Gia Cát Lượng là người có trí tuệ siêu phàm, tiếng tăm lẫy lừng từ xưa tới nay. Tài trí siêu phàm của ông đặc biệt thể hiện ở kiến thức quân sự, đạo trị quốc và cách lựa chọn người hiền tài.

Hiền tài là gốc rễ của trị quốc

Trong cuốn “Gia Cát Lượng văn tập. Tiện nghi thập lục sách. Cử thố” viết: “Trì quốc chi đạo, vụ tại cử hiền”, ý nói  đạo trị quốc cốt ở dùng người hiền tài.

Trong đó còn viết: “Quốc chi hữu phụ, như ốc chi hữu trụ, trụ bất khả tế, phụ bất khả nhược, trụ tế tắc hại, phụ nhược tắc khuynh”, tức là: Quốc gia phải có bậc hiền tài gánh vác giống như ngôi nhà phải có cột chống đỡ. Cột không thể mảnh, nhỏ, bậc hiền tài gánh vác không thể yếu nhược. Nếu cột mà mảnh thì sẽ gây ra tai nạn, người gánh vác mà yếu nhược thì quốc gia nghiêng đổ.

Nhân tài là gốc rễ của trị quốc. Một quốc gia thiếu nhân tài thì sẽ khó duy trì lâu dài được, dễ đi đến suy vong.

Hiền tài là người như thế nào?

Gia Cát Lượng đưa ra một tiêu chuẩn trọng yếu để đánh giá người tài chính là: “Phù trụ dĩ trực mộc vi kiên. Phụ dĩ trực sĩ vi hiền. Trực mộc xuất ư lâm. Trực sĩ xuất ư chúng hạ”. Ý tứ là cột phải lấy cây thẳng để có sức chống đỡ vững chắc cho ngôi nhà, còn trong việc chống đỡ cho quốc gia cũng phải lấy người ngay thẳng (trực sĩ) làm hiền tài.

Cách nhìn người và lựa chọn hiền tài của Gia Cát Lượng
(Tranh: Kano Oshin, Public Domain)

Gia Cát Lượng cho rằng nhân tài không chỉ vẻn vẹn là có học thức và sở trường mà phải có phẩm đức cao đẹp, không truy cầu danh, không trốn tránh tội, trung thành, chân thật.

Năm Kiến Hưng thứ 5 trước khi Gia Cát Lượng dẫn quân tới Trung Nguyên đã dâng “Xuất sư biểu” lên Hậu chủ Lưu Thiện, nói rõ ý muốn hậu chủ trọng dụng Phí Huy, Đổng Doãn, Hướng Sủng, Trần Chấn, Trương Duệ, Tưởng Uyển… Gia Cát Lượng cho rằng những người này đều là hạ thần trung thành.

Gia Cát Lượng còn nắm rõ nhược điểm của Lưu Thiện, ông từng thành khẩn nói: “Thân cận hiền thần, xa rời tiểu nhân, đây là nguyên nhân khiến Tiên Hán hưng thịnh. Thân cận tiểu nhân, xa rời hiền thần, đây là nguyên nhân khiến Hậu Hán suy bại.”

Bởi vì các tấu chương và hành động của Gia Cát Lượng đều thể hiện rõ lòng trung thành, hơn nữa lời lẽ lại khẩn thiết, chân thành nên khiến người đời sau vô cùng tôn sùng.

  • Kính mời quý vị xem video: 7 cách nhìn người và lựa chọn hiền tài của Gia Cát Lượng

Cách lựa chọn hiền tài

Gia Cát Lượng biết muốn có được nhân tài chân chính là việc không dễ dàng. Bậc quân vương cần phải đi sâu vào trong dân chúng, nơi hiền tài ẩn thân mới có thể tìm được họ. Giống như Chu Văn Vương có được ông lão câu cá Khương Tử Nha, Thương Thang Vương có được người thợ xây Phó Thuyết.

Vì thế, khi lựa chọn nhân tài, Gia Cát Lượng đã đưa ra chính sách: “Huyền thưởng dĩ đãi công, thiết vị dĩ đãi sĩ”, tức là treo giải thưởng để đợi công và thiết lập chức vị để đợi người tài.

Gia Cát Lượng chia binh lính làm sáu cấp bậc, bao gồm tướng nắm giữ mười quân, một trăm quân, một nghìn quân, một vạn quân và mười vạn quân, cao nhất là vị tướng thống trị thiên hạ. Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, phàm là tướng soái cao cấp thì tuyệt đối không phải là người lỗ mãng, thô bỉ. Đồng thời người ấy không chỉ cần có kinh nghiệm đánh trận và kiến thức quân sự mà phải là người toàn tài.

Gia Cát Lượng cũng nói rằng người nhân từ hòa thuận với thiên hạ, tín nghĩa thuyết phục được nước láng giềng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, xem bốn biển là nhà, đây là vị tướng có thể thống trị thiên hạ.

Cách nhìn người của Gia Cát Lượng

Thứ nhất: Dùng đúng sai để hỏi nhằm xem xét chí hướng của đối phương.

Thứ hai: Dùng nhiều câu hỏi để truy vấn xem khả năng ứng biến của đối phương.

Thứ ba: Dùng mưu kế của mình để đánh giá kiến thức của đối phương.

Thứ tư: Đặt ra những tình huống nguy khốn xem dũng khí của đối phương.

Thứ năm: Dùng rượu để xem tính tình của đối phương.

Thứ sáu: Dùng lợi lộc công danh để xem liêm chính của đối phương.

Thứ bảy: Giao việc và cho đối phương tự hẹn khoảng thời gian sẽ hoàn thành để xem chữ tín của họ.

Để phát huy hết hiệu dụng của nhân tài, Gia Cát lượng lập ra cơ quan “Tham thự”, thu thập được ý kiến ở các phương diện, phản ánh lên triều đình. Từ đó cân nhắc lợi hại để lựa chọn kế sách và chính sách hợp lý.

Chính sách lựa chọn người hiền tài của Gia Cát Lượng là rất công bằng. Cho dù là kẻ thù mà nên được khen thưởng, ông cũng nhất định khen thưởng. Đối với người lơ là trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì cho dù đó là người thân cận nhất thì nhất định cũng bị trừng phạt.

Nhờ đạo trị quốc và chính sách lựa chọn, trọng dụng người hiền tài của Gia Cát Lượng mà dưới triều đại Thục Hán chí sĩ hiền tài đều “xuất đầu lộ diện” trợ giúp triều đình.

An Hòa biên tập

Xem thêm: