trả lại cho huyện lệnh và nói: “Báu vật thế gian, không dám lấy bừa”.

Tăng Quốc Phiên dù làm quan vài thập niên nhưng trong nhà không dư dả. Con trai của ông là Tăng Kỷ Hồng từng phải nhiều lần vay tiền để khám chữa bệnh cho người nhà. Hậu nhân khen ngợi Tăng Quốc Phiên thực sự không hổ danh là một đại Nho gia. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Thận độc tắc tâm an”, nghĩa là thận trọng khi ở một mình thì tâm được an ổn.

Một người chỉ có bảo vệ lương tâm của mình, trên không hổ thẹn với Trời, dưới không hổ thẹn với Đất thì mới có thể sống ung dung tự tại đối mặt với Trời Đất và con người. Một người giữ được mình trước sự hấp dẫn của lợi ích, giữ được nội tâm thanh sạch thì cũng chính là đã giữ được nhân cách và sự tôn nghiêm của mình.

Nghiệm tâm khi hành

Cổ ngữ nói: “Bất vong sơ tâm, phương đắc thủy chung”, ý nói không quên tâm nguyện lúc ban đầu, mới có thể vẹn toàn trước sau. Tô Thức khi nhỏ đã lập chí quyết trở thành một người chân thành và chính trực. Sau khi lớn lên, vô luận là lúc ở triều đình hay khi về quê hương dân dã, ông đều không quên lý tưởng của mình. Ông không sợ bị giáng chức, bị chuyển đi đến nơi xa hàng ngàn dặm. Lưu lạc cả đời, ông vẫn không thỏa hiệp với cái xấu, không kết bè kết đảng, trước sau đều bảo trì sự chân thành và thiện lương của mình.

Làm người, đừng chỉ vì đi được xa mà quên mất chính mình vì điều gì mà xuất phát. Con người, khi làm việc gì cũng đều phải suy xét lại mình, phản tỉnh lại mình, ngẫm lại nguyên nhân ban đầu vì sao mình lựa chọn con đường ấy. Không nên vì chút khó khăn, vì chút lợi ích hay danh vọng mà đánh mất bản thân mình.

Xét tâm khi nói

Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, càng nói nhiều, tai họa càng nhiều. Hoàng đế Hiền Phong nhà Thanh ra lệnh cho tất cả các quan lại đưa ra lời hiến kế. Tăng Quốc Phiên liền dâng tấu chương, không chút khách khí chỉ trích Hoàng đế đã phạm phải ba lỗi. Hoàng đế Hàm Phong vô cùng tức giận, muốn xử chém Tăng Quốc Phiên ngay tại chỗ. May mắn có người nói tốt cho Tăng Quốc Phiên nên ông mới thoát được.

Hoàng đế tất có uy nghiêm của Hoàng đế, thần tử tất phải có sự khiêm cung của thần tử, không nhất thiết phải bộc trực quá mức. Điều quan trọng chính là làm sao lời khuyên có thể đi vào lòng người khác. Bởi vậy sau khi trải qua sự tình này, Tăng Quốc Phiên hiểu ra và nói năng càng ngày càng thận trọng hơn, thời thời khắc khắc đều chú ý đến lời nói và việc làm của mình, không để xảy ra sai sót. Mỗi ngày, ông đều ghi chép lại những lời nói và việc làm trong ngày của mình vào nhật ký, sau đó nghiền ngẫm lại mình, tu sửa lại mình.

Một người, làm việc không thể tùy tâm, nói chuyện không thể tùy miệng. Trước khi nói nhất định phải sàng lọc qua ở trong đầu mình một lượt xem lời nào nên nói lời nào không. Hiểu được cần thận trọng nói năng, hợp thời giữ im lặng là phương pháp tốt để giữ mình.

Chế tâm khi động

Khổng Tử nói: “Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”, người ta khi làm gì thì cần không mang truy cầu, không phỏng đoán vô căn cứ, không tự cho là đúng, lại phải khách quan lý tính, quên đi bản thân, xem xét ở góc độ của mọi người.

Cổ nhân nói: “Ác bất khứ thiện”, chính là nói không thể dùng yêu ghét cá nhân để luận thị phi, nhận định phẩm hạnh. Người hay vật mà mình thích chưa chắc đã là phù hợp nhất, vì vậy đừng để tình cảm làm mờ mắt, để cảm xúc làm mê lạc. Chỉ có khắc chế được cái tâm tùy tiện của bản thân và làm mọi việc theo quy luật thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp.

Đời người suy cho cùng chính là một quá trình tu hành, tu hành quý ở tu tâm. Một người chỉ có giữ được nội tâm đầy đủ kiên định, an tĩnh thanh sạch mới có thể chống cự lại mọi bất an và xao động nơi thế gian. Giữ được một nội tâm tốt đẹp, giữ được một thân thể an khang mới có thể sống tốt một đời.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm: